Cuộc nổi dậy năm 687

Đền thờ Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc

Trong thời gian đô hộ An Nam không ít các quan chức nhà Đường đã lợi dụng danh nghĩa văn hoá bản xứ nhằm phục vụ việc chính thống hoá quyền hành của họ đối với dân chúng địa phương. Theo truyền thuyết, thời Ưng Huệ Vương (650-655), có một vị Đô Đốc nhà Đường tên là Lý Thường Minh nhận thấy Giao Châu đang được thanh bình thịnh trị, bèn lập ở Phong Châu một ngôi đền thờ một vị thần “bảo vệ đất nước” có vẽ chân dung hẳn hoi.

Sau khi đốt nhang, Thường Minh lầm rầm khấn rằng: “Xin các vị thần linh đất nước hãy hiển linh giống chân dung này để chứng giám lòng thành.” Theo Lý Thường Minh kể lại, đêm hôm đó, có hai vị thần hiện về trong giấc mơ của ông; cả hai đều trông giống hệt ảnh thờ! Một vị xưng mình là “Đại Vương”, còn vị kia xưng là “Thành Hoàng” nghĩa là thần linh địa phương.

Lý Thường Minh đề nghị hai vị thần hãy thi thố pháp thuật thần thông để xem ai hơn ai. Vị Đại Vương nói ông sẽ nhảy một bước qua sông Hồng. Nhưng khi ông vừa nhảy sang tới bên kia, đã thấy vị Thành Hoàng đứng đợi ông ở đó rồi! Khi Đại Vương nhảy trở về thì cũng lại thấy như thế cho nên vị thần Thành Hoàng được công nhận là thần thông và cao tay ấn hơn.

Cảnh tượng Đô Đốc Lý Thường Minh chủ toạ việc so tài giữa hai vị thần của đất nước để xem thần nào là thần chủ tể cai quản địa phương nói lên mối tương quan giữa vương quyền Bắc triều và văn hoá bản địa. Việc thần Thành Hoàng thắng thế thần Đại Vương ngụ ý rằng lớp cầm quyền địa phương có vị thế ưu việt hơn đối với tầng lớp dân chúng.

Truyền thuyết này có vào thời mà nền thống trị của nhà Đường đang ở vào thời kỳ trăng mật, tức là lúc mà “phúc lành” của vương triều chưa bị phai mờ bởi những tham quyền nhũng lạm không tránh khỏi sau này.

Trước khi thành lập Đô Hộ Phủ năm 679, rối loạn duy nhất được ghi lại là vụ các bộ tộc người Lao nổi dậy ở châu Minh vào năm 638 nhưng bị Đô Đốc Lý Đạo Ngạn dẹp yên và không bao lâu sau, châu Minh được sáp nhập vào châu Hoan. Tuy nhiên, khi nhà Đường tái lập được trật tự ở vùng biên giới thì lập tức một chính sách độc đoán và thẳng tay áp bức lại tái diễn. Và dĩ nhiên khi bị áp bức và bóc lột quá mức thì dân chúng sẵn sàng nổi lên chống lại ngay.

Năm 676, một lệnh mới được ban ra cho Đô Đốc các châu Quảng (Quảng Đông), châu Quế (Quảng Tây), và châu Giao phải lên phương án tuyển mộ người địa phương vào các chức vụ hành chính. Cứ bốn năm một lần, phải tuyển các lãnh tụ địa phương vào các chức vụ từ ngũ phẩm trở lên vì tổng số những người được bổ nhiệm chính thức từ phương Bắc xuống cùng những người bị biếm chức hay bị lưu đầy không đủ để bố trí vào guồng máy hành chính ngày càng lớn.

Chế độ quan liêu hành chính càng phát triển bao nhiêu thì đạo đức công cộng càng suy sụp bấy nhiêu. Lúc đó thì Hoàng Hậu Võ Tắc Thiên đang thao túng Đường triều với những phát động và âm mưu chính trị khiến tình hình bất an trong các châu quận ngày càng gia tăng. Đô Đốc Quảng Châu xin rút lui khỏi chính quyền vì không thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh các quan tham thi nhau vơ vét đầy túi. Năm 684 xảy ra việc Đô Đốc Quảng Châu ra lệnh bắt giữ tàu buôn của một thương nhân Mã Lai nhưng các thủy thủ dưới tàu đã vùng lên giết được viên Đô Đốc Quảng Châu rồi trốn ra khơi. Cũng vào năm ấy, một cuộc nổi dậy lớn khác bùng lên ở phía Đông Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Lý Kính Nghiệp, cháu nội và là thừa kế của quan đại thần Lý Tích. Khi Lý Kính Nghiệp bị đánh bại, tất cả những quan chức nào đã được thăng quan tiến chức dưới sự bao che của họ Lý đều bị xử tử hay lưu đầy. Một trong những người bị lưu đầy này là Lưu Duyên Hữu.

Khi mới tập tễnh bước vào đường quan lại năm 668, Lưu Duyên Hữu đã khắc cốt ghi tâm lời khuyên của Lý Tích nhắn nhủ ông rằng: “Nhà ngươi tuy còn trẻ mà đã nổi danh, vậy phải hết sức thận trọng, đừng làm gì qua mặt cấp trên.” Sau này vì theo cháu nội của Lý Tích là Lý Kính Nghiệp làm phản nên họ Lưu bị biếm chức làm Đốc Hộ An Nam. Có lẽ trước đó Lý Tích đã nhìn thấy được số mệnh của chàng trai trẻ Duyên Hữu, người mà sau này đã phải bạc mệnh ở An Nam chỉ vì một việc thiếu thận trọng. Trước khi họ Lưu đến làm Đốc Hộ Sứ, thuế má ở An Nam được thu một cách ôn hoà, chỉ bằng phân nửa tiêu chuẩn ở chính quốc. Sự khác biệt này là một sự thừa nhận rằng có các vấn đề khó khăn chính trị liên quan đến việc cai trị một dân tộc phi Trung Quốc. Vì những lý do nào đó mà đến nay cũng chưa được rõ, sau khi nhậm chức Đô Hộ Sứ An Nam, Duyên Hữu quyết định phải thu cho đầy đủ tiêu chuẩn như chính quốc bằng cách ra lệnh tăng số thu thuế các vụ mùa lên gấp đôi số hiện hành.

Bất mãn vì thuế gia tăng gấp đôi nên dân chúng, dưới sự lãnh đạo của Lý Tự Tiến, nổi lên chống lại Lưu Duyên Hữu. Thay vì tìm cách giải quyết một cách êm thắm, Duyên Hữu lại đổ thêm dầu vào lửa khi hạ lệnh giết Lý Tự Tiến. Một đồng bào của Tự Tiến là Đinh Kiên cầm đầu dân chống lại Duyên Hữu và bao vây ông trong Tử Thành. Vì binh sĩ đồn trú của Đường triều ở đó quá ít nên chỉ đủ sức cố thủ để chờ quân cứu viện.

Đô Đốc Quảng Châu bấy giờ là Phùng Nguyên Thường, một kẻ trí trá nên từng bị Đường Cao Hoàng rất ghét, được lệnh đi cứu viện Duyên Hữu. Phùng Nguyên Thường cho quân xuống thuyền ở Quảng Đông rồi thuận buồm xuôi xuống An Nam. Hạ trại đâu đó xong xuôi Nguyên Thường cho binh sĩ đến kêu gọi và trấn an quân nổi dậy với hy vọng tạo được ảnh hưởng và thanh thế ở An Nam sau này vì sai lầm của Duyên Hữu. Nguyên Thường còn khuyên dân chúng hãy giết người cầm đầu rồi theo ông, trong khi chẳng đả động gì đến việc cứu nguy cho Duyên Hữu. Cuối cùng, vào cuối mùa hè 687, loạn quân hạ được Tử Thành và giết chết Duyên Hữu. Phùng Nguyên Thường vội bỏ trốn về châu Quảng, nhưng tướng giữ Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh đã kéo quân xuống, dẹp được cuộc nổi dậy của dân chúng và bắt Đinh Kiên đem ra xử chém.

Vì thiếu sử liệu nên không thể xác minh và đánh giá được tầm mức của việc nổi dậy này. Chỉ biết rằng đó là một cuộc nổi dậy của nông dân được lãnh đạo bởi những người tuyệt đối không ai biết là ai ngoại trừ tên gọi của họ. Cuộc nổi dậy không do giới thượng lưu lãnh đạo để bảo vệ các đặc quyền đặc lợi của họ hay là mưu tìm quyền hành tối cao, như đã từng diễn ra trong những thế kỷ trước mà là dân chúng đã nổi dậy một cách tự phát để phản đối chính sách độc đoán và hà khắc của Đường triều. Nói chung, một biện pháp hành chính không thể gây ra một phản ứng mạnh mẽ như thế trừ phi nó đe doạ nghiêm trọng lên đời sống người dân. Cuộc nổi dậy tuy ngắn ngủi nhưng là bằng chứng hùng hồn về sự phản kháng của dân chúng đối với ách cai trị mà nhà Đường đã áp đặt lên dân chúng Việt Nam. Sau hơn 60 năm dưới sự thống trị của nhà Đường, người Việt Nam đã nổi dậy và bao vây được người Trung Quốc trong một thời gian khá lâu trước khi hạ được thành trì và giết chết các quan chức.

Cũng cần nói thêm rằng việc nổi dậy lần này không phải được phát động bởi một cuộc xâm lăng từ bên ngoài hay là được hỗ trợ bởi sự cộng tác với những bộ tộc miền núi mà là một phong trào nông dân dựa trên hành động của họ để phản ứng đơn thuần đối với một biện pháp hành chính hà khắc. Sự việc này cũng cho thấy nông dân Việt Nam sẵn sàng đi theo các lãnh tụ có khả năng giúp họ chống lại một chính quyền áp bức. Điều này cho thấy sức mạnh, sự đoàn kết và tinh thần quả cảm của xã hội Việt Nam bất chấp ách cai trị tàn bạo của nhà Đường. Có thể nói rằng Lý Tư Hiến và Đinh Kiên là con cháu của những gia đình địa phương có thế lực, và cuộc nổi dậy năm 687 là một cuộc đọ sức giữa những địa chủ địa phương và những quan chức thu thuế. Nhưng theo hồi ký của Lưu Duyên Hữu, những kẻ nổi dậy chỉ là tầng lớp dân chúng hạ lưu. Việc các nông dân nổi dậy trơ trơ trước những lời đe doạ hay vỗ về thuyết phục của Nguyên Thường, một quan chức nhà Đường, cho thấy rõ ràng rằng dân chúng không còn tin tưởng các giá trị và hãi sợ thế lực của Đường triều nữa.

Có thể giả thiết rằng, trong trường hợp bất bình đối với các hành động và cách đối xử của các quan chức Đường, những gia đình có thế lực ở địa phương sẽ có những phương cách, không nhất thiết phải đi đến nổi dậy, mà là tìm cách thoả hiệp với nhà cầm quyền. Việc tăng thuế lên gấp đôi rất có thể không phải là lý do chính dẫn đến nổi dậy vì các gia đình địa chủ lớn chỉ cần tống các gánh nặng thuế lên đầu các tá điền và nông dân, thậm chí về phe với tầng lớp thống trị. Từ những phân tích và nhận định trên chúng ta có thể thấy rằng những đại gia đình có thế lực ở Việt Nam đã bị phần nào cuốn hút vào hệ thống cai trị bất kể đồng bào của họ phải chịu những búa rìu áp bức và bóc lột qua các chính sách thâm độc và cửa quyền của Đường triều.

MAI THÚC LOAN

Có rất ít sử liệu được xem khả tín về những gì đã xảy ra ở An Nam 35 năm sau đó. Năm 693, một cuộc nổi dậy không rõ nguyên nhân đã bùng nổ ở phương Nam, nhưng phần lớn chỉ tập trung ở châu Quảng và dường như không ảnh hưởng gì đến An Nam. Năm sau đó, những bộ tộc Lao ở vùng Quảng Tây ngày nay cũng nổi dậy. Mặc dù cả hai cuộc nổi dậy đều bị dập tắt từ trong trứng nước, nhưng điều này chứng tỏ rằng thế lực của Đường triều đã bị suy yếu ở phương Nam.

Năm 690, Võ Tắc Thiên tuyên bố lập triều đại “Chu”, nghĩa là trên lý thuyết, bà ta đã kết liễu triều đại nhà Đường. Phải mãi đến năm 705, khi Trung Quốc rơi vào cảnh sống dở chết dở, thì Võ Tắc Thiên mới bị buộc thoái vị. Viên Đô Hộ Sứ Giao Châu duy nhất được ghi trong sử liệu thời đó được biết dưới tên là Lưu Hữu. Sách chép rằng Lưu Hữu có gốc từ một gia đình giàu có và “ăn trọn một con gà mỗi bữa cơm.” Sách còn kể rằng “cứ mỗi khi làm thịt một con gà, lão ta lại ra lệnh cho gia nhân nuôi thêm hai con khác vì lúc nào lão ta cũng thích ăn ngon.” Nếu cái cảnh một vị Đô Hộ Sứ An Nam thích ăn thịt gà và ăn nhiều như
thế là đúng thì chúng ta có thể suy ra rằng sau khi dẹp tan được cuộc nổi dậy năm 687 thì giới cai trị Bắc triều càng áp bức trắng trợn hơn nữa vì có lẽ họ tin rằng đó là cách duy nhất để giữ cho người nông dân không dám mảy may manh động. Đạo đức của đám quan tham thời đó suy đồi đến nỗi dưới thời Ching Tsung Hoàng Đế (705-707), quan Đô Hộ Phúc Lâm bị một thuộc hạ giết chết chỉ vì không kham nổi tính tham ô và tàn ác của hắn.

Vào cuối triều đại Ching Lung Hoàng Đế (707-709), Đỗ Minh Cử được bổ làm Đô Hộ Sứ của An Nam. Đỗ Minh Cử dường như đã tạo được thiện cảm trong dân chúng vì tương truyền rằng việc bổ nhiệm ấy được thần nhân, là một người dân An Nam, báo cho ông qua một giấc mộng.

Tuy nhiên trong những năm ấy, quyền hành của nhà Đường dường như ngày càng đi đến chỗ áp bức và bóc lột hơn nữa khiến đại đa số dân chúng ngày càng trở nên bất mãn và tìm cách xa lánh các quan chức. Tình hình đen tối này lại được châm ngòi thêm bởi những biến cố xảy ra ở những nơi khác tại Đông Nam Á đã nhanh chóng dẫn đến một cuộc khủng khoảng mới.

Phần trước chúng ta đã nói đến những người hành hương và những thương nhân thường đi du hành khắp các vùng biển giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào thế kỷ 7 và 8. Khi ấy, đời sống chính trị ở các vùng ven biển đang bước vào một kỷ nguyên mới. Những trung tâm chính trị dọc theo hạ lưu sông Cửu Long, mà nhiều thế kỷ trước đó đã là những vị trí quan trọng trên các hải lộ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, thì nay không còn nữa. Thay vào đó, Java và Sumatra, những tiểu quốc mới mọc lên sau này đang chen vai tìm thế thượng phong.

Vào đầu thế kỷ 8, vương quốc Srivijaya trên đảo Sumatra kiểm soát được các đường hàng hải đi khắp Đông Nam Á. Hạ lưu sông Cửu Long trở thành miếng mồi bị tranh giành và phân chia hết sức hỗn loạn. Cùng lúc đó thì Lâm Ấp cũng trải qua một thời kỳ thay đổi chính trị với trọng tâm quyền lực dần chuyển xuống quá phía Nam. Tình trạng lỏng lẻo ở biên giới kết hợp với tình hình phản kháng âm ỉ ở bên trong An Nam đã châm ngòi cho một mưu toan ngoạn mục nhằm tống khứ quyền lực Trung Quốc ra khỏi miền Nam.

Mai Thúc Loan sinh ra và lớn lên ở một làng ven biển, chuyên sản xuất muối từ đời thượng cổ, ở phía Nam châu Hoan thuộc phía đông nam tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Với địa thế núi non trùng điệp và thung lũng ở kế bên, rải rác có những phần mộ của cha mẹ và những người thân của Mai Thúc Loan và cả một cái thành do ông xây đắp. Được ghi khắc trong một đền thờ ở giữa vùng đất này là những hàng chữ trong câu đối sau đây:

Đế quốc Đường thịnh rồi lại suy
Núi sông Hoan Diên hiên ngang với thời gian

Mặc dầu câu đối này chắc đã được làm trong thời kỳ Việt Nam giành được độc lập sau này, nhưng nó cũng nói lên khí thế sôi sục của một vùng biên thùy đứng đằng sau một phong trào nổi dậy rộng khắp do Mai Thúc Loan lãnh đạo.

Quyền hành của nhà Đường ở châu Hoan vẫn chưa bị lung lay cho mãi đến cuối các năm 705-706, khi Thẩm Toàn Kỳ, người có bài thơ chúng ta đã đọc trong phần đầu của Chương V, bị lưu đầy xuống miền Nam. Nhưng chỉ 15 năm sau đó, chính quyền Đường bắt đầu tan rã song song với những biến động chính trị ở biên giới qua việc Mai Thúc Loan xây được một thành trì và trực tiếp thách thức Bắc triều. Năm 722, Thúc Loan đã đứng ra tập hợp được dân chúng trong 32 châu và những nhóm người Lâm Ấp, Chân Lạp ở hạ lưu sông Cửu Long, và một vương quốc chưa từng được biết đến là Chin Li (Kim Lân) cộng với một số tiểu quốc vô danh nữa. Tự xưng là Hắc Đế, tương truyền là vì nước da ngăm đen của ông, Mai Thúc Loan đã lãnh đạo một đội quân lên tới 400.000 người và đánh chiếm toàn bộ An Nam.

Con số 32 châu ghi trong sử chắc là tính cả những “cơ mi châu” tức là những bộ lạc ở núi đã từng phải chấp nhận ách đô hộ của nhà Đường. Như đã nhắc đến trước đây, có một thời gian 27 châu ấy nằm trong địa hạt châu Phong và nhiều châu nữa nằm trong châu Hoan. Sự đoàn kết lạ lùng của những người vừa là người nước ngoài, vừa là những bộ tộc ở núi, và những nông dân ở đồng bằng, dưới quyền lãnh đạo của một người gốc xuất thân từ vùng duyên hải, đã đặt ra nhiều câu hỏi mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Vậy thì lời hiệu triệu của Mai Thúc Loan là gì? Đối với những người nước ngoài và những người sống ở vùng núi non, ổn định tình hình cướp bóc có lẽ là động lực chính. Còn đối với nông dân có thể họ đã tụ tập dưới trướng Mai Hắc Đế để tìm cách thoát khỏi ách cai trị hà khắc và bóc lột của nhà Đường. Tuy nhiên nếu vì chán ngán sự cướp bóc và áp bức đã tập hợp được những người tạm gọi là đồng minh của nhau nhưng nếu họ không biết tự chế thì kết cuộc cũng sẽ dẫn đến thất bại và đau khổ chẳng kém những lúc họ phải sống dưới một chính quyền tham ô hoặc còn tệ hơn thế nữa.

Rõ ràng 400.000 người dưới trướng của Mai Hắc Đế là một con số khá lớn nhưng không phải là một đạo quân chính quy có kỷ luật, mà là các băng nhóm hỗn tạp gồm cả những thành phần du thủ du thực. Họ tìm cách lật đổ tất cả những quyền lực đang tại vị; nhưng cũng chẳng có một phương sách để bảo đảm được hoà bình an ninh lâu dài cho dân chúng. Có lẽ nông dân là những người đầu tiên đi theo Mai Hắc Đế; nhưng cái cảnh một người ở mãi tận miền Nam xa xôi cầm đầu một đám những người nước ngoài chắc là rất khó được nhìn với những con mắt thiện cảm đối với một dân tộc đã từng tạo lập được một cốt cách mạnh mẽ và nét đặc thù trước đó rồi.

Vậy Mai Hắc Đế có tự xác nhận là ông theo cái truyền thống của Giao Châu không, hay là ông chỉ đơn giản cầm đầu những kẻ lang thang, nổi trôi qua biên giới để tập hợp thành một lực lượng khá lớn nhưng ô hợp thiếu tổ chức? Không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này; nhưng rõ ràng Mai Hắc Đế đã không đạt được địa vị tột cùng theo truyền thống của người Việt. Không biết có phải vì quyền lực của ông quá phù du để gây được một ấn tượng lâu bền hay là vì ông chỉ được coi như một thứ anh hùng tô điểm nhất thời?

Khi Mai Hắc Đế tấn công thì Đô Hộ Sứ Quang Sở Khánh đã nhanh chân chạy thoát được lên phía Bắc kéo theo cả viên chỉ huy kỵ binh và viên thị thần Dương Tư Húc. Quê quán ở Lô Châu, bây giờ thuộc tỉnh Quảng Đông, Dương Tư Húc sau đó đã tập hợp tàn quân cùng họ hàng thân thích và hằng hà sa số dân chúng của những bộ tộc ở vùng núi vẫn còn trung thành với nhà Đường để thành lập được một đạo quân lên đến 100.000 người. Không để mất thời gian, Tư Húc vội kéo quân xuôi theo bờ biển, dọc con đường mà Mã Viện ngày xưa đã dùng để tiến chiếm miền Nam. Quân của Tư Húc xuất hiện quá bất ngờ nên Mai Hắc Đế trở tay không kịp và bị đè bẹp. Tương truyền thi thể của Mai Thúc Loan và những người theo ông chất cao như núi!

Không còn dám khinh thường khả năng của các lãnh tụ bản xứ qua bài học rút ra từ cuộc nổi dậy bùng phát rất nhanh của Mai Hắc Đế nên những năm sau đó Bắc triều, dưới quyền cai trị của Dương Tư Húc, đã ra lệnh cho binh sĩ toàn quyền đàn áp dã man các vụ nổi dậy. Năm 724, Dương Tư Húc dẹp được cuộc nổi dậy ở Quế Châu và sau đó phải mất cả năm 726 để bình định một một cuộc nổi dậy khác do lãnh tụ người Lao nổi lên ở Quảng Tây bây giờ, mà trong đó trên 30.000 quân nổi dậy bị bắt và đem chém đầu. Năm 728, ba lãnh tụ người Lao khác ở Quảng Đông bây giờ nổi lên, chiếm được hơn 40 thành lũy. Một trong 3 người tự xưng là Hoàng Đế; một người nữa tự xưng là Nam Việt Vương. Dương Tư Húc đã chém đầu khoảng 60.000 quân nổi dậy trước khi hoàn toàn dẹp tan được cuộc nổi dậy. Nhờ đó dưới thời Đường Minh Hoàng trị vì (713-755), Đường triều đã phần nào ổn định và củng cố thế lực ở miền Nam.

Trái với cuộc nổi dậy năm 687 bắt nguồn từ vấn đề nội bộ của người nông dân Việt Nam đối với sưu cao thuế nặng, cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan dựa trên làn sóng những người nước ngoài tràn qua biên giới. Vì thế, cuộc nổi dậy này có thể được so sánh với cuộc tấn công bằng đường biển của phe nổi dậy Mã Lai và She-pô (767) mà chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau. Cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan đã làm nổi bật sự quan tâm về chiến lược căn bản của Đường triều tại Việt Nam.

Từ giữa thế kỷ 8 cho đến cuối triều đại, nhà Đường đã phải thường xuyên đối đầu với sự đe doạ của vương quốc Nam Chiếu ở Vân Nam. Trong Chương VI kế tiếp, chúng ta sẽ thấy rằng các quan chức Đường ở Việt Nam vào thế kỷ 9 đã tìm mọi cách cấm cản việc buôn bán ngựa và khí giới với những người Khơ Me. Đường biên giới giữa Việt Nam với phần còn lại của Đông Nam Á cũng chính là đường phòng thủ quân sự được duy trì rất tốn kém, cả về vật chất lẫn nhân lực, đối với nhà Đường kể từ sau cuộc viễn chinh của Mã Viện gần bảy thế kỷ trước đó cho đến khi Mai Thúc Loan đem quân Bắc tiến. Hơn nữa, dưới ách đô hộ của Trung Quốc nhiều thế kỷ trước đó, người Việt Nam cũng đã nhiều lần phải giao chiến với nước láng giềng Lâm Ấp.

Đường phòng thủ nói trên là để duy trì và củng cố quyền lợi của Bắc triều do đó nó đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quan điểm chính trị của người Việt Nam đối với phần còn lại của Đông Nam Á. Như sẽ được trình bày sau này, các mưu toan đầy hứa hẹn của Việt Nam nhằm liên minh với các láng giềng phía Nam để chống lại Trung Quốc đã thất bại nhiều lần, có lẽ một phần vì lúc đó người Việt đã nhận thức được rằng họ có thể dễ dàng chịu đựng được bản chất tham ô của những chủ nhân ông Trung Quốc hơn là phải đương đầu với bản tính hung dữ và khó tin cậy được của những đồng minh phi Trung Quốc ở phía Nam.

Tác giả: Keith Weller Taylor

Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương

Source: Damau.org