Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Giấy dó phường Bưởi

Giấy dó phường Bưởi

Chủ Nhật 4, Tháng Bảy 2010

Người phát minh ra giấy viết đầu tiên trên thế giới (năm 105) sống ở thời Đông Hán Trung Quốc, tên là Thái Luân.

Giấy viết được sản xuất ở nước ta khoảng thế kỉ thứ III. Giấy được sản xuất từ một loại vỏ cây có hương thơm gọi là giấy Cốc Chỉ. Đặc điểm của giấy này dai, mỏng, thấm nước chậm, có hương thơm khiến cho người Trung Quốc phải ngạc nhiên khâm phục. Sách cổ ghi lại, năm Thái Khang thứ VI (281), một lái buôn người Đông La Mã lúc đó đã mua ở Giao Chỉ 3 vạn tờ để đem dâng vua Tấn.

Đến thế kỉ thứ XI dưới triều Lý, giấy dó phường Yên Thái xưa của Thăng Long (nay là phường Bưởi) lại được nâng cao lên một bước về kĩ thuật. Giấy tốt và nổi tiếng không kém gì giấy của người Trung Hoa. Sứ giả nhà Lý thời đó đã dùng giấy này làm cống phẩm dâng lên vua Tống.

Các loại giấy dó

Người dân vùng Bưởi trên đất Thăng Long sáng tạo ra nhiều loại giấy với các chức năng khác nhau, đặc tính, đặc trưng khác nhau, loại nào cũng đáng quý. Các loại tốt quí nhất là giấy dó lụa, giấy quỳ, giấy lệnh và giấy sắc.

Giấy dó lụa

Giấy dó lụa còn gọi là giấy bản. Loại giấy này mỏng mượt như lụa, chuyên dùng cho các thầy khóa, các nho sinh học hành thi cử, chép thơ, chép kinh và cho các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian vẽ tranh, cho chữ, viết thư pháp vừa đẹp- bền vừa tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà.

Sản phẩm này chủ yếu do bàn tay khéo léo, mềm mại của những cô gái thợ xeo đất Hồ Khẩu – một làng làm giấy thịnh vượng nhất trong vùng làm ra.

Giấy quỳ

Loại giấy này sản xuất từ vỏ cây cảnh chuyên dùng cho người làng Kiêu Kị, huyện Đông Anh, Hà Nội, gia công thêm một số công đoạn rồi dát vàng bạc vào đó, bán cho các nghệ nhân chuyên nghề chạm khắc câu đối, hoành phi, phù điêu, tượng phật và các đồ thờ tự, làm cho nó thành những sản phẩm văn hóa có giá trị cao quý, thiêng liêng toát ra từ màu sắc lộng lẫy, lung linh ánh vàng ánh bạc. Loại giấy này chỉ có dòng họ Nguyễn Thế ở thôn An Đông, phường Yên Thái xưa sản xuất.

Giấy lệnh

Như tên gọi của giấy, giấy lệnh chỉ sử dụng trong công việc hành chính của triều đình. Loại giấy này cũng làm từ nguyên liệu giấy dó nhưng dày hơn, làm kĩ hơn. Sản phẩm này do những người thợ làm giấy phường Yên Thái sản xuất.

Giấy sắc

Loại giấy tốt và quý nhất trong các loại giấy dó. Sản phẩm này là sản phẩm đặc biệt nhà vua chuyên dùng để phong tước, phong công cho những triều thần có công với nước và các bậc thần linh có công được tôn thánh. Đặc điểm của loại giấy này là giấy khổ to, dày, dai, không xé được thành mảnh, không thấm nước, không bị mối mọt, có thể lưu giữ được vài trăm năm.

Giấy sắc được sản xuất cầu kì qua một số công đoạn khác như nghè giấy (dùng chầy gỗ giã nện khẽ, nhẹ, đều tay lên mặt tờ giấy dải trên một nền đá phẳng làm cho mặt giấy đanh), sau đó vẽ trang trí hoa văn hình rồng phượng chìm có dát vàng mười lên trên rồi phết lên đó một lớp hoàng liên tạo nên màu vàng, sau đó phủ lên một lớp keo làm cho giấy đanh thêm, cũng có tác dụng chống ẩm và chống mối mọt.

Giấy sắc có nhiều cỡ to nhỏ khác nhau. Rộng nhất là khổ giấy 2m x 0,75m, nhỏ nhất là 1m3 x 0,52m. Rồng phượng được vẽ tùy theo thứ cấp phong công, phong thần mà vẽ hai, ba hoặc bốn rồng. Loại sản phẩm này là một vinh quang chúa Trịnh dành riêng cho dòng họ Lại ở Nghĩa Đô độc quyền sản xuất với số lượng nhất định.

Giấy dó muôn vẻ và vinh quang trong lịch sử là vậy nhưng trước làn sóng đô thị hóa, ngành nghề này đã bị xóa xổ ở Thăng Long. Song chưa phải nó đã hết sứ mệnh lịch sử. Có thể số lượng sử dụng giấy này không nhiều, nhưng không thể thiếu được trong hội họa dân gian và trong lưu trữ các tài liệu quý hiếm lâu dài.

(Nguồn: vovnews)


Xem online : Sáng chế giấy sợi