Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Phỏng vấn một chính khách Đức
Phỏng vấn một chính khách Đức
Chủ Nhật 4, Tháng Bảy 2010
‘Người tặng tài sản thừa kế cho Việt Cộng’ đó là tít bài phỏng vấn ông Tom Koenigs (TK), Hạ nghị sỹ CHLB Đức, thuộc Đảng Bündnis 90/Grünen (Đảng Liên minh 90/Xanh), đăng trên báo SZ.
Ông sinh ngày 25/1/1944 tại Damm, thuộc tỉnh Pommern, là một chính trị gia tầm cỡ quốc tế, có quan điểm cách mạng từ dưới lên, đã từng tặng toàn bộ tài sản thừa kế cho ’Việt Cộng’ (cách nói của ông), còn bản thân lại không hề tích góp chút của cải nào. Nay ở tuổi 66, Tom Koenigs đã tuần tự trải qua nhiều nghề: lái ta xi, công nhân sản xuất dây chuyền tại hãng ô-tô Opel, phụ trách ngân sách chính quyền thành phố Frankfurt vốn mắc nợ cao nhất nước Đức, Phó Đặc trách Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tại Kosovo, Guatemala, thành viên Ủy ban bảo vệ Hoà bình Minugua, Đặc trách chính sách quyền con người Bộ Ngoại giao Đức, Đặc trách Liên Hiệp Quốc tại Afgahnistan, thành viên Lãnh đạo Unicef... Bài trả lời phỏng vấn báo SZ của ông đem lại cho độc giả nhiều suy ngẫm sâu sắc hứng thú về thực tiễn cuộc sống, thời cuộc, con người và nhất là chân dung một chính khách hiện đại của một xã hội hiện đại.
SZ: Ông Koenigs, chúng ta nói về ’tiền’ nhé ...
TK: ... Các anh là người của Sở Tài chính ư?
SZ: Không, của mục tài chính thì đúng hơn. Có phải ông sợ?
TK: Không, tôi không sợ Sở Tài chính. Tôi đóng thuế rất ... ngoan. Nhưng tại sao các anh muốn nói chuyện với tôi về tiền?
SZ: Ông đã từng tặng tất cả tài sản được thừa kế của mình cho ’Việt Cộng’ mà.
TK: Ôi thôi, xin đừng nhắc đến chuyện xưa! Chuyện đó đã xảy ra 40 năm nay rồi. Hãy nói đến chuyện khác nhé!
SZ: Ông xuất thân từ một gia đình làm ngân hàng?
TK: Ôi, lại một câu chuyện cũ kỹ nữa! Tôi sinh ra và lớn lên ở dưới quê, là con trai của một quân nhân và một người làm vườn. Nhưng đúng, trong gia đình tôi có rất nhiều người làm nhân viên ngân hàng. Tôi lại thích làm nông dân và cũng đã từng chuẩn bị rất lâu cho công việc ấy.
SZ: Nhưng ông đã không ’thành công’.
TK: Không, để làm được việc này, tôi cần có đất. Vậy là tôi đi học về ngân hàng ở chỗ chú tôi tại Deutsche Bank và học đại học ngành Kinh tế xí nghiệp (Betriebswirtschaft). Đối với cả hai nghề này, tôi đều ít đam mê.
SZ: Tại sao ông còn đi học vậy?
TK: Nếu người ta không nghĩ được ra cái gì khác, thì thường chọn ngành học về Kinh tế xí nghiệp! Gia đình tôi cũng muốn thế. Ông tôi từng là nhân viên ngân hàng. Có vẻ còn rất giỏi nữa. 40 tuổi ông đã ’về vườn’, vui với mảnh đất của mình vào năm 1908, và từ đó, ông chỉ thích chơi nhạc Chopin và sống trong thư viện của mình. Rất hấp dẫn!
SZ: Ông có biết ông mình không?
TK: Ông tôi mất khi tôi còn rất nhỏ. Tròn 21 tuổi, tôi mới biết, ông đã để thừa kế lại cho tôi rất nhiều. Lúc đó, tôi đang tham gia tích cực vào ’phong trào sinh viên’ tại Berlin, quan tâm đến vấn đề quyền bình đẳng và công bằng, nhiều hơn là tiền. Tôi đã một mực tặng chúng lại cho ’Việt Cộng’.
SZ: Chú của ông làm việc tại Deutsche Bank chắc chắn đã rất vui mừng.
TK: Tôi đã xích mích với những phần tử giàu có trong gia đình và cắt đứt mọi quan hệ. Chúng tôi không phù hợp quan điểm chính trị.
SZ: Bây giờ, xin ông hãy giải thích cho chúng tôi: Làm thế nào có thể trao tiền vào tay ’Việt Cộng’? Ông đã bay đến Việt Nam? Hay ông chuyển tiền qua tài khoản?
TK: Đó là những câu chuyện cũ rích mà không ai muốn nghe nữa.
SZ: Nhưng chúng tôi thì lại rất muốn!
TK: Chuyện này ngày đó không có gì gọi là đặc biệt cả. Tôi đã xếp phần lớn số tiền vào hai va li thể thao và trao cho người Việt Nam trên một bãi đỗ xe thuộc khu vực Tây Berlin. Họ đến từ Đông Berlin bằng ô-tô của Đại Sứ Quán. Đó là vào năm 1972. Năm 2005, lần đầu tiên tôi đến thành phố Hồ Chí Minh trên danh nghĩa Đại sứ bảo vệ nhân quyền của Chính phủ liên minh Đỏ-Xanh. Tôi đã gặp lại người từng là Đại sứ của dân ’Việt Cộng’ tại Đông Berlin vào năm 1972 đó. Ông ta cũng rất hài lòng với cuộc sống của mình, đã về hưu và vẫn ngồi trên xe máy. Ông ấy hỏi tôi: ’Ông có muốn cùng tôi làm xuất nhập khẩu không?’ (TK cười) Tôi thấy đó là ý tưởng hay.
SZ: Có bao giờ ông tự hỏi, bên ’Việt Cộng’ đã làm gì với số tiền đó?
TK: Hồi ấy, tôi chỉ đơn giản muốn giúp đỡ một dân tộc người Việt nhỏ bé đang bị đe doạ mà thôi.
SZ: Ông có thấy mình ngây thơ không? Biết đâu, ’Việt Cộng’ đã dùng tiền của ông để mua vũ khí.
TK: Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hoà bình. Tôi rất đau đớn, nếu có những xung đột phải dùng đến vũ khí mới giải quyết được. Nhưng không thể ngăn chặn bạo lực, chỉ đơn giản bằng cách bỏ vũ khí.
SZ: Nếu là ngày hôm nay, ông sẽ làm gì với số tiền đó?
TK: Tôi sẽ quyên góp cho tổ chức Unicef. Tất cả những người được thừa hưởng gia tài nên suy nghĩ về vấn đề này. Tôi luôn ủng hộ việc đóng thuế cao hơn cho phần kế thừa lớn. Việc đó có lẽ sẽ góp phần giúp nhà nước đạt được khối tài sản tiền mặt và ổn định trong một thời kỳ dài. Gì thì gì: Những gì không tự mình làm ra, cần bị đánh thuế thật cao.
SZ: Nhưng đồng tiền có được, kiểu gì cũng đã phải bỏ sức?
TK: Vậy thì tổ tiên tôi lại không hề kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình, họ làm việc này bằng cách đầu tư.
SZ: Có phải ông sẽ xử lý tài sản thừa kế cách khác, nếu chúng được tạo ra bằng con đường vất vả?
TK: Nếu tổ tiên tôi từng làm việc vất vả, có lẽ tôi sẽ không có gì để thừa hưởng, làm bao nhiêu ăn hết.
SZ: Những người trong ’phong trào sinh viên’ có biết, ông từng có rất nhiều tiền không?
TK: Có chứ. Ngày đó, chúng tôi tranh luận rất cởi mở với nhau. Tôi cũng không phải người duy nhất thừa kế tiền và đem quyên góp chúng.
SZ: Ông có bị thù địch gì khi có nhiều tiền đến thế không?
TK: Không. Các luật sư phe tả cũng có tiền và những người khác cũng vậy. Chúng tôi đều cảm thấy bình đẳng. Trong phong trào của chúng tôi, không có sự phân chia giai cấp. Nhưng có sự phân biệt, ai hiện có bao nhiêu. Sau đó, chúng tôi bắt đầu tranh luận đến cùng, xem người nào đóng góp ra sao. Trong số chúng tôi có một phụ nữ. Bà ấy gần như không có gì cả. Chúng tôi vẫn bắt bà ấy đóng góp. Tất nhiên, nhiều tranh luận về vấn đề này. Nhưng bà ấy hút thuốc còn nhiều hơn là đóng góp vào phong trào của chúng tôi. Kể cả về việc đó cũng xảy ra tranh luận.
SZ: Con người thời nay có phải rất khác không?
TK: Bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng. Người giàu, kẻ nghèo ngày càng cách xa nhau. Sự phát triển này lại thường không được xem xét một cách cốt yếu trong các hoàn cảnh chính trị. Ngày nay, người nào giàu thì người đó tốt. Rằng chúng ta sinh ra đều bình đẳng, nhưng trong các buổi thảo luận chính trị công khai, lại ít được đề cập tới.
SZ: Chúng ta có thể thay đổi điều gì?
TK: Nhiều người nghèo hôm nay không còn chút hi vọng nào có thể vươn lên được nữa. Không bình đẳng trong cơ hội phát triển, đó là điều tôi thấy thật bất hạnh. Thế nên, cần kêu gọi những người ’lắm tiền nhiều của’, để ’biến’ nhiều điều thành có thể, ví dụ trong lĩnh vực giáo dục. Hay là các anh hãy quan sát hệ thống y tế của chúng ta xem: Tình hình đối với người già thường quá mất phẩm giá. Chúng ta cần giúp đỡ những người trong hoàn cảnh xã hội thấp nhiều hơn nữa.
SZ: Điều này chúng ta đã biết tới 20 năm nay, còn ông thì chưa thay đổi được gì?
TK:Vì tôi chưa thành công, mặc dù tôi đúng, lại càng khích lệ tôi tiếp tục theo đuổi mong muốn của mình. Thế hệ của tôi còn cần hiểu sâu hơn nữa về vấn đề công bằng. Chúng tôi của những năm ’68, những người thế hệ Blair, Schröder hay Clinton, đều chưa thông thạo. Cho đến vừa rồi vẫn còn phổ biến tư tưởng ’keo kiệt thật khoái’. Giờ thì ngay cả trong đảng CDU cũng có người hoài nghi điều này. Chúng tôi, những người theo chủ nghĩa bình đẳng, lại có một chút ’phập phồng hy vọng’.
SZ: May mắn nhờ vào khủng hoảng tài chính.
TK: Thành công nào - cả trong phong trào nhân quyền - cũng đều phát triển từ khủng hoảng. Kể cả Hiệp định Geneve và Liên Hiệp Quốc cũng là kết quả của những chiến tranh khủng khiếp.
SZ: Ông có bị mất tiền trong thời kỳ khủng hoảng không?
TK: Tôi không có tiền. Tôi kiếm đủ tiền, nhưng tôi cũng tiêu hết chúng. Tôi có hai căn hộ và đi du lịch rất nhiều. Tôi không tiết kiệm.
SZ: Đó là nguyên tắc của ông?
TK: Gia đình tôi đã trải qua ba lần chia tài sản thừa kế. Cả ba lần đều dẫn đến xung đột. Khi tôi chết đi, tôi không muốn các con tôi cãi cọ với nhau.Vì thế chúng cũng biết là, tôi sẽ không để lại gì cả. Tôi rất mong các con mình được học hành tốt, thu nhập ổn định và sống một cuộc sống có phẩm hạnh và bình yên. Nhưng không cần phải tích góp tài sản. Đối với thế hệ trẻ, tài sản thường mang ý nghĩa tiêu cực.
SZ: Tại sao?
TK: Họ cần biết cảm giác hãnh diện vì được sống bằng chính thu nhập mình tự làm ra. Điều đó tạo nên tính độc lập. Tôi đã từng rất hãnh diện khi lần đầu kiếm được chút tiền ... nhưng đó cũng là một câu chuyện ’cổ tích’ rồi.
SZ: Vậy ư? Nhưng chúng tôi chưa hề được nghe!
TK: Khi còn là đứa trẻ, tôi đã từng làm việc cho các nông dân. Có lần một bác nông dân đưa cho tôi một bao tải đồ ăn của gà, nó nặng đến nỗi, tôi phải cố gắng lắm mới vác được nó. Đó là thứ đầu tiên mà tôi tự kiếm được. Tôi đã rất hãnh diện một cách ... trẻ con, lúc đó khoảng 7 tuổi mà. Hai mươi năm sau, tôi lại được hãnh diện vì kiếm được 1.000 Mark khi đi làm công nhân sản xuất dây chuyền cho hãng ô-tô Opel. Tôi đã làm thợ hàn ở đó. Thật là một công việc vất vả!
SZ: Tại sao ông lại đi làm sản xuất dây chuyền?
TK: Trong đội ngũ hoạt động chính trị của chúng tôi lúc đó, ai cũng cho là, mỗi một cuộc cách mạng xã hội đều phải bắt đầu từ giai cấp lao động. Vì thế chúng tôi đã gia nhập Opel.
SZ: Ông đã làm việc ở đó bao lâu?
TK: 15 tháng. Tôi cũng làm chính trị, như
hôm nay. Nghệ sỹ Matthias Beltz và ông Bộ trưởng Joschka Fischer cũng từng ở đó.
SZ: Nhưng cuộc cách mạng không hề bùng nổ.
TK: Chúng tôi đã khiến cho một hội đồng đại diện công nhân rất bảo thủ bị loại bỏ và bầu cử một hội đồng dân chủ xã hội lên thay thế. Tuy đó không phải là một cuộc đảo chính, nhưng là một cuộc cải cách nhỏ, lại thúc đẩy người lao động rất nhiều.
SZ: Ông đã học được gì ở Opel?
TK: Việc tổ chức và hoà nhập tầng lớp lao động vào một nhà máy sản xuất công nghiệp cỡ lớn là điều rất nghệ thuật. Cách phân công lao động đè bẹp và tước mất khả năng phản kháng của họ. Thùng xe ô-tô được hàn ghép từ bốn bộ phận. Phía cửa sổ trước có một đường hàn, đó là đường mà tôi phải hàn 550 lần trong mỗi ca. Quả là cật lực! Cho mỗi chiếc ô-tô, người ta chỉ có thời gian 1,3 phút. Nhưng bây giờ, xin các anh hãy nói cho tôi biết: Ai khoái, lợi từ điều đó?
Nguyễn Sĩ Phương biên dịch theo báo Đức SZ (TVN)