Chim lặn Alaotra đã tuyệt chủng do cá lóc đen

Một loài chim đặc hữu của quốc đảo Madagascar đã bị tuyệt chủng do môi trường sống bị thu hẹp nghiêm trọng.

Sách đỏ năm 2010 của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa phải đưa loài chim lặn Alaotra đặc hữu của Madagascar vào danh sách ‘tuyệt chủng’ do sự xâm lấn của loài cá lóc đen tại khu vực này.

Chim lặn Alaotra, có tên khoa học là Tachybaptus rufolavatus, còn gọi là Delacour’s Little Grebe hoặc Rusty Grebe, chỉ được tìm thấy ở hồ Alaotra và các hồ lân cận thuộc quốc đảo Madagascar, Ấn Độ dương. Lần cuối cùng vào năm 1985.

Các nhà điểu học thuộc Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (BirdLife International) đã không còn nhìn thấy loài chim lặn Alaotra trong suốt hơn 25 năm qua, nguyên nhân chính là do con người phá hủy môi trường sống và do sự du nhập của loài cá lóc đen hung dữ Channa striata, loài cá này phát triển mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái khu vực. Ngoài ra, việc con người sử dụng lưới đánh cá bằng sợi nylon tràn lan cũng làm loài chim Alaotra mắc lưới và chết đuối rất nhiều.

“Hiện không còn hy vọng, dù nhỏ nhoi cho loài chim lặn Alaotra. Các loài xâm lấn đã gây ra sự tuyệt chủng trên toàn cầu và vẫn là một trong những mối đe doạ chính cho các loài chim và đa dạng sinh học khác”, ông Leon Bennun, giám đốc phụ trách khoa học của BirdLife International nói.

Trong năm nay, có 25 loài chim bị đưa thêm vào danh sách các loài chim đang bị đe doạ trên toàn cầu trong Sách đỏ của IUCN, nâng tổng số loài có mặt trong danh sách này lên đến con số 1.240.

Một tín hiệu vui từ Sách đỏ của IUCN cho biết loài sẻ đồng Pyrrhula murina đặc hữu của quần đảo Azores, Bồ Đào Nha đã được nâng mức phân loại từ ‘cực kỳ nguy cấp’ lên ‘nguy cấp’ do chính quyền địa phương đã loại bỏ những loài thực vật xâm lấn có trên đảo tạo điều kiện cho các loài thực vật bản địa phát triển, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào là hạt cho chim.

Đ.T.V (Theo birdlife.org, timesonline.co.uk)