Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Đế chế hùng mạnh sụp đổ vì vung tay quá trán
Đế chế hùng mạnh sụp đổ vì vung tay quá trán
Chủ Nhật 11, Tháng Bảy 2010
Hầu hết sự sụp đổ của các đế chế điều có lý do liên quan đến khủng hoảng tài khoá. Đó là sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa thu ngân sách và chi tiêu quốc gia cũng như gánh nặng nợ công.
Các cường quốc và các đế chế là những hệ thống phức tạp, tạo nên bởi các bộ phận cấu thành tương tác lẫn nhau và được tổ chức một cách phi đối xứng, có nghĩa là chúng giống như một tổ mối rừng hơn là một kim tự tháp Ai Cập. Chúng sẽ dao động giữa trật tự và phi trật tự - hay "bên rìa của sự hỗn loạn", theo cách nói của nhà nghiên cứu khoa học máy tính Christopher Langton.
Một hệ thống như thế có thể dường như vận hành khá ổn định trong một khoảng thời gian nhất định; chúng như đang trong trạng thái cân bằng nhưng thực chất liên tục phải điều chỉnh. Nhưng rồi sẽ đến lúc hệ thống phức tạp này sẽ đi đến "điểm cực độ". Một nhân tố kích thích rất yếu ớt có thể khơi mào cho một sự "chuyển pha" từ cân bằng sang khủng hoảng - một hạt cát nhỏ có thể khiến cả toà lâu đài sụp đổ, hay một cánh bướm vỗ tại rừng Amazon có thể đem đến những trận cuồng phong ở miền Đông Nam nước Anh.
Khi hệ thống phức tạp này xuất hiện bất ổn, mức độ của sự biến động gần như là không thể dự báo. Ví dụ điển hình nhất là một đám cháy rừng. Theo thuật ngữ của vật lý học hiện đại, một khu rừng trước khi cháy thì ở trong tình trạng "cực độ tự kiểm soát" - nó dao động bên rìa của sự đổ vỡ nhưng quy mô của sự đổ vỡ là không lường trước được.
Đám cháy sẽ to hay nhỏ? Không thể nói như thế này: Khả năng sẽ xảy ra một đám cháy rừng lớn gấp 2 lần đám cháy năm ngoái tăng lên khoảng 4, 6 hay 8 lần trong năm nay. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng mô hình này cũng có thể được áp dụng để quan sát xung đột - từ những vụ giao tranh nhỏ đến các cuộc thế chiến tổng lực.
Điều quan trọng nhất là trong các hệ thống này một cú sốc tương đối nhỏ có thể dẫn đến sự một sự đổ vỡ bất cân xứng - và đôi khi là hoàn toàn. Như Nasim Taleb đã nhận định hồi năm 2007, nền kinh tế toàn cầu đã tiến hoá trở thành một thứ mạng lưới điện không thể điều độ.
Các đổ vỡ trong hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn có thể tạo ra một sự "tăng áp" tại Mỹ và đẩy nền kinh tế toàn thế giới vào tình trạng "mất điện hoàn toàn" về phương diện tài chính, và trong tức thì, đe doạ làm cho thương mại toàn cầu sụp đổ. Nhưng đổ lỗi gây ra cuộc khủng hoảng này cho chính sách phi điều tiết của Tổng thống Ronald Reagan thì cũng giống như nói rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra do Đô đốc Alfred Von Tirpitz tăng cường hạm đội của nước Đức.
Nếu các đế chế là những hệ thống phức tạp không chóng thì chầy rơi vào sự tê liệt bất ngờ và ở cấp độ thảm hoạ, chứ sẽ không tiến chuyển từ Nhà nước Điền viên, sang Nhà nước Thương mại và rồi là Tận diệt, ngụ ý dành cho nước Mỹ là gì?
Trước hết, tranh luận về các giai đoạn trình tự của sự suy vong có thể sự lãng phí thời giờ - các nhà hoạch định chính sách và các công dân quan tâm nhất là một cuộc lao dốc bất ngờ theo chiều thẳng đứng. Thứ hai, hầu hết sự sụp đổ của các đế chế điều có lý do liên quan đến khủng hoảng tài khoá. Đó là sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa thu ngân sách và chi tiêu quốc gia cũng như gánh nặng nợ công.
Hồi chuông báo động đã phải vang lên rất to vì nước Mỹ đã có mức thâm hụt năm 2009 hơn 1,4 nghìn tỷ USD - vào khoảng 11,2 % GDP, mức thâm hụt cao nhất 60 năm qua. Nợ công, trong khi đó, dự kiến cũng sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập niên tới từ mức 5,8 nghìn tỷ USD năm 2008 lên 14,3 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Trong cùng khoảng thời gian đó, số lãi phải trả của khoản nợ này dự báo sẽ tăng vọt từ 8% lên 17% thu ngân sách liên bang.
Các con số này thật đáng sợ. Nhưng đối với các thực thể chính trị, vai trò của nhận thức cũng có ý nghĩa quan trọng ngang bằng, nếu không nói là hơn. Trong các cuộc khủng hoảng của đế chế, điều thực sự có tác động không phải là việc các cơ sở vật chất làm xói mòn quyền lực mà chính là các kỳ vọng tương lai về quyền lực. Các con số tài khoá được nêu lên ở trên không phá hoại sức mạnh của nước Mỹ mà chúng làm suy giảm lòng tin tồn tại bấy lâu nay vào khả năng nước Mỹ có thể vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Cho tới giờ, thế giới vẫn trông đợi nước Mỹ chống đỡ được và cuối cùng là giải quyết được các vấn đề của họ khi mà, như Churchill đã từng nói, không còn các giải pháp thay thế nào khác. Qua lăng kính này, các lời cảnh báo trong quá khứ dường như đã bị thổi phồng và thời điểm năm 2080 - khi mà số nợ của Mỹ có thể lên đến tỷ lệ gây khủng hoảng - dường như ở rất xa, khiến người ta có đủ thời gian để lấp đầy các lỗ hổng tài khoá.
Nhưng một ngày nào đó, một mẩu tin xấu bất chợt, có thể là một báo cáo bi quan của một cơ quan đánh giá nào đó - trở thành tin nóng trong vòng quay lặng lẽ của tin tức truyền thông. Bất thình lình, không chỉ các nhà nghiên cứu chính sách lo ngại về tính bền vững của chính sách tài khoá nước Mỹ mà còn cả toàn bộ dân chúng, chứ đừng nói các nhà đầu tư nước ngoài. Sự chuyển đổi này sẽ có ý nghĩa sống còn: một hệ thống phức tạp và có khả năng điều chỉnh sẽ gặp trục trặc lớn khi các bộ phận cấu thành mất niềm tin vào khả năng sống sót của nó.
Trong ba năm qua, hệ thống rối rắm của kinh tế toàn cầu đã chuyển từ căng phồng sang vỡ tung - tất cả chỉ vì một nhóm người Mỹ bắt đầu "chơi gian" với các khoản vay thế chấp dưới chuẩn, từ đó khoét rộng các lỗ hổng khổng lồ trong mô hình kinh doanh của hàng nghìn thể chế tài chính có cấp độ ảnh hưởng cao.
Giai đoạn kế tiếp của cuộc khủng hoảng hiện nay có thể bắt đầu khi công chúng nhìn nhận lại các biện pháp tiền tệ và tài khoá mà chính quyền Obama đã sử dụng để đối phó. Cả lãi suất bằng không lẫn các gói kích thích kinh tế đều không thể giúp đạt được sự phục hồi bền vững nếu người dân Mỹ và ở các nước khác đồng loạt quyết định cho rằng những biện pháp này sẽ dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn nhiều và sự sai lầm hoàn toàn.
Như Thomas Sargent, một nhà kinh tế tiên phong với ý tưởng kỳ vọng duy lý, chỉ ra cách đây hơn 20 năm, những quyết định này mang tính tự thoả mãn: không phải cơ sở nguồn cung tiền tệ quyết định tỷ lệ lạm phát mà chính là tốc độ vòng lưu chuyển, thứ chính là một hàm số của kỳ vọng.
Tương tự như thế, không phải tỷ lệ nợ trên GDP quyết định khả năng có thể trả được nợ mà chính là lãi suất mà nhà đầu tư yêu cầu. Lãi suất trái phiếu có thể tăng vọt nếu các kỳ vọng về khả năng trả nợ của chính phủ tương lai thay đổi, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài khoá vốn đã tồi tệ bằng việc làm tăng số lãi phải trả của các khoản nợ mới. Hãy xem xét lại trường hợp Hy Lạp vào cuối năm ngoái, nợ công đã đẩy đất nước này vào cuộc khủng hoảng tài khoá và chính trị.
Cuối cùng, một sự thay đổi của kỳ vọng về chính sách tiền tệ và tài khoá có thể buộc phải dẫn đến sự đánh giá lại chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai. Đó sẽ là một sự thiệt hại hoàn toàn: nếu chi trả lãi suất ngốn ngày càng nhiều thu ngân sách từ thuế, chi phí quân sự là khoản đầu tiên nhiều khả năng bị cắt nhất, vì không giống như các hư danh nhiệm kỳ, đây là vấn đề uy tín chính trị.
Một Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đưa thêm 30.000 quân đến Afghanistan và rồi 18 tháng sau bắt đầu lại rút họ về chắc chắn sẽ gặp vấn đề về phương diện này. Và còn những thách thức chiến lược khác của nước Mỹ? Những kẻ thù của Washington như Iran hay Iraq sẽ nhẹ lòng khi biết rằng chính sách tài khoá của Mỹ ngày hôm nay đã được lập trình lại để giảm bớt các nguồn lực dùng cho tất cả những chiến dịch quân sự ở nước ngoài trong những năm tới.
Một thất bại trên những rặng núi của dãy Hindu Kush hay trên các bình nguyên Lưỡng Hà từ lâu đã được xem như là điềm báo cho sự sụp đổ của đế chế. Một sự ngẫu nhiên khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan vào thời điểm đang ở tột đỉnh của thịnh vượng vào năm 1989. Điều xảy ra cách đây 20 năm, tương tự như những sự kiện của thế kỷ thứ V xa xăm, gợi nhắc rằng một đế chế thực ra không nổi lên, thống trị, suy vong và sụp đổ theo một chu trình nhất định nào đó hay một vòng phát triển có thể đoán định.
Các sử gia mô tả quá trình tan ra của các đế chế như sự tiệm tiến, với nhiều nguyên nhân tiền định. Thế nhưng các đế chế bản thân chúng lại hành xử như tất cả các hệ thống phức tạp có thể điều chỉnh khác. Chúng vận động cân bằng trong một khoảng thời gian không xác định. Và rồi, rất bất ngờ, chúng sụp đổ. Quay trở lại mô hình của Thomas Cole, người vẽ Vòng luân hồi của Đế chế, sự chuyển tiếp từ tiêu thụ sang hủy diệt và rồi hoang phế không hề mang tính tuần tự. Nó đến trong bất ngờ.
Một cách thể hiện sống động và đúng đắn hơn về con đường mà các hệ thống phức tạp sụp đổ có thể là một poster từng được dán tại các phòng ngủ ký túc xá. Đó là cảnh một đoàn tàu hoả đầu máy hơi nước xuyên thủng bức tường của một nhà ga xây theo phong cách thời Nữ hoàng Victoria và lao xuống con đường bên dưới. Để lao ra khỏi rìa của sự hỗn loạn, chỉ cần một cái phanh bị hỏng hay một lái tàu ngủ gật.
Niall Ferguson (Foreignaffairs.com)
Khôi Nguyên lược dịch (TVN)