Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Cổ điển > Nguyễn Văn Lý - Kẻ sĩ - Nhà văn hoá đất Thăng long (2)

Nguyễn Văn Lý - Kẻ sĩ - Nhà văn hoá đất Thăng long (2)

Thứ Hai 12, Tháng Bảy 2010, bởi Cong_Chi_Nguyen

Nguyễn Văn L‎ý có khá nhiều trước tác, theo Đại Nam liệt truyện thì ông để lại 4 quyển Đông Khê thi tập, 5 quyển Văn tập, và 1 quyển Tự gia yếu ngữ, đúng như Nguyễn Văn Lý xác nhận trong Chí Am tự truyện “Trước tác của ta có 2 tập: Đông Khê thi tiền hậu tập, Văn tập lưu hành ở đời và 1 quyển Tự gia yếu ngữ để dạy con cháu”.

Hiện nay ở Thư Viện Hán Nôm còn lưu trữ được các tập như: Đông Khê thi tập (A.1873, A.2439), Chí Am Đông Khê thi tập (A.391), Chí Hiên thi thảo (A.390), Đông Khê văn tập (A.2375), Du Ngũ Hành sơn xướng hoạ tập (A.2505), Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị thế phả (A.1331), Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị ngọc phả (A.1712), Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị tông phả (VHv.2136). Ngoài ra còn có nhiều bài thơ, văn, bia, ký được chép trong Hoàng triều văn tuyển (VHv.204), Cao Bằng ký lược (A.999), Danh nhân thi tập (A.2167), Đại Nam bi ký thi trướng bảo tập (A.222)… Ông cũng tham gia viết tựa và phẩm bình cho nhiều tác phẩm của các danh sĩ đương thời như Giá Viên toàn tập, Chu Tạ Hiên tiên sinh nguyên tập…, tham gia sửa chữa, hiệu đính và đề tựa sách Bắc Thành dư địa chí (A.1565/1-2). Trong gia đình cũng còn giữ được bản gốc Đông Khê thi tập (2 quyển), Thọ xương Đông tác Nguyễn Thị toàn phả, Đông tác Nguyễn Thị gia huấn. Dưới đây lần lượt khảo sát mấy tác phẩm chính.

1. Đôi điều về văn bản tác phẩm

1.1. Đông Khê thi tập

Đọc các lời Tựa và khảo sát các văn bản cụ thể có thể thấy thơ của Nguyễn Văn Lý được sáng tác trong suốt hành trình cuộc đời và cũng đã được nhiều lần tập hợp, sắp xếp. Trong Tự truyện, Nguyễn Văn Lý nói ông có Đông Khê tiền hậu tập, Đại Nam liệt truyện ghi là 4 quyển, phù hợp với sự sắp xếp của A.1873. Hiện nay, theo các nhà biên soạn Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu thì Đông Khê thi tập bản A.2439 mới là “bản cũ nhất”(16), nhưng A.1873 là bản đầy đủ hơn cả. Bản này có đủ 3 lời đề Tựa, 1 lời Bạt và 1 Lệ ngôn. Tựa của Đôn Phủ Lê Văn Đức viết năm 1841, Bạt của Hi Hiến Phan tử Cử viết năm 1842, Tựa của Hiển Phủ Phan Trứ viết năm 1846 và Tựa của Thương Sơn Chủ nhân Bạch Hào Tử viết năm 1866. Lệ ngôn của Nguyễn Trọng Hợp nói rõ Đông Khê thi tập là một tuyển tập. Khi thực hiện, ông đã tuyển tuân theo ý thày (“tuân thể tiên sinh chi ý”), chỉ giản lược lại chú thích, Tựa, Bạt, khảo sát sắp xếp lại theo trật tự thời gian sáng tác để giúp độc giả dễ theo dõi và tiện khắc in; phần nào Nguyễn Văn Lý chưa sửa chữa thì lưu lại như cũ. Nguyễn Trọng Hợp cố gắng để tuyển tập không sai khác nhiều với tập “thi tuyển” thày đã sai sao chép giao cho Trung sứ Hồ Văn Nguyệt nộp vào bí các [1] năm Tự Đức thứ 8 (1855). Hiện bản A.1873 chia làm 2 tập. Tập tiền gồm 2 quyển, quyển 1 chép thơ làm từ năm Kỷ Sửu (1829) đến năm Canh Tý (1840), quyển 2 chép thơ làm từ năm Tân Sửu (1841) đến năm Bính Ngọ (1846); Tập hậu cũng gồm 2 quyển, quyển 1 chép thơ làm từ năm Bính Ngọ (1846) đến năm Bính Thìn (1856), quyển 2 chép thơ làm từ năm Bính Thìn (1856) đến năm Mậu Thìn (1868). Trong Lệ ngôn, Nguyễn Trọng Hợp cũng cho biết tác phẩm của thày còn tản mát nhiều, đợi sưu tập được sẽ đưa vào “bổ di”. Hiện A.1873 vẫn là văn bản chép tay, có thể là bản sao từ bản tuyển của Nguyễn Trọng Hợp. Bản này có số bài và nhiều câu sai dị so với bản được lưu giữ ở gia đình và cả A. 2439. Tất nhiên với những văn bản chép tay thì tình trạng “tam sao thất bản” là không tránh khỏi. Trong trường hợp này từ bản lưu giữ ở gia đình đến bản A.1873 thì không biết đã mấy lần sao! Tuy nhiên có những sai dị không phải do “lỗi kỹ thuật” mà là một sự “hữu ý”. Các nhà nghiên cứu thơ văn Nguyễn Văn Lý trước đây đã rất chú ý đến sự sai dị ở bài Đắc gia thư cố cư thất hoả giữa hai bản. Trong bản lưu giữ ở gia đình 2 câu luận 5, 6 ý tứ rất gay gắt: Trì ngư khước thị đồng du hoạn / Đường yến thùy vi tác phú tài (Cuộc đời làm quan cũng giống như con cá dưới hào / Phận “chim én làm tổ trên nhà” biết ai có tài làm cho bài phú nhàn!). Câu thơ nói rõ sự nguy hiểm luôn luôn rình rập người làm quan. Con cá sống dưới hào ngoài thành lúc nào cũng có thể bị chết khô, khi cổng thành cháy, người ta múc cạn nước hào để dập lửa - “cháy thành vạ lây”. Cho nên sự yên vui cũng không chắc chắn gì, giống như chim én làm tổ trên ngôi nhà lớn, tưởng là yên ổn nhưng nhà bếp đã bốc lửa, tai vạ sẽ xảy đến nơi. Do vậy chỉ mong có người làm giúp cho bài phú nhàn, ý nói được về nghỉ. Tâm sự của tác giả qua hai câu thơ này rất nặng nề, đầy trải nghiệm và rõ ràng là một sự ly tâm. Nhưng qua bản A.1873 hai câu đó đã bị (hoặc được) sửa là: Tiêu liêu chung thị thâm lâm ổn / Yến tước thùy lân thử nhật hồi? (Giống chim nhỏ tiêu liêu rốt cuộc chỉ cần một cành cây trong rừng sâu là ổn / Phận chim én chim sẻ, biết ai là người thương trong ngày về này!). Ý của hai câu thơ rất kín đáo, nhưng bề nổi biểu hiện một thái độ chấp nhận, yên phận. Phải chăng vì là bản dâng lên triều đình, để tránh cái vạ văn chương nên hai câu quan trọng nhất của bài thơ đã phải sửa, dù người đọc cũng có thể nhận thấy đó là một sự gượng gạo, làm giảm khí cốt của bài thơ! Ngoài ra, những bài thiên về trữ tình, ví như chùm bài về hoa cúc, Xuân hứng thập vịnh, Thu hứng thập vịnh, Ủy gia nội ..., (những bài này cũng có trong bản A.2439) đều không được đưa vào A.1873. Tuy vậy, bù lại A.1873 có ưu điểm là sắp xếp tác phẩm theo trật tự thời gian sáng tác, bổ sung khá nhiều bài cho bản lưu giữ ở gia đình, đặc biệt là những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn 1846 – 1868. Chắc chắn là nếu có thời gian khảo sát kỹ cả ba văn bản Đông Khê sẽ có thể còn tìm thấy nhiều dữ kiện có thể giúp ích cho việc tìm hiểu tác giả, số lượng tác phẩm và thời cuộc nhiều hơn.

Theo sự khẳng định của chính tác giả thì về thơ ông chỉ có Đông Khê thi tập, số lượng vào năm 1846, khi Phan Trứ viết lời Tựa là hơn 400 thiên. Tuy nhiên, tổng kết lại từ các văn bản thì con số lớn hơn nhiều. Cụ thể là: Bản A.1873, 4 quyển gồm 433 bài, theo con số Nguyễn Trọng Hợp công bố. Bản Đông Khê thi tập lưu giữ ở gia đình chỉ có 345 bài, thiếu hầu hết phần sáng tác hơn 20 năm cuối đời (gồm 105 bài chép ở Quyển 4 của Bàn A.1873 và một số bài ở các phần khác), đồng thời lại dôi ra khoảng gần 100 bài so với A.1873. Như vậy nếu cộng cả phần dôi ra của 2 bản, số bài thơ của Đông Khê thi tập có thể tới hơn 600 bài.

1.2.Chí Hiên thi thảo, ký hiệu A.390. Thi tập này chỉ có một văn bản, được sưu tập trước Đông Khê thi tập, gồm những thiên sáng tác từ khi tác giả bắt đầu đi thi Hội đến thời gian làm quan ở Phú Yên hoặc ở Huế. Tập thơ được Nội các Hà Tốn Phủ (Hà Tôn Quyền) “mặc duyệt” và bạn đồng khoa Phạm Đôn Nhân (Phạm Sĩ Ái) phẩm bình. Khoảng bốn chục bài trong tập này sau được chọn, sửa chữa đưa vào Đông Khê thi tập. Điều đặc biệt là dường như nếu ở tập Đông Khê phần lớn thơ bày tỏ chí hướng, dù nói về công việc, quan hệ xã hội, thù tạc bạn bè, kể cả thơ vịnh cảnh, vịnh thời tiết hoặc nói về gia đình, đều rất nghiêm cẩn, cứng cỏi, giữ lễ, thì thơ ở tập Chí Hiên uyển chuyển, đậm dấu ấn cá nhân. Có thể nêu một dẫn chứng điển hình là sự sửa chữa ở bài Ủy gia nội. Cũng có thể chính vì quan niệm “thơ ngôn chí”, “không thiên lệch” dẫu có “buồn khổ sầu muộn nhưng không oán thán” (Lê Đôn – Tựa Đông Khê thi tập) mà Nguyễn Trọng Hợp hoặc chính Nguyễn Văn Lý không tập hợp hết số thơ ở Chí Hiên đưa vào Đông Khê? Ý này cũng có thể được minh chứng thêm ở quan niệm hiệu điểm của Nguyễn Văn Lý đối với thơ Vũ Tông Phan.(17)

1.3. Chí Am Đông Khê thi tập, ký hiệu A.391. Sách được ghi rõ “Đông Tác Nguyễn Văn Lý soạn, Giáo thụ phủ Tuy An Phan Hy Hiến tiếm bình”. Nhưng về văn bản, sách này có mấy vấn đề cần được làm rõ. Tập thơ dường như chia hẳn làm hai phần. Tám bài đầu được làm từ khi ra khỏi Kinh đô Huế đến Phú Yên. Bài đầu là Xuất sứ Phú Yên thừa nông dịch ngẫu thành, những bài tiếp theo đều mang tên những địa danh trên đường từ Kinh đô Huế vào Phú Yên: Quá Hải Vân quan, Quảng Nam đạo trung, Quảng Nghĩa đạo trung, Bình Định đạo trung, Quá Quy Nhơn cố thành, Đồ trung ngẫu đắc, Túc Tư Nghĩa phủ tặng Thái thú Đặng Dụng Phủ. Từ bài thứ 9 cho đến hết tập là thơ đi sứ, các bài đều được làm ở Trung Quốc, do các thành viên trong sứ bộ và cả các bạn tiếp Trung Quốc xướng hoạ tặng đáp nhau. Chánh sứ của sứ bộ là Phan Hàm Phủ (như nhan đề một bài thơ trong tập cho biết: Hựu tiền đề Tri ân bộ Chánh sứ Phan Hàm Phủ), và trong các bồi thần có một vị Thư kí họ Nguyễn, hiệu là Song Đình. Biết rằng Hàm Phủ là tên tự của Phan Huy Vịnh (1800-1870), ông đi sứ Trung Quốc hai lần vào các năm 1841 và 1854. Lần thứ hai, thời gian đi sứ kéo dài đến 3 năm, 1857 sứ bộ mới về tới Kinh đô Phú Xuân. Nếu Song Đình là một tên khác của Nguyễn Văn Lý thì ông phải tham gia sứ bộ một trong hai mốc thời gian trên (vì chưa xác định được tập thơ này làm trong lần đi sứ nào). Thế nhưng tháng giêng năm Tân Sửu (1841), Nguyễn Văn Lý được bổ nhiệm Án sát sứ Phú Yên và tháng 8 cùng năm đã “khâm sai” làm Chủ khảo khoa thi Hương trường thi Gia Định, như vậy chắc chắn ông không thể đi sứ. Còn năm 1854 thì Nguyễn Văn Lý đang nghỉ ở Hà Nội và năm 1856, tháng 2 (ÂL), ông về Sơn Bình, huyện Lập Thạch mở quán dạy học, tháng chạp năm ấy, đi nhậm chức Giáo thụ phủ Thường Tín. Nguyễn Văn Lý có đến ba bài thơ liên quan đến chuyến đi sứ lần thứ hai này của Phan Huy Vịnh; một bài làm khi sứ bộ bắt đầu đi: Lại bộ Thị lang Phan Sài Phong phụng sứ như Yên (Quý Sửu – 1853 - xuân chính nguyệt khai quan) và 2 bài làm khi sứ bộ hoàn thành nhiệm vụ trở về: Thu khanh Phan Sài Phong dĩ phụng sứ công hồi, mông đắc hoàn hương, Thu khanh Sài Phong, Đông khanh Mi Xuyên mông tứ giả hoàn hương, cập hồi triều tương phỏng, dư thích khứ Sơn Bình thụ quán, thư tiễn. Hai bài thơ sau không ghi năm sáng tác, nhưng tiếp đó ông có bài nói rõ “ tháng 2 năm Bính Thìn – 1856 – ông đi Lập Thạch, Sơn Bình dạy học (Sơn Bình thư thục ngẫu đắc – Bính Thìn nhị nguyệt vãng Lập Thạch Sơn Bình thụ quán). Cũng có ý kiến đoán Nguyễn Văn Lý đi sứ vào năm 1845, nhưng năm này Phan Huy Vịnh không đi sứ, hơn nữa Nguyễn Văn Lý cũng có những bài thơ chứng tỏ khi ấy ông đang ở Bình Định. Trước hết là bài Ất Tỵ (1845) đông chí du Bình Định Di Đà tự; sau là một loạt bài nói về những cuộc rượu, những buổi du ngoạn, tiễn đưa ...giữa Nguyễn Văn Lý và Phan Phù Xuyên, Lê Giác Am ở Bình Định, từ mùa thu 1844 đến 1846. Có mấy bài Nguyễn Văn Lý nhắc đến con số 2 năm: “Hai năm cùng uống rượu dưới trăng nơi Bàn Thành” (Nhị niên tửu đối Bàn Thành nguyệt- Lưu biệt niên huynh Bình Định Bố chánh Phan Hiển Phủ), “Gió mưa ở Bàn Thành đã gần hai năm” (Phong vũ Bàn Thành dục nhị niên – Bình Định lưu biệt Lê Giác Am) ... Như các chứng cứ đã nêu thì những năm nói trên (1841- 46; 1854 - 56) Nguyễn Văn Lý chắc không thể đi sứ Trung Quốc(18). Chí Am Đông Khê thi tập có thể đoan chắc là tác phẩm được sáng tác trong thời gian ông được bổ nhiệm đến Phú Yên và làm quan ở đây, có thể cả thời gian chấm thi ở Gia Định. Toàn bộ thơ (hoặc một phần, phần còn lại bị thất lạc?) đã được đưa vào Đông Khê thi tập, điều đó còn thấy rõ dấu vết ở những tên đất, những sự kiện trong các thiên tiếp theo 8 thiên đầu của tập Chí Am (đã được đưa vào Đông Khê thi tập). Như vậy Bản A.391 có sự lầm lẫn trong khi sao chép, trừ 8 bài đầu, từ bài thứ chín đến cuối tập là tác phẩm của một người khác bị chép lạc vào Chí Am Đông Khê thi tập.

Về tác phẩm của Nguyễn Văn Lý, thống kê theo Thư mục đề yếu hiện có khoảng trên - dưới 900 trang chữ Hán, con số cũng không nhỏ. Tuy nhiên điều khiến chúng ta ngày nay quan tâm là trên hoạn lộ của mình, Nguyễn Văn Lý đã đi nhiều nơi, qua nhiều chốn, trải nghiệm nhiều sự việc. Đất nước, thế cuộc, nhân tình, suy tư, cảm xúc ..., đều để lại dấu ấn rõ nét trong những tập thơ văn của ông. Đến với tác phẩm của ông trước hết là để hiểu tài năng, con người ông, từ đó hiểu hiện trạng đất nước, tài năng văn chương và tấm lòng kẻ sĩ Thăng Long trong một thời đoạn lịch sử mà dân tộc đang gặp rất nhiều khó khăn, đang trăn trở về kế sách, hành động giữ nước cũng như phát triển đất nước. Đó cũng chính là giá trị của những di sản tinh hoa dân tộc đang còn nằm im lìm trong những cuốn sách cũ kỹ “mực nho giấy bản”.

2. Tấm lòng một trí thức đầy trách nhiệm với thời cuộc

2.1. Đông Khê thi tập, nơi gửi gắm tấm lòng thơ tha thiết và nồng hậu với cuộc đời.

Là một người từ nhỏ đã để chí vào việc học, hết lòng tuân thủ theo những nguyên tắc đạo đức của Nho gia, Nguyễn Văn Lý vào đời với một hoài bão cao đẹp và một ý chí mạnh mẽ. Nhà Lê đối với ông vẫn là một triều đại chính thống, có nhiều công lao. Ông dành những lời ca ngợi hết mực cho vua Lê Thái Tổ:

Thiên địa thành công qua cổ triết,
Sơn hà thùy tứ đáo kim dân.
Thả tương nhân hậu truyền gia viễn,
Tam bách cơ đồ đỉnh mệnh thân.

(Sự thành công của vua trong trời đất vượt qua hiền triết thời xưa,
Để lại giang sơn cho dân nước đến ngày nay.
Lại đem nhân nghĩa truyền mãi nếp nhà,
Khiến cho được hưởng mệnh trời cơ đồ dài ba trăm năm.)
(Truy tư Lê Thái Tổ Hoàng đế công đức)

Ông cũng dành sự ngưỡng vọng sâu xa cho vua Lê Thánh Tông, vị vua thủ thành - vua thánh trong lòng những người theo nghiệp Nho:

Giang sơn ưng đãi anh hùng sự,
Từ tảo hề duy tướng soái trường.
Lịch đại thượng luân khai thác sự,
Kinh sư miếu điển hựu thùy đương.

(Giang sơn còn đợi những sự việc anh hùng,
Văn chương rực rỡ đâu chỉ vì là bậc tướng soái giỏi.
Trải các đời còn bàn về việc mở mang cương giới,
Miếu mạo, điển lễ ở kinh sư ai lại sánh bằng.)
(Phú Yên Hội đồng miếu phụng Lê Thánh Tông hoàng đế bái yết cung phú)

Vì thế ông coi Tây Sơn là “giặc”, nhưng nhà Lê trong ông cũng đã trở thành lịch sử. Kính trọng, ngậm ngùi, có thể nuối tiếc trước sự suy tàn của một triều đại đã có công lớn với dân với nước, nhưng cũng không thể cứu vãn. “Qua lăng miếu các vua Lê ở Bố Vệ” (Quá Thanh Hoa Bố Vệ cố Lê liệt miếu) thể hiển tình cảm phức tạp đó của ông:

Tứ bách cơ đồ dĩ hải tang,
....
Thiên đạo hữu hưng hoàn hữu phế,
Cổ lai năng cửu bất năng cường,
Lam Sơn giai khí thành thiên cổ,
Điểu thử vô tình ngữ tịch dương.

(Cơ nghiệp huy hoàng đã bể dâu,
.....
Đạo lớn có hưng thì có phế,
Nước không mạnh mãi, dẫu dài lâu.
Lam Sơn phong khí thành thiên cổ,
Nháo nhác dơi bay rộn bóng chiều).

Đó cũng là tâm sự chung của nhiều kẻ sĩ Thăng Long buổi đầu triều Nguyễn. Họ không “hoài Lê” theo quan niệm “trung quân” kiểu nho gia cổ điển, bởi thực ra, sự thâu tóm giang sơn về một mối cũng là việc tiếp nối thành công bước đi từ các triều đại trước và cũng là khát vọng của nhân dân. Cuộc nhất thống đất nước đã đem lại cho giới nho sĩ niềm tin về một xã hội thịnh trị. Qua Hoành Sơn, nơi có cửa quan xây từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn văn Lý cảm nhận được niềm vui về đất nước thanh bình: Can qua tự tích phân Linh chử / Xa mã tòng kim xuất Ngọc quan (Ngày trước can qua, lấy bến sông Gianh để phân chia / Từ nay xe ngựa đều (tự do) đi qua Ngọc Quan). Qua Lũy cũ Ông Ninh, ông cũng tỏ ý phê phán cuộc chia cắt Nam Bắc...

Đối với nhà Nguyễn, ở Nguyễn Văn Lý trước hết là một tinh thần chấp nhận, tôn sùng. Qua cửa quan Quảng Bình, ông nghĩ đến mệnh trời dành cho nhà Nguyễn: Thành dài chắn phía Bắc, muôn thuở vẫn cao sừng sững / Đến nay sự hiểm trở lại chầu về Trường An (Định Bắc trường thành thiên cổ trĩ / Tức kim thiên hiểm củng Trường An). Ông từng có nhiều bài ca ngợi những vị vua có “công nghiệp” của nhà Nguyễn, như: Truy tư Nhân Hoàng đế công đức long thịnh phụng vãn:

Sáng nghiệp long huân xuất thủ thành,
Thánh văn thần vũ đế vương anh.
Trấp niên thần đoán thông thiên nhật,
Vạn thế ngô bang xiển thái bình.
Xã tắc thùy hưu truyền thánh tử,
Sơn hà lưu trạch mộ thương sinh.
Hưu quang chính yếu thiên thu thịnh,
Vĩnh Thúc khu khu tự viễn thành.

(Công lao sáng nghiệp to lớn, lại xuất hiện bậc thủ thành,
[Ngài là] bậc đế vương anh minh văn võ thánh thần.
Hai mươi năm trị vì mưu lược quyết đoán thông với trời,
Muôn đời nước ta được rộng mở nền thái bình.
Phúc lớn của xã tắc để lại truyền cho bậc vua thánh,
Lưu lại ân trạch cho giang sơn bởi thương yêu chúng dân.
Cái cốt yếu trong nền chính trị tốt đẹp, ngàn thu thịnh vượng,
Vĩnh Thúc từ xa xôi vẫn cung kính với tấc lòng thành(19)...

Với niềm tin như vậy về triều đại mới, ông phấn chấn phấn đấu trên con đường cử nghiệp. Đối với ông, kẻ sĩ không có con đường nào khác là qua khoa cử để đem tài năng thi thố với đời:

Quân vương trường sách giá anh tài,
Hiền thánh sinh kim bất miễn lai.

(Chiếc roi dài của nhà vua chế ngự các anh tài,
Nếu có bậc hiền thánh sinh ra ngày nay cũng không tránh được).

Chiếc roi dài ở đây là nói một cách hình tượng về chế độ khoa cử mà Nguyễn Văn Lý coi là một chính sách giỏi, nhờ vậy mới thu nạp hết anh tài trong thiên hạ, kể cả bậc hiền thánh. Vì lẽ đó lần đầu vào kinh thi Hội, tâm trạng của ông rất vui vẻ:

Tam thập lục trình kim phát nhận,
Hướng dương hoa thảo mãn thiên khai.

(Ba mươi sáu lộ trình, nay bắt đầu khởi hành,
Đầy trời hoa cỏ nở tươi hướng về ánh mặt trời).

Ông tìm thấy ở thiên nhiên những bức tranh sơn thủy biếc xanh tươi sáng. Triền núi bao quanh hoa trên lầu, ánh mầu biếc trải khắp thành (Nham đới lâu hoa thúy mãn thành), Đèo Tam Điệp, màu xanh hàng ngàn dặm ngút ngàn khiến cho sắc cây không còn phân biệt được (Thiên lý bích mê phương thụ sắc); thác nước đổ xuống trắng xoá như nhà ai phơi vải, tiếng chim huyên náo trong rừng (Thùy gia bộc bố lâm huyên điểu) ... Dù là miêu tả thiên nhiên tươi tắn, nhưng hình tượng, ngôn từ thơ của Nguyễn Văn Lý rất cứng cỏi mạnh mẽ, trẻ trung tạo nên khí cốt của thơ.

Hai lần thi Hội không đỗ, Nguyễn Văn Lý vẫn không giảm sút ý chí: “Đường công danh lao tâm khổ tứ chưa xong, mấy lần vẫn đi qua con đường rẽ này” (Tiên quế khổ tâm do vị liễu / Kỷ hồi kỳ lộ quá thư sinh – Thần Đầu Lê Bảng nhãn từ). Và bài Vinh quy làm khi đỗ Tiến sĩ (khoa Nhâm Thìn 1832) nói rất rõ quan niệm, quyết tâm của ông với khoa cử:

Thập niên tân khổ ngẫu nhiên thù,
Ân tứ vinh quy khứ lộ du.
Đế trạch tác nhân đồng tạo hoá,
Thiên hương bội sủng đáo Doanh Châu.
Thần mưu kỳ thái cơ tiên động,
Nhân kính phù dung mộng hựu phù.
Chí nhất tức năng thiên địa động,
Anh hùng mạc mạn thán yêm lưu.

(Mười năm tân khổ, nay ngẫu nhiên được đền bù,
Được ơn ban vinh quy, đường đi xa xôi.
Ơn vua tác thành cho sĩ tử cũng ngang với công lao tạo hoá,
Mang ân sủng hương trời đến cõi Doanh Châu.
Mưu thần, lời bói lạ là thiên cơ đã báo trước,
Câu “nhân kính phù dung” đúng với giấc mộng.
Chí chuyên nhất có thể khiến trời đất cảm động,
Anh hùng chớ than thở là đường công danh chậm trễ.)

Bài thơ có một “nguyên chú” của tác giả: “Hai khoa thi Hội trước (không đỗ) chí không nản mà sức học càng cao. Trước đây thường nói: “Trời đất chỉ lý và khí mà thôi. Tiến sĩ, tôi không đủ sức nhưng chí định tất có khí”.

Những bài viết mừng các bạn đỗ đạt, tâm trạng đều hứng khởi, khẳng định niềm vinh hạnh của khoa danh, của tiền đồ rộng mở: Dĩ tương anh tảo minh li bệ / Cộng hỷ phong vân thản xúc cù (Đã đem văn chương anh tú làm nổi danh trước bệ rồng / Cùng mừng đường gió mây bằng phẳng rộng mở - Mừng Phan Trứ), Phong vân thiên lý lương đa hạnh / Đồ báo quân ân nhật chính trường (Hội phong vân ngàn năm thật là nhiều may mắn / lo toan việc báo đền ơn vua ngày tháng còn dài – Mừng Vũ Công Độ) ...

Chí hướng của ông còn thể hiện trong những bài thơ đề cao phẩm cách, tự răn không
được trễ nải nghiệp thi thư. Nối nghiệp nhà là một trọng trách:

Tướng môn bất đãi thi thư nghiệp,
Cổ huấn thường tương tử nữ châm.
Hưng thế nhân gia tình dữ vũ,
Kính tôn lễ tắc cổ phương câm (kim)

(Nếp nhà khanh tướng không trễ nải nghiệp thi thư,
Noi theo lời cổ huấn nên đem các bài châm để dạy cho con cái.
Vận nhà có hưng có suy, [như trời] có mưa có nắng,
Kính cẩn tuân theo lễ giáo và khuôn phép là lẽ thường xưa nay.
(Ngoại tổ Nguyễn Đại phu chí nghiệp thư thuật)

Ông răn dạy những môn sinh của mình phải biết giữ khí tiết, vững vàng cả lúc hanh thông lẫn khốn cùng, phải có lòng tin vào đạo lý nhân nghĩa thánh hiền:

Liễu Châu thân sự ngẫu đầu hoang,
Dục học Ngu Khê thích hỗn mang.
Thiên lý phù vân nghi tán tụ,
Thốn tâm thiên cổ tín văn chương.
Cùng - thông đáo xứ nghi công nghiệp,
Niên lực chư sinh tổng phú cường.
Sổ quận doanh lương năng viễn chí,
Thử trung lạc xứ tự tương vương (vong).

(Thân thế sự nghiệp ngẫu nhiên bị đưa ra nơi Liễu Châu hoang vu,
Muốn học theo Ngu Khê đến nơi hỗn mang(20).
Nghìn dặm mây nổi có khi tan khi tụ,
Tấc lòng từ thiên cổ vẫn tin ở văn chương.
Đến chỗ cùng quẫn hay hanh thông cũng cần làm nên sự nghiệp,
Sức vóc và tuổi tác của chư sinh đang lúc sung mãn.
Lương thảo của mấy quận có thể đưa đến vùng xa,
Trong chỗ vui vẻ này hãy cùng nhau quên cả “cái ta”.
(Thị tòng học Tú tài, học sinh)

Là một nho sĩ nặng lòng với thế cuộc, có một tấm lòng đôn hậu, khi làm quan, ông không thể thờ ơ trước cảnh người dân trong hạt mình khổ sở vì thiên tai, hoặc vì những tai nạn mà do việc mưu sinh không có điều kiện tự bảo vệ:

“Dân trong hạt bị bệnh tật, có kẻ khổ sở vì lưu vong, gần đây nghe tin cư dân sống ở Bàn Thạch có người bị hổ vồ, cảm khái thành thơ, viết trình đồng sự là ông Phan và ông Trần” (Hạt dân tật điến, hoặc khổ lưu vong, cận văn Bàn Thạch Giang cư dân hữu tử ư hổ giả, khái nhiên cảm thành, thư trình đồng sự Phan đài, Trần đài):

Tam tải nê hồng chính bất tuyên.
Ấp hữu lưu vong sầu tử hổ,
Dân đa dịch lệ thán phùng niên.
Ân thâm vũ lộ chiêm duy thánh,
Trách trọng phong cương quý bất hiền.

(Chim hồng in dấu đã ba năm(21) mà chính sự chưa được rộng mở.
Trong ấp có người phải lưu vong, buồn thay bị hổ ăn thịt,
Than thở vì gặp phải năm dân nhiều người bị bệnh dịch.
Ơn sâu mưa móc chỉ biết trông ở bậc thánh,
Trọng trách nơi biên cương, thẹn vì không có tài năng.)

Trong thơ ông, không ít những câu thơ chua xót hoặc thẳng thừng lên án chính sự hà khắc. Có những câu thơ đọc lên mà cảm giác hình dung được cái chau mày của tác giả:

Phương bá khởi năng vô thiện chính?
Hà tai hổ bạo vị tằng tiêu.

(Quan địa phương há không giỏi chính sự?
Thế mà sao nền hành chính bạo ngược như hổ vẫn không thể hết?).

(Khánh Hoà)

Những ngày ở Phú Yên, ông đã quan sát rất kỹ địa thế, sản vật và hiểu rất rõ tính cách người dân trong vùng mình cai trị. Ông khen người dân Phú Yên chất phác, chăm chỉ, trung hậu, nhưng ông thương họ vất vả và nghèo khó. Đất đai thì cằn cỗi, bạc mầu, thóc lúa ít, gạo ăn phải trông chờ vào chợ búa hoặc các thuyền buôn (Phú Yên phong thổ ca). Chính vì thế, ông coi việc đem đến cuộc sống yên vui, đỡ đói nghèo cho dân là trách nhiệm của quan chức mỗi địa phương. Và đặc biệt, ông rất quan tâm đến chức trách của những người thày, những học quan, người giữ trong tay tiền đồ của cả một lớp trai trẻ, bởi họ cũng là nhân tài của đất nước:

Cửu tiêu ân lộ tiên đa sĩ,
Bát quận danh đồ hệ chủ ti.
Thiên phận đắc lai hoàn hảo xứ,
Văn phong sơ khởi hạnh minh thì.
Giải ân khoan dụ hề dung trách,
Khoa thức sâm nghiêm khủng hoặc di.
Án thượng phê thành thiên tiễu tiễu,
Diên ngư tùy phú thử trung ki.

(Phụng thủ cử nhân, trúng quyển duyệt thành, khái nhiên tác)

(Con đường ân điển chín tầng trời trước hết dành cho các kẻ sĩ,
Con đường công danh trong tám quận có can hệ đến quan chủ khảo.
Nhờ phận trời, được điều tốt đẹp,
Văn chương lúc mới khởi phát may gặp thời thịnh.
Ơn vua rộng rãi, nào có hẹp gì,
Khoa trường nghiêm cẩn, e bỏ sót [nhân tài].
Phê xong các bài trên án, trời tịch mịch,
Làm thơ về cảnh chim diều bay, cá bơi chính là cơ hội này.)

(Vâng lệnh chọn Cử nhân, chấm quyển đỗ xong, cảm khái viết)

Tuy nhiên, tinh thần hồ hởi, phấn chấn ban đầu qua đi khá nhanh. Làm quan triều Nguyễn, “cháy thành vạ lây” là một nỗi lo thường trực. Nhậm chức Tri phủ Thuận An mới mấy tháng, Nguyễn Văn Lý đã bị khiển trách; được gọi vào Kinh, nhưng suốt 7 năm (từ 1834 đến 1841), dường như Nguyễn Văn Lý cũng không được giao một công việc gì đáp ứng hoài bão của ông. Những bài thơ ông làm trong thời gian này nhiều bài cho biết điều đó. Quanh đi quẩn lại, dường như ông chỉ có việc đi trực trong Ban, trong Các (Thu trực bất mị, Cửu nhật trực hồi, phú thị niên huynh Phạm Nghĩa Khê ...), mà có vẻ công việc rất nhàn – xem hoa, cảm nhận thời gian trôi đi và thù tiếp các bạn đồng liêu. Tiễn người sung một chức nào đó thuyên chuyển đi xa, tiễn người về hưu, tiễn người đi hiệu lực, tiễn người bị bãi chức cho về quê, trong đó có cả người bạn thân thiết của ông là Ngô Thế Vinh ... Vui vẻ nhất trong những cuộc hội họp ấy là được cùng bạn bè xướng hoạ, được “hầu” vị Các lão họ Hà nối vần làm thơ, ngoài ra là những lúc một mình đối diện với thời gian, với gió mưa bão lũ của một vùng đất thiên nhiên vốn khắc nghiệt, nhất là đối với những nho sinh Hà Thành! Cuộc sống tẻ nhạt, nơm nớp lo âu, và khí hậu khắc nghiệt đã khiến Nguyễn Văn Lý phát ốm. Cho nên khi được bổ làm Án sát Phú Yên, ông như đã lấy lại được nhuệ khí và cũng đã có nhiều dự định, nhiều quyết tâm. Người và cảnh Phú Yên đã đem lại cho ông những sinh khí mới. Các bài Phú Yên phong thổ ca, Quá Hải Vân quan,... đều thể hiện tinh thần nhập cuộc, tự tín, như một cảm giác được tự do. Những vần thơ làm thời gian này vì thế trở lại được phong cách mạnh mẽ, tươi tắn và giàu chất suy tư. (Trạng thái tinh thần này cũng thấy ở những bài thơ làm sau kỳ nghỉ giả hạn, Nguyễn Văn Lý trở lại Kinh đô trong Chí Hiên thi tập). Nhưng rồi ở Phú Yên chẳng bao lâu, Nguyễn Văn Lý lại vấp váp, quan Án sát mà đến nỗi phải bị “đối tụng”, cuối cùng là bật trở lại Bắc Thành với quyết án “miễn nhiệm”! Cho nên đối với Nguyễn Văn Lý, những năm làm quan là một chuỗi dài ngày không mấy vui vẻ và nhiều khi còn rất buồn. “Trong thơ ông, chữ “sầu” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Khi thì là sầu lữ thứ, lúc sầu quan san, lúc lại sầu vì cô độc. Nguyễn Văn L‎ý tự ví mình như “hàn mai nở trong đêm”, là một “cánh chim âu giữa trời đất mênh mang” (Thiên địa mang mang ngã diệc âu - Quan xá trùng dương vũ trung ngẫu tác), hay một “cánh chim hồng bay trong muôn vạn dặm trời lộng gió” (Tường hồng vạn lí phong -Thứ Hình bộ lang Đông An Nguyễn Tử), một vầng trăng vằng vặc giữa muôn dặm quan hà (Hà quan vạn lí nguyệt minh luân - Bình Định trung thu)”(22)... Thơ của ông cũng thường biểu lộ một trạng thái tâm tư mơ hồ, thường “bồi hồi”, vẩn vơ, lạnh lẽo khó ngủ (Oanh Xuân, Thu trực bất mỵ). Có khi bài thơ chỉ là vịnh cảnh tứ quý, tưởng như rất công thức, sáo mòn, nhưng xem ra Chí Đình đã gửi gắm ở đó một suy tư rất sâu sắc về triết lý nhân sinh – sự vô nghĩa của một cuộc sống dựa dẫm, không được tự ý thức, ví như bài Xuân oanh sau đây:

Bách chuyển tân thanh nhất điểm hoàng,
Hàm đào, xuyên liễu, trục xuân phương.
Nhất chi thê xứ thùy kham tá,
Há thướng như cừ tự diệc mang.

(Chỉ một chấm vàng mà hót trăm thanh mới mẻ,
Ngậm hoa đào, bay xuyên khóm liễu, đuổi theo hương xuân.
Nơi đậu chỉ là một cành, ai cho mượn,
Cứ bay lên bay xuống như mày, kể cũng bận rộn.)(23)

Tứ thơ kín đáo, thật đúng như lời nhận xét của Phan Trứ: “Những bài bình đạm của ông thì trẻ mới học cũng hiểu, những bài sâu sắc của ông thì các bậc lão nho cũng không hiểu hết được” (Đông Khê thi tập tự).

Nhưng đỉnh cao của sự chán nản đối với quan trường, sự “ly tâm” đối với triều Nguyễn phải kể đến bài Đắc gia thư cố cư thất hoả (Được thư nhà báo tin nhà ở cũ bị cháy):

Sổ duyên thê thác Nhĩ Thành ôi,
Hồi lộc phân vân phục kỷ hồi.
Danh khí thặng tồn thiên cổ vật,
Âm thư phiên đãi cách niên lai.
Trì ngư khước thị đồng du hoạn,
Đường yến thùy vi tác phú tài.
Khả thị hữu hình chung hữu hoại,
Đan tâm do tín vị thùy hôi.

(Mấy gian nhà nương nhờ bên góc thành Nhị Hà,
Đã mấy lần thần lửa làm cho thành tro bụi.
Chỉ còn mấy thứ biểu tượng cho khoa danh, vật quý muôn đời,
Thư nhà phải chờ đợi hàng năm mới tới.
Cuộc đời làm quan cũng giống như con cá dưới hào,
Phận “chim én làm tổ trên nhà”, biết ai làm cho bài phú nhàn?
Đúng là phàm vật có hình thể rút cục tất có hủy hoại,
Riêng tấm lòng son thì tin rằng chưa thành tro bụi.)

Muốn về, coi quan trường là nơi hiểm hoạ - “cháy thành vạ lây” - luôn rình rập con người thì quả thật lòng tin đối với triều đình chẳng còn bao nhiêu nữa. Nhưng dù tình cảm, nhận thức như thế, nhưng ông vẫn chưa “tự thoát” ra được, cứ phải gắng gượng “sa đà ở Trường An”. Tính cách hồn hậu, trung tín của một nhà nho khiến ông không thể “dứt tình” với triều đình, không thể phụ ơn vua, không thể nghĩ xấu về đồng liêu, cho nên ông càng buồn sầu, càng vô vọng, nhưng dù vậy lại không thể oán hận, không thể quyết
liệt chống đối.

Nguyễn Văn Lý nặng quan điểm nho gia. Đối với ông, cương thường là rất trọng, cho nên những mối quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, bè bạn là những giềng mối quan trọng trong đời sống kẻ sĩ. Nhưng điều đặc biệt là ở Nguyễn Văn Lý, bè bạn không chỉ riêng là quan hệ xã hội, là đạo lý mà còn xuất phát từ tình cảm chân thành, từ tình thân và sự đồng chí hướng. Trong bạn bè của ông có những tên tuổi các danh sĩ nổi tiếng như Hà Tôn Quyền, Nguyễn Công Trứ, và đặc biệt có Hoàng tử thứ 10 Miên Thẩm - Thương Sơn Chủ nhân. Mặc dù mới quen biết từ khi làm quan trong triều nhưng ông rất ngưỡng mộ Thương Sơn và cũng được Thương Sơn quý mến. Thương Sơn ốm, ông bói Dịch đoán bệnh, khi ông hoạn nạn, Thương Sơn gửi thơ an ủi, khi ông rời kinh đô, Thương Sơn mời rượu chia tay, lại sai con đến tiễn, sau đó còn Đề Tựa cho tập thơ Đông Khê của ông ... Nguyễn Văn Lý cũng coi Thương Sơn là bậc tri kỷ, coi việc được “vịn mà bước lên” Mặc Vân Sào là một vinh hạnh, ông không ở lại Kinh đô chỉ bởi chí hướng của ông đã gửi ở khói mây:

Mặc Vân Sào lý hạnh tê phan,
Viễn ý bồi hồi bán trản gian.
....
Hải nội hàm tình tri kỷ tại,
Sơ tâm nghiệp hứa bạch vân nhàn.

(May mắn được vịn mà bước lên Mặc Vân sào,
Tình ý xa xôi bồi hồi, mới nửa chừng cuộc rượu.
......
Trong cõi đời, mang nặng tình cảm, bởi tri kỷ còn đó,
Nhưng tấm lòng từ xưa đã gửi ở chốn mây trắng).
(Dạ ẩm, bôi thứ đáp Thương Sơn công tống thi)

Trong ấy cũng có những người bạn thân thiết tử thuở đồng song, đồng niên, như Dương Đình Ngô Thế Vinh, Thận Tư Trần Văn Vi, Phạm Nghĩa Khê, Cao Bá Quát... Nhưng có vẻ như giữa đám bạn bè thân thiết ấy, Nguyễn Văn Lý đã dành cho mỗi người một tình cảm và một vị trí không giống nhau trong lòng. Vũ Tông Phan có một tinh thần quyết liệt, không thoả hiệp, Nguyễn Văn Lý rất quý trọng, dù ít gần gũi nhưng ông coi Vũ là người có thể dắt dẫn cho bè bạn, người đại diện cho lương tri thời đại. Phạm Nghĩa Khê luôn ở bên cạnh ông trên hoạn lộ xa xôi, Ngô Thế Vinh là người hay được ông an ủi, nhớ nhung... Còn giữa ông với Cao Bá Quát là một tình bạn vượt ra ngoài quan hệ đồng liêu thông thường. Có lẽ hai câu thơ viết cho Cao Bá Quát đã gửi gắm được tâm sự của ông về mối quan hệ đặc biệt này:

Khiển trục ôn tồn lân cộng lữ,
Hà như lão ẩu sất du y.

(Ôn tồn hỏi kẻ bị biếm trích, thương thay cùng cảnh ngộ lữ khách,
Sao được như chuyện vợ già mắng mỏ về việc không có áo dầu).
(Hoạ phục Cao Tử Quảng Nam Trà Giang dạ bạc kiến ký)

Giữa họ có sự đồng cảm của hai thân phận bị “biếm trích”, có sự đồng cảm của hai lữ khách cô đơn. Vì vậy khi Cao Bá Quát phải vào ngục Nguyễn Văn Lý đã gửi thư cho bạn với những vần thơ xót xa nhưng nặng nỗi niềm đồng cảm, kính phục tài hoa của bạn (Thù Cao Chu Thần tại ngục kiến ký thứ vận). Đọc tập thơ của bạn, ông cũng đã phát hiện ra tính cách của bạn mà không hề tỏ ý không hài lòng: “Trên lầu xuân ký thác ít nhiều thái độ ngạo đời” (Đa thiểu xuân lâu ký ngạo thì).

Riêng Phương Đình Nguyễn Văn Siêu và Phan Trứ, đối với Nguyễn Văn Lý là một tình bạn đặc biệt. Phương Đình không chỉ là bạn học, bạn thơ, bạn đồng hương cùng hội cùng thuyền mà còn là tri âm tri kỷ. Hai người luôn được gần gũi nhau, chia sẻ nhiều chuyện buồn vui, từ chén rượu, câu thơ, ánh trăng, khóm cúc, ngọn gió trên thành đài, buổi hoàng hôn cùng sóng ngựa đến những tâm sự sâu kín ... Cho nên Nguyễn Văn Lý nhớ Phương Đình da diết khi xa cách:

Trăng trên rường nhà trong canh ba(24),
Mây trên sông thu hết vào trong tầm nhìn.
Bao giờ mới được nắm lấy tay nhau,
Lại cùng nói chuyện trong gió xuân.

Ông cũng sẵn sàng bày tỏ với bạn nỗi buồn cô đơn khi đất khách quê người:

Đáng thương nhất là thân thế vẫn như cỏ bồng xiêu dạt,
Khuôn mặt cũng như tấm lòng, phần nhiều đều không giống nhau.
Bày tỏ nỗi nhà nơi miền xa xôi ngàn dặm,
Nỗi sầu của lữ khách gửi gắm tất thảy trong bức thư.

(Hoạ Nguyễn Tử Phương Đình Thư Hoài kiến ký)

“Những khi trong lòng khúc mắc không thể giãi tỏ cùng ai thì ông dốc hết bầu tâm sự với tri âm”(25):

Nhạn xứ nào trong làn sương phía trước,
Bay qua toà thành bên núi?
Ý xưa như hãy còn đây,
Quan san mây kéo ngang trời.
Chẳng biết rằng đi xa ngàn dặm,
Toan tính cho bản thân chỉ là chút phù danh.
Đất hẹp tài cũng mọn,
Sầu nhiều chẳng nghiêng bầu rượu.
Tháng năm Đài Xuân đã muộn màng,
Giang sơn sương trắng trong veo.
Ai người cùng ước hẹn ở nơi xa?
Nơi triều thị từ xưa toàn những chuyện tranh giành.
Tự thương mình đau ốm,
Huống nữa lại nghe lời biệt ly.
Sớm muộn rồi cũng sẽ về nơi quê nhà,
Ơn sâu xin cảm tạ bậc thánh minh.

(Hoạ đáp Nguyễn Tử Phương Đình nhị thủ, 1)

Còn Phan Phù Xuyên, cũng bạn đồng niên nhưng hơn Nguyễn Văn Lý một tuổi, ông luôn gọi là “Phan huynh”, lại là một chỗ dựa tình cảm cho Nguyễn Văn Lý trong lúc khó khăn nhất trên hoạn lộ, đó là thời gian chờ đối tụng ở Bình Định. Thời Nguyễn, làm quan, bị cách chức cũng là chuyện “thường nhật”, nhưng bị “ra toà” oan – bị vu cáo – bởi tội hối lộ thì thật là một điều đau xót. Ở đây không chỉ có chuyện chức tước mà còn có cả vấn đề đạo đức, nhân cách, điều mà Nguyễn Văn Lý rất coi trọng, luôn luôn tu dưỡng giữ gìn. Phan Phù Xuyên hiểu điều ấy nên rất ân cần đối với bạn. Trong bè bạn, chỉ có Phan Phù Xuyên chứng kiến trực tiếp chuyện này và cũng trực tiếp bày tỏ niềm cảm thông: “Mệnh vận gian nan, ngẫu nhiên gặp tai hoạ, lệnh khiển trách đến, tức thì tất vải giày cỏ đi ngay. Khi đến Bình Định tôi ra ngoài thành đón, rất lấy làm ái ngại, nhưng Chí Đình vẫn bình thản, coi như một việc thoảng qua” (Tựa Đông Khê thi tập). Cách hành xử đó khiến Phan Phù Xuyên khâm phục: “Ở trong cảnh cùng sầu mà vẫn thư thái, càng đọc sách, càng làm thơ, không bị vật bên ngoài làm rối tình cảm. Đó lại càng là điều mà người đời khó theo được” (Bài đã dẫn). Suốt hai năm ở Bình Định, Nguyễn Văn Lý luôn luôn được Phan Trứ săn sóc, an ủi. Khi thì uống rượu ở tư dinh, khi thì ngắm trăng trung thu, khi đi chơi cửa biển Thi Nại. Phan Trứ đề Tựa tập thơ của Nguyễn Văn Lý cũng trong dịp này (năm 1846). Chắc không phải ngẫu nhiên trong lời Tựa, Phù Xuyên nhấn rất mạnh “cái chí” của Nguyễn Văn Lý: “Tôi tìm đến thơ của Chí Đình là để hiểu cái chí của Chí Đình vậy” ... Những cuộc đàm đạo văn thơ, xướng hoạ, nhìn trăng ngắm núi, có thể đã làm dịu bớt nỗi lòng Nguyễn Văn Lý. Riêng cảnh biển khơi sóng cả, chòi canh vừa lẻ loi vừa nghiêm mật bởi đội quân phòng vệ có thể đã đem đến cho Nguyễn Văn Lý những cảm xúc mà không phải các thi nhân thời trung đại đều có thể được cảm nhận...

Thơ của Nguyễn Văn L‎ý ở tập Đông Khê, dù lập chí cứng cỏi, dù bộc lộ nỗi buồn lữ thứ, tâm sự chán nản quan trường, nhớ nhà nhớ quê... cũng đều thể hiện hồn thơ trung hậu của một con người cả đời tu dưỡng theo mẫu hình nhân cách đạo đức nho gia. Vì vậy khi tập thơ đưa vào Bí các, đã nhận được một sự đánh giá chính thống: “Thơ ông trọng lập ý tinh thâm, hồn hậu mà trang nhã” (Đại Nam liệt truyện). Đó là lời khen chính xác, xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ của nho gia, và với những chuẩn mực như vậy không phải không từng có những tác phẩm sáng giá trong nhiều thế kỷ. Cho nên từ vị chính khách Thượng thư Bộ Binh Lê Đôn, Bố Chánh sứ Bình Định Phan Trứ, Đốc học Bình Định Phan Cử đến nhà thơ hay chữ mà hào hoa Miên Thẩm, chủ nhân thi xã Mặc Vân đều đã dành cho ông những lời khen ngợi khá thống nhất và trân trọng: “Chí Am cũng không ham thơ, nhưng kiến thức lỗi lạc không tầm thường. Trước những điều gặp gỡ xúc động, cảnh sắc sâu vắng lạ kỳ, không nỡ để núi sông phải tịch mịch; xem xét sử sách việc đời, không nỡ để sự tích mai một, những điều sở đắc đều ghi lại, bất giác thành thiên thành tập. Tựu trung là hoài cổ tụng kim mà ngôn từ phần nhiều đúng lý; nhớ xưa khuyên nay mà văn chương xuất ở tình. (Tựa của Phan Cử).” Và Miên Thẩm đã nêu ra một phương pháp đọc thơ Đông Khê: “Phủi cát luôn phát hiện ra vàng, đẽo đá bỗng nhiên được ngọc, là người đã suy xét đến cùng cực nên thơ văn cũng vô cùng đẹp đẽ ngay ngắn” (Tựa của Thương Sơn).

...xem toàn văn...

Trần Thị Băng Thanh

Ô Đồng Lầm, tháng 6 -2010

CHÚ THÍCH

(16) Khảo sát sơ bộ, bản này khác A.1873 và cùng loại với bản được lưu giữ ở gia đình và có bổ sung thêm. Hiện chưa có điều kiện để khảo sát xem giữa A.2439 và bản lưu giữ ở gia đình có mối liên hệ ra sao? Có cùng 1 bản gốc, hay 1 trong 2 bản là bản sao của bản kia?

(17) Xin xem phần Thăng Long hoài cổ trong Vũ Tông Phan ... Sđd, từ tr. 115 đến 145.

(18) Về việc đi sứ, ý kiến các nhà nghiên cứu còn chưa nhất trí, cụ Tảo Trang cho rằng Nguyễn Văn Lý có đi sứ, vào khoảng sau khi bị cách chức mấy tháng (xin xem bài Nguyễn Văn Lý – Người con của Kinh thành, đã in trong Chí Đình Nguyễn Văn Lý – Tuyển tập thơ văn, Nxb. Khoa học xã hội, 2011).

(19) Vĩnh Thúc: một vị quan nhà Tống thời Tống Nhân Tông, trong bài thơ điếu Tống Nhân Tông của ông có câu: Cơ nghiệp bách niên truyền thánh tử / Kiềm lê tứ kỷ lạc xuân đài (Cơ nghiệp trăm năm truyền cho người con thánh / Dân đen bốn kỷ (48 năm) được vui cảnh đài xuân). Nguyễn Văn Lý muốn mượn ý ấy để ca ngợi vua Minh Mệnh.

(20) Ngu Khê: tên suối, do Liễu Tông Nguyên đặt, ông còn có Ngu Khâu, Ngu Tuyền. Ý là tôn trọng sự chất phác, cổ sơ. Liễu Tông Nguyên là 1 trong 8 đại gia đời Đường Tống, từng làm quan đến Giám sát ngự sử, sau bị gièm pha, bị trích làm Thứ sử Liễu Châu.

(21) Lấy ý từ câu “Tuyết nê hồng trảo”, nghĩa là dấu chân chim hồng in trên tuyết. Đây chỉ việc tác giả đã đến địa phương này được ba năm.

(22) Quách Thị Thu Hiền: Nguyễn Văn Lý - Lịch
sử văn học, Tập V, Q. 3. Bản thảo của Viện Văn học.

(23) Anh Nguyễn Ngọc Bình, hậu duệ của cụ Nghè Đông Tác có lý khi nói rằng bài thơ này không chỉ tả con chim oanh mùa xuân. Tác giả còn gửi gắm ý tứ thương hại cho thân phận kẻ ăn nhờ ở đậu, dựa dẫm mà không tự biết nỗi nhục trong đó, vẫn bận rộn mua vui.

(24) Lấy ý một câu thơ của nhà thơ Đỗ Phủ gửi Lý Bạch, nói tình cảm nhớ nhung khi hai người xa cách.

(25) Quách Thị Thu Hiền. Bàì đã dẫn.


Xem online : Nguyễn Văn Lý (1795-1866)


[1Thư viện Hoàng triều