Biến động chính trị thời nhà Đường

Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc

BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ THỜI NHÀ ĐƯỜNG

Thời kỳ Đường Huyền Tôn (Đường Minh Hoàng) trị vì được gọi là “thời đại vàng son” của toàn nhà Đường. Văn học nghệ thuật đua nhau nở rộ và quân đội bắc triều liên tiếp bành trướng ra mọi ngả. Ngoài những thống kê dân số mà chúng ta đã xem qua, tài liệu duy nhất còn tồn tại về thời kỳ nhà Đường đô hộ Việt Nam giữa những năm 722 và 751 là một câu chuyện lưu truyền ở Việt Nam về một Đô Hộ Sứ có tên là Lư Ngư. Lư Ngư ngụ ở làng An Viễn cách Tử Thành một quãng đường ngắn về phía Tây. Hài lòng với phong cảnh của An Viễn nên Lư Ngư đã cho dọn toàn bộ bản dinh về một ấp ở trong làng. Ngay trung tâm bản dinh, ông cho xây một ngôi đền thờ sống Đường Huyền Tôn và kỷ nguyên Khai Nguyên (713-741) với tấm bia ghi khắc công đức của ”Khai Nguyên Thiên Tử “. Ngôi đền và bia công đức được lập ra để tôn thờ và cũng nhân đó quảng bá đến toàn thể dân chúng bản địa về quyền lực và sự thịnh vượng của đất nước Trung Quốc dưới thời Huyền Tông. Cạnh đó Lư Ngư cũng cho dựng một bức tượng thờ thần địa phương với một bài thơ để ca tụng cảnh đẹp làng An Viễn. Sử chép những người đến đền thờ này lễ tế đều được toại nguyện về những gì họ cầu xin nên hương khói chẳng bao giờ tắt!

Việc kết hợp một danh lam thắng cảnh của An Nam Đô Hộ Phủ với một vị hoàng đế của nước đô hộ như thế phản ánh một cố gắng nhằm thay đổi truyền thống thờ cúng từ xưa đến giờ của dân chúng địa phương. Ngôi đền của Lư Ngư trở thành một trung tâm thờ cúng lễ bái một mặt để củng cố uy tín của triều đại Huyền Tông, mặt khác là là nhằm đánh lạc hướng những ý thức tôn giáo bản địa khiến dân An Nam bị ru ngủ và quên đi những anh hùng nữ lưu dân tộc mà thay vào đó là nhớ đến vương triều đang đô hộ họ.

Câu chuyện Lư Ngư và ngôi đền là một trong những bằng chứng về việc tìm cách tạo ảnh hưởng của nhà Đường đối với xã hội Việt Nam dưới thời Đường Minh Hoàng. Nó cũng cho thấy rằng các Tổng Quản nhà Đường cảm thấy nhu cầu cần phải lấy được lòng tin của dân chúng sau khi chứng kiến hai cuộc nổi loạn của dân chúng vào năm 687 và cuộc nổi dậy bất thành của Mai Thúc Loan vào năm 722. Đưa Huyền Tôn Hoàng Đế lên ngang hàng với các anh hùng và thần thánh địa phương lộ rõ ý định nhồi nhét các ý thức hệ bắc phương vào văn hoá Việt Nam đồng thời cho thấy thái độ sẵn sàng của Đường triều để có những biện pháp tích cực hơn đưa xã hội Việt Nam vào vòng kiềm toả của họ. Chúng ta sẽ thấy ở gần cuối chương này những chứng cứ ở giữa thế kỷ 8 về những đạo luật nhằm áp đặt hệ thống gia đình theo kiểu Trung Quốc tại An Nam Đô Hộ Phủ nhằm đồng hoá Việt Nam. Rõ ràng một trung tâm thờ cúng vừa thờ thổ thần địa phương, vừa thờ vị hoàng đế đô hộ chính là nằm trong kế sách đồng hoá ấy.

Trong một thế kỷ rưỡi đầu của triều đại Đường, người Việt Nam đã có vẻ hơi thụ động. Ngoài cuộc nổi loạn của nông dân vào năm 687 và của nổi dậy bất thành của Mai Thúc Loan năm 722, không còn sử liệu nào cả nói đến các hoạt động chính trị của địa phương. Nhưng vào thế kỷ rưỡi cuối triều Đường thì lại khác hẳn vì các cuộc khủng hoảng lớn xảy ra vào giữa thế kỷ 8 làm cho Đường triều mất hẳn cái động lực chiến lược của mình. Những thất bại quân sự của Đường triều ở Vân Nam báo hiệu một thời cơ mới cho Việt Nam.

Trong 25 năm thứ nhì của thế kỷ 8, các quan chức Đường dự định mở một con đường chiến lược thông suốt từ Bắc Trung Quốc xuống tới An Nam xuyên qua Tứ Xuyên và Vân Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn phần lớn dọc con đường dự định đã có các binh sĩ đồn trú. Sự ra đời của nước Nam Chiếu ở Vân Nam một phần là kết quả của dự án này, bởi vì Đường triều vun trồng quyền lực cho Nam Chiếu với hy vọng sẽ có được một đồng minh có thể giúp họ bình định những bộ tộc trên các vùng núi ở dọc phần Nam của con đường. Nhưng khi Nam Chiếu mạnh lên thì quan hệ của họ với nhà Đường lại xấu đi và kết quả là chiến tranh lại xảy ra.

Năm 751, Đô Hộ Sứ An Nam là một người gốc ở Quế Châu tên là Hà Lý Quang, đem một đạo quân tiến vào Vân Nam. Ông đánh chiếm được thành An Ninh, một pháo đài nằm ở vùng trung đông của Vân Nam và dựng lên ở đấy một đôi cột đồng để đánh dấu biên giới theo kiểu Mã Viện ngày xưa. Nhưng đây chỉ là một phần của chiến dịch lớn hơn của nhà Đường nhằm tiến đánh Nam Chiếu nhưng đại quân của Đường bị thảm bại khi tiến tới gần trung tâm Nam Chiếu ở vào khoảng 200 dặm phía Tây thành An Ninh. Hai năm sau, Hà Lý Quang lại chỉ huy tất cả các đạo quân lấy ở khắp miền Nam để tiến đánh Nam Chiếu lần thứ nhì nhưng lại bị quân Nam Chiếu đánh cho tan tành vào năm 754.

Thất bại này là một trong những thất bại liên tiếp của quân Đường trên khắp các mặt trận biên thùy. Năm 751, các bộ tộc du mục đánh bại quân Đường ở Nam Mông Cổ; cũng năm ấy, quân Đường ở Trung Á bị thua một trận ở Samarkand mà trong đó liên minh Ả Rập với Thổ Nhĩ Kỳ đã xua tan được làn sóng quân Đường.

Đằng sau những thất bại ấy là một chính quyền trung ương bị suy yếu hẳn đi vì uy quyền ngày càng lớn của các ông Tiết Độ Sứ (chỉ huy quân sự) kiểm soát hết phần Bắc của vùng biên giới phía tây Trung Quốc. Năm 755 một trong những Tiết Độ Sứ ở biên giới Mãn Châu là An Lộc Sơn làm phản. An Lộc Sơn đã giáng cho Đường triều một đòn chí tử mà từ đó họ không thể vực dậy được nữa.

Cái chết của An Lộc Sơn năm 757 vẫn không chấm dứt được các cuộc nổi loạn vì những rối loạn mà An Lộc Sơn gây ra khắp nơi trước đó đã có một tầm ảnh hưởng sâu xa hơn là những tham vọng riêng của chính An Lộc Sơn. Trong nửa thế kỷ sau đó, miền Hoa Bắc liên miên bị tàn phá khi Tây Tạng và Uighurs đem quân xâm nhập biên giới phía Tây Trung Quốc. Mãi đến gần cuối thế kỷ thứ 8 nhà Đường mới phục hồi được lại được một chút nhờ thi hành một chính sách mới về xã hội và kinh tế.

Quyền lực khập khiễng của vương triều được nhận thấy rõ ràng ở phía Nam. Giữa cơn khủng hoảng đang lên cao thì hàng loạt các Tiết Độ Sứ lại bị thay thế. Năm 756, một Tiết Độ Sứ được bổ đến Hồ Nam. Ông lập tức Bắc tiến để đánh An Lộc Sơn với một đạo quân 50.000 người. Cũng năm ấy, Hà Lý Quang được bổ Tiết Độ Sứ Lĩnh Nam, một địa hạt gồm Lưỡng Quảng bây giờ. Nhân cơ hội các quân đồn trú được rút cả về Bắc nên các bộ tộc ở vùng núi ở các châu Quế, Ung và Dung tràn xuống đánh chiếm các trung tâm dân cư và tuyên cáo thành lập ít nhất 7 tiểu quốc độc lập. Họ đuổi hết các ông Tổng Quản Đường ra khỏi bờ cõi và đóng chặn tất cả mọi con đường bộ liên lạc giữa An Nam và Trung Quốc. Mãi hai năm sau đến năm 758, nhà Đường mới tổng phản công nhưng cũng chỉ thành công được một phần và tạm thời mà thôi. Trong năm ấy, danh hiệu “An Nam” được đổi ra là “Trấn Nam” và viên Đô Hộ Sứ ở đấy được phong chức Tiết Độ Sứ.

Các châu giáp ranh phía Bắc với Đô Hộ Phủ vẫn không được ổn định trong suốt những năm 760. Lưỡng Quảng bây giờ được chia ra thành 4 Tổng Quản Phủ là Quảng, Quế, Ung và Dung. Năm 760 và 762, bộ tộc Lao làm loạn ở Quế nhưng bị dẹp yên. Đến năm 767, họ lại đuổi đánh tất cả quân Đường ra khỏi xứ. Châu Ung và phần lớn châu Dung nằm dưới quyền kiểm soát của quân nổi dậy cả chục năm trời. Năm 763, một quan chức ở châu Quảng làm phản và tống cổ Tiết Độ Sứ. Cuối cùng, mãi đến năm 769, nhà Đường mới dẹp yên được các cuộc nổi dậy ở châu Quảng và Quế, và mãi đến khoảng 771, các quan chức đô hộ mới dám quay lại châu Dung.

Đô Hộ Phủ vẫn được ổn định trước những rối loạn ở các châu kế cận đó. Năm 761, môt người Nhật tên là Abe No Nakamaro, tên Trung Quốc là Triệu Hanh, được bổ làm Đô Hộ Sứ An Nam. Đến Trung Quốc năm 717, vào lúc 19 tuổi để du học rồi sau được giữ lại làm quan tại triều. Năm 753, Abe định quay về Nhật, nhưng thuyền của ông bị bão thổi trôi mãi xuống Nam và dạt vào bờ biển châu Hoan. Abe tìm cách trở lại kinh đô Trung Quốc ngay, nhưng vì không hy vọng trở về Nhật nữa nên vài năm sau, ông được bổ xuống An Nam làm Đô Hộ Sứ.

Trong thời cai trị An Nam, rối loạn duy nhất là những vụ xảy ra với bộ lạc ở vùng biên giới Vân Nam. Năm 766, vì có công dẹp yên được cuộc nổi dậy này nên Nakamaro được Đường triều khen thưởng. Thời ấy, châu Diên được tách ra khỏi châu Hoan, có lẽ là để đối phó có hiệu quả hơn với các bộ tộc bất tuân khác ở vùng núi.

Năm 767, Abe No Nakamaro được thay thế bởi Trương Bá Nghi, là con của một cựu Đô Hộ Sứ. Trái với các đồng nghiệp của ông ở miền Bắc là những quan chức luôn phải bận tâm với những đe doạ từ vùng núi xuống, Bá Nghi lại phải đối phó với những thử thách từ biển vào. Năm 767, An Nam Đô Hộ Phủ bị tràn ngập bởi giặc Côn Lôn và giặc Sa Bà từ biển tấn công vào. Côn Lôn là tên Trung Quốc dùng để chỉ những dân ở các miền bờ biển và các đảo ở Đông Nam Á nói chung, và Sa Bà là đặc biệt chỉ đảo Java ở Indonesia ngày nay.

Vào thời đó, sách Trung Quốc có nói đến Hoàn Vương thay vì Lâm Ấp. Hoàn Vương ở quá về phía Nam Lâm Ấp trước kia, nơi phụ cận các thành phố Phan Rang và Nha Trang bây giờ. Năm 774 và 778, cũng như ở Đô Hộ Phủ, Hoàn Vương bị giặc biển tràn vào. Các học giả ngày nay đều tin rằng những biến cố này có liên hệ đến triều đại Sailendra mới hình thành sau này ở Java.

Giặc Côn Lôn và Sa Bà đánh chiếm được Tử Thành và tự do cướp phá vùng đồng bằng. Trương Bá Nghi kêu cứu, và Cao Chính Bình, một tướng quân đóng ở xa mãi trên miền Bắc vội gửi quân xuống tiếp viện và đẩy lui được giặc biển. Sau đó Trương Bá Nghi bỏ Tử Thành và xây một thành mới ở gần đó, xung quanh có hào sâu. Thời Đường, thành kiểu ấy được gọi là “lô cheng”, và vì thế, thành mới của Trương Bá Nghi được gọi là “La Thành”. Tử Thành bị giặc tràn ngập 3 lần vào những năm 687, 722 và 767. Việc xây những pháo lũy ở vòng ngoài thành có mục đích ngăn ngừa những tai hoạ như thế về sau.

Việc xây La Thành được nối tiếp bằng một cố gắng phục hồi quy chế chính thức của Đô Hộ Phủ đã có trước khi xảy ra cuộc nổi loạn An Lộc Sơn.
Năm 768, danh hiệu Đô Hộ Phủ lại được gọi trở lại là An Nam và chức Đô Hộ Sứ từ đó lại kiêm luôn chức Kinh Lược Sứ thay cho Tiết Độ Sứ.

Chế độ Tiết Độ Sứ tuy nhiên đã được áp đặt ở phần lớn miền Bắc, nơi mà các vụ loạn lạc lớn vẫn tiếp tục xảy ra trong suốt thập niên 780. Như thế nghĩa là chính phủ trung ương và quân đội hoàng triều cũng chỉ là một trong số những trung tâm quyền lực kình chống nhau và triều đình phải tùy thuộc vào những cuộc liên minh thay đổi giữa các trung tâm ấy. Võ đài chính là Hoa Bắc, còn miền Nam, bề ngoài vẫn trung thành với triều đình, hoặc là nếu có nổi loạn, cũng không liên quan gì đến các cuộc xung đột ở miền Bắc. Tuy nhiên, miền Nam không thể không bị ảnh hưởng bởi các lực lượng có thế lực mạnh nhất. Năm 773, một Thứ Sử châu Quảng giết viên Tiết Độ Sứ ở Quảng Châu, và thống nhất các khu vực rộng lớn ở phía Nam lại dưới quyền ông ta. Cuộc nổi loạn này bị dẹp tan năm 776, nhưng điều đó cho thấy sự bất ổn định luôn có ở phía Nam.

Kể từ khi có loạn An Lộc Sơn, quyền lực nhà Đường ở miền Nam sa sút rõ rệt. Khi các binh sĩ đồn trú ở đó được lệnh rút về Bắc thì các bộ tộc vùng núi lại tràn xuống cướp bóc và xúi dục nổi dậy. Tuy thế suốt 12 năm sau đó, Đô Hộ Phủ vẫn giữ được ổn định về chính trị và hưởng thái bình cho dù các đường bộ liên lạc với triều đình bị cắt đứt. Nhưng đến khi bị giặc biển tràn vào năm 767, Đô Hộ Phủ mới trở thành sân khấu loạn ly.

Sự ổn định lâu dài ấy có lẽ là do tài lãnh đạo của những người xuất thân từ nhứng gia đình tích cực và năng động ở miền Nam từ hơn một thế hệ trước đó như Hạ Lý Quang, làm Đô Hộ Sứ trong thời gian chiến tranh với Nam Chiếu những năm 780, và sau đó làm Tiết Độ Sứ ở Quảng Châu, là người sinh đẻ ở miền Nam, cũng như Dương Tư Húc, người đã đánh bại Mai Thúc Loan năm 722. Trương Bá Nghi dường như cũng sinh đẻ ở Nam, vì phụ thân ông là Đốc Hộ xưa kia. Cao Chính Bình, người đến cứu viện Trương Bá Nghi, năm 767 đã lập sự nghiệp ở miền Nam mà về sau này cũng được phong làm Đô Hộ Sứ. Người duy nhất trong thời gian này rõ ràng không phải sinh đẻ ở miền Nam là người Nhật Abe No Nakamaro nhưng lại là người tài năng phi thường.

Khó mà đánh giá được mức độ của cuộc nổi dậy vào năm 767 bởi vì có quá ít tài liệu còn giữ được đến nay nhưng chắc là phải có thiệt hại lớn vì trị sở của Tiết Độ Sứ phải bỏ để xây cái mới. Hơn nữa việc phải gọi quân từ ngoài đến cứu viện cho thấy là Đô Hộ Phủ đã bất lực. Mặc dầu thời gian của cuộc nổi dậy không dài, nhưng phần tư thế kỷ kế tiếp đó đã cho thấy việc cai trị của nhà Đường ở Việt Nam bị gián đoạn. Việc gián đoạn này, đầu tiên là nguyên do từ những vụ binh biến, phản loạn của binh sĩ, tức là những biến cố năm 767 ấy đã giáng một đòn nặng vào cơ cấu hành chính làm nẩy sinh các cuộc phiêu lưu quyền lực trong giới quân sự. Những tham vọng cá nhân của các sĩ quan Đường, tuy nhiên, lại bị mau chóng thay thế bởi những cuộc nổi dậy của các lãnh tụ địa phương đang dần dần mọc rễ trong nền chính trị làng xã của xã hội Việt Nam.

PHÙNG HƯNG

Khi chế độ Tiết Độ Sứ bắt đầu được củng cố thì uy tín và hiệu năng của hành chính dân sự lại suy tàn dần dần ở khắp Trung Quốc và các vùng bị trị. Tại An Nam, bắt đầu từ thời kỳ Hoàng Đế Ta Ly (766-78), giới quân sự bắt đầu lên giọng qua những thái độ bất phục tùng hoặc công khai phản loạn.

Một tài liệu đặc biệt kể rằng, vào năm 782, một chỉ huy quân sự ở Châu Diên là Lý Mạnh Thu và Thứ Sử châu Phong là Bi An đã nổi lên làm phản. Lý Mạnh Thu tự xưng là An Nam Tiết Độ Sứ, nhưng cả 2 đều bị bắt và bị Đô Hộ Sứ Phụ Lương Giao giết chết. Ít lâu sau, nhân lúc An Nam Kinh Lược Sứ Trương Ứng qua đời khi đang tại chức thì phụ tá của ông là Lý Nguyên Do đã cầm đầu quân sĩ và “tập hợp các châu, huyện, trở thành một tên phản loạn.” Tướng nhà Đường là Lý Phục “cảnh cáo và bắt được Nguyên Do” và “miền biên giới Nam sau đó được tôn trọng”. Từ những biến cố đó, ta thấy là quyền lực của Trung Quốc ở An Nam đã giảm xuống rõ rệt. Cá nhân các quan chức thì hành động theo ý riêng của mình mỗi khi chụp được thời cơ. Thay vì cai trị, các quan chỉ chỉ dám nhắc nhở dân chúng hãy tôn trọng đừng làm thái quá là xong. Chính trong những năm nhiễu nhương này một lãnh tụ Việt Nam có tên là Phùng Hưng đã xuất hiện.

Phùng Hưng xuất thân từ một gia đình giàu có và uy thế ở bờ Nam sông Hồng gần núi Tản Viên, phía Tây Hà Nội thuộc châu Phong. Hai Bà Trưng xưa kia cũng quê ở đó và các vua Hùng xưa cũng đã ngự trị ở đấy. Họ Phùng đã giữ chức “quan Lang” cha truyền con nối mà theo truyền thuyết Việt Nam đó là chức tước toàn do các con vua Hùng xưa kia nắm giữ. Trong thời độc lập, chức này được dùng trong giới những người Mường ở trên miền núi, tức là những người anh em họ với dân Việt Nam ở đồng bằng. Chức Quan Lang còn được dùng mãi cho đến thế kỷ 20 đến nỗi một nhà ngữ học Việt Nam đã có ý kiến rằng danh từ này là danh từ gốc Việt Nam nhưng sau người Trung Quốc du nhập vào tiếng của họ. Dù sao đi nữa, danh từ “Quan Lang” cũng tượng trưng cho một quyền hành cổ truyền liên quan đến các vua Hùng xưa khiến họ Phùng cho rằng ông ta có quyền lãnh đạo chính trị dựa trên một uy thế cha truyền con nối có từ trước thời Trung Quốc đặt ra các chế độ châu, huyện.

Theo ngôn ngữ hành chính của Trung Quốc, Phùng Hưng được coi là “một lãnh tụ man di của một đơn vị biên phòng.” Coi như vậy là ngụ ý thừa nhận chính thức họ Phùng để đổi lấy sự trợ giúp ngõ hầu giữ được an toàn miền đồng bằng trước những sự xâm nhập từ miền núi xuống. Phùng Hưng nổi tiếng vì sức khoẻ và lòng dũng cảm của ông. Người ta đồn ông đã có lần tay không đánh chết một con cọp và vật ngã một con bò. Em trai ông là Phùng Hải cũng có tiếng là một đại lực sĩ. Phùng Hải có thể nhấc được một tảng đá nặng ngàn cân và vác đi xa nhiều dặm. Những người Lao ở trong núi đều phải nể sợ cái sức khoẻ của anh em họ Phùng.

Khi chính quyền dân sự bắt đầu phải nhượng bộ trước những tham vọng của giới quân sự trong những năm 770, Phùng Hưng và Phùng Hải đi từ làng này qua làng khác; đi đến đâu thiết lập quyền hành của mình đến đấy. Cuộc nổi dậy của Lý Mạnh Thu và Bi An năm 782 và của Lý Nguyên Do sau đó đã mở đường thêm cho thanh thế của anh em họ Phùng. Trong khi những quan chức Đường đầy tham vọng chỉ lo tranh chấp và bè cánh để hòng giữ được chính quyền trung ương thì các làng xã bị bỏ ngỏ không ai quản trị và anh em họ Phùng đã tiến vào một cách dễ dàng.

Sử chép rằng sau khi Phùng Hưng “thành tựu được nguyện vọng” của mình, ông đổi tên là “Đại Vương” và em ông là “Đại Lực”. Hai danh hiệu này nói lên sự cộng tác giữa khối óc và cơ bắp để mô tả mối quan hệ hỗ tương giữa hai anh em. Ý kiến này lại được tán rộng thêm trong các tài liệu về sau nói rằng Phùng Hưng tự coi mình là một “Đô Quản”, và Phùng Hải là một “Đô Báo”. Hai chức danh này được các sử gia cảm hứng văn chương thêm vào. Đô Quản là tước hiệu ở trong sách giáo khoa để gọi Vua Thuấn khôn ngoan và hiếu thảo trong huyền thoại Trung Quốc. Còn Đô Báo là một chức tước quân sự được Vương An Thạch của Trung Quốc đặt ra trong thời kỳ có những cải cách ở thời nhà Tống, thế kỷ 11.

Mặc dầu Phùng Hưng có thể đã “thành tựu được nguyện vọng của mình” nhưng ông bị đưa vào tình trạng không thể tránh được là phải mở rộng quyền hành ra trong khi nhà Đường đang co cụm lại trong Đô Hộ Phủ. Là một tướng quân cũng ở chung một quận quê của họ Phùng, khi được Phùng Hưng phong làm cố vấn quân sự, Đỗ Anh Hàn tập hợp quân và bắt đầu đi tuần tra một vùng đất ngày càng mở rộng lan sang phần nửa phía Tây của đồng bằng sông Hồng, từ châu Phong đến châu Trương. Vì dân chúng quy thuận rất đông nên uy danh Phùng Hưng vang dội khắp cả Đô Hộ Phủ và sau đó ông thông báo ý định tiến vào La Thành nơi Quan Đô Hộ lúc ấy là Cao Chính Bình, người đã đem quân xuống dẹp bọn giặc biển năm 767, đang đồn trú. Khi quân Việt Nam dưới quyền Đỗ Anh Hàn tiến tới trước La Thành, Cao Chính Bình xông ra nghênh địch nhưng bị thua, phải rút vào trong thành. Sử chép rằng, vì quá phẫn khích, buồn phiền vì việc bị bao vây này nên sau đó Cao Chính Bình bị ung nhọt trong người phát ra rồi chết.

Sau khi Cao Chính Bình chết rồi, cổng thành được mở ra và Phùng Hưng cùng mọi người ung dung tiến vào thành và sau đó lên nắm quyền kiểm soát toàn bộ Đô Hộ Phủ. Các nguồn tài liệu Việt Nam cho rằng Phùng Hưng lên làm vua được 7 năm và người kế vị ông cai trị được thêm 2 năm cho đến 791. Tính tổng cộng như thế là 9 năm từ khi triều đại Phùng Hưng bắt đầu từ năm 782, năm mà cuộc bạo loạn quân sự bị dẹp yên bởi Đô Hộ Phủ tướng quân trước khi Phùng Hưng vào La Thành. Con số 7 năm trị vì là một thành quả to tát đối với sự nghiệp của một lãnh tụ nông thôn kể từ khi ông “thành tựu mọi nguyện vọng”.

Sau khi Phùng Hưng qua đời vào năm 789, dân chúng thấy có nhiều chuyện linh thiêng xảy ra và tin rằng đó là vong linh của Phùng. Tất cả dân gian đều tin rằng Phùng Hưng thường hiện về trong những giấc mơ của họ để đặc biệt loan báo cho họ biết trước những chuyện vui mừng. Họ xây một ngôi đền thờ ông ở phía Tây La Thành và nơi đó, ai cầu mưa là có mưa ngay. Mỗi khi có thiên tai đại hoạ thì sử chép mọi người đều đến đền thờ ông cúng lễ cầu ông về che chở. Dân chúng lại thường hay đến đây thề nguyện và thường được ngay một dấu hiệu báo cho thái độ phải cư xử ra sao về sau. Lại cũng chép rằng những thương nhân đến cầu xin ông cho buôn bán có lời, đều được thoả mãn cả và ngày nào cũng có người đem đồ cúng đến lễ tạ. Tương truyền rằng con đường dẫn vào đền luôn luôn đông người ra vào tấp nập và trong đền, hương khói lúc nào cũng nghi ngút. Việc sùng kính Phùng Hưng sau khi ông mất như thế chứng tỏ ấn tượng tốt đẹp Phùng Hưng đã để lại trong tâm khảm người Việt như thế nào.

Một nhà phê bình vào thế kỷ 18 đã viết: “Phùng Đại Vương là một người khác thường; một người khác thường phải có những trường hợp khác thường; và những trường hợp khác thường phải có tay một người khác thường. Hãy để ý đến sức mạnh của ông tay không
đánh cọp, và tinh thần của ông, khi đói có thể ăn hết được một con bò. Ông chỉ đơn giản được người ta phục lòng vì khiếp sợ sức khoẻ của ông. Nếu ông không có tài vượt lên trên người tầm thường, làm sao ông có thể thành tựu được những gì ông đã thành tựu? Khi cái chết của Cao Chính Bình được loan báo, ông thong thả kéo vào thành như đi chơi. Ông tập hợp cờ xí của 70 pháo lũy và vượt qua cả ngàn dặm đường một cách oai nghi hùng dũng. Ông có vẻ mặt hiên ngang và một lòng tự tin vô bờ bến. Ông nắm vận mệnh ông trong tay và vùng lên giống như Triệu và Lý. So với Phùng Hưng thì Mai Hắc Đế chỉ là một thứ thủ lãnh nửa vời, lấy được có một châu, làm sao mà sánh với ông được?”

Không cần biết đến mức chính xác lịch sử của lời phê phán này ra sao; hãy biết nó đem lại một ít hiểu biết là Phùng Hưng đã được coi trọng như thế nào trong con mắt của những nhà viết sử Việt Nam sau này khi họ so sánh ông với các lãnh tụ khác trong thời gian Trung Quốc cai trị. Việc nhắc đến Triệu và Lý, là nhắc đến Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử. Cả hai cũng như Phùng Hưng, đều quê ở đồng bằng sông Hồng. Ý kiến cho rằng 3 người ấy đều giống nhau là ý muốn nói đến cái tiêu chí của thế kỷ 18 về sự lãnh đạo quốc gia mà mỗi ông đều có. Cả ba đều quen thuộc với những truyền thống chính trị của xã hội Lạc Việt từ thời tiền Bắc Thuộc: Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử với huyền thoại cái móng rồng, Phùng Hưng với danh hiệu quan Lang. Còn Mai Thúc Loan hay Mai Hắc Đế không có liên hệ gì đến những truyền thống đó cả. Ông đến từ một huyện biên thùy xa xôi, lãnh đạo một đám người hỗn loạn từ nước ngoài đến.

Phùng Hưng được các sử gia Việt sau này công nhận như một anh hùng chính thống trong hùng sử Việt Nam. Phùng Hưng không thể được đánh giá đơn thuần là một người nổi dậy gặp thời trong trò chơi chính trị cơ hội mà thật ra ông đã xuất thân từ con nhà võ và biết sử dụng tài năng quân sự của các thuộc hạ. Họ mang tước hiệu cha truyền con nối liên quan đến truyền thống xa xưa của dân tộc. Họ đạt được thành công là do khéo hướng được trọng tâm của văn hoá bản xứ vào vũ đài chính trị. Phùng Hưng thành công ở những nơi mà các quan chức Đường triều bị cô lập hay các chỉ huy quân sự bị thất bại. Sự thành công của Phùng Hưng được căn cứ trên một phong trào nông dân rộng rãi mọc lên từ tư duy chính trị làng xã thay vì là mưu lược của những người mạo hiểm quân sự. Phùng Hưng và em ông, Phùng Hải đều nổi tiếng về sức khoẻ vô địch, một phẩm chất mà các nông dân đều nể phục. Việc thờ cúng ông về sau là nhân chứng cho cái hình ảnh đầy quyền lực mà sự nghiệp ông để lại trong thâm tâm dân chúng.

Sau cái chết của Phùng Hưng, dân muốn đưa em ông là Phùng Hải lên kế vị nhưng Bồ Phá Lạc, một phụ tá của Phùng Hưng trước đó phản đối. Cùng quê quán với anh em Phùng Hưng, Bồ Phá Lạc cũng là người dũng cảm và có sức khoẻ phi thường. Bồ Phá Lạc ủng hộ việc đưa con trai của Phùng Hưng là Phùng An lên kế vị và kêu gọi dân chúng nổi lên chống lại khiến Phùng Hải phải bỏ trốn vào núi rồi mất tung tích.

Lên kế vị cha, Phùng An tôn vinh và truy tặng Phùng Hưng tước hiệu “Bố Cái Đại Vương”. Thế kỷ 8 ở Việt Nam, theo Việt Điện U Linh Tập, Bố nghĩa là cha, Cái là mẹ – Bố Cái Đại Vương là “Vị Vua Cha Mẹ của Dân”. Tư duy về một người cai trị giỏi được coi như cha và mẹ của dân là lấy từ sách của Mạnh Tử, nhà đại hiền triết Trung Quốc thời cổ. Những người Việt Nam có học ở thời Đường đều biết tiếng Mạnh Tử. Ở Mạnh Tử, họ rút ra những bài học luân thường đạo lý lên án những điều cai trị sai trái mà họ đã phải trải nghiệm dưới ách thống trị của Trung Quốc. Ví dụ như có lần Mạnh Tử hỏi vua: “Có gì khác biệt không giữa việc giết chết một người bằng một luỡi gươm với một việc cai trị sai trái ?” Khi nhà vua trả lời là không có sự khác biệt nào, Mạnh Tử nói tiếp :” Có thịt ngon ở trong bếp và có ngựa béo ở trong chuồng của bệ hạ, nhưng thần dân của bệ hạ lại bị nạn đói, và ở ngoài đồng có người chết đói làm mồi cho thú vật. Nếu bệ hạ là cha mẹ dân mà lại để cho thú vật ăn thịt thần dân thì bệ hạ có còn đáng được coi là cha mẹ dân chăng ?”

Nhiều người Việt Nam có thể đã cảm thấy rằng dưới ách đô hộ của nhà Đường, họ đang bị “giết lần biết mòn bởi chế độ cai trị sai trái”. Có lẽ vì thấm nhuần những lời dạy của thày Mạnh Tử nên việc một người cai trị giỏi là “cha mẹ dân” nhiên hậu là điều hấp dẫn đối với họ trên hết.

Ta hãy đọc một đoạn văn khác của Mạnh Tử : “Khi một người cai trị được gọi là “cha mẹ dân” mà khiến cho dân phải mang bộ mặt đau khổ ưu phiền vì họ phải cực khổ quanh năm mà không thể nuôi dưỡng được cha mẹ, hoặc phải đi vay mượn để sống qua ngày, và kết cục là cha mẹ già và con trẻ dại bị bỏ chết ngoài cống, ngoài đê, thì làm sao có thể gọi được người ấy là cha mẹ dân ?”

Đoạn văn như thế có ý nghĩa rất sát với hoàn cảnh của người Việt Nam khi thói tham ô và sự cai trị hà khắc của các quan chức Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống của dân chúng Việt Nam. Lời dạy sâu sắc của thày Mạnh Tử đã cho họ thấy nỗi bất bình của họ là có lý theo đúng ý nghĩa của bài học luân lý giáo khoa ấy.

Một đoạn thứ 3 nữa của Mạnh Tử viết: “Kể từ khi có nhân loại, chưa ai từng thành công trong việc xui con cái đánh lại cha mẹ. Xét như thế, người nào được dân coi như cha mẹ mình sẽ không có kẻ thù; người nào đã không có kẻ thù, ở trong quốc gia đó chính là người thừa hành mệnh trời. Trong trường hợp một người xứng đáng như thế nhất định phải làm vua.”

Những lời giáo huấn về một người cai trị giỏi mang một ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt Nam trong thời kỳ Trung Quốc cai trị. Chúng ta đã thấy khi Đào Hoàng, một Thứ Sử nhân từ và tài năng ở cuối thế kỷ 3 qua đời, người Việt đã để tang ông như “để tang cha mẹ mình”. Tước hiệu truy phong cho Phùng Hưng khiến ta nghĩ rằng lý thuyết về cái ân tình vua đối với dân như cha mẹ đối với con cái đều được mọi người hiểu rõ cả bởi vì “bố” và “cái” là những từ bản xứ của Việt Nam được viết bằng chữ Hán thích hợp. Đấy là thí dụ xưa nhất của chữ Việt cổ, tức là chữ Nôm.

Từ “Nôm” được kết hợp bằng hai chữ Hán, chữ “Nam” và chữ “mồm”, tức là phương pháp có từ ngày xưa cũ còn tồn tại đến đó để chuyển tiếng Việt ra thành chữ viết: “Nôm”. Áng văn bằng chữ “Nôm” cổ nhất còn giữ lại được đến này là vào thế kỷ 13. Rõ ràng là cho đến khi đó, chữ Nôm đã được trải qua nhiều thế kỷ cải tiến. Trong phần 7, chúng ta sẽ thấy một thí dụ chữ Nôm viết ở thế kỷ 10 và ta thấy có lý khi nghĩ rằng chữ Hán được dùng để phiên âm tiếng Việt có từ đầu thế kỷ 8, và những chữ Hán tượng trưng cho “bố” và “cái” không có liên quan gì về nghĩa với tiếng Việt, nhưng mà là chữ phiên âm rất đúng. “Bố” và “Cái” nay không còn dùng trong tiếng Việt hiện đại nữa. Đó là từ ngữ cũ rất hiện hành ở thế kỷ 8. Từ “Bố” ngày nay có thể vẫn còn được dùng với nghĩa là “Cha”, nhưng “Cái” đã tiến hoá đến nay chỉ còn dùng như mạo từ chỉ giống cái. Rất có thể đó là kết quả của sự xói mòn chế độ mậu hệ của Việt Nam qua bao thế kỷ sau này dưới ảnh hưởng phụ hệ của Trung Quốc.

Dân chúng Việt Nam đã không gọi Phùng Hưng là “Phụ Mẫu Đại Vương”, với Phụ tiếng Hán là Cha, và Mẫu là Mẹ nhưng thay vào đó ông được nhớ đến bằng một từ ngữ đã ăn sâu vào tiếng mẹ đẻ Việt Nam vẫn được sử dụng đó là “Bố Cái Đại Vương”. Như thế có nghĩa là những lời dạy của Mạnh Tử, một người Trung Quốc, được phổ biến giữa những người Việt có học nhưng nó đã được xác định rõ thêm bằng những điều thuộc về di sản văn hoá riêng của Việt Nam.

Tiếng Việt Nam “Vua” có nghĩa là một nhà cai trị hành động theo những phong tục và truyền thống đã có sẵn của dân chúng. Đó là một từ mang một ý nghĩa thân mật diễn tả quan hệ sâu xa giữa người cai trị với những thần dân trong nước. Trong khi đó, dưới con mắt của người Việt thì từ “Vương” hay “Đế” của Trung Quốc ngụ ý một thứ lễ nghi trịnh trọng, một nhiệm vụ được ủy thác quyền cai trị từ trên thiên đình mà chẳng có chút liên hệ tình cảm nào với dân chúng.

Đúng ra tước hiệu truy phong cho Phùng Hưng có danh từ “Vương” vì từ “Vua” chưa xuất hiện cho mãi tới thời kỳ độc lập sau này. Từ ngữ “bố cái” trong một bối cảnh chính trị, tuy nhiên, đã phản ánh một giai đoạn trong sự phát triển của quan niệm “vua” mà chỉ thấy ở nhiều thế kỷ sau. Ta thấy rõ điều này trong tiếng Nôm, từ “vua” là kết hợp của chữ Hán “vương” với chữ nôm “bố” thành “vua bố”.

Năm 1329, khi một quan đại thần khuyên vua Trần Minh Tông của Việt Nam không nên đem quân đi chinh phạt những bộ tộc miền núi vì hoạ cướp bóc, mà nên tấn công Champa, vì ông quan đại thần ấy tin rằng sẽ ít rủi ro hơn và có lợi nhiều hơn, thì vua Trần Minh Tông trả lời như sau: “Trẫm là cha mẹ của dân. Nếu dân đau khổ, Trẫm có bổn phận phải giúp đỡ chứ làm sao Trẫm có thể đem so sánh cái dễ với cái khó, cái lợi với cái bất lợi được ?”

Vua Trần Minh Tông đã gạt bỏ sang bên những điều phàm tục, thắng thua lợi hại, khi gợi ra những lý tưởng của một vị vua có trách nhiệm như một bậc cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con cái. Lý tưởng này được diễn đạt như một nguyên tắc chính thống để chứng minh cho uy quyền của vua. Cũng lý tưởng ấy đã được lấy làm căn bản khi truy phong tước hiệu “Bố Cái Đại Vương” cho Phùng Hưng. Đó cũng chính là sự đáp ứng và kết hợp hài hoà văn hoá Việt Nam đối với những kinh nghiệm mà họ gặt hái được dưới ách đô hộ của Trung Quốc.

Năm 791, Hoàng Đế Tề Tông nhà Đường ra lệnh lập một đạo quân lấy tên là “Nhu Viễn Quân” (Quân để Chinh Phạt những nơi xa bằng sự Hoà Nhã) và bổ nhiệm Triệu Xương làm An Nam Đô Hộ Sứ. Khi Triệu Xương đem quân vượt qua biên giới An Nam, ông sai sứ giả mang phẩm vật đến Phùng An để báo trước là ông đến. Phùng An bèn sắp đặt để chuyển giao quyền hành êm thấm và sau đó họ Phùng giải tán. Kỷ nguyên Phùng Hưng là một bước ngoặt của lịch sử Việt Nam dưới thời Đường. Việc được xem quyền hành của vương triều mờ dần và hình ảnh của một anh hùng quê hương là điều sẽ không bao giờ phai nhoà trong trí óc của người Việt Nam. Các quan Đường sẽ
không bao giờ có thể tiếp tục được nữa những chính sách bóc lột mà không bị phản đối. Từ đó người Việt Nam không còn e sợ sức mạnh của Bắc triều, và sau đó họ còn đòi được thừa nhận như một dân tộc riêng biệt nhiều hơn nữa. Các quan chức Đường, nói chung, đều sẵn sàng thừa nhận điều đó bởi vì vương triều sẽ không còn đủ mạnh nữa để làm khác đi được. Trong suốt thế kỷ 9, rất nhiều lần các quan lại nhà Đường đã được dịp lựa chọn hoặc là thích nghi với địa phương hoặc là bỏ trốn về Bắc cho an toàn.

Trong hai thế kỷ 7 và 8, người Việt Nam đã chứng kiến các cuộc phô trương quyền hành và sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Năm 687, quyền lực và sức mạnh quân sự ấy của Đường triều đã giúp dẹp tan được một cuộc nổi loạn của nông dân; năm 722 lại đối phó thành công được với một lực lượng lớn vượt qua biên giới đến khuấy rối. Tuy nhiên, sự suy yếu của Đường trong phần 2 của thế kỷ 8 mở đường cho cuộc đấu tranh văn hoá bản xứ và một lần nữa, quyền hành ấy lại mờ nhạt để từ đó những quan niệm địa phương được dịp nổi lên.

Năm 792, sau khi tái lập được quyền hành của nhà Đường tại An Nam, Tiết Độ Sứ ở Quảng Châu tâu về Bắc triều như sau: “Gần đây, những tầu buôn chở những đồ hàng quý hiếm đã đổi bến xuống các chợ ở An Nam. Tâu xin bệ hạ ra chiếu chỉ đóng cửa các chợ ấy và gửi một sứ giả xuống giải quyết việc này”.

Triều đình sắp chuẩn tâu thì một quan đại thần tâu: “Những thương nhân ở các vương quốc xa xôi chỉ đi tìm lợi. Nếu được đối đãi tử tế, họ sẽ tìm đến; nếu bị quấy rối, họ sẽ bỏ đi. Trước kia châu Quảng là nơi tụ hội của các tàu buôn ấy; nay bỗng nhiên họ lại đổi bến xuống An Nam. Nếu xoá bỏ được những chuyện cưỡng đoạt hàng hoá, v.v. như đã xảy ra rất lâu trước đây thì những thương buôn đã đi nơi khác hà tất lại tìm về. Đấy không phải là vấn đề kiện cáo, mà là vấn đề thay đổi thái độ của các quan chức của ta”.

Đến đầu thế kỷ 9, Quảng Châu lấy lại được địa vị của nó là một cảng phồn thịnh ở miền Nam. Tuy nhiên, cần hiểu rằng An Nam đã thu hút được một phần lớn thị trường hàng hải là vì bán buôn tự do không bị vương triều khống chế, và đó cũng là một dấu hiệu tốt và có ý nghĩa đối với vai trò của Việt Nam trong vùng Đông Nam Á. Sự tiếp xúc giữa người Việt với các vùng biển Nam Hải trong một khung cảnh hoạt động tự nhiên, tự nó đã mạnh lên khi quyền hành vương triều suy yếu. Xét như vây, ta hiểu ngay tại sao các thương nhân lại đến cầu khẩn Bố Cái Đại Vương xin được lời lãi nhiều mà không bị thất vọng bao giờ. Kỷ nguyên Phùng Hưng là một kỷ nguyên thịnh vượng cho người Việt Nam.

Khác hẳn với Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục của thế kỷ 6, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng không nêu lên những biểu tượng cũ hay không khuấy động các thần linh xưa. Thay vào đó, ông được tôn trọng do sức mạnh đáng nể phục của ông; quan hệ giữa ông và các thuộc hạ được lý tưởng hoá như thể giữa cha và con. Sau khi trải qua một thế kỷ dưới ách thống trị của Đường, người Việt Nam không còn cảm hứng để hành động theo những lời kêu gọi đến các truyền thống huyền thoại. Tất cả điều họ muốn là một người cha và một người mẹ luôn sẵn sàng săn sóc và bảo vệ họ. Những gì trong văn hoá Việt Nam mà không trực tiếp củng cố công cuộc đấu tranh giành độc lập của họ khỏi gọng kềm đô hộ phương Bắc đều trở nên không cần thiết chút nào nữa vào cuối đời Đường. Đồng thời, khía cạnh văn minh nào của Trung Quốc mà giúp người Việt Nam tăng cường được cảm nghĩ bén nhạy đều được họ du nhập và phát huy. Vì thế, như chúng ta đã thấy, huyền tích móng rồng đã được thay thế bằng những giáo huấn của Mạnh Tử về một nền cai trị giỏi.

Kỷ nguyên Phùng Hưng lại chứng kiến sự bành trướng mới từ các tiếp xúc thương mại hàng hải ở An Nam. Địa vị của Quảng Châu từng là hải cảng quan trọng trên biền Đông đã bị An Nam làm lu mờ vào giữa thế kỷ 8. Lý do là những chính sách thuế má quá tham lam của các quan chức ở Quảng Châu đối với những thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại đó. Khi sự kiểm soát của Bắc triều suy yếu thì những người có uy tín ở địa phương sẽ nhanh chóng chụp lấy cơ hội bằng vàng có được trong nền thương mại quốc tế ấy. Năm 758, Quảng Châu bị cướp phá bởi một cộng đồng lớn người Ả Rập và người Ba Tư để trả thù thói nhũng lạm tồi tệ của các quan chức Trung Quốc.

Keith Weller Taylor

Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương, Chiêu Ly

Source: Damau.org