Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Nhiếp ảnh > “Nhược điểm” tốt

“Nhược điểm” tốt

Thứ Sáu 13, Tháng Tám 2010

Một trong nhiều sự kiện văn hoá được tổ chức trên cả nước nhân đại lễ kỷ niệm 35 ngày thống nhất đất nước là cuộc triển lãm ảnh “Những khoảnh khắc lịch sử”. Cuộc triển lãm này trưng bày khoảng 100 bức ảnh của các phóng viên TTXVN chụp trong những năm chiến tranh chống Mỹ, chủ yếu tại các chiến trường miền Nam. Trong một đời sống nhiếp ảnh tương đối phẳng lặng cho dù thường xuyên có các triển lãm thì đây là một triển lãm hiếm hoi để lại được nhiều luận bàn cho người xem.

Những tác phẩm trong triển lãm này hoàn toàn xứng đáng nhận được những lời khen ngợi: Một bản anh hùng ca bằng ảnh, một bức tranh hoành tráng về cuộc chiến tranh giải phóng, những khoảnh khắc vàng, những trang sử bằng ảnh, những khuôn hình vô giá v.v… Có thêm bao nhiêu lời khen như vậy nữa cũng là không đủ với “Những khoảnh khắc lịch sử” những khoảnh khắc phải trả bằng máu và nước mắt. Đã có hơn 40 phóng viên ảnh của TTXVN hy sinh trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Nhưng thật là vô tâm và không công bằng nếu không nhắc đến một thành công của hầu hết những bức ảnh trong triển lãm này nói riêng và những bức ảnh của giai đoạn chống Mỹ nói chung, sự thành công này chính là nhược điểm của nó. Một nhược điểm tốt. Có hai điểm cần lưu ý đó là nhược điểm này chỉ bộc lộ nếu đánh giá trên quan niệm ảnh báo chí và nhược điểm này có ở hầu hết các tác phẩm, không phải là tất cả.

Trước ngày lên đường, những phóng viên ảnh - chiến sĩ chuẩn bị gì để mang theo, tôi chắc là ngoài máy móc, vài loại ống kính ngắn dài, mấy chục cuốn phim còn một thứ nữa, không thể thiếu ai cũng mang theo (có một số ít mang đi nhưng không dùng) đó là tinh thần lãng mạn cách mạng, tinh thần này như một cái filter lắp sẵn, nếu không muốn nói là hàn luôn vào các loại ống kính, cho nên phần lớn các bức ảnh của thời kỳ này đều rất đẹp, thừa tính nghệ thuật mà thiếu tính phóng sự, tính thời điểm, tính thông tấn báo chí. Ảnh chiến tranh, bom đạn, khói lửa, chết chóc nhưng xem lại thấy rất hoà bình. Thậm chí có nhiều bức êm đềm, lãng mạn, nuột nà, mơ mộng.

Kỹ thuật thì khỏi bàn, bố cục, ánh sáng, đậm nhạt đều được, ví dụ: một bức mà tôi không nhớ tên tác giả nhưng bức ảnh thì tôi không thể quên, những tia sáng mặt trời ban mai dịu nhẹ xuyên qua vòm lá chiếu xuống những chiến sĩ đang bay qua giao thông hào trong một buổi tập luyện. Hoặc một bức khác chụp trận địa pháo phòng không với những khẩu cao xạ vươn cao nòng lên bầu trời, bên cạnh là một đàn gà con mới nở. Hoặc một cô gái đẹp như mộng đang tưới hoa ở hồ Hữu Tiệp trong làng Ngọc Hà, đằng sau là xác máy bay Mỹ v.v… Những bức ảnh này, nếu có, phóng to treo trong những căn hộ mới tinh của các đôi vợ chồng trẻ thì vẫn rất ăn nhập. Ảnh phóng sự, chiến trường sống chết gang tấc đáng ra phải là bấm máy như bóp cò súng, phải chụp với tinh thần vồ chộp nhưng tư duy lãng mạn, tư duy đồng nghĩa ảnh với đẹp, ảnh là nghệ thuật đã làm cho những phóng viên chiến trường mang tinh thần thi ca ra chiến trường. Cho nên ngay cả có những bức rất vồ chộp thì trông vẫn đẹp vẫn như sắp đặt (không phải tất cả các bức ảnh là sắp đặt). Đương nhiên sau 35 năm thì mọi người ai cũng hiểu có nhiều bức là sắp đặt để chụp, những phi công Mỹ cao lênh khênh bị dẫn giải bởi một cô gái mảnh khảnh như người mẫu, hoặc xe trâu chở phi công Mỹ, băng bó cho tù binh chế độ Sài Gòn. Dẫn chứng thì nhiều nhưng bức ảnh chụp các chiến sĩ đang ngồi, cười tươi, đằng sau là thành cổ Quảng Trị đổ nát thì đúng là sắp đặt 100%. Tính thời sự, nhạy bén có, nhưng ít quá.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, Đài Truyền hình VN làm một phóng sự ngắn về nhân vật có nụ cười rạng rỡ trong bức ảnh nêu trên. Anh ta thực thà kể lại: “Cái hôm đó, chúng em đang ngồi ăn, đang vui vì bắt được một con chó lạc do sợ tiếng bom đạn, bọn em làm thịt… thì bác nhiếp ảnh đến bảo chúng em ngồi ra chỗ này, tư thế này, cười tươi lên nào cho bác ấy chụp. Câu chuyện của nhân vật trong ảnh “Nụ cười Quảng Trị” có thể làm logo cho kiểu chụp các bức ảnh trong giai đoạn chống Mỹ. Chính vì vậy cho nên những bức ảnh nóng hổi như thế được gửi ra từ chiến trường để kịp in trên các tờ QĐND, ND chỉ nên hiểu theo nghĩa là mới chụp chứ không nóng hổi theo nghĩa ảnh phóng sự chiến tranh.

Vào thời đó, tính lãng mạn cách mạng là một tiêu chí bắt buộc của các tác phẩm nghệ thuật nói chung, đâu riêng gì nhiếp ảnh. Phạm Tiến Duật bảo: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Trần Đăng Khoa bảo: “Những năm băng đạn vàng như lúa đồng / Bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông”.

Phải lãng mạn lắm thì họ mới nhìn đời sống gian khổ, khốc liệt, sinh tử gang tấc của thời chiến đẹp đến thế.

Nhưng quan trọng nhất là ở chỗ, đó là những tình cảm thật, tính lãng mạn đó là tự nhiên. Cho nên những bức ảnh đó, những bài hát, những câu thơ đó vẫn đứng được, vẫn sống được. Ấy là chưa kể, ở vào một hoàn cảnh lịch sử cụ thể như giai đoạn 1945-1975 thì tất cả chỉ có một mục tiêu, một quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vận mệnh dân tộc đứng cao trên hết. Không ai nỡ bàn đến tiêu chí nhiếp ảnh trong lúc này. Bức ảnh có thể đẹp hơn, lãng mạn hơn, hiện thực gai góc trần trụi ít đi nhưng điều đó là có lợi cho mục tiêu chung thì vẫn nên làm, nên chụp. Cho nên những người lính trẻ sau chiến thắng ở thành cổ Quảng Trị họ có thể mệt mỏi, họ có thể không tươi tỉnh nhưng hiện thực đó liệu có phải là điều cần thiết? Vẫn phải cười, vẫn phải hát, vẫn phải vui để còn sống tiếp, chiến đấu tiếp. Cái đẹp, cái lãng mạn trở thành một điểm tựa, một đòn bẩy, ảnh cũng là một vũ khí. Nhiếp ảnh cũng góp phần làm nên chiến thắng.

Để làm được từng ấy việc, nhiếp ảnh đành phải mất mình đi một chút, phải hy sinh, phải đẹp hơn, hào hoa lãng mạn bay bổng hơn, ít thực hơn...

Hơn 100 tác phẩm chọn lọc của các phóng viên TTXVN chụp trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở triển lãm “Những khoảnh khắc lịch sử” phần lớn là những bài thơ - ảnh, ví dụ: “Tiếng hát át tiếng bom”, chụp các cô văn công đang biểu diễn văn nghệ, “Cùng đọc thư nhà”, quá nhiều ảnh chân dung, quá nhiều ảnh ngày chiến thắng (tức là sự kiện đã qua), quá nhiều nụ cười.

Đó là sai nhưng đúng, đó là nhược điểm nhưng như đã phân tích, dứt khoát đó là một nhược điểm tốt.

L.T.C (LĐ)