Trắc nghiệm về bữa ăn sáng

Các bữa ăn trong ngày (bao gồm bữa chính như sáng, trưa, chiều hay bữa phụ) là những thời điểm cung cấp nhiên liệu cho cơ thể hoạt động. Mỗi bữa ăn đều có tầm quan trọng nhất định trong duy trì sức khoẻ, đặc biệt là bữa ăn sáng. Trong thực tế thăm khám dinh dưỡng, cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh do ăn sáng không đúng cách. Vậy ăn sáng thế nào là đúng?

Nếu nhịn được thì cứ nhịn cho tiết kiệm?

Sai. Sau một giấc ngủ dài, cơ thể thức dậy, bắt đầu cho ngày mới. Bữa ăn sáng chính là bữa ăn quan trọng cung cấp năng lượng cho cơ thể chuẩn bị một ngày làm việc. Buổi sáng là thời gian mà cơ thể hoạt động với cường độ cao nhất và dễ đạt hiệu quả tốt nhất nên đòi hỏi được cung cấp đầy đủ “nhiên liệu”. Một số người vì thiếu thời gian hoặc theo thói quen mà không ăn sáng, khi đó cơ thể sẽ bị đói suốt hơn 12 giờ (tám giờ ngủ và bốn – năm giờ làm việc buổi sáng), trong khi cơ thể vẫn phải hoạt động, bộ não vẫn phải suy nghĩ. Tế bào não đặc biệt nhạy cảm với với sự thiếu hụt nhiên liệu, nếu bị đói, não sẽ hoạt động kém linh hoạt, thiếu tập trung.

Bỏ bữa sáng không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ?

Sai. Nếu không ăn sáng, để duy trì hoạt động cơ thể sẽ sử dụng nguồn năng lượng dự trữ ở gan, khiến gan phải làm việc liên tục. Nếu kéo dài ngày, các hoạt động cơ thể có thể rối loạn, cụ thể: hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể suy giảm, viêm dạ dày, tăng tích tụ mỡ trong cơ thể (gặp trong trường hợp người nhịn ăn sáng ăn bù vào bữa trưa và tối trong khi hoạt động cơ thể lúc này đã giảm, thức ăn không kịp chuyển hoá). Ngoài ra, cơ thể phải huy động lượng đường và protein dự trữ trong cơ bắp, lâu ngày có thể dẫn đến khô da, nhão cơ bắp.

Một ly cà phê hay nước ép là đủ?

Cũng sai. Năng lượng cung cấp cho cơ thể từ bữa ăn sáng nên chiếm khoảng 30% nhu cầu năng lượng hàng ngày và phải cân đối các nhóm thức ăn chứ không chỉ để làm no bụng. Bữa ăn sáng cân đối và hợp lý phải có đủ bốn nhóm thực phẩm chính là nhóm chất bột đường (cơm, bún, bánh mì, bánh cuốn, phở...); nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, họ đậu...) nhằm cung cấp các axit amin cần thiết cho mọi cơ quan, đặc biệt là não; nhóm chất béo (dầu, mỡ hay bơ); và nhóm rau và trái cây nhằm cung cấp vitamin, muối khoáng và chất xơ.

Ăn sáng vào buổi trưa là phản khoa học?

Chưa chắc. Có một số ngành nghề đặc biệt đòi hỏi phải thức khuya, ngủ muộn và thức dậy đã là buổi trưa và như vậy, những người này được cho là không có bữa ăn sáng. Nhưng thực tế, trong mỗi con người, việc sinh hoạt hàng ngày (ăn, ngủ, hoạt động…) đều được điều phối bởi một đồng hồ sinh học. Đối với những người làm việc trễ, thức khuya, ăn khuya và ngủ dậy muộn, cơ thể của họ đã thay đổi nhịp sinh học để thích nghi với điều kiện trên. Do đó khi họ thức giấc vào buổi trưa, thì bữa ăn trưa hoặc xế (giữa buổi sáng và buổi trưa) được cơ thể đón nhận như bữa ăn đầu tiên trong ngày (bữa ăn “sáng”). Và họ bắt đầu một ngày mới (trễ hơn những người khác) nhưng sẽ vẫn tỉnh táo vì cơ thể đã được cung cấp năng lượng cho ngày mới.

TS.BS LÊ NGUYỄN TRUNG ĐỨC SƠN
TRUNG TÂM DINH DƯỠNG TP.HCM

Để có bữa ăn sáng hợp lý

Nếu thiếu thời gian mà không thể chuẩn bị được một bữa sáng thịnh soạn, chúng ta vẫn cần phối hợp các nhóm thực phẩm với nhau, ví dụ: ăn một tô phở hoặc hủ tíu cùng với giá và rau thơm mua bên ngoài; hoặc nấu mì gói ăn liền với thịt, rau cải, cà chua và thêm dầu ăn; hoặc nếu ăn bánh ngọt hay bột ngũ cốc thì nên uống thêm một ly sữa và ăn thêm ít trái cây như chuối, mận, táo… Cũng cần lưu ý là bữa ăn đầy đủ chất xơ sẽ làm chậm sự hấp thụ thức ăn, tránh được hiện tượng tăng nhanh đường huyết sau bữa ăn, lại đảm bảo chất bột đường được chuyển thành năng lượng thay vì tích luỹ thành chất béo. Sự hấp thu chậm còn duy trì được cảm giác no, tránh khuynh hướng ăn nhiều vào bữa ăn tiếp theo, giúp chúng ta kiểm soát tốt lượng thức ăn đưa vào cơ thể.

Để giúp cơ thể bắt đầu một ngày mới thật tỉnh táo và thoải mái, đừng bỏ qua bữa sáng, kể cả bạn có bận thế nào đi nữa.

(Theo SGTT)