Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Khoa học > Sinh-Hoá > Trung Quốc tăng cường đầu tư nghiên cứu cây trồng biến đổi gen

China Invests in GM Biotech

Trung Quốc tăng cường đầu tư nghiên cứu cây trồng biến đổi gen

Chủ Nhật 30, Tháng Ba 2008

Ảnh trên: So ánh ngô chưa (trái) và có (phải) biến đổi gien. Ảnh dưới: nông dân Trung Quốc thu hoạch ngô

Vào cuối năm 2007, Trung Quốc sẽ thực hiện một chương trình nghiên cứu lớn về cây trồng biến đổi gen. Huang Dafang, nguyên giám đốc Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) cho biết: Chương trình có thể nhận được 10 tỷ NDT (1,4 tỷ USD) trong 5 năm tới, gấp 5 lần so với kinh phí mà Trung Quốc đã dành cho nghiên cứu về biến đổi gen trong giai đoạn 5 năm trước đây.

Huang là cố vấn cấp cao chính phủ về các chính sách công nghệ sinh học đã đưa ra thông báo này trong Bản tóm tắt báo cáo hàng năm của Cơ quan Quốc tế về Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), một tổ chức NGO nhằm thúc đẩy công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Báo cáo của ISAAA chỉ ra rằng, trong năm 2007, đã có tổng số 114,3 triệu ha các loại cây trồng biến đổi gen được canh tác trên toàn thế giới, tăng 18,3% so với năm 2006.

Cây trồng biến đổi gen được trồng phổ biến nhất là bông Bt, nhờ công nghệ gen để tạo ra chất độc từ Bacillus thuringiensis (Bt) nhằm diệt sâu đục quả bông. Trung Quốc đã phát triển các loại cây biến đổi gen là thuốc lá cảnh, cà chua, ớt ngọt, cây dương rung, đu đủ và một vài giống lúa. Song cho đến nay, các nhà hoạch địch chính sách vẫn chỉ cho phép bông biến đổi gen được đưa ra thị trường. Năng suất, chất lượng và giá trị dinh dưỡng, khả năng chịu hạn sẽ là các mục tiêu chính của chương trình nghiên cứu. Trong khi lúa và bông là các nghiên cứu công nghệ trọng điểm trong thời gian trước đây thì trong thời gian tới, ngô và lúa mỳ sẽ là những ưu tiên hàng đầu.

Hu Jifa, nghiên cứu viên cấp của Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (CCAP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) xác nhận: Chương trình trên sẽ được thực hiện trong thời gian tới và kinh phí dành cho nghiên cứu về tính an toàn và giám sát về môi trường cũng được gộp vào chương trình này.

Chương trình “hạt giống” về biến đổi gen được nhắc đến trong Kế hoạch Phát triển Khoa học và Công nghệ lần thứ 11 của Trung Quốc (2006-2010), nhưng các quyết định về cấp quỹ và quy mô của chương trình đã bị trì hoãn 2 năm do tính nhạy cảm của lĩnh vực. Nhưng hiện nay, các nhà hoạch định chính sách đã dễ dàng chấp nhận hơn đối với các công nghệ biến đổi biến đổi gen. Điều này có thể dẫn đến nhiều cây trồng biến đổi gen được đem ra thương mại. Tổ chức đại diện cho các công ty công nghệ sinh học nông nghiệp của Trung Quốc - Croplife - cho rằng chương trình nghiên cứu này sẽ giúp các loại cây trồng biến đổi gen được nông dân Trung Quốc dễ dàng chấp nhận. Nhiều người không chống đối các công nghệ biến đổi gen, nhưng quá trình ra quyết định trong lĩnh vực này cần phải thận trọng và minh bạch.

Tất cả các bên liên quan chứ không chỉ có các nhà khoa học phải tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến thương mại cây trồng biến đổi gen để có thể nhận diện các mối rủi ro tiềm tàng. Quyết định về thương mại cây trồng biến đổi gen đơn giản phải dựa trên thực tế là chính phủ hiện nay đã dành kinh phí nghiên cứu cho lĩnh vực này lớn như thế nào.

Tình hình thương mại cây trồng biến đổi gen ở Trung Quốc năm 2007

Trong thời gian 1996-1997, Trung Quốc là nước sản xuất bông Bt lớn nhất thế giới, sáu năm liền đi trước Ấn Độ. Ấn Độ trồng được 9,4 triệu ha bông Bt, gần gấp đôi so với diện tích của Trung Quốc là 5,5 triệu ha. Mặc dù mới ứng dụng bông trồng Bt từ năm 2002, muộn hơn 6 năm so với Trung Quốc, nhưng năm 2006, Ấn Độ đã trồng được nhiều hơn 0,3 triệu ha bông Bt so với Trung Quốc và năm 2007, con số này là 2,4 triệu ha.

Năm 2007, số lượng tiểu nông được hưởng lợi từ bông Bt ở Trung Quốc đã tăng gần 2 lần (7,1 triệu người) so với Ấn Độ (3,8 triệu người). Năm 2007, bông Bt được trồng ở Trung Quốc nhờ 7,1 triệu nông dân nghèo trên diện tích 3,8 triệu ha (tăng từ 3,5 triệu ha so với năm 2006), tương đương với 69% của 5,5 triệu ha tất cả các loại bông được trồng ở Trung Quốc.

Một trong các chỉ số quan trọng thể hiện sự tin tưởng của nông dân vào công nghệ mới chính là diện tích mà nông dân lại tiếp tục trồng bông Bt trong các năm tiếp theo. Trong năm 2006 và 2007, trong số 240 hộ gia đình trồng bông được khảo sát tại 12 làng ở 3 tỉnh gồm Hồ Bắc, Hà Nam và Sơn Đông do Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (CCAP) thực hiện thì tỷ lệ tiếp tục trồng trong năm 2007 là 100%. Dựa trên các nghiên cứu của CCAP, năng suất bông Bt ở Trung Quốc đã tăng 9,6%, giảm 60% lượng thuốc bảo vệ thực vật và tăng thêm thu nhập 220 USD/ha.

Trung Quốc còn trồng khoảng 250.000 ha cây dương rung và bắt đầu thương mại hóa đu đủ Bt có khả năng kháng virút vào năm 2006 - giống cây do một trường Đại học Trung Quốc tạo ra, cùng với gần 3.500 ha ớt ngọt kháng virút và giống cà chua chín chậm. Trừ một số giống bông Bt, tất cả cây trồng được thương mại hóa ở Trung Quốc đều do các cơ quan nhà nước tạo ra với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Lúa là một loại cây lương thực quan trọng nhất thế giới và cũng là loại cây trồng quan trọng nhất đối với người nghèo trên thế giới. Năm 2006, Trung Quốc đã trồng 29,3 triệu ha lúa, tương đương với 20% trong tổng số 150 triệu ha toàn thế giới. Ước tính có khoảng 250 triệu hộ gia đình trồng lúa trên toàn thế giới và phần lớn là nông dân nghèo. Ở Trung Quốc, số hộ gia đình thuộc loại này là 110 triệu, với mức canh tác trung bình là 0,27ha/hộ.

Trung Quốc cũng là nước có chương trình công nghệ sinh học về lúa lớn nhất thế giới. Giống lúa công nghệ sinh học của Trung Quốc có khả năng kháng một số loài gây hại (như sâu bore) và dịch bệnh (như bệnh tàn rụi) đang chờ thông qua sau các thử nghiệm diện rộng đã được triển khai ngoài thực địa.

CCAP ước tính mức tăng năng suất trung bình của lúa công nghệ sinh học là từ 2-6%, giảm gần 80% hay 17 kg thuốc bảo vệ thực vật trên mỗi ha, mang lại 4 tỷ USD lợi nhuận hàng năm trên toàn Trung Quốc, cộng với các lợi ích về môi trường, góp phần thúc đẩy nông nghiệp bền vững và giảm nghèo đói. Cả bông Bt và lúa công nghệ sinh học có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế khoảng 5 tỷ USD vào năm 2010 cho 110 triệu gia đình Trung Quốc. Ước tính thu nhập từ bông công nghệ sinh học đã tăng thêm 5,8 tỷ USD trong thời gian 1996-2006, trong đó riêng năm 2006 là 817 triệu USD. Các nhà hoạch định chính sách xem công nghệ sinh học là một yếu tố chiến lược để tăng sản lượng, tăng cường an ninh quốc gia và tăng tính cạnh tranh quốc tế. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về công nghệ sinh học, một phần bởi chính các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã kết luận: không thể phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu về thực phẩm, nguyên liệu và sợi. Trung Quốc có đội ngũ đông đảo các viện nghiên cứu nhà nước và hàng nghìn nhà nghiên cứu hết lòng vì công nghệ sinh học trong lĩnh vực cây trồng và hàng chục loại cây trồng công nghệ sinh học đang được thử nghiệm gồm ba loại chủ lực là: lúa, ngô và lúa mỳ; cùng bông, khoai tây, cà chua, đậu tương, cải bắp, lạc, dưa hấu, đu đủ, ớt ngọt, ớt, cải dầu và thuốc lá.

N.H. (source: Royal Society of Chemistry, UK và ISAAA Brief 37-2007)