Hà Nội - thành phố sông hồ

Hà Nội

Trước đây, khu vực thuộc phạm vi Hà Nội ngày nay là đầm lầy, rừng rậm với sự sinh sống của nhiều loài thú dữ, nhưng qua hàng ngàn năm, với sự bồi đắp của những con sông, đồng bằng xuất hiện.

Bản đồ di tích lịch sử - văn hoá Hà Nội

Rừng rậm và đầm lầy

Theo tài liệu của Ủy ban Nghiên cứu dao động mức nước đại dương thế giới, cách đây 4.000 năm, nước biển cao trên 3,5m so với mực nước biển hiện nay, nhưng chỉ 1.000 năm sau, mực nước lại xuống thấp dưới mực nước biển hiện nay 3m.

Trong sách "Tang thương ngẫu lục", Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã viết: "Thương hải biến vi tang điền" - biển xanh biến thành bãi dâu xanh. Nước biển không giữ nguyên một mực; đất có lúc nâng lên, sụt xuống. Biển lui và sông bồi tích phù sa, vịnh biển Hà Nội cạn dần: xuất hiện những dải đất và những đầm lầy.

Có đầm lầy nên có cá sấu, thuồng luồng, rùa, giải. Hồ Gươm đã từng có loài rùa quý, đúng hơn là ba ba, sinh sống. Cá sấu vẫn còn ở bến sông Hồng hồi thế kỷ XIII, khiến vua Trần sai Hàn Thuyên soạn "Văn tế cá sấu."

Có đất nên cỏ cây mọc thành rừng rậm với nhiều thú dữ. Chính sử còn chép rành rành: voi rừng về Tây Hồ thời Lý, hổ rừng về quẩn quanh khu vực chùa Diên Hựu thời Lê.

Các cuộc khai quật ở Dục Tú, Tiên Hội (Đông Anh), Vĩnh Ninh, Văn Điển (Thanh Trì) đã tìm thấy nhiều răng voi, nanh hổ, gạc hươu, răng lợn lòi có tuổi từ 3.000 đến 4.000 năm.

Rừng bàng Yên Thái là một trong "Tây hồ bát cảnh" thời Lê; rừng gỗ tầm giữa bán đảo hồ Tây; rừng tre ngà viền một dải sông Tô và rừng nứa đền Voi Phục thì sử cũ cũng còn ghi lại.

Và những tên đất cổ Bồ Đề, Gia Lâm (rừng đa), Du Lâm (rừng dâu da), Mai Lâm (rừng mơ, tương tự: Mai Động, Bạch Mai, Hoàng Mai, Hồng Mai, Tương Mai), rồi cả Văn Lâm, Trường Lâm, Đông Ngàn đều cho biết ở đó đã từng là rừng cây xanh tốt.

Chứng tích rõ nhất của thời kỳ rừng rậm—đầm lầy Hà Nội cổ là những dải than bùn xếp lớp dưới lòng đất.

Than bùn Dịch Vọng (Cầu Giấy) có chỗ dày tới 4m, nằm ở độ cao xấp xỉ mực nước biển trở xuống. Mỏ than bùn Lỗ Khê (Đông Anh) chạy dài tới vài kilômét. Có rừng rậm, đầm lầy cộng với động đất và giông tố thì mới có than bùn. Phủ lên trên càng nhẹ dần tới đất thịt. Di tích của đời sống con người nằm ở lớp đất này.

Thành phố sông hồ

Nét địa lý đặc trưng từ ngàn xưa của Hà Nội là thành phố sông hồ. Đất Hà Nội là đất bãi do phù sa sông Hồng bồi đắp mà nên. Nhưng sự bồi đắp qua ngàn vạn năm ấy đã diễn ra không đơn giản: có đời sống du đãng tự nhiên của những con sông ở đồng bằng - chúng đổi dòng, và có sự can thiệp của con người. Thục Phán đắp lũy thành Cổ Loa cũng là đắp đê phòng lụt.

Theo cổ sử Trung Hoa thì hồi đầu Công nguyên, ở huyện Phong Khê (nay gồm cả đất huyện Đông Anh) đã có đê. Đê làm cho quá trình bồi tụ tự nhiên bị ngăn lại từng phần. Những lần đổi dòng của sông Hồng đã để lại nhiều hồ hình móng ngựa hay những dải đầm kế tiếp xen kẽ với những dải cát của dòng sông cũ.

Xem các bản đồ Hà Nội từ thời xa xưa cho đến giữa thế kỷ trước, thì thấy lãnh thổ của nó là một vùng đầm lầy, nửa đất nửa nước. Quy hoạch Hà Nội cổ là tuân theo và thích ứng đến mức tối đa cái hình thể tự nhiên sông hồ đó. Phần lãnh thổ chủ yếu của kinh thành xưa là phần đất bồi, được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Bắc và phía Đông, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu ở phía Tây và phía Nam.

Lũy bọc ngoài là thành mà cũng là đê, đường giao thông (La Thành). Sông hồ Hà Nội vừa là nguồn nước dùng trong sinh hoạt, là hệ thống thủy lợi và giao thông truyền thống, và cũng là những yếu tố địa lý được dùng làm nguyên lý sơ khởi chỉ đạo việc quy tụ xóm làng, phố phường và thành lũy phòng vệ.

Sông Hồng, sông Tô là những trục chủ đạo; hồ Tây, hồ Gươm là những điểm trung tâm, để từ đó tỏa ra "phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ". [1]

[1Trích "Lược sử Hà Nội" do Nguyễn Văn Tân biên soạn