Trang nhà > Hà Nội > Ngày nay > Phía tây Hà Nội mưa lớn sẽ thành sông?
Phía tây Hà Nội mưa lớn sẽ thành sông?
Thứ Tư 25, Tháng Tám 2010
"Tôi e rằng phía tây của Hà Nội cũng sẽ bị ngập nặng trong tương lai vì khu vực này chưa được người ta nhòm tới" - PGS. TS Nguyễn Việt Anh, Viện phó Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường nói.
Mấy trận mưa khiến người Hà Nội bì bõm trong nước vài tiếng đồng hồ khiến người ta không thể không đặt lại câu hỏi, sao Hà Nội lại có thể ngập khủng khiếp đến thế, thưa ông?
Ngập có hai nguyên nhân: thứ nhất là do thiên nhiên, thứ hai là do con người. Ở nước ta thiên tai bão lũ không ít, và truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh đã có từ bao đời nay. Ai mà chả biết điều đó, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo mãi rồi. Nhưng bên cạnh đặc thù địa hình thấp của Hà Nội và điều kiện kinh tế khó khăn chung, chúng ta còn làm hạ tầng chưa đến nơi đến chốn, thiếu đồng bộ.
Trong thoát nước mưa có nguyên tắc bất di bất dịch là phải làm chậm dòng chảy trước khi chảy vào cống (thoát chậm). Vào cống rồi thì phải cho thoát nhanh, theo đường ngắn nhất ra sông.
Tuy nhiên, cả Hà Nội và nhiều đô thị của Việt Nam đều không áp dụng được nguyên tắc này. Các hồ bị san lấp, bề mặt đô thị bị bê tông hóa, nước mưa không có gì cản cứ đổ dồn xuống, ứ lại, vậy là ngập.
Không chỉ các phố trũng bị ngập mà ngay cả khu phố Tây (Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo) khá cao, ít khi bị ngập giờ cũng ngập, ông có ngạc nhiên không?
Không. Hà Nội như hiện nay thì chỗ nào mà chả có nguy cơ ngập khi có mưa. Nhà cửa thì mọc san sát, mặt đất thì ngày càng bị lấp bởi bê tông, chiều dài cống trên đầu người mới chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu nếu so với các đô thị khác trên thế giới, tiết diện cống lại hẹp, các mương, cống cấp 3 trong các ngõ nhỏ còn rất thiếu và ít được ngó ngàng tới, do địa phương và dân tự quản, rác bùn đầy cống, không ngập mới là chuyện lạ. Trận mưa năm 2008 đã chứng minh điều đó rồi. Hết mưa mà chúng ta còn thừa 3,2 triệu m3 nước và phải bơm trong 4 ngày mới hết.
Nhưng đây là những phố có nền rất cao? Theo ông nguyên nhân nào khiến cho những khu phố cao cũng bị ngập?
Tôi nghĩ có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân đặc điểm các trận mưa mấy năm nay khác với quy luật. Trận mưa lịch sử năm 2008 là một ví dụ, kéo dài 4 ngày liền và có nơi lượng mưa đã lên đến 900 mm.
Thứ hai là do các hố ga thu nước còn ít và không đủ tiết diện, khi mưa, nước từ trên trời đổ xuống bị dồn ứ, không thoát kịp. Nhiều hộ kinh doanh sợ mùi hôi thối thậm chí còn bịt miệng các hố ga lại.
Thứ ba là ở hạ lưu đã quá tải. Nước mưa ở các khu phố cổ phải chảy xuống phía Giải Phóng, Kim Ngưu, Yên Sở mới thoát được ra sông. Nhưng giờ cứ mưa là các khu Giải phóng, Kim Ngưu đã đầy ứ nước. Hạ lưu quá tải thì làm sao nước ở trên chảy xuống nhanh được. Cộng cả ba yếu tố đó, tôi nghĩ, dù đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo có cao thì cũng dễ bị ngập.
Sau khu phố Tây, sẽ đến lượt khu nào ghi danh vào "vùng ngập" thưa ông?
Thời gian vừa qua, chúng ta đang tập trung vào thoát nước cho mấy quận nội thành, mà vẫn chưa cải thiện được tình hình. Tôi e rằng phía tây của Hà Nội cũng sẽ bị ngập nặng trong tương lai vì khu vực này chưa được người ta “nhòm tới”.
Hiện nay, khu vực này chưa xây dựng quá nhiều, nhưng chỉ một thời gian nữa các nhà cao tầng sẽ mọc lên như nấm. Bê tông hóa cộng với việc sự kết nối các tuyến cống thoát nước dọc đường giao thông chưa tốt sẽ càng làm cho khu vực này ngập nặng. Mà khu vực này mà ngập thì thiệt hại là rất lớn vì tập trung đông dân cư.
Lan Hoa (BEE)