Trang nhà > Xã hội > Đông Á > TQ nâng cấp Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” là kém khôn ngoan
TQ nâng cấp Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” là kém khôn ngoan
Thứ Bảy 4, Tháng Chín 2010, bởi
Tờ Liên hợp Tảo báo của Singapore ngày 23/8 đăng bình luận ”Vì sao biển Đông (nguyên văn: biển Nam Trung Quốc) trở thành lợi ích cốt lõi”, cho biết giới truyền thông đưa tin Trung Quốc đã nâng cấp cách diễn tả vấn đề Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Các chuyên gia ở Bắc Kinh phản bác: cách nói “lợi ích cốt lõi” không có xuất xứ xác đáng mà lại được giới truyền thông đưa tin rộng rãi, là một hiểu lầm đang chờ đợi được làm rõ. Mỹ sẽ hiểu đây là tín hiệu của Trung Quốc muốn hoạch định phạm vi thế lực ở Đông Nam Á; như thế là cực kỳ không khôn ngoan.
Trích yếu bài báo nói trên như sau:
Gần đây có phương tiện truyền thông đưa tin: trong một lần nói chuyện kín với phía Mỹ, quan chức cấp cao Trung Quốc đã nâng cấp cách diễn tả của họ đối với vấn đề Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Trước đó, trong cách diễn tả đối ngoại của Trung Quốc, các vùng có tranh chấp được gọi là “lợi ích cốt lõi” chủ yếu là Tây Tạng, Đài Loan.
Biển Đông trước đây tương đối yên tĩnh, gần đây trở thành nơi tấp nập diễn tập quân sự quốc tế, là sân khấu để hai nước lớn đọ sức. Từ cuối tháng 7, Trung Quốc và Mỹ khẩu chiến với nhau về vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn ASEAN; trung tuần tháng 8, tàu sân bay G. Washington ban đầu tuyên bố đến Hoàng Hải tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc sau lại chuyển hướng đi vào Biển Đông, triển khai tập trận chung kéo dài 1 tuần với Việt Nam.
Bối cảnh trực tiếp của các hoạt động quân sự dầy đặc đó là 2 quốc gia chính có tranh chấp chủ quyền Biển Đông -Trung Quốc và Việt Nam- mỗi bên đều nâng cao vị thế bảo vệ chủ quyền và lợi ích. Mấy năm gần đây, Việt Nam tăng cường thăm dò biển gần các đảo đá có tranh chấp, mặt khác Việt Nam cũng lên án thái độ ngày một cứng rắn của Trung Quốc.
Nói tới vấn đề này, giáo sư Chu Phong ở Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu an ninh quốc tế đề xuất: Cách nói “lợi ích cốt lõi” không có xuất xứ xác đáng mà lại được đưa tin rộng rãi, là một hiểu lầm đang chờ được làm rõ. Ông cũng nghi ngờ cách nói ấy chưa chắc đã đại diện cho chính sách của tầng lớp lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.
Có triệu chứng cho thấy, dù cách nói “lợi ích cốt lõi” đã trở thành quen thuộc xung quanh vấn đề Biển Đông nhưng nội bộ dư luận Trung Quốc vẫn tồn tại tranh cãi.
Những người thắc mắc cho rằng Trung Quốc không có ý định mở một chiến trường mới ở Biển Đông, không dự định thay đổi tình trạng tự do thông thương hàng hải quốc tế ở vùng này, thế thì vì sao lại nâng cấp Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi”? Hơn nữa, cách biểu đạt ấy không phù hợp thông lệ quốc tế: theo luật quốc tế, nếu Trung Quốc đã tỏ ý họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hải đảo ở Biển Đông, thế thì không cần thiết phải thêm thắt cách nói “lợi ích cốt lõi” làm gì nữa.
Có nhà quan sát nói riêng với nhà báo: Mỹ tiết lộ tin tức họp kín (với Trung Quốc) cho giới truyền thông biết là có ý đồ chiến lược nhằm để Biển Đông trở thành sân chơi mà họ thay mặt các nước Đông Nam Á chơi với Trung Quốc. Nói khác đi, cái Trung Quốc đề xuất chính là đề tài Mỹ muốn gợi ra trong cộng đồng quốc tế.
Chu Phong, người có thái độ rõ rệt phản đối cách nói “lợi ích cốt lõi” thì cho rằng cách nói như vậy không khôn ngoan. Phân tích từ góc độ của Mỹ thì Mỹ sẽ hiểu đây là tín hiệu của Trung Quốc muốn hoạch định phạm vi thế lực ở Đông Nam Á; nghĩa là cách giải quyết tương lai của Biển Đông sẽ phải hoàn toàn theo phương thức của Trung Quốc, các nước khác không có quyền tham gia.
Điều quan trọng hơn là cách làm ấy sẽ gây ra sự quan ngại cho các nước Đông Nam Á, hơn nữa còn kéo theo Australia láng giềng của Đông Nam Á. Những “chiêu” quá đáng của Trung Quốc và Mỹ thường xuyên xuất hiện trên vấn đề Biển Đông đã gây ra sự quan tâm và lo lắng cho các nhà ngoại giao Australia.
Chu Phong cho rằng trong khi giao thiệp với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á toàn nói những lời tốt đẹp nhưng họ lại tới tấp đến Mỹ tố cáo Trung Quốc, ở đây có phần nguyên nhân là trong khi tăng cường sợi dây liên kết kinh tế với Đông Nam Á, Trung Quốc chưa đầu tư đầy đủ vào việc nâng cấp quan hệ chính trị song phương với các nước ASEAN. Đồng thời Trung Quốc lại cảm thấy lợi ích của mình ở Biển Đông đang bị suy yếu và thách thức, điều đó cho thấy mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ và Trung Quốc-Hàn Quốc đều cần được tái ổn định.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp