Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Vỡ mộng kiếm tiền ở Thụy Điển
Vỡ mộng kiếm tiền ở Thụy Điển
Thứ Bảy 11, Tháng Chín 2010
Hình ảnh những người lao động nhập cư lạnh cóng, nhốt ông chủ lại để đòi mức lương cao hơn và điều kiện sống tốt hơn là điều tưởng như không bao giờ xảy ra ở Thụy Điển.
Nhưng trên thực tế, hàng loạt sự vụ tương tự đã xảy ra trong cộng đồng người lao động châu Á làm công việc thời vụ - đi hái quả berry trong rừng - ở miền trung và phía bắc Thuỵ Điển.
Câu chuyện này vẫn đang tiếp diễn, theo các quan chức liên đoàn và những người hỗ trợ lao động, chủ yếu là do những quy định về thương lượng tập thể mới được đưa ra, nhưng rất khó áp dụng, và còn một lý do khác là tình trạng bóc lột của các công ty tuyển người đặt tại châu Á. Các công ty này thường là ký hợp đồng cung cấp quả cho những hãng chế biến hoặc phân phối. Chính phủ hiện đang theo dõi sát sao tình hình này và cho biết có thể áp dụng quy định riêng của mình.
Trong một vài trường hợp, các tổ chức nhân đạo, chính quyền địa phương và nhà thờ đã phải vào cuộc để giúp đỡ những nhân công đang bị mắc kẹt ở đây.
Ylva de Val-Olsson, điều phối viên của Chữ thập Đỏ cho hay tổ chức của cô đã can thiệp vào cuối tháng 8 sau khi phát hiện có 138 người hái quả Bangladesh bị nhồi nhét trong bốn căn nhà tàn tạ ở Bracke, miền trung Thuỵ Điển. Mấy căn nhà đều thiếu phòng vệ sinh; quần áo, giày dép và chăn đệm cho những nhân công sống ở đây đều sơ sài. Họ phải chịu cái lạnh thấu xương khi nhiệt độ về đêm xuống rất thấp.
“Chúng tôi đã quen với việc giúp đỡ những người nước ngoài,” cô nói. “Nhưng hiếm khi chúng tôi gặp phải tình trạng đáng buồn như thế này ở Thuỵ Điển.”
Một vài người Bangladesh đã về nước, nhưng cũng có rất nhiều người ở lại để hái quả nhằm trang trải nợ nần. “Họ đã nghĩ rằng sẽ kiếm được khoản tiền đủ cho cả đời, nhưng thực tế thì ngược lại,” cô nói. “Thật đáng buồn.”
Vài trường hợp khác cũng được giới truyền thông Thuỵ Điển đưa tin vào tháng trước, trong đó có vụ đình công của những người hái quả đến từ Việt Nam và Trung Quốc, những người này biểu tình đòi được cung cấp điều kiện sống tốt hơn. Đã có một nhóm người hái quả Việt Nam nhốt và hành hung các trưởng nhóm quản lý của họ trong một ngôi trường, trong khi đó 100 nhân công Trung Quốc diễu hành 15km và biểu tình suốt đêm yêu cầu tăng lương và có điều kiện tốt hơn. Báo chí nước này đưa tin những người hái quả Việt Nam ở Saran, miền trung Thuỵ Điển, đã phải dùng súng cao su bắn chim để ăn.
Được coi là một món đặc sản của Thuỵ Điển, berry là một loại quả ăn tươi hoặc được dùng trong bữa sáng với ngũ cốc, hoặc dùng làm mứt, bánh, nước quả và pha trà. Luật pháp nước này cho phép người dân được tự do vào rừng hái berry dại. Nhưng việc này đã chuyển biến từ một hoạt động mang tính thư giãn thành một ngành kinh doanh béo bở.
Quả berry dại rất giàu vitamin và được những người bán lẻ thực phẩm và các dược sĩ ưa chuộng vì nó có chất chống oxy hoá. Ngoài ra, quả berry có thể cung cấp màu tự nhiên cho mỹ phẩm, si rô thuốc và các thực phẩm dinh dưỡng khác.
Theo hãng Polarica, nhà sản xuất lớn nhất ở Thuỵ Điển và Phần Lan, có khoảng trên 30 nghìn tấn berry được thu hoạch mỗi năm. Có nhiều loại berry như berry mây thu hoạch cuối tháng 7, berry xanh vào tháng 8 và lingonberry vào tháng 9. Ngoài ra, berry cũng được thu hoạch nhiều ở Ba Lan, vùng Baltic, Nga và Belarus.
Mức thu nhập thấp và điều kiện khó khăn khiến cho dân địa phương không muốn làm nghề này. Để nhặt quả berry, người lao động phải luôn khom lưng dò dẫm trong những khu rừng ẩm ướt và nhiều muỗi.
Ở Thuỵ Điển, nhân công chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á. Ở Phần Lan, những người lao động nhập cư Ukraina cũng rơi vào tình cảnh bấp bênh tương tự trong những năm gần đây.
4.000 lao động châu Á được cấp phép lao động ở Thuỵ Điển – đây chỉ là con số trên giấy tờ, thực tế con số này cao hơn nhiều vì có rất nhiều người đi vào qua con đường visa du lịch. Năm ngoái, con số chính thức là hơn 7.000, tuy nhiên nếu vụ mùa kém, con số này sẽ giảm đi.
Sau khi xuất hiện áp lực từ các liên đoàn và dư luận, chính phủ đã hành động. Tháng 3, Uỷ ban nhập cư cho biết họ sẽ bắt đầu xử lý đơn xin lao động cho những người hái quả giống như đơn của các ngành nghề khác áp dụng cho những công dân không thuộc EU. Trước đó, người hái quả chủ yếu đến Thuỵ Điển qua con đường visa du lịch.
Liên đoàn lao động Thuỵ Điển, Kommunal, cũng giành được quyền tổ chức và xây dựng những thoả thuận tập thể cho những người hái quả. Trong đó bao gồm quy định mức lương hàng tháng là 16.372 kronor tương đương 2.240 USD đối với những người làm việc cho các công ty của Thuỵ Điển và với những người làm cho các công ty ở nước ngoài sẽ được trả cao hơn một chút.
Với những lao động không tham gia thoả thuận trên, liên đoàn không thể can thiệp được. Đây là tình trạng của rất nhiều lao động do các công ty ở châu Á tuyển dụng.
Kommunal cho hay liên đoàn đang cố gắng làm việc với các tổ chức liên đoàn trong khu vực và trên thế giới về những nhân công trong ngành thực phẩm để theo dõi và quản lý tốt hơn.
Tommy Innala, giám đốc điều hành của Polarica cho biết công ty của ông đã đồng ý một thoả thuận, theo đó các chi nhánh và nhà phân phối của công ty này đều có trách nhiệm trả lương song phẳng và chú ý đến điều kiện sống của người lao động.
“Điều này rất quan trọng với tương lai của chúng tôi,” ông nói. “Chúng tôi cần có một ngành công nghiệp trong sạch. Nếu không, mọi người sẽ không tin tưởng và như vậy chúng tôi sẽ sớm lụi tàn.”
Ông tin rằng hiện vẫn còn nhiều việc cần làm để “xây dựng một cơ chế có lợi cho hai bên.”
Bên cạnh đó, một số nhà làm luật đã kêu gọi chính phủ vào cuộc thêm một lần nữa. Markus Friberg, phát ngôn viên của Bộ trưởng Lao động và nhập cư, cho biết chính phủ đã khởi động chiến dịch trao đổi thông tin thông qua các đại sứ quán ở Đông Á và “theo dõi sát sao tình hình.”
“Hiện nay đang là giữa mùa vụ - chúng tôi sẽ cân nhắc xem liệu nên làm gì” sau khi mùa vụ kết thúc vào tháng 10, ông nói. “Chính phủ khó có thể can thiệp vào những hợp đồng ký ở nước ngoài.”
Minh Phương (VE, theo NYT)