Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Khuất phục thiên nhiên

Khuất phục thiên nhiên

Thứ Ba 14, Tháng Chín 2010

Đến ngày 24 tháng 11 tới là tròn bảy năm [1]. Anh bạn trẻ của tôi, Henri, mất khi mới bảy mươi bảy tuổi. Dưới đây là bản dịch một bài tôi viết bằng tiếng Pháp cho quyển sách Henri Van Regemorter (1925-2002) Parcours d’un militant biên tập bởi Alain Teissonnière và Nicole Simon-Cortés [2], nhà xuất bản l’Harmattan.

Bức ảnh dưới đây chụp ở Meudon, nhà Henri [3], vào dịp cụ Ngụy Như Công Tum [4] sang thăm Paris trong thời gian chiến tranh chống Mỹ. Cụ Tum là người cầm máy ảnh. Henri đứng bên trái cụ Tum. Phía bên phải ảnh, có hai nhân vật quan trọng trong lịch sử toán học : A. Grothendieck và L. Schwartz [5].

So với những người khác có đóng góp vào quyển sách này, tôi mới quen Henri. Mới mười hai năm. Nhưng ông và tôi đã có thời gian để nói cơ man là chuyện, và để cãi nhau không ít. Những cuộc tranh luận này làm tôi suy nghĩ nhiều, nhất là bây giờ khi Henri không còn nữa.

Đây là một câu chuyện thời trai trẻ, ông kể cho tôi trong lúc đi dạo ở công viên Paumier. “ Khi tớ còn thanh niên, tớ có vài dịp diễn thuyết về chủ nghĩa Marx trước cả một hội trường lớn. Lần đó là ở trường đại học Louvain-la-Neuve. Trong ngọn lửa của hành động, tớ say sưa hùng biện về tiến bộ, về con người khuất phục thiên nhiên. Bỗng có một bác Bỉ béo đứng lên hỏi : này ông kia, khuất phục thiên nhiên là khuất phục thế nào ? ” Với cái tài nhại giọng Bỉ [6] của Henri, trong khung cảnh xanh tươi của công viên Paumier, gợi lại kỷ niệm về bác Bỉ béo đã cho chúng tôi một khoảnh khắc cười sảng khoái.

Các sự kiện tiếp theo đã gán cho mẩu chuyện này một nghĩa khác hẳn. Trong những tuần cuối cùng, Henri đau rất nặng. Thế mà mỗi lần nhìn thấy ông, tôi vẫn gặp một nụ cười vừa ấm áp vừa tinh quái. Tôi có cảm giác cái con bệnh hiểm nghèo có thể đốn ngã bất kỳ ai, với ông chỉ là một sự phiền toái. Ông chỉ cảm thấy bị làm phiền vì không thể tập trung mọi năng lượng để làm những gì mình thích. Một hai tuần trước khi vào bệnh viện ở Meudon-la-Forêt, đi bắt đầu khó khăn, chỗ nào cũng đau vì bệnh ung thư ác tính, ông kêu ca với tôi là ông cảm thấy mệt, ông không nghiên cứu vật lý vào buổi tối được nữa. Khi đi vào bệnh viện, ông mang theo bài ông đang viết dở về L. Schwartz, ông dặn tôi coi fax xem có trả lời của ông Đặng Vũ Minh người mà ông có viêt thư từ mấy hôm trước. Trong cái cặp ông mang vào bệnh viện còn có bức thư của bạn sinh viên trẻ, người mà ông đang cố gắng tìm mọi cách giúp để có học bổng sang Pháp học.

Ký ức về những tình tiết đau đớn này đã giúp tôi hiểu được thế nào là khuất phục thiên nhiên. Henri không thích những triết lý hùng hồn. Nhưng cái cách giản dị và thuyết phục mà ông biết đem đến cho hành động của mình, cuộc sống của mình một ý nghĩa, đáng để ta suy nghĩ. Để nó cho ta một vài niềm tin nho nhỏ. Đó là di sản vô giá của Henri.

Ngô Bảo Châu


Xem online : Source


[1Tám năm, tác giả hơi bị đãng trí :). (ĐT)

[2Người áo trắng đứng ở rìa phải ảnh trên .(ĐT)

[3Nơi tác giả đã sống hơn 10 năm. (ĐT)

[4Nguyên hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. (ĐT)

[5Hai người Pháp từng đoạt giải thưởng Fields. (ĐT)

[6Henri vốn là người Pháp gốc Bỉ. (ĐT)