Trang nhà > Hà Nội > Phố cũ > Phố Hàng Ngang*
Ông bà Trịnh Văn Bô
Phố Hàng Ngang*
*Rue des Cantonnais
Chủ Nhật 19, Tháng Chín 2010
Phố Hàng Ngang dài 152m, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, tp Hà Nội. Đầu phố phía bắc giáp ngã tư Hàng Buồm - Lãn Ông và nối với phố Hàng Đường; phía nam giáp ngã tư Hàng Bạc - Hàng Bồ và nối với phố Hàng Đào. Phố Hàng Ngang chỉ có xe giao thông một chiều nam-bắc và được dành cho đi bộ vào buổi tối các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
- Cổng vào Nhượng địa giáp phố Hàng Khay
Phố Hàng Ngang có từ rất lâu đời. Thời Lê, phố gọi là Việt Đông vì nhiều Hoa kiều gốc Mân Việt, Quảng Đông đã đến đây định cư. Có thuyết cho rằng “Thế kỷ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, bán đồ tơ lụa màu xanh lam”, nhưng “đoạn đầu” đi từ đâu đến đâu thì không sách nào nói rõ.
Người Trung Quốc sang ta làm ăn trước kia thường cùng quê với nhau thì tụ hội gần nhau. Ngay cạnh phố Hàng Ngang, về phía đông có Hội quán Quảng Đông ở phố Hàng Buồm, về phía tây có Hội quán Phúc Kiến ở phố Lãn Ông.
- Phố Hàng Ngang năm 1884. Photo: Hocquart
Thời Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” vẫn ghi phố Việt Đông thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Theo Hoàng Đạo Thuý, Hoa kiều giàu lên đâm ra sợ cướp, họ làm hai cánh cổng để buổi tối đóng chẹn ngang hai đầu phố, đó có thể là một nguồn gốc khác của tên gọi Hàng Ngang.
Thời Pháp thuộc, phố mang tên “Rue des Cantonnais” (phố của người Quảng Đông), chuyên bán vải và trà. Nhưng không chỉ người Hoa mà cả người Việt, người Ấn cũng có cửa hàng tại đây.
Sau năm 1954, trên phố có những cửa hàng thời trang, cửa hàng mỹ phẩm và trong thời bao cấp còn có cả những cửa hiệu vẽ truyền thần.
Phố Hàng Ngang ngày nay nối với Hàng Đào là khu buôn bán sầm uất đặc trưng của Hà Nội, bán từ quần bò cho đến complet, veston, blouse, y phục các loại đủ mùa. Đây cũng là những phố một chiều và mới đây đã được dành cho người đi bộ vào buổi tối các ngày Thứ sáu, Thứ bảy, Chủ nhật.
- Một hiệu truyền thần trên phố Hàng Ngang cuối TK 20. Ảnh: Nguyễn Hồng Nga
Ngôi nhà số 48
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 24/8/1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội và dừng chân ở tại làng Phú Gia. Ngày 25/8, Tổng bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Phú Gia đón Chủ tịch về ngôi nhà số 48 Hàng Ngang [1] của ông bà Trịnh Văn Bô, thương gia yêu nước ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Ngôi nhà này có hai lối ra vào ở 48 phố Hàng Ngang và 35 phố Hàng Cân. Đầu thế kỷ 20, nhà vốn là cửa hàng bán tơ lụa, vải vóc của cụ Trịnh Phúc Lợi, thân sinh ông Trịnh Văn Bô.
Nhà 48 Hàng Ngang. Panorama ©2010 NCCong
Tại tầng gác hai của ngôi nhà - phòng ăn của gia đình chủ nhà trước đây - đã được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Việt Minh. Căn phòng rộng chừng 60m2, chính giữa phòng là một chiếc bàn hình chữ nhật có kích thước lớn bằng gỗ màu cánh gián sẫm, 8 chiếc ghế tựa đệm mềm bọc nỉ xanh phủ vải trắng [2].
- Nhà số 48 Hàng Ngang
Cũng tại căn phòng này, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tiếp nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Thiếu tá Archimedes Patti - chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) đến Hà Nội khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một trong những phái bộ nước ngoài đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại 48 Hàng Ngang. Ông Patti cũng là người nước ngoài đầu tiên đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi chưa được công bố.
- Căn phòng gác nơi cụ Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập
Xem online : http://hanoipanorama.blogspot.com/
[1] Nhà số 48 phố Hàng Ngang được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá theo Quyết định số 54/VH/QĐ ngày 29-4-1979. Mở cửa các ngày trong tuần (trừ thứ Bảy và Chủ nhật). Điện thoại: (84.4) 3825 2622.
[2] Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng CS Việt Nam để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ Lâm thời trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hoà.