Trang nhà > Hà Nội > Phố cũ > Phố Hòe Nhai*
Phố Hòe Nhai*
*Rue de l’Hôpital chinois
Thứ Hai 20, Tháng Chín 2010
Phố Hòe Nhai ngày nay dài gần 400 mét, kéo từ dốc đê Yên Phụ, cắt qua các phố Hồng Ph́uc, Hàng Than, Nguyễn Trường Tộ, Quán Thánh, rồi đến phố Phan Đình Phùng, thuộc quận Ba Đình. Trên phố có một chợ nhỏ gọi là chợ Hoè Nhai.
Xưa kia nơi đây nguyên là địa phận các thôn Thạch Khối Thượng, Hòe Nhai (sau đổi là Giai Cảnh) và Yên Thành, tất cả đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ.
Ngã năm phố Hòe Nhai-Hàng Than-Nguyễn Trường Tộ
Sở dĩ có tên là Hòe Nhai vì tương truyền rằng đời Lý (1010-1225) có lệ quy định các triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ cửa Đông hoàng thành ra tới bến Đông Bộ Đầu, do đó mà thành tên Hòe Nhai, tức là ‘đường cây hòe’.
Theo một số nhà nghiên cứu, Liễu Giai có nghĩa là “con đường trồng cây liễu”. Vào thời Lý - Trần, nơi đây có nhiều dinh thự của các hoàng tử, công chúa. Họ đã trồng nhiều liễu ven các con đường ở phía Tây Kinh thành Thăng Long, để đối xứng với “Hòe Nhai” (con đường trồng hòe ở phía Đông).
Từ tên một con đường, Hòe Nhai được lấy làm tên thôn; và ngôi chùa Hồng Phúc ở tại thôn này cũng được gọi là chùa Hòe Nhai (cổng chùa nay ở số 19 phố Hàng Than). Trong chùa còn lưu giữ một số bia đá, cổ hơn cả là tấm bia dựng năm Chính Hòa 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hòe Nhai tại Đông Bộ Đầu, tức bến Đông. Chính nhờ tấm bia đá này mà giới sử học đã xác định được vị trí chiến trận ngày 29-1-1258 của dân tộc ta ở lân cận chùa Hòe Nhai, mà sử cũ gọi là chiến thắng Đông Bộ Đầu đánh đuổi giặc Nguyên, giải phóng kinh đô nhà Trần.
Thời Pháp thuộc, đường này gồm hai đoạn phố nối thẳng mang tên khác nhau : đoạn ngắn từ đường Yên Phụ đến phố Hàng Than gọi là đường 34 (Voie 34), và đoạn từ phố Hàng Than đến phố Phan Đình Phùng gọi là phố Bệnh viện Trung Quốc (rue de l’Hôpital chinois) mà dân chúng quen gọi là Nhà Thương Khách vì ở đây có một bệnh viện do Hoa kiều Bang Quảng Đông lập nên vào khoảng năm 1921, nay là bệnh viện Đông y.
Trong chùa Hòe Nhai. ©Thang Bui 2011
Sau Cách mạng 1945, chính quyền Hà Nội đã đổi ‘đường 34’ ra thành phố Hòe Nhai, còn phố Bệnh viện Trung Quốc thì dùng cái tên dân chúng quen gọi là phố Nhà Thương Khách. Tới năm 1964, chính quyền thành phố đã nhập hai phố lại làm một như thời cổ, gọi chung là phố Hòe Nhai cho hợp với ý nghĩa ‘đường cây hòe’ từ cửa Đông thành Thăng Long ra bờ sông Hồng.
Dốc phố lên đê Yên Phụ (ảnh: Style)
Đối với lịch sử cách mạng Thủ đô, phố này có ngôi nhà đáng nhớ : trong thời kỳ Đảng mới thành lập, căn gác nhà số 4 (phố Nhà Thương Khách) đã từng là cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng, là nơi biên tập các báo ‘Lao khổ’ và ‘Tin tranh đấu’ phát hành bí mật.
Phố Hồng Phúc (ảnh: Style)
Có một ngôi nhà đáng chú ý ở trong phố Nhà Thương Khách là dinh cơ của Lagisquet, nhà số 18-20. Lagisquet là kiến trúc sư, phó Đốc lý bầu của Hội đồng thành phố, có nhiều quyền thế và tiền của.
Chỗ đất đó nguyên là địa điểm của một trường Tiểu học của thành phố mở trong thời kỳ đầu có những trường Pháp-Việt gọi là Trường phố nhà Thương Khách. Khi trường học di đi nơi khác, thành phố bán lại chỗ đất đó cho Lagisquet. Lagisquet chọn chỗ này làm nhà theo ý thích của vợ người Việt Nam.
Đền Yên Thuận thượng ở ngã năm phố Hòe Nhai-Hàng Than-Nguyễn Trường Tộ
Khu nhà làm rất công phu: vật liệu được tích trữ suốt mười năm có đồ sứ, đồ đồng, mảnh điêu khắc gỗ, nhiều thứ được chọn mua từ ở Bắc Kinh đem về. Nhà xây bố trí kiểu cung điện Bắc Kinh. Sân rộng có đắp núi giả, bồn hoa. Một chiếc cổng chính lớn và cổng phụ cũng xây theo hình dáng kiến trúc Á Đông, đắp nổi những trang trí người và hoa lá cầu kỳ. Lagisquet sinh hoạt theo lối đại gia đình, con cái đông, đa số quây quần trong ngôi nhà đó (con trai làm Tây đoan, mật thám, con gái dạy học...)
Nhà của Lagisquet trong thời tạm chiếm là dinh của một đại diện cho Chính phủ Tàu Tưởng Đài Loan, vẫn được bảo quản tốt cho đến năm 1954. Sau ngày tiếp quản thủ đô, có tới dăm chục gia đình thiếu chỗ ở đã nhảy vào chiếm, mỗi hộ một hay hai gian phòng; họ đã phá phách những thứ trang trí, sửa lại tường và cửa, xây thêm vá níu làm chỗ đun nấu, làm cho ngôi nhà có cái cảnh tan hoang.
Ngày nay phố Hòe Nhai trở thành một nơi ăn nhậu có tiếng bình dân.
Xem online : http://hanoipanorama.blogspot.com/