Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Trần Nhân Tông (1258-1308)

Trần Nhân Tông (1258-1308)

Thứ Năm 30, Tháng Chín 2010

Năm 1278, Trần Thánh Tông về làm Thái Thượng hoàng rồi cho Thái tử Trần Khâm lên ngôi với danh hiệu Trần Nhân Tông.

Dưới thời Nhân Tông, chữ Nôm bắt đầu được trọng dụng. Tương truyền Nguyễn Thuyên, quan Hình bộ Thượng thư, đã làm thơ phú bằng chữ Nôm, về sau nhiều người làm theo và gọi đó là Hàn luật.

Đế quốc Nguyên Mông bành trướng thế lực, diệt được nhà Tống, tiếp tục phát động hai lần xâm lược Đại Việt từ 1284 đến 1288. Nhưng Nhân Tông cùng các kiệt tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản... đã oanh liệt đánh bại đội quân được mệnh danh bách chiến bách thắng này.

Tuy đại thắng nhưng Nhân Tông vẫn cho người sang xin giảng hòa. Vua Nguyên cũng đành bằng lòng.

Nhân Tông định công tội cho quan lại, ghi chép công trạng của tướng sĩ vào sách gọi là Trung Hưng thực lục. Còn những người trong hoàng tộc đã đầu hàng và hợp tác với quân Nguyên thì bị bắt buộc phải đổi họ khác. Ngoài ra để yên lòng dân chúng, vua và Thái Thượng hoàng cho đốt hết tất cả hàng biểu đi. Từ đó dân chúng yên tâm xây dựng lại đất nước.

Phố Trần Nhân Tông đoạn giữa công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang, Hà Nội

Năm 1293, khi việc nước đã ổn định, Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên và lên làm Thái Thượng hoàng rồi đi tu ở núi Yên Tử, lấy pháp danh là Trúc Lâm đại đầu đà. Nhân Tông viết rất nhiều tác phẩm Phật học nhưng phần nhiều đã thất truyền.

Với lý thuyết đề cao thái độ hướng tâm, đi tìm sự giác ngộ bằng cái tâm tĩnh lặng của chính mình, là "Phật tại tâm" chứ không cần gò bó khư khư theo khuôn phép giáo điều nào, Nhân Tông đã để lại một ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển đạo Phật vào thời Trần. Năm 1308 Thượng hoàng mất, các môn đệ tôn ông là Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm, còn nhân dân gọi là Phật hoàng.