Trang nhà > Hà Nội > Phố cũ > Phố Hàng Khay
Street of Encrusters
Phố Hàng Khay
Rue des Incrusteurs
Chủ Nhật 3, Tháng Mười 2010, bởi
Hàng Khay là một con phố ngắn khoảng 160m, chỉ có mỗi dẫy nhà số lẻ vì bên đối diện là vườn hoa đầy cổ thụ um tùm ở ven bờ nam hồ Hoàn Kiếm. Ngày nay Hàng Khay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phía tây giáp phố Bà Triệu và nối với phố Tràng Thi, phía đông giáp phố Hàng Bài và nối với phố Tràng Tiền.
- Đầu phố Hàng Khay thời thuộc Pháp
Lược sử
Hàng Khay là một trong những phường nghề của Thăng Long. Tên gọi như thế bởi vì xưa ở đây chuyên làm và bán đồ gỗ khảm trai, trong đó có mặt hàng khay hoặc vì tất cả đồ nghề của thợ khảm từ cưa, đục nhỏ, dũa, mảnh trai đã mài, sơn... tất cả đều để trong khay gỗ. Phố nằm trên mảnh đất nối từ hồ Hữu Vọng đến cửa ô Tây Long vào thời Lê; từ năm 1832 (đời vua Minh Mệnh, thời Nguyễn) thuộc thôn Thị Vật và Tô Mộc, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội.
Thực dân Pháp chiếm Hà Nội xong liền quy hoạch lại nội thành. Bản đồ Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873 không có phố Hàng Khay hay Thợ Khảm mặc dù thời kỳ này ở các thôn Cựu Lâu, Thị Vật, Vũ Thạch đã thấy nhiều nhà bày bán khay, hộp, tranh khảm... rồi. Audré Masson, tác giả cuốn “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” viết “Từ năm 1873 đến 1883, nghề khảm trai và hàng thêu rất phát đạt vì binh lính và nhân viên người Pháp tham gia xây dựng các công trình trong khu Đồn Thủy mua rất nhiều”.
Đến năm 1883 bản đồ do trung úy Launay vẽ đã có tên phố "Rue des Incrusteurs" (phố Thợ Khảm), từ Đồn Thủy kéo thẳng đến tận Cửa Nam. Sau khi mở rộng, lát vỉa hè, nó được đặt tên chính thức vào ngày 20-11-1886 là phố Paul Bert [1], đi từ Nhà hát Lớn đến đầu phố Gia Long. Bá Hộ Kim [2] đã tặng 2 biển tên phố bằng chữ Pháp và chữ Hán được khảm trai. Ngày 9-7-1887, chính quyền cho treo ở đầu phố và cuối phố như 2 biển tên phố đầu tiên ở Hà Nội.
Sau khi tư bản Pháp đổ xô về đây xây dựng công sở, hãng buôn, phố Paul Bert đã trở thành một đường phố sang trọng bậc nhất và “Tây” nhất của Hà Nội trước năm 1945, do dó những cửa hàng khảm trai của người Việt bị dẹp dần hoặc chuyển đi. Tại đây cuối cùng chỉ còn rất ít người làm và bán đồ chạm khảm, nhưng Hà Nội đã có thêm một số phố khác chuyên bán và sản xuất các mặt hàng của thợ làng Chuôn. Tháng 7-1945 khi bác sỹ Trần Văn Lai lên làm thị trưởng, ông đã chia đôi phố Paul Bert rồi đổi tên là Tràng Tiền và Hàng Khay như ta thấy bây giờ.
Bờ Hồ Gươm phía Hàng Khay. Panorama ©2016 NCCong
Trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20, bờ phía nam Hồ Gươm từng là một chợ hoa. Cho đến những năm 1960, nơi đây vẫn có một quán bán hoa tươi nhìn sang hiệu thuốc Tây y số 1 Hàng Bài. Ngoài các cửa hàng bán đồ khảm trai mỹ nghệ, phố này còn có hiệu ảnh Quốc Tế nổi tiếng không kém hiệu Khánh Ký ở đầu phố Tràng Thi. Ngày nay đây là một con phố rất đông xe cộ và khách du lịch chỉ được thoải mái đi bộ xuống lòng đường vào những dịp lễ tết và ngày nghỉ cuối tuần.
Nghề khảm trai
Charles Thomas de Saint-Phalle (1700-1766) là một giáo sĩ Pháp tới Đàng Ngoài năm 1732 và sống ở Thăng Long 8 năm. Sau một thời gian học tiếng Việt, ông nói trôi chảy và giao tiếp rộng rãi với người dân. Ông chịu khó đi và quan sát rồi ghi chép rất nhiều về xứ Đàng Ngoài. Trong bản tường trình lên quan Chưởng ấn De Silhouette, ông cho rằng các công ty Pháp có thể buôn bán và trao đổi các mặt hàng mà An Nam khá dồi dào gồm tơ lụa, sơn, chè, khảm trai... Về khảm trai, ông viết “đó là thứ sản phẩm tuyệt vời”. Như vậy, sản phẩm khảm trai chắc chắn đã bán ở Thăng Long trước khi giáo sĩ đến đây, tuy nhiên ông lại không biết xuất xứ của chúng.
Còn trong cuốn “Xứ Đông Dương thuộc Pháp - những kỷ niệm” xuất bản ở Paris năm 1905, Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 và Tổng thống Pháp từ 1931 đến 1932) khẳng định “Tủ chè, đồ gỗ nhỏ khảm xà cừ thật sự được chú ý và nổi tiếng ở vùng Viễn đông. Những thợ khảm Trung Hoa ở Quảng Châu hình như đã học tập nghệ thuật của người An Nam nhưng tài nghệ còn kém xa”.
Trong cuốn sách minh họa “Kỹ thuật của người An Nam” in năm 1909, tác giả Henri Oger đã nhận xét: “Thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu sắc của vỏ trai để có sự hoà sắc đẹp mắt, làm cho bức khảm trở nên rực rỡ. Chính vì thế mà nghệ thuật khảm Việt Nam nổi trội lên gần như độc quyền ở Viễn Đông. Những sản phẩm của người thợ khảm Việt Nam tốt hơn nhiều nếu so với sản phẩm của người thợ khảm Quảng Đông”.
- Cuối phố Hàng Khay thời thuộc Pháp
Đa số tài liệu cho rằng nghề khảm có gốc gác từ xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông cũ. Theo lời nói đầu của bản hương ước làng Chuôn Trung, xã Chuyên Mỹ thì Thời Nguyễn, nhiều tốp thợ của làng đã vào làm cho cung đình Huế và cụ Phạm Văn Xiêm đã được vua nhà Nguyễn phong chức Cửu phẩm. Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn viết: “Đoạn đầu phố Gia Long còn sót lại một số dân gốc làng Vũ Thạch. Di tích còn lại là ngôi đình. Những ngôi nhà bên số chẵn từ số 2 đến số 10, số 24 và 28 là nhà của người làng Chuôn vẫn giữ nghề, làm và bán đồ khảm. Nhiều người làng Chuôn bị mất đất đã trở về quê tiếp tục làm theo đơn đặt hàng của các chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm”.
Rất khó có thể khẳng định chính xác thời điểm ra đời phố Hàng Khay. Có thuyết cho rằng các thợ khảm giỏi giang ở Chuyên Mỹ muốn nghề này phát triển liền tập hợp lại và mang theo cả gia đình ra Thăng Long. Khoảng đầu thế kỷ 19 thì phố Hàng Khay ra đời, công việc làm ăn ngày càng khấm khá, những người thợ cùng nhau dựng ngôi đền thờ tổ ở làng Cựu Lâu (gần Nhà hát Lớn ngày nay). Làng Cựu Lâu bị phá khi thực dân Pháp xây khu nhượng địa Đồn Thủy năm 1876, vì thế đền này cũng bị dỡ bỏ. [3]
Có một thuyết khác lại nói rằng tại làng Cựu Lâu từng có ngôi đình thờ thành hoàng Nguyễn Kim, người được cho là ông tổ nghề khảm trai đất Thăng Long đời vua Lê Hiển Tông (1740-1768). Tương truyền, Nguyễn Kim là dân thuyền chài quê Thuận Nghĩa, Thanh Hóa, trong một lần đi đánh cá thấy vỏ trai đẹp óng ánh đã mang về gắn lên gỗ, sau đó ra Chuyên Mỹ dạy cách làm cho dân chúng vùng này. Cuối cùng thì các hậu duệ cũng tìm thấy thị trường ở Thăng Long. [4]
Đồ khảm mỹ nghệ
Khảm trai là một nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp. Những người thợ khảm xưa hành nghề theo qui mô từng gia đình, hoặc từng nhóm nhỏ gồm thợ cả, thợ đục, thợ giũa, tách và vài thợ phụ. Công việc chủ yếu của họ là làm hoành phi, câu đối phục vụ cho các đình chùa và những đồ dùng đặc biệt như khảm sập gụ, tủ chè, bình phong, điếu ống, tráp trầu, hộp đựng thuốc lá... với những đề tài chọn trong các tích xưa theo đặt hàng của những người mua.
Khảm trai có thể chia thành hai loại lớn là khảm lên sản phẩm bằng gỗ, đồng, đồi mồi... và khảm (trai) sơn mài. Cũng như ở Nhật Bản và Trung Quốc, nghề sơn mài cùng những sản phẩm sơn mài ở ta đã có từ rất sớm, nhưng sự phối hợp giữa sơn mài và khảm trai thì chỉ mới thịnh hành vào đầu thế kỷ này, khi mà trình độ dân trí cùng với giao thông và thị trường mở rộng tới khắp mọi miền.
Mới đầu, chỉ có khảm trai trên các sản phẩm gỗ mà thôi. Trong đó, gỗ trắc được ưa chuộng nhất vì thớ mịn mà lại rắn. Màu nền của gỗ có ánh đỏ, hồng, đối màu với các hoạ tiết trai ốc tạo nên màu sắc tương phản nổi bật rất đẹp mắt. Vài thế kỷ sau, xuất hiện thêm các sản phẩm khảm trai trên đồng, rồi muộn hơn nữa là khảm trai trên đồi mồi.
Căn cứ vào tính hữu dụng thẩm mỹ, ta có thể chia các sản phẩm của làng Chuôn thành hai loại lớn, đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ gồm: núi thờ, hoành phi câu đối các cỡ, án thư, hòm sắc các cỡ, ống quyển, bao kiếm khảm hình rồng, thẻ bài các kiểu... Đồ gia dụng và khánh tiết gồm các loại như đĩa khảm cá hay hoa, khay, quả trầu, hộp mỹ phẩm, lọ hoa các cỡ, bàn cờ, bình phong, sập, tủ chè và tủ chùa, bàn ghế...
- Đồ khảm trai
Ngoài những sản phẩm kể trên, người thợ Chuôn còn khảm theo yêu cầu đặt hàng của khách như cán tẩu thuốc lá, cán ba toong, khảm trai trên nậm rượu bằng đồng đúc, trên vòng gỗ hoặc đá. Tuỳ vào giá trị của vật phẩm mà người thợ chọn vật liệu khảm như trai, ốc... cho phù hợp. Những hoạ tiết khảm xà cừ nhìn chính diện óng ánh màu hồng sáng, nhìn chéo lại rực lên ánh sáng của những ngọn lửa màu ngọc lục huyền bí. Giá trị của cái đẹp vĩnh hằng ở những sản phẩm khảm một phần cũng ở cái ánh sáng huyền bí đó.
Bên cạnh trai ngọc, trong số vật liệu khảm còn có một loại ốc được nhập khẩu từ Singapore, đôi khi được dùng để chạm nổi phối hợp với mảnh ngà voi theo cách của người Nhật. Loại vỏ này được dùng trang trí trên các tấm bình phong lớn, đôi khi chúng còn được gắn trên mái đình chùa. Ngoài ra còn có loài ốc Nhật Bản với cái tên là “Tai gấu”, loại này màu sắc lốm đốm rực rỡ và có nhiều ở vịnh Bắc Bộ.
Di tích lân cận
- Chùa Vũ Thạch: ngõ 13 Bà Triệu, phường Tràng Tiền.
- Đình Vũ Thạch: số 13 phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền.
- Tháp Hòa Phong: đối diện Bưu điện Quốc tế, phố Đinh Tiên Hoàng.
- Tháp Rùa: Hồ Gươm.
Bản đồ trực tuyến
Đông Tỉnh
Xem online : Xem trang Hà Nội 360 độ
[1] Paul Bert: Trú sứ Pháp tại Hà Nội, sinh 17-11-1833, chết 11-11-1886 vì kiết lỵ.
[2] Nguyễn Ngọc Kim: Hào mục làng Vũ Thạch và người xây Tháp Rùa năm 1886.
[3] Tương truyền vào thời Lý, ở Chuôn Ngọ có vị tướng là Trương Công Thành. Ông được cử đi bình Chiêm, sau khi chiến thắng trở về, ông xin phép ngao du thắng cảnh; khi đến bãi sông, bãi biển thấy vỏ trai, vỏ ốc bị mưa gió bào mòn lớp vỏ bên ngoài lộ ra phần lõi nhiều màu sắc óng ánh rất đẹp. Thấy lạ, ông chọn một số mảnh mang về chơi. Là người có hoa tay, ông mày mò cưa cắt và ghép các mảnh trai ốc nhiều màu sắc đó thành hình hoa, lá khiến nhiều người ngạc nhiên và không ngớt lời ca ngợi. Khi về thăm quê, ông cho dân làng xem và dạy cho họ cách làm, nghề khảm trai xuất hiện ở Chuôn Ngọ từ đó. Để tưởng nhớ công ơn của vị tướng đã mang nghề về cho quê hương, dân Chuôn Ngọ tôn ông làm thành hoàng làng thờ trong đình, lấy ngày sinh mùng 9 tháng Giêng và ngày mất mùng 9 tháng Tám của ông làm ngày giỗ tổ.
[4] Tham khảo: Nguyễn Ngọc Tiến, Từ Chuyên Mỹ đến phố Hàng Khay, HNM