Trang nhà > Hà Nội > Ngày nay > Hà Nội trong mắt tôi (kỳ 2)
Hà Nội trong mắt tôi (kỳ 2)
Thứ Hai 4, Tháng Mười 2010
3. Đô thị tự phát
Những điều nhìn thấy
Nhà văn Hồ Anh Thái có lần “cho” nhân vật của mình, từ máy bay nhìn xuống, thấy nhân sinh bên dưới tựa đàn kiến. Cái ý nghĩ có vẻ khinh bạc ấy, nếu chĩa vào Hà Nội bây giờ, cơ hồ như còn trân trọng chán. Kiến là loài có kỷ luật, bầy đàn được tổ chức tốt, kiểu như gặp nhau trao đổi thông tin qua râu là hiểu đường này đi được hay không. Thành ngữ “vỡ tổ” có lẽ chỉ đúng khi chúng bị dội nước, như cách mấy cô bé đã làm trong “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Còn thành phố của chúng ta lại quá nhiều quy luật, chiều hướng chồng lấp nghịch ngược nhau, lắm lúc đem lại cảm giác hỗn độn. Đó có phải là một nhận xét bi quan?
***
Thế thì quan sát cung cách đi đường của người đô thị chúng ta trước. Kẻ mới mua ô tô toe toe khoe còi to. Xe máy lạng lách, “chảy” theo quy luật nước vào chỗ trũng. Xe đạp đủng đỉnh. Ông nào cũng có “luật” của mình, cứ như cái khái niệm “phần đường không phải của mình” không tồn tại. Những anh quê ra gặp người làng tâm sự dăm ba câu giữa đường. Những chị sành điệu vừa lượn SH, Dylan vừa nhoay nhoáy bấm điện thoại. Người ta chửi cảnh sát giao thông ác, “có tý cũng phạt”, trong khi những ông này lại “chán chả buồn phạt” dân nghèo hay người đi xe đạp. Vắng bóng cảnh phục là đi tắt, vượt đèn đỏ, chết ai đâu mà kiêng. Cho nên ai chấp hành luật thành ngu, người nước ngoài sợ rúm người khi được phép qua đường.
Phố ta nhiều kẻ quê, mà tình quê rất quý. Nên hai ông va chạm sắp đánh nhau, nhận ra giọng đồng hương thì cảm động cùng tiến vào quán bia ngay. Những đội sếp Tây như trong truyện Nguyễn Công Hoan bị lên án. Đã chẳng có máu đồng bào thì chớ, bọn “Min đơ Min toa” này lại ác, cứ nhè thằng vứt chuột chết ra đường, con khạc nhổ lung tung mà phạt. Chúng nó đại diện cho đế quốc, mà đã đế quốc thời cái gì cũng là đồ hủi, nên bỏ. Các vị đại diện pháp luật ít nhiều có thái độ hiền từ trước thói đi đường xấu. Nhưng gần đây, nghe nói công an Hà Nội cho phép cảnh sát giao thông được hưởng một tỷ lệ trong tiền phạt, dù sao sự nghiêm khắc cũng tăng lên được.
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cảnh sát giao thông, cũng không thể nói thành phố toàn người “đi láo”. Sang mấy năm cuối của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ XXI, cũng có những quy định, những công trình để khắc phục, như xây cầu vượt, làm rào chắn chỗ giao lộ bắt đi vòng…, kể thì cũng là chịu nghĩ chịu làm chịu chi. Nhưng vẫn toàn “thành tích khắc phục”, chứ cái nguyên nhân thì không (thể?) đụng đến. Đây cũng là điều dễ thấy khi trông sang trật tự xây dựng.
Hiển nhiên phải kể trước cái hình ảnh thành phố đang vươn lên tầm cao ở nghĩa đen. Mấy chục khu đô thị mới có trường học, siêu thị, khu vui chơi, thậm chí mặt nước, cây xanh xuất hiện. Hàng trăm chung cư hai ba chục tầng vừa tiết kiệm đất vừa đem lại hình thái mới cho sinh hoạt đô thị: hàng xóm biệt lập không biết nhau, rác đổ vào “ống”, điện nước khí đốt gửi xe có bộ phận quản lý, sáng ra cả nhà chui ô tô vào trung tâm bố mẹ đến sở con học trường “cao cấp”, chủ nhật đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần. Ở nhà này khổ nhất những bà cụ quê ra, dù con giàu có ngất ngưởng mà không tìm đâu ra đồng hương, thậm chí bị “dốt”. “Ô sin” thì giải quyết nỗi nhớ nhà dễ hơn, tối đến bế con chủ xuống sân trước là tha hồ “buôn” với người cùng đẳng cấp. Căn hộ biệt lập, từ gia đình đến cá thể đều được giải phóng khỏi quan niệm, “quy định” xã hội, cũng nên được đánh giá là một sự tiến bộ.
Có lẽ từ tâm lý cần đất, quý đất của nông dân, nhiều người có của vẫn thấy mình “không có đất” khi ở chung cư. Căn hộ liền kề xây trên đất chia theo lô (đã chấm dứt từ cuối thế kỷ trước) “sang trọng” hơn, hình thành nên khái niệm “nhà công ten nơ”. Sang nữa là những khu biệt thự nhà cửa khuất sau tán cây, tiếc là tâm lý tận dụng vẫn còn đó, nên ít người tôn trọng tỷ lệ nhà - đất khi xây dựng. Không ít chủ, khi kiến trúc sư vẽ tầng một có độ cao quá 4 mét đã “hay là làm gác xép”. Tuy nhiên, chung cư cao cấp hay biệt thự im ỉm đều ít nhiều mang lại dáng vẻ “kiêu sa” cho thành phố, tất nhiên lại làm nảy nở sự so sánh rằng “xã hội đang phân hoá ghê quá”. Và không làm chung cư cao tầng thì đất đâu mà chia mãi!
Cạnh khu đô thị mới thường là làng cũ, cư dân là chủ ruộng đất đã bị lấy. Bỗng nhiên được thành công dân phường, người nội thị hẳn hoi, sang quý thay, họ lại phải đối mặt với tình trạng là nông dân mà không còn đất. Buôn bán, làm thợ, học hành thành trí thức… đều không biết, cầm đống tiền đền bù mất ngủ kinh khủng. Chưa kể ao hồ lấp hết, nước thải chả biết đổ đi đâu, chưa kể cha mẹ muốn chết vì con cái đòi chia tấc đất - tấc vàng hay chơi bời nghiện ngập.
Còn cái lõi của đô thị - khu phố cũ, khu phố Tây và lân cận thì sao? Chật ních. “Phố cổ sống khổ”, ít người tưởng ra điều ấy khi nghĩ về Ba sáu phố phường. Ăn uống ngon, trường học tốt, nhưng ô nhiễm, bất tiện kinh khủng. Thành phố không cho xây cao nên gia đình sinh hoạt trong mươi mét vuông. Hàng Ngang Hàng Đào tiền nong dư dật thì thường bên dưới là dân đến sau, thuộc sở hữu nhà nước, bên trên anh cũ bị cải tạo những năm sáu mươi thế kỷ trước còn sở hữu, không thể thống nhất để sửa sang được. Ai mà ngờ trong khu vực mỗi mét vuông giá ba bốn chục lạng vàng, “tiền đè chết người”, buôn bán rầm rập thuế đóng nhiều nhất thành phố, vẫn còn hố xí xập xệ, cống rãnh ứ trệ. Rất khổ, kể cả khi được phường quận “bầu” lên làm “Gia đình văn hoá tiêu biểu” vì có vài bốn thế hệ cộng sinh hiền hoà.
Trông sang khu phố Tây, không còn mấy cái hình ảnh sang trọng, biệt thự êm đềm ẩn sau cây cối. Nhà bồi nhà bếp đằng sau chia nhau lên tầng, phía trước xuất hiện ki - ốt rồi cũng lên tầng. Ngôi nhà chính các gia đình thành viên chia cắt, sàn gỗ không đánh xi, cầu thang bước chỉ sợ sập, máng sành vỡ rỉ nước bẩn, ban công không ngăn lại thành bếp thì cũng um khói róm than tổ ong. Các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, niềm mơ ước của công chức cấp sở ngày nào, người ta đục tường nới ban công nới cả tầng bằng “con sơn” đưa ra, kết cấu nhà bị phá vỡ nguy hiểm kinh khủng. Sân chơi cho trẻ con, người già bị lấn dần dần, trường kỳ, nhà mới mọc lên có cửa sổ trông sang nhà cũ rất hồn nhiên. Liệu có thể nói hình ảnh chính của kiến trúc – xây dựng khu nội thị bấy nhiêu năm qua là cơi nới?
Quy hoạch là chứng cứ về tầm vóc nhà quản lý với đô thị của mình, và sự ổn định của đô thị ấy. Vai trò của Pi - ốt Đại đế với Xanh Pê – téc – bua, của vua Lu – i (mười mấy?) với Pa – ri đã rất rõ. Những nguyên tắc của quy hoạch trường tồn vài thế kỷ dù chế độ chính trị luôn thay đổi. Ta thì Lý Công Uẩn khi dời đô ra Thăng Long đã vượt khỏi tầm một thủ lĩnh quân sự, bước sang thời đàng hoàng bang giao thiên hạ. Nhưng chuyện đó lâu quá rồi. Hà Nội gần đây có quy hoạch tổng thể không?
Tất nhiên có! Hình như cái đầu tiên do Liên Xô vạch ra. Sau đấy chiến tranh liên miên xen với hoà bình, xây dựng, nó được điều chỉnh nhiều lần. Những ý đồ đưa Thủ đô lên Xuân Hoà, Xuân Mai (chữ “Xuân” nhiều thật), Vĩnh Yên. Những chọn lựa lấy đâu làm trung tâm. Bao nhiêu lần quyết định là bấy nhiêu công sức, toan tính, và nông dân mất thêm ít đất. Quy hoạch Thủ đô, cả quy hoạch từng vùng trong đó, đôi lần được đem ra báo cáo, lấy ý kiến. Và những đề đạt, trong đó có “cái” của kiến trúc sư Trần Thanh Vân lấy vùng giữa hồ Tây và sông Hồng làm “nhân” thành phố. Tóm lại là nhiều quá, khiến tâm lý “ta không có quy hoạch lâu dài” xuất hiện, rất bất an.
Thế giá trị của những quy hoạch ấy thế nào? Chỉ xin quay lại Bờ Hồ, “lẵng hoa giữa lòng thành phố”, không gian văn hoá - lịch sử mà ai tới Thủ đô cũng phải tìm cách đi bộ đủ một vòng. Nó đã đứng vững được “khoảng” trăm năm, từ khi người Pháp xây toà Thị chính xinh xắn, phố Hàng Khay chỉ lấp xấp hai ba tầng. Được bảo vệ bằng “luật” rằng các kiến trúc quanh đó không thể nhô cao hơn tầm 30 độ so với mặt nước, con hồ huyền thoại “tránh xa” được các kích thước cỡ Nhà thờ lớn. Duy nhất có Thuỷ Tạ lấn sang mặt nước được nhưng cũng khiêm nhường. Tình hình liên tục xấu đi từ khi khát vọng phồn vinh trỗi dậy. Sau đổi mới, ai có điều kiện - trước hết là tiền và quyền lực - đều muốn in dấu ấn lên khu vực huyền thoại này. Nhà bưu điện vuông vức, khối nặng chạy quá dài. Toà Thị chính mới in lên nền trời đường nét nghiêm khắc. Do là đôi công trình nhà nước, báo chí không thể làm gì. Nhưng họ đã ầm lên khi khách sạn Hà Nội vàng và ngôi “Hàm cá mập” thành hình, khiến cả hai phải cắt bớt kích cỡ, kiểu dáng đè nén định có. Thế rồi khi một cơ quan (lại là “ông” Nhà nước) định lên trụ sở đồ sộ “đè” hẳn “luật” 30 độ nói trên, các bên hữu trách như Thành phố, Bộ Xây dựng… đã “phối kết hợp” sửa quy hoạch khu vực Bờ Hồ để không ai nói gì được. “Sửa” mỗi chỗ đó, xong đóng lại không cơi nới thêm trường hợp nào nữa. Mới đây, Điện lực Việt Nam lại mở cuộc xâm lăng đè chết không gian huyền thoại bằng toà siêu thị phía đông, nhưng thất bại; may là báo chí lại được mở mồm.
Hồ Gươm, lẵng hoa giữa lòng thành phố, nếu không được bảo vệ bằng một sắc lệnh cỡ “Chiếu dời đô”, lúc nào cũng bị đặt dưới hoả lực của khát vọng hiện đại hoá.
Lạ, là trong bối cảnh ngặt nghèo ấy dân kiến trúc vẫn mơ màng một không gian còn tươi xanh, đậm tính lịch sử - văn hoá hơn cho Bờ Hồ. Lê Thị Kim Dung, mới đây là Hoàng Thúc Hào, đã giành giải thưởng quốc tế khi muốn có đường đi bộ, giảm bớt tiếng động, xe khói quanh hồ, làm cho nó thật gần gụi thiên nhiên. Tất nhiên đó chỉ là ý tưởng. Tin rằng ai đó thực hiện điều mình nghĩ ra, hoạ có là phát rồ. Kiến trúc sư cứ thi, giành giải để tỏ rằng “tôi cứ giữ quyền mơ mòng đấy”, hay vì cái gì?
Phía thượng tầng
Dăm sáu chục năm nay chiến tranh hoà bình thống nhất đất nước rồi đổi mới… vần vũ, tạo nên những thay đổi trong thành phố. Sau tiếp quản công nông binh lên ngôi, những cán bộ quân sự được cử ra ngoài nắm vị trí yết hầu. Người có của bạt đi Nam, nước ngoài, ai ở lại bị cải tạo nhà cửa rất chới với. Trí thức, nhiều người là con cái khoa bảng phong kiến cũ được tận dụng tuỳ hoàn cảnh, tuỳ mức độ “trầm trọng” trong lý lịch. Chiến tranh tạo dựng một trật tự nghiêm khắc cho sinh hoạt, bổ nhiệm, nói năng, ăn mặc…
Sang thời đổi mới, xã hội có chiều hướng dân sự hơn. Luật pháp được hô ủng. Thì cán bộ đoàn lên ngôi. Nhiều vị trí then chốt không “kinh qua” quá trình này thật khó bổ nhiệm. Phải nói là họ giỏi “hô” lên các phong trào, kiên nhẫn tiến thủ. Khi bằng cấp là một tiêu chuẩn trong nguồn cán bộ, họ lại chịu khó học. Chính trị, chuyên môn phải vững cả đôi chân, nên cấp phòng cấp sở trở lên đều hết bằng này đến bằng nọ. Nghĩa là cán bộ được trí thức hoá. Có cơ quan báo chí quy định ai cũng phải học, rồi chả ai đánh máy, sửa chính tả.
Song song với các thời, các trào lưu cán bộ, là làn sóng nhập cư vừa bền bỉ vừa vũ bão. Thành phố ngày Tết vắng vẻ vì cư dân về quê cả, được hưởng thú đi bộ thấy rất thanh bình. Quá rằm tháng giêng, lao động từ đơn giản đến cao cấp lại ập vào, giải quyết nhiều nhu cầu và cũng gây áp lực không ít. Hà Nội ngày thường dễ chín mười triệu dân. Không ít hơn đâu.
Sang thế kỷ này, Thủ đô mở rộng, đô thị hoá như vũ bão. Cỗ xe thô sơ phải chạy với tốc độ “Công thức I” cuống cuồng cuồng. Những tảng cấu trúc dân cư cũ rơi xuống. Những tập đồng hương đồng môn đồng nghiệp… mọc lên. Khái niệm “nhóm quyền lợi” ra đời và ngày càng hay được nhắc đến. Đấy là những “yếu tố tạo nên hoàn cảnh” phải tính đến khi xem xét phần thượng tầng của đô thị. “Xem” một phần thôi, và tất nhiên là cảm tính.
***
Về giáo dục, vùng cũ của Thủ đô cơ bản đã phổ cập trung học cơ sở, nhiều nơi xong cả trung học phổ thông. Hệ thống giáo dục thường xuyên, dạy nghề hình thành, vươn lên cao đẳng cả. Những giải thưởng quốc tế (quốc gia thì không tính rồi). Những cải tiến sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, tiêu chuẩn hoá học hàm học vị trong các đại học và viện nghiên cứu. Những trung tâm ngoại ngữ nhiều “như nấm sau mưa”. Các trường phân tầng thành đẳng cấp trên dưới, sự xếp sắp lành mạnh và cần thiết. Tóm lại là hình ảnh một xã hội học tập hình thành. Phải công nhận là thanh niên bây giờ nạp vào một lượng kiến thức, ngoại ngữ, cập nhật thông tin để tiếp cận thế giới hiện đại nhiều hơn so với thế hệ cách đây hai ba chục năm. Có thể điểm ra nhiều điểm tích cực nữa về dân trí.
Nhưng phát triển ở nhiều khía cạnh lại khó bề kiểm soát. Nhu cầu học lớn thật, mà ai cũng muốn con thoát kiếp làm thợ. Thế là hình thành cuộc chạy đua từ mẫu giáo: cho học ngoại ngữ, học chữ. Có trường tiểu học chỉ tuyển sinh đã qua mẫu giáo vì “đã biết đọc biết viết”. Trường trung học xịn quát giá nghìn đô (không thể công khai) mà cửa chạy đông nghìn nghịt. Học thêm, nhồi nhét kiểu “gạo”, thầy dậy trò chép rất phổ biến. “Tuổi thơ bị đánh cắp”, ai cũng gào lên như thế nhưng đố thoát khỏi cái guồng quay nghiêm khắc. Hệ thống dậy nghề kiểu cắt may, điện dân dụng chỉ hứng được con nhà nghèo hoặc con thằng giầu mà không bổ đầu nhét chữ được. Bởi ai cũng muốn làm thầy, thành kỹ sư, cử nhân bất kể sau đó ra làm việc trái ngành đào tạo, hệ thống đại học phình to như ung thư. Lấy đâu lắm giáo sư giỏi mà đào tạo lượng tốt nghiệp lớn thế, nên các “hệ” cấp thấp được đẻ ra, bên trên là “lớp tài năng”. Cái hình chóp giáo dục, mô hình phát triển lành mạnh ngày càng vĩ đại phía “thượng tầng”. Điều rất khó ngờ mà tồn tại trong một thời gian dài: điểm vào đại học Sư phạm - cỗ máy cái đào tạo kiến thức phổ thông, lại vào loại thấp, chìm lỉm trong những trường ngất ngưởng chữ “ngoại”. Sinh viên báo chí đến thực tập các toà soạn đôi khi nhận được lời khen “viết câu đủ thành phần nhỉ”.
Ở phía trên, bộ máy quan liêu có những tiêu chí mới, chẳng hạn phải tiến sĩ, phải đủ bấy nhiêu bằng chính trị, quản lý thì mới được bổ nhiệm. Thế là những ông “chăm học”, những ông đã thi là đỗ xuất hiện. Báo chí “giật” tít “Chạy quyền chạy chức: đầu tư siêu lợi nhuận”. Các thầy cũng khả kính một cách đáng ngờ, cho thấy giới trí thức tha hoá chả khó khăn gì. Đã đến lúc xem xét lại cái định đề “Dân tộc ta hiếu học” vằng vặc bất biến lâu nay, khi học là để tốt nghiệp, vừa học vừa kính thầy 20-11 chạy cô 8-3, tết lễ không thiếu dịp nào, và có tấm bằng là quăng hết sách vở. Một ông rành Hán Nôm bảo các cụ trên bia Văn Miếu không nhiều người có tên trong “Tác gia Việt Nam” lắm, tức là cử tử trường ốc nhai văn nhá chữ đỗ rồi ra làm quan thôi, quan đến giờ vẫn sướng chứ lỵ. Sướng mà lại sang.
Trí thức nhiều, bằng cấp lắm, năm nào thành phố cũng vinh danh thủ khoa trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhưng cái định nghĩa giản dị “Đại học là tự học” của cố Bộ trưởng Đại học Tạ Quang Bửu đúc kết hoá ra vẫn còn là xa lạ. Phải nhớ, phải thuộc, chệch đáp án, hỏi “mẹo” tẹo là không lần được. Dạy văn thì đếm ý ăn điểm, toán thì luyện đi luyện lại các dạng. Sự suy luận chủ quan dẫn đến các kết quả khác nhau, dù không hẳn thầy cô nào cũng phản đối nhưng không tồn tại được vì “không thể chấm điểm”. Lỗi kỹ thuật hay lỗi hệ thống, rằng ta là loại dân không thể sáng tạo?
Hẳn là không vừa lòng với cách dậy khuôn thước, bóp chết tư duy chủ quan nói trên, nhiều nhà có điều kiện cho con ra nước ngoài học. Họ gọi đó là “tị nạn giáo dục”. Nhiều “hiền tài” như thế không trở về nước, trong khi trong nước, các cơ quan Nhà nước có chính sách bổ nhiệm “hiền tài” - tức người có bằng tiến sĩ, báo hại trưởng phòng này, phó giám đốc nọ trở nên chăm học, theo đúng lời khuyên của Lê nin. Nhưng cái mác trí thức có khiến họ tạo lập một tư duy độc lập đâu, ý kiến riêng, phát hiện khác không, phản biện lại càng không. Phản biện phải có tư thế bình đẳng, trong bộ máy quan liêu tôn ty mới là thứ đáng quán triệt nhất, nên nó không tồn tại. Đâu như là “thủng” điều này, không ít thanh niên ra trường từ chối một vị trí trong cơ quan nhà nước, chọn làm ngoài. Làm thuê cho chủ tư cũng có cái khốn nạn nhưng đâu như lề luật trên dưới thẳng đuột, dễ lần ra hơn, xác định chấp nhận là xong. Chứ phận công chức, ngành khoa học chẳng hạn, viết cả đề tài vẫn phải sếp chủ biên; đến lúc anh công chức ấy lên sếp lại chủ biên một lúc dăm bẩy đề tài, địa hạt chuyên môn xa nhau mấy cũng “lãnh chỉ đạo” được. Nghĩa là anh thị dân trí thức ấy chưa thể cắt cái đuôi “tiên chỉ mâm bát nào cũng phải ngồi”, ngồi cho oách, biết thế, còn tham không chưa biết.
Trật tự công chức nảy ra những mối liên hệ để quan sát rất thú vị, làm đề tài lớn nhưng dường như chỉ để cho văn nghệ “thể hiện”, kiểu Sê - khốp đã làm. Đấy là tâm lý phe giáp, “hương đảng tiểu triều đình”, từ cấp phường đã phải đủ “mâm bát” cho “tiên chỉ”, càng lên càng sẵn, để mà trách nhiệm chịu chung tuy quyết định cuối cùng chỉ vài anh. Những trí khôn vặt vãnh, nông cạn của người quen nhìn không quá bờ ruộng của mình như là đang nhường chỗ cho “cái mới đương lên”: những “khối lợi quyền” cố kết chả ra hình thù nào, những chia cắt khó mà nhìn thấy, những lời lẽ, từ ngữ ai tin thời dại dột. Bên trong sơ mi cravát - một “mốt” đồng phục - là sự hãnh tiến, thói ham quyền lực, cái rên rỉ ken két, cái rất “hoành tráng lệ”. Nên đánh giá đây là “tàn tích” tiểu nông hay “biểu hiện” tiểu thị dân, chưa rõ. Nhưng có điều đang phổ biến dần: ngày càng nhiều thanh niên gốc đô thị không chấp nhận nó. Họ bỏ vào Nam làm ăn, nơi dịch vụ đắt nhưng sắt ra miếng, không có khoản “phát sinh” đâm lại rẻ hơn, không có kiểu nói “thôi tôi làm giúp anh thôi” sau khi đã thoả thuận giá cả. Hình như ở Nam Bộ, với cơ chế làng xã, đồng hương lỏng lẻo hơn, ý thức cá nhân phát triển khiến người ta sòng phẳng, ngửa bài hơn trong giao tiếp. Một chú binh nhất khi ra quân sẵn sàng làm những nghề đơn giản, đủ sống chứ không nhất thiết tìm mọi cách “thoát ly” để tiếp tục làm “người nhà nước”. Không ít người Bắc han rỉ trong bộ máy công chức, khi vào Nam lại thể hiện được mình, sáng trưng lên. Thủ đô, một mặt thu hút được tinh hoa Bắc Hà, Hoan Ái, bổ sung sức sáng tạo, mặt khác lại để mất những nguồn sáng như thế. Điều ấy dường như bổ sung cái đặc điểm dân cư nghĩ ra rất khó phấn khởi, là anh không sáng tạo được ở cái gốc của mình, để chỗ cho anh mới “múa”. Anh mới có yêu gốc mới bằng anh cũ? Hừng hực tham vọng, không hối tiếc những “kỉ niệm vớ vẩn không bốc mùi tư sản thì cũng phong kiến”, anh ta phả vào đời sống thành phố nhịp gấp gáp mà thiếu nhân văn, coi đó là “phát triển”.
Thành phố đông đúc, người đổ về ngày càng đông, cái tính chất “tứ xứ”, “bến bãi” khó mà tránh. Bên Pháp, thủ lĩnh đảng Mặt trận Dân tộc Le Pen, với sự ủng hộ của bà đào Brigide Bardot, ra sức bài trừ làn sóng nhập cư, thưởng tiền cho phụ nữ “thuần Gôloa” đẻ nhiều, cho đội tuyển Pháp vô địch bóng đá thế giới năm 1998 với nhiều anh da mầu là “đáng xấu hổ”. Ta mà làm vậy khí không phải phép. Nhưng đã có những đối thoại kiểu sau: nghe A. than phiền thành phố quá hỗn tạp, B. bảo “Hà Nội là của riêng các anh à?” – “Thế căn nhà anh có thêm đàn đống cháu chắt từ quê ra được không? Cứ cho là các cháu ấy rất có tinh thần xây dựng đi, nhưng lồng tất chiếc nọ sọ vào chiếc kia, khăn lau nhà cứ lấy chùi bàn anh có phải chỉ bảo không? Và chỉ bảo được, thì trong căn nhà của mình anh có được xử thoải mái không? Tự do trên hết. Tôi là tôi cứ ích kỷ vậy đấy…”. Đô thị, một phần nào đấy giống căn nhà, dung nạp bốn phương quá sẽ xáo động, nháo nhào. Một gia đình đa phong cách quá thành vô chủ. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng “tổng kết” định đề nổi tiếng “Hội tụ - kết tinh – lan toả” về sự chan hoà giữa Hà Nội và tứ xứ. Nhưng lại có chiều ngược lại, tứ xứ đổ về “Thích nghi - ổn định - chế ngự, khai thác” thành phố. Vậy là nảy ra cái xu hướng tự phát thật khó kiểm soát. Đấy là đặc điểm cần được nhìn thấy, chấp nhận, như ta đang quen dần với những tắc tỵ trên đường.
Nhìn ra ngoài, các thủ đô Bắc Kinh, Washington có quy mô chả thấm là gì so với Thượng Hải, New York. Cái họ cần giữ là các đặc trưng, không phải chỉ kiến trúc mà còn cả cấu trúc, tính cách dân cư. Hình như Hà Nội cũng có người quan tâm đến điều này. Nhưng mới đây, một dự thảo “quy chế nhập cư” khi đưa ra bàn để thông qua đã phải bỏ phần định rằng người tới thành phố phải có một trình độ lao động nhất định thông qua sự chứng nhận nào đấy. Có nghĩa là tình trạng đông nhưng không tinh còn là câu chuyện rất dài, càng ngày càng dài.
4. Tiếng ta “trôi”
Khoảng năm 1915 – 1917, những hoạt động khoa cử theo Nho giáo cuối cùng diễn ra. Giai đoạn phổ biến tiếng Pháp cho tầng lớp trên, sau đó là Quốc ngữ cho đại chúng bắt đầu. Quốc ngữ, trên một chừng mực, mang theo tinh thần dân tộc, đợc cách mạng tận dụng triệt để trong công cuộc chống ngoại xâm, đã có sức sống mạnh mẽ. Vả chăng nó có những lợi thế rõ ràng để phổ cập: đánh vần được, âm thanh thì vẫn ta mà con chữ lại “gần gần” của người Tây phương. Tức là học nó rất dễ, nâng cao dân trí, tuyên truyền cách mạng nhanh chóng. Trong thôn hương, bên cạnh những ông đồ lại có trí thức bình dân, trình độ cao hơn cộng đồng nhưng “ăn nói dễ hiểu”. Giáo sư Đặng Văn Ngữ kể chuyện khi trở về nước, thấy dân làng nọ phải đánh vần “a bờ cờ” được mới có thể đi qua trạm kiểm soát, ông đã run lên vì cảm động.
Tuy chả phải độc tôn, chủ yếu ở tầng lớp trên, tiếng Pháp vẫn là tấm “thông hành” để trở thành trí thức thượng lưu hay chiếm vị trí quyền lực thực sự trong bộ máy cai trị (chỉ chữ Nho không thì nhiều khi chỉ có hư quyền). Chả thế mà có một tầng lớp làu thông cả Nho lẫn Pháp, như “Tứ hổ Tràng An” Quỳnh - Vĩnh - Tố – Tốn, không chỉ có thể phiên dịch mà còn tư duy được bằng hai ngữ ấy. Nhưng chữ Nho “đứt” dần. Văn hoá Pháp, lợi quyền làm quan quyến rũ lớp người trẻ. Người Việt, hình như không có âm “pờ”, bắt đầu làm quen với “pin”, “pích”, “poóc – ba – ga”, “ping – pông”, “pê – nan – ty”...
Giống như mọi xứ, sự tiếp biến ngôn ngữ ở ta cũng có sắc thái hài hước, tức là pha trộn theo nguyên tắc phải gây cười. Các cụ Nho – Tây làm thơ tứ tuyệt bằng âm “tây” rất đúng niêm luật:
Đờ puy cờ giơ tơ cổn nét
Giuýt ki xì xít xết an nê
ẳng tăng đồng xíp lê xà lúp
Tú xơ là xà cúp mông cơ
(Từ khi em biết anh đến nay đã sáu bẩy năm rồi, (giờ) nghe tiếng còi tầu thuỷ thét vang như xé tim em)
Đây chắc là “cõi lòng” của một “me” khi gã “quỷ hồng mao” “ngược” về trời tây. Có những câu khác, mang sắc thái chế giễu nhiều hơn, nhắc lời bồi ta tả con cua cho chủ tây: “Luý to cẩm manh, luý a uýt cẳng đơ càng, luý cắp đau chết cha, rô ti luý thơm cẩm nước hoa, măng giê luý bố cu bồng quên chết”, tức là “nó to bằng bàn tay, tám cẳng hai càng cắp đau chết cha, rán lên thơm như nước hoa, ăn ngon quên chết”. Lại có những “từ” được phiên sang âm Hán, chả biết nghiêm túc đến đâu, như gọi máy chữ là “cơ khí tự”, đánh máy chữ là “đả cơ khí tự”, người đánh máy là “đả cơ khí tự viên”.
Rồi đánh Pháp, tinh thần dân tộc, tinh thần giai cấp trên hết, tiếng Tây lắm lúc như hủi. Những ông đốc tờ thầy cãi theo kháng chiến gặp nhau trong kháng chiến chỉ sợ bị đánh giá, nói tiếng Tây như ăn cắp. Chiến dịch Biên giới nổ ra, cùng với những ảnh hưởng của Trung Quốc, âm Hán (bạch thoại?) hoặc trở lại hoặc tràn vào, như “phương vị” của pháo binh, “thổ cải” thời cải cách ruộng đất. Những “hoả xa”, “lý trình” của ngành giao thông còn mãi đến ngày nay.
Tiếng Nga có vị thế từ những năm sáu mươi, lưu học sinh mang về, nhà trường cũng dậy. Văn hoá Nga làm thổn thức bao thế hệ, lính đánh Mỹ ra trận nhiều người trong ba lô có thơ tình Ôn – ga Béc – gôn. Nhưng quá khó, và việc dậy dỗ cũng tam khoanh tứ đốm, nó chưa kịp mọc rễ đã bị tranh chỗ khi thời thế thay đổi. Phải nói là trong khoảng ba chục năm, từ ’60 đến ’90, việc dậy ngoại ngữ trong trường phổ thông, đại học ở Hà Nội tạo ra một lớp trí thức “kinh qua” cả Trung Nga Anh Pháp văn nhưng chả ngữ nào ra hồn. Chữ Hán thì hoàn toàn mù tịt rồi, thành thử vươn ra thế giới hiện đại thì khó, mà quay về với quá khứ lại tắc tị. Nghĩa là nẻo vào các nền tri thức khác bít kín.
Tiếng Nga nay còn lại trong người vui tính, có lẽ là những “Tình hình xây chác (bây giờ) có gì nố vưi (mới)?”, hay “I a tôi cũng tố gie”.
Vụt cái đã sang thời của tiếng Anh. Nói thế vì bao người “sôi Nga nấu Pháp”, thoắt cái thấy mình lạc hậu. Tài liệu, thông tin, môi trường làm ăn, giao tiếp..., đâu đâu cũng là “thằng” Ăng lê. Thế kỉ XXI sập đến với những “com piu tơ”, “lép tóp”, mạng “gút gồ”, chả biết tiếng Anh thì “thôi rồi nghỉ cho khoẻ”. Những chuyên gia lành nghề phải nhả suất du học cho đứa trẻ ranh. Những bộ trưởng về hưu cố một học bổng Anh quốc. Những giáo viên tiếng Nga đang nuôi con nhỏ giằn lòng chuyển sang tiếng Anh. Không chỉ là chìa khoá mở vào tri thức, văn hoá, nó còn là phương tiện sinh nhai hay tiến thủ đến quyền lực.
Lại giống cách nay dăm bẩy chục năm, con đường phổ biến tiếng Anh cũng có sắc thái hài hước. Học sinh, thanh niên, do nhu cầu học mà chơi, chơi mà học, “sáng tạo” ra những “giải pháp thông dịch” đánh đố nhau. Sugar you you go, sugar me me go tức là “đường anh anh đi, đường tôi tôi đi”. “Rùng rợn” hơn, I love toilet you go go là “tôi yêu cầu anh đi đi”. Nhả nhớt, nghịch ngợm, dường như là một phẩm chất không thể thiếu của sự tiếp biến văn hoá nghiêm túc.
***
Trôi giữa các dòng chẩy không thể nói là hiền hoà, tiếng Việt ta đã tiếp nhận, biến đổi thật nhanh. Sinh ngữ như một cơ thể hồn nhiên, chịu ảnh hưởng của thời thế - cái liên tục thay đổi. Và càng là đô thị thì thay đổi càng chóng mặt. Có cái cảm giác người Việt tiếp nhận những ảnh hưởng ngôn ngữ rất hồn nhiên, và bộc lộ luôn sự tự ty về văn hoá. Thứ tiếng cổ, thuần khiết chỉ còn nơi những bà còng tỉ mẩn gà qué ở quê, cụ mà lên tỉnh khéo lắm khi thành ra đi nước ngoài. Lắm nhà văn, lắm ông nghiên cứu ngôn ngữ thích đôi hồi với các cụ là vì sợ tuột mất những nôm na, phương ngữ...
“Trôi” về đâu, như thế nào, thì rất bộn bề, và nó dành cho nhà nghiên cứu. Trên phương diện chủ quan, người viết cứ “dựng” tạm lên mấy xu hướng sau:
Bình dân hoá. Cách nói, viết không cần chuẩn, cốt hiểu đư-ợc. Từ mới phát sinh theo những “quy luật” thật vui: “vấn nạn”, “cảnh báo”, “hơi bị hay”... Do tiếng Việt dậy trong trường phổ thông, thậm chí trường báo chí khá nham nhở, nhiều tờ báo dùng bài sử dụng từ sai, câu không đủ thành phần. Quy tắc viết hoa, phiên âm dường như không có. Nhiều hàng ăn, có lẽ nghĩ đến câu “ăn cơm Tàu”, dựng biển có chữ “quán” sau cùng, thậm chí cả “Dân tộc quán” dù cách ghép từ này chả hề dân tộc. Văn viết là vậy, văn nói – chủ yếu trên truyền hình – lại càng lơ lớ. Lơ lớ nhưng lại là thời thượng.
Quốc tế hoá. Thời tiếng Tây, người đô thị học nói “phi dê”, “gác đờ bu”, “sếp”. Sang thời nay, câu bị động sử dùng nhiều: “Nàng bị quấy rối tình dục bởi giám đốc”, “hội ăn thịt chó dẫn đầu bởi kẻ vừa trúng mánh”, “B. xếp sau A. với 3 điểm ớt hơn”... Chả biết đến một lúc người ta có nói “mắm tôm dậy mùi bởi chanh” không? “Đến từ” là một cách nói sành điệu thì vừa rối rắm lại rất đáng ngờ về sự chính xác. Sắc thái, tiếng vang trong âm nước ngoài thấy rõ trong những “xâu (show) diễn”, “đi toa lét”, “nâu (no) vấn đề”... Lối thoại cộc, ít từ phái sinh kiểu “à nhỉ nhé”, có lẽ ảnh hưởng từ văn hoá bình dân Mỹ được dùng nhiều. Và một điều không thể không lan đến tiếng ta là cách xưng hô dân chủ, ít tôn ty, chỉ dùng có vài đại từ nhân xưng của người Âu Mỹ. Có thể vì điều này mà những người của công chúng, khi xuất hiện trước đám đông thường xưng tên, vừa giản tiện vừa không mất khiêm nhường. Cái cách xưng tên này cũng được đã vài lão sáu mươi sử dụng, đã sinh ra hiệu quả rất hài hước.
Cá thể hoá. Những tập người khác nhau về tuổi tác, văn hoá, tầm mức kinh tế... có cách “lập ngôn” khác nhau rõ ràng. Rõ nhất là trong câu thoại, diễn ra trong cộng đồng của họ. Văng tục đa phần bị cho là thiếu văn hoá, nhưng nhiều người bảo không thể trộn nó với cách nói tục; “nói” khác với “văng”, có chọn lựa, để thể hiện một nội dung không có cách thể hiện khác. Báo “Người cao tuổi” không “híc híc” như “Hoa học trò”, báo Đảng giọng nghiêm trang, giầu chính luận hơn báo đoàn thể. Cùng một báo, chuyên mục này luôn phải giữ tính định hướng, giáo huấn, trong khi chuyên mục khác cứ phải bông phèng mới xong. Lứa 8X nói khác lứa 9X. Lại có loại “văn” chít chát, nhắn tin, tất nhiên lấy ngắn gọn làm đầu, tỉ như “j” là “gì”, “ko” là “không”. Có người đặt vấn đề “văn mạng”, nhưng cho đến lúc này, những “tác phẩm” đa lên mạng mà đứng lại được đều phải chỉn chu cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Còn đâu, do chả ai biên tập, chả phải chịu trách nhiệm nhiều lắm, đa phần mỏng manh trước thử thách trường tồn; nghĩa là giá trị chính của mạng vẫn là ở chỗ “ai đến ai đi cũng được”, nghĩa là còn lâu nó mới trèo được đến vị trí của “văn học giấy”.
***
Tiếng Việt dễ tiếp nhận các ảnh hưởng, và người Việt cũng hồn nhiên giữa các tiếp biến. Vì thế, rất khó đoán các xu hướng trên phát triển đến đâu. Nhưng chúng ở ngoài ta, ghét hay thích chúng cứ độc lập vận động. Sinh ngữ là vậy, luôn luôn mở, luôn luôn ngọ nguậy đón chào, cái vừa là mới đã có thể thay bằng cái khác. Có lẽ vì thế mà sách, tạp chí, nhất là báo (báo mạng thì “thôi rồi”) không ai có thể chuẩn hoá được việc viết hoa, để nguyên hay phiên âm tiếng nước ngoài...
Trần Chiến
Xem online : Kỳ cuối