Trang nhà > Hà Nội > Ngày nay > Hà Nội trong mắt tôi (kỳ 3)
Hà Nội trong mắt tôi (kỳ 3)
Thứ Ba 5, Tháng Mười 2010
5. Thông tin xô đẩy
Hai chục năm về trước, khi cánh cửa Đổi mới mở ra, cùng với những quan niệm, cách thức làm ăn mới, xã hội cũng nhận được sự thay đổi lớn lao về thượng tầng. Báo Văn nghệ của tổng biên tập Nguyên Ngọc giới thiệu truyện Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh..., gây ra cú sốc lớn. Đến nỗi mà một nhà văn lớp trước thốt lên “sau họ (những nhà văn kể trên), ta không thể viết như trước nữa”. Sự nhạy cảm xã hội đã được đáp ứng, trước hết trên báo chí, khiến người quản lý có sự điều chỉnh, lúc mở lúc thắt, nhưng rõ rành là giai đoạn mới đã bắt đầu rồi. Trong vài năm, cả trăm tờ báo trên cả nước ra đời. Những tờ có từ lâu xuất hiện nội dung, giọng điệu mới, mạnh mẽ nhất là khối báo đoàn thể kiểu Lao động, Tiền phong, Tuổi trẻ... Làn sóng thay đổi tràn từ Nam ra Bắc, nơi cả chục năm trước “chưa mở báo ra đã biết viết gì rồi”. Cuối thế kỉ XX, Hà Nội đã có ngót chục tờ báo của riêng mình. Các kì bóng đá, Ô lim píc trên hành tinh được đưa ngay lập tức và phong phú làm người đọc ngây ngất, qua thể thao mà biết thêm bao nhiêu tập quán, văn hoá xứ người. Lúc đó có ai nói đến một gương mặt khác của thông tin, còn rộng lớn, cởi mở, đa dạng và chi tiết hơn, hẳn sẽ bị coi là “giàu trí tưởng bở” lắm.
Sang thế kỉ này, internet lan toả, lập tức chiếm lĩnh vị trí cực kì quan trọng trong các kênh thông tin - tuyên truyền. Cạnh các ấn phẩm, toà soạn nào cũng cố ra báo điện tử “kẻo thông tin muộn”. Cạnh các tờ “chính thống”, được phép của Nhà nước, blog ra đời. Theo một công bố, tháng 11 - 2007, cả nước có hơn 3 triệu blog, mỗi ngày vài nghìn (?) cái mở thêm. Ngần ấy “báo cá nhân” làm thay đổi khủng khiếp tri thức, và do đó, nhận thức, quan niệm xã hội, mà trước hết trong giới trẻ. Cái sự được dễ dàng nói ra điều mình biết, mình nghĩ tạo xung động mạnh mẽ vào cộng đồng, đặt ra những vấn đề không dễ giải quyết cho người quản lý, như đâu là tin thật, đâu là giả, thế nào là cách nghĩ “đúng”...
***
Cách đây vài năm, có một chuyện thế này: cậu bé đánh giầy Trương Bá Sơn đang lang thang “tác nghiệp” thì dính tai nạn, gãy tay, vào viện cấp cứu trong tình cảnh chả ai thân thuộc. Đường dây tư vấn trẻ em của Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em (khi đó) biết chuyện, một mặt thông tin cho báo chí, mặt khác báo cho ngành dọc có liên quan can thiệp. Tỉnh Hà Nam quê Sơn bảo người thân em chả còn ai, mà “nó lên Hà Nội rồi thì Hà Nội chịu”. Quận Hoàn Kiếm trỏ sang Hai Bà, chỗ bị nạn, Hai Bà lại bảo Hoàn Kiếm là nơi Sơn trú ngụ. Chú bé nằm trong viện với số tiền giúp đỡ ít ỏi của nhân viên, bệnh nhân xung quanh, và có bà chủ nhà trọ của em ở ngoài bờ sông chăm sóc nữa. Khi báo chí loan chuyện, được nhiều người giúp đỡ, thì Sơn lại khư khư số tiền đã trở nên to, chả “đưa lại” cho bà chủ trọ đã giúp mình. Sau đó ít lâu, khi lành bệnh, em được hưởng những “giải pháp triệt để”, như cho lên trại xã hội chăm sóc, học nghề...
Chuyện đến đó là hết. Nhưng bình luận về thời gian chú bé đánh giầy gặp khó, một cán bộ cỡ vụ của cơ quan chăm sóc trẻ em coi đó là phép thử nghiệt ngã với xã hội. Có thể kể ra những thành phần “chính” sau: cơ quan chuyên trách về trẻ em ở các cấp, những người bình thường -trong đó có bà chủ trọ tốt bụng, và bản thân cậu bé - với tâm lý láu lỉnh, thực dụng của kẻ chả còn nơi nương tựa. Đây là một ví dụ về tác động của thông tin vào các thành phần của cộng đồng, cho ra những phản ứng khác nhau, điều trước đây hầu như không có.
***
Nhân chuyện này, ta xem lại vài phép thử khác, diễn ra trong thời gian gần đây mà dư luận hầu như đều tỏ.
Đầu tiên là “vụ” Lê Vân. Cuốn tự truyện của chị do một nhà văn chấp bút ra năm 2006 thật sự là một sự kiện. Cùng quãng này, nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Đức Thạc cho người ta biết phần nào cái trạng huống thật của con người ta trong chiến tranh, vừa bình thường vừa anh dũng, đem lại sự thấu hiểu, thông cảm, cả kính phục. Thì Lê Vân lại tạo ngay ra những phản ứng đối lập. “Phái” giận dữ (chí ít là trách móc) phê phán “Ai đời con cái kể bố ra thế. Sao không xem lại mình đi, có phải cái gì cũng hay đâu!”. “Đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại, chuyện gia đình có gì đóng cửa bảo nhau chứ”. “Vô trách nhiệm quá, gì thì cũng đã đóng vai chị Dậu cô Duyên, những biểu tượng phụ nữ Việt Nam rồi”. “Nổi tiếng đến vậy mà còn đem chuyện nhà ra buôn thì chỉ có là cần tiền”. Giới mạng, chủ yếu do người trẻ làm chủ, bình luận sôi nổi: “Có thế chứ! Nói ra được những điều thầm kín phải dũng cảm lắm”. “Ta quen đạo đức giả rồi, cứ phải kiêng kỵ không nói ra, khuôn mình vào cái khung chung chung nhạt nhẽo chả ai khác ai, nay có người bóc cái “màng” ấy tuột ra là chê ngay”. Tranh luận “xảy ra” ở cơ quan, trong gia đình, lúc ăn chơi ngủ ngáy họp hành, cũng có thể gọi là “mớ” “xung đột thế hệ”.
Tự truyện của Vân không có giá trị văn học cao, về “tư liệu” chả nhiều cái mới; vì ối người, ối nhà có chuyện tương tự. Nhưng về mặt xuất bản nó đúng là một cơn sốt: số lượng 8000 bản đợt đầu, còn in nối trốn thuế bao nhiêu chả ai biết, trong khi sách các nhà văn nổi tiếng được in 2000 bản đã là mừng. Nó gây sôi nổi vì chạm đến chỗ nhạy cảm của văn hoá, đạo đức truyền thống. Xã hội phương Tây xuất hiện loại sách này từ tám hoánh. Có câu cay nghiệt “Điếu văn để cho người sống, hồi ký để nói hay cho mình”, ở ta hai “thể loại” trên đều sống khoẻ, và đều “có họ gần” với tự truyện kiểu Vân. Nói thế để thấy cái xu thế “đem chuyện nhà mình ra kể” sẽ thành tự nhiên nay mai. Nhưng trước mắt, trong quãng “nay mai gần” thì còn khó: một nữ nghệ sĩ nhân dân đã bỏ trên chục triệu đặt nhà văn nọ chấp bút tự truyện cho mình, bản thảo xong rồi chuẩn bị in thì rút lại: sợ bị dư luận “phang” như Lê Vân.
Sang năm 2007, lượng “phép thử” càng nhiều, do người ta am tường cái thế giới xung quanh mình hơn, biểu thị phản ứng cũng dễ hơn. Sôi nổi nhất vẫn là cái “mô típ” “người của công chúng”: vụ Vàng Anh. Chương trình “Nhật ký Vàng Anh” làm chăm chút, phát trên VTV đang bắt mắt khán giả thì đoạn “phim” quay cảnh làm tình của TL, cô diễn viên chính xinh xẻo bị đưa lên mạng. “Xì căng đan” lớn quá. Chương trình phải ngưng bằng một buổi từ biệt, tất nhiên có cáo lỗi (nhân vật chính không gọi đó là “tội”); lại một dịp gây sự kiện nữa. Đến nỗi mà có ông lão chả biết sự tình chi chi, nhầm nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, người được giải của Hội Nhà văn Hà Nội sau đó là cái cô Vàng Anh nọ.
Trở lại với dư luận xung quanh vụ này. Nhiều người phê phán diễn viên TL đóng Vàng Anh “đồi truỵ”, “nêu gương xấu”. Khá rôm rả và khái quát là những “quan điểm” trên một trang cá nhân, dưới hình thức đưa cả lời qua lẫn tiếng lại:
“Nghệ sĩ không phải mẫu gia giáo, không nên xem đây là “sụp đổ thần tượng”. Nếu không phải thần tượng thì không phải giữ gìn ư?”.
“Sao VTV3 dành cho TL một buổi chia tay, mà không có vụ sập cầu Cần Thơ?” - “Thì VTV3 là kênh giải trí cơ mà!”.
“Đài báo sao ỉm vụ này đi? Để người có liên quan dùng ảnh hưởng dẹp đìa?” - “Cuộc sống còn khối chuyện còn phải nhắc. Đó là quyền được thông tin của dân, và quyền được tôn trọng tự do cá nhân. Moi móc không phải là để đáp ứng quyền được thông tin”.
“Hành vi phát tán hình ảnh (sex) qua internet là phạm pháp rồi. Còn giao cấu và quay hình không phạm pháp. Mà văn hoá, đạo đức phương Đông không bất biến đâu. “Tây sương ký” chả ăn cơm trước kẻng a?”.
“Bạn có thể không tha thứ cho TL, nhưng không thể bắt nó như bạn muốn”. “Cho rằng TL có trách nhiệm giữ đạo đức vì là người của công chúng là giả dối. Cho những quan niệm truyền thống vẫn còn nguyên giá trị là nhầm lẫn!”. (Địa chỉ: http://svnhanvan.org)
Trang http://nguyenquanghuy.wordpress.com, sau khi “mô tả” về việc thông tin trên các báo đã “thỏ thẻ”: “Với mình, báo chí cũng như một người “lắm chuyện”, ta nên tin tưởng có chừng mực. Phải hết sức tỉnh táo”.
Vụ Vàng Anh làm nhiều người nghĩ đến Văn Quyến. Cả hai đều còn trẻ, hồn nhiên trong hành xử. Cô gái nghĩ đơn giản là sẵn máy điện thoại thì ghi lại chuyện ấy của mình, rồi mất vai, phải đi tìm việc. Còn chàng cầu thủ đội tuyển vương vào lao lý vì “đằng nào mình cũng thắng, cho nó một bàn kiếm bạc triệu có sao!”. Cái giá cả hai phải trả cảnh tỉnh được nhiều người đồng lứa đang muốn nổi tiếng bằng cách “cũng” đưa clip sex của mình lên mạng “khoe chơi”. Cậu bạn trai “đóng” chung “phim” với TL bị chửi bới, đe doạ sợ mất mật. Nghĩa là nhìn chung, giới trẻ nhìn nhận sự việc này rất tỉnh táo, chín chắn, phân rõ đâu là “cái chỉ làm ta khinh bỉ chứ không thể tống vào tù”. “Thuốc thử” Vàng Anh, do đó, cũng có thể coi như một liều vác xin tăng cường sức đề kháng cho cộng đồng, ngăn chặn những ai muốn chơi trội, hay đơn giản chỉ là “hồn nhiên” quá.
***
Thế giới mạng không phải chỉ là ảo. Thông tin, té ra tạo xung động có tính chất rất thật. Nếu những tranh luận xung quanh tự truyện Lê Vân, clip Vàng Anh là giữa các cá nhân, thì cũng lại có va đập giữa cá nhân với cơ quan truyền thông nhà nước. Báo điện tử nọ “dựng” chân dung nhà văn Hồ Anh Thái, một bloger đáp trả. Báo nữa đăng phỏng vấn Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ này nhảy chồm chồm lên rằng trả lời của anh bị cắt xén, thay đổi. Mà tất cả những nói đi nói lại ấy ai ai cũng có thể đọc được. Một “vụ” khác không om xòm bằng Lê Vân, Vàng Anh nhưng có diễn biến khá thú vị, là xung quanh Vương Trí Nhàn. Nhà nghiên cứu này vài năm nay giữ mục “Thói hư tật xấu người Việt” trên báo Thể thao & Văn hoá, chủ yếu trích đăng những nhận xét của các vị trí thức đầu thế kỷ XX: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng bàn về tính ỷ lại, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh nêu thói “nhất mẹ nhì con” chả cần biết đến bên ngoài thế nào... Rồi trong một lần phát ngôn, ông Nhàn cao hứng “Người Việt là một khối tự phát khổng lồ”. www.viettimes.com, “nhánh” của một báo điện tử “túm” được, bèn tổ chức “trận” phỏng vấn ông Nhàn. Những câu hỏi đưa ra, đại để: “Nước ta đã có những Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... mà còn những thói tật ấy à?”, “Đưa ra như vậy thì bản thân ông có những thói tật ấy không?”, “Ông có nói với con cái mình về những thói tật ấy chứ, và chúng nó có mắc phải không?”... Cuộc phỏng vấn kéo đến phút thứ 24 thì ngưng, ông Nhàn bỏ về vì “Tôi không thể trò chuyện theo kiểu này!”.
Bài đăng ra lập tức có sự hưởng ứng. Khoảng hai chục ý kiến kèm theo, từ các blog trong nước, cho rằng ông Nhàn không có lòng tự trọng dân tộc, không được mở chiến dịch nói xấu người Việt.
Nhưng cái thế giới các nhà báo đang hành nghề lại “phẳng”. Đám bloger ngay lập tức biết chuyện, và ác cái, lại có phương tiện để bầy tỏ chính kiến (đa phần hẳn là trí thức trẻ). Họ kêu báo mạng nọ chơi không hay, “kích động bạn đọc nhẹ dạ”, phê phán lối đặt câu hỏi khi phỏng vấn là “đấm dưới thắt lưng”... Họ tán thành ý của Vương Trí Nhàn, một dân tộc muốn tiến bộ rất cần tự biết nhược điểm của mình, bằng vào cứ “mẹ hát con khen” chả khá được. Lỗ Tấn vạch ra cái xấu của người Trung Hoa mà vẫn được tôn vinh đấy chứ. Và tác phẩm “Người Mỹ xấu xí” rất là được các “đối tượng phê bình” quý trọng. Phải mạnh mẽ nhìn thẳng vào các thói tật mới được!
Chả biết có bao nhiêu blog “phản hồi” lại, và phản hồi như thế nào, mà sau đó viettimes. com nhanh chóng “bóc” ngay cái trang phỏng vấn nọ. Sự kiện này cho thấy tính chất “phẳng” của thế giới ngày nay. Hầu như ngoài địa hạt chính trị, người ta đều có thể tham gia vào thông tin một cách bình đẳng, sòng phẳng. Cái phong cảnh “vừa thổi còi vừa đá bóng”, “tay này múa tay kia vỗ”, “cả vú lấp miệng em”, “mẹ hát con khen hay” rất khó kéo dài. Cuộc can thiệp của giới truyền thông vào hoạt động của cơ quan điều hành bóng đá đỉnh cao dai dẳng và dữ đến độ (nghe nói) các vị đứng đầu ở đấy bảo “cứ đọc báo thì chả dám làm gì!”.
Thông tin biến cái không thể thành có thể, cái tưởng như bất biến thay đổi hình trạng. Đa chiều, cởi mở, “khoáng đạt”, nó lại đặt ra những vấn đề khác, không phải chỉ là chuyện “giới hạn đến đâu” cho giới quản lý, mà còn cả đạo đức, văn hoá... của người được nói. Báo nọ đòi treo giò cầu thủ đuổi đánh trọng tài, mấy tháng sau, khi án kỷ luật vẫn còn, lại lớn tiếng “sao không đưa anh này vào đội tuyển?”. “Thủ thuật” tìm sự kiện ”thổi” cho to lên được dùng nhiều. Và không ít bloger, vì muốn nhiều người truy cập đã “nhấn mạnh”, “đẩy tới” cái điều mình định nói lên, làm giảm tính chất thật thà cần phải có của “thể loại” “nhật ký cá nhân”.
Rối nhiễu thông tin, cộng đồng bối rối, hẳn thế. Nên chi một người có tuổi nhận xét: “Dân đô thị sướng vụt lên sau một thời nghèo khó thì lại phải trả giá cho “trình độ hưởng sướng” thấp của mình. Vì được ăn được uống thả phanh, những căn bệnh “của người giàu” như gút, tiểu đường, béo phì lan tràn. Cũng vậy, sau giai đoạn thông tin nhỏ giọt, có kiểm soát, định hướng, người ta dễ “rối loạn tiêu hoá” (về tâm lý) khi bỗng nhiên bể cả thông tin ập đến quá tràn trề, đa chiều, khiến ngạc nhiên, khiến bối rối, hoang mang, cái gì cũng “ô thế à?”. Nghĩa là bội thực về thông tin cũng gây bệnh chứ chả phải riêng do rượu thịt ê hề quá”.
Đó là một nhận xét chí lý, nếu xét riêng ở đô thị. Còn nếu kể cả nông thôn, nó làm một người con ra thành phố chưa lâu, trở về nhà đã thấy nhận thức của mình khác xa của phụ huynh nhiều lắm. Có nghĩa là, cái sự cách biệt về thông tin ở trung tâm lớn với các vùng quê cũng mênh mông vô kể.
Dù sao, nhìn đại thể, xã hội lành mạnh, được hưởng lợi nhiều hơn khi thông tin phát triển. Đặt ra thách đố về quản lý, nó làm số đông biết mình biết người, “tiện” cho sự hoà nhập.
6. Xa lông, điếu cầy
Ngày Tết, người ta được hưởng cái thú đi bộ. Thành phố vắng vẻ, tinh tươm, chả pháo nổ hay kẹt xe tắc đường. “Ô sin”, thợ thuyền về quê. Nhà trọ sinh viên vắng tanh. Thế rồi bật ra câu hỏi: “Thật sự thì chen chúc trong Thủ đô mình ngày thường có tới chục triệu người không?”.
Lần đi xe ôm, biết ông lái người Xuân Trường Nam Định tôi nói bừa “Dân Xuân Phú à?”, ai ngờ ông ấy hỏi lại “Anh xóm nào?”. Người xã ông lên đây chạy xe có đến một tiểu đoàn. Gần nhà tôi có chị hàng xôi trông hay hay, hỏi chuyện ra chồng bán nước ghi đề bơm xe đầu phố, con học trường phường, còn cái ông tối tối ép nước mía cách mấy dãy nhà là bố đẻ, đều từ Thái Nguyên xuống. “Em còn bà nội trên ấy. Làng đi vãn, cụ chỉ sợ chết không ai biết, có biết thì đám ma không ai đi”.
Ngoài Chương Dương Hàm Tử có những “xóm” Hưng Yên, “xóm” Thái Bình, ngày gánh mướn đội thuê, quét dọn, rửa bát thuê ngoài phố, đêm về kềnh trong vòng tay người làng, giá hai ba nghìn mỗi đêm ngủ, tất nhiên cả tắm giặt. Đa phần phụ nữ, dai sức không thể tả và rất tiết kiệm, về quê đạp xe từ nửa đêm. Trước họ về cả vụ cấy, nhưng giờ đã “khoán” cả ruộng cho họ hàng, “tập trung vào chuyên môn” trên này. Thiếu họ, những lao động đơn giản, và thiếu đội quân “ô sin”, thành phố hẳn sẽ cuống lên.
Hà Nội, như thế, đã thở cùng một “nhịp” với vùng nông thôn vĩ đại xung quanh mình. Và hẳn là xem xét Hà Nội mà không tính đến những vấn đề của Bắc Bộ (tạm thu hẹp thế thôi), có lẽ giống đặt nồi lên bếp mà chưa biết củi lửa mắm muối đủ chưa. Vậy thì cái nông thôn ấy đang như thế nào, quan hệ với Hà Nội ra sao?
Điều tích cực thì chúng ta đã nói đến nhiều: cung cấp thóc gạo, thực phẩm, đất đai, nhân lực, nguyên vật liệu... Người tài người đẹp từ Quảng Bình, Thanh Hoá ra, Lạng Sơn xuống, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xó xỉnh chợ búa đâu đâu cũng gặp... Đến đây với khát vọng đổi đời, chả mấy kẻ uể oải, đa phần đều năng nổ, bổ sung phần cần cù mạnh bạo vào cái nhịp yếm thế của người phố. “Hội tụ - Kết tinh - Lan toả”, bổ sung sinh lực, tóm lại là có rất nhiều điều hay để nói về họ. Một nhận xét khác: “mỏ” nhân tài cho Thăng Long xưa nay lớn nhất là Nghệ Tĩnh và xứ Quảng, có lẽ còn mầu mỡ hơn cả Kinh Bắc, Đông, Đoài, bởi người Nghệ người Quảng cạnh tài năng còn là ý chí vô song.
Nhưng lại cũng có cái dở, mà chả hề ít. Sự phát triển làm khoảng cách địa lý giữa thành thị với nông thôn gần lại, nhưng cái hố sâu về mức sống, văn hoá, tập quán... lại toang hoác ra. Những chú phụ nề hơn chục tuổi từ Bắc Giang xuống hay nghêu ngao câu hát về một tình yêu dang dở. Chưa hề thất tình, hẳn thế. Nhưng có lẽ trong vô thức, hàng ngày thấy cả lũ “em Chã” bằng tuổi, chú chả thể bằng lòng về phận mình. Và chú cũng có những ước mơ chứ, có điều chả hướng về ngôi nhà trên đồi có mẹ già cằn cỗi. Nông thôn đang không giữ được người. Cái êm ả sau luỹ tre chỉ có nghĩa là ăn đã đủ, mặc không bị rét nữa thôi. Nhưng thế chưa đủ. Đất đai ít, bởi người đẻ mãi ra, trồng cấy sinh lợi ít. Một sào ruộng chịu nhiều khoản: thủy lợi, khuyến nông, phân hoá học, thuốc sâu rầy..., mà trời không thương có khi mất cả. Một “suất đinh” chịu đóng góp các thứ quỹ xóa đói giảm nghèo, tiếp khách, bảo tồn di tích, khuyến học, người cao tuổi, cựu chiến binh, văn nghệ... của xã, thôn, của họ tộc. Thế là phát canh lấy thóc cho bố mẹ ăn, còn mình “ra đi vào chốn đô hội”, chả biết làm nghề gì khác ngoài sức vóc. Cũng không ít đàn bà, với “vốn tự có”. Cái sự ra đi ấy có thể quy cho là bần cùng hóa?
Làng xóm nhiều nơi, vùng xa là chính, đàn ông, thanh niên vãn cả, còn lại là ông già bà lão và những anh dốt nát chả có tài cán, gan góc càng không. Nhà văn Dạ Ngân “miêu tả” bằng chữ “trống toang”. Ra đồng tinh đàn bà, tuy đã có đôi ủng cao su buộc cạp lên quá gối lội bùn tiện hơn, nhưng cái việc xấp mặt xuống cấy thì không thể trốn. Tệ hơn là cái nạn cường hào mới. Người giỏi giang ra tỉnh học nghề rồi ở lại, bằng không cứ lao động đơn giản cũng kiếm bằng mấy chân quê. Tết đến, ít hào đem về lại đóng tiền xây nhà thờ họ, mộ tổ, cùng bao thứ quỹ chỉ ở xó xỉnh mới có. Mấy chú đánh giầy bán báo qua bao lần “bắt cóc bỏ đĩa”, nghĩa là những đợt “làm sạch phố phường”, lại nhẩy phắt ra phố. Chúng ưa thích cái “vị” tự do (dù đầy cạm bẫy) hơn tôn ty trong luỹ tre chăng? Và thanh niên ăm ắp khát vọng với tài năng, còn chỗ nào có thể đem lại học vấn, cơ hội đổi đời hơn thành phố? Chả lẽ học xong rồi về quê, nơi lắm khi sự êm đềm lại như một tấm lưới trói chặt cá tính, nghĩ gì nói gì cũng không thể trái lời ông trưởng họ...
Vùng nông thôn gần thì sao? Không thể không nhận thấy là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã thay đổi nhiều làng quê cũ kỹ. Giao thông phát triển, những khu công nghiệp mọc lên đem lại bộ mặt mới mẻ, hiện đại. Các dự án đem lại công ăn việc làm. Nhiều làng nghề đang suy sụp hồi sinh. Thanh niên rành vi tính, kỹ thuật mới, hay có thể tậu con xe tải chạy pành pành.
Nhưng cạnh phần được đó, lại là bao cái đáng tiếc. Tiếc mà không níu được, có lẽ là những di sản gắn với đời sống nông nghiệp. Nhiều nơi đập cổng làng, xén đất đình cho ô tô đi. Cái hình ảnh một làng quê xấu đi là rõ nhất: đố thấy còn nhà tranh, nhưng “kiến trúc” mới chả có quy hoạch quy chuẩn nào, cứ xây chằn chặn xìn xịt mà cái nọ chửi bố cái kia. Vườn tược cây cối ao chuôm biến mất khiến nước thải chẳng còn chỗ chảy, vừa đem theo cái vẻ êm đềm thanh mát vừa khiến hàng xóm to tiếng.
Dù sao cái phong cảnh “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” đó còn xa xỉ chán, chỉ mấy lão thi sĩ tiếc quắt ruột. Đáng ngại, là hậu quả của việc mất đất canh tác cho các dự án. Vèo cái, qua một đêm, người nông dân gần đô thị có cục tiền cả đời mơ không thấy. Nhưng vẫn là cái anh chỉ biết cấy cầy mà không còn đất, họ đâm thất nghiệp. Tiền dự án đền bù cho sẽ xoay ra làm gì, càng nhiều có khi càng xảy sự, con cái tranh giành, họ tộc đòi góp. Nhà lên được, xe đã mua, có dễ con thành hỏng. Đất đã sụt dưới chân, mà chuyển nghề chạy chợ thì cụt vốn có khi, bởi “quê ta thuần nông, có mả làm thương nghiệp đâu”. Đó là những con tính nát óc bao ông chủ gia đình. Một điều tra của Đại học Kinh tế Quốc dân trên địa bàn Hà Nội vừa cho biết 57% nông dân dùng tiền đền bù đất đai để xây nhà, chỉ có 1% đầu tư cho nghề mới và 3% cho học nghề. Sự thay đổi là cần thiết với đất nước, thủ đô, làng xã, nhưng xa xôi quá, với họ thì lại nhanh và nghiệt ngã khiến trở tay không kịp.
Và ngay ở phạm vi đất nước, cái đất nước xuất khẩu gạo vào loại ác chiến trên thế giới bỗng dưng lại đối mặt với vấn đề an ninh lương thực, thì hẳn là phải có chuyện trong đường hướng phát triển rồi. Giá đắt chừng nào trời nào mà đong!
Dầu sao, cảnh khó của làng quê gần còn là ước mơ của bao xó xỉnh xa xôi. Và lại dầu sao “giầu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ”, nên chi “Làng ơi, chào nhé”, nên chi “Cô dì chú bác ở lại, cháu ngược”.
***
Mấy chục vạn, hay mấy triệu người kéo lên Hà Nội, chả biết. Lên theo thời vụ hay thành hẳn “người phố” là mấy phần, chả hay. Chỉ biết cái nội thành cho triệu người là vừa giờ san sát, cựa cái đã chạm nhau. Diện tích mở rộng, đường xá thêm ra, nhà cao tầng rộng lên cho tiết kiệm đất, bao nhiêu cũng không đủ. Thủ đô như cái đầu máy phải gánh phải kéo vùng nông thôn, thở hồng hộc, lem nhem, kém thanh lịch đi. Cũng phải, vì tiền xây cất là còn do thuế từ nông thôn chứ. Và thành phố đâu phải chỉ của người ở đã lâu, ai cấm ai vào được.
Người nông thôn mang vô vàn sức lao động đến, kèm theo cách sống của họ. Tư duy tuỳ tiện, áp dụng lệ làng, xây cất cơi nới, đi đứng hồn nhiên, phạm luật mà không biết. Đa phần lao động đơn giản, họ thành công cụ cho người chủ, có thể bị bóc lột, làm nạn nhân, cũng có khi phá đám lại chút ít. Thành phố cần họ và hiển nhiên, “xếp” họ vào đẳng cấp dươi dưới. Với cái “dươi dưới” ấy, và với tâm lý đi ở tạm “hàng xóm”, liệu họ có yêu quý, lo cho cái cộng đồng chung bằng cho làng nước mình? Từ đấy đến chỗ vứt con chuột ra đường, đái một bãi “mặc bố thằng nào ngửi” rất mỏng.
Nhưng có những con người có chí tiến thủ, học hành đầy đủ, chiếm được những vị trí cao, đủ quyền lực định đoạt việc lớn. Sự tác động của họ vào đời sống đô thị có hay dở của nó, chỉ xin nêu ra ở đây cái phía không tích cực.
Từ nơi khác đến lập nghiệp, cái tâm lý không tự tin và cũng chả tin người rất dễ có. “Cơ chế” cục bộ, co cụm để bảo vệ nhau xuất hiện. Những “tập” người hình thành xung quanh vị “gia trưởng” mới để “chào cờ xã ta”. Người huyện người họ kéo ra, dùng người tài theo kiểu hẹp hòi... ác nghiệt nhất là những ông tiểu nông ấy mà càng quyền cao chức trọng học hàm học vị xum xuê với cả cán bộ đảng viên nữa thì càng “Thôi rồi Hà Nội ơi!”. Nhiều yếu tố khiến cơ cấu dân cư thành phố vỡ một cách “tinh tế”, công tác tổ chức, cán bộ bị ảnh hưởng. Cái tâm lý “chín bỏ làm mời” thâm căn cố đế chiếm dụng, lấn át tư duy duy lý - nhất là trong khoa học, khiến nhiều khảo sát, điều tra, giải quyết vấn đề không được đẩy đến cùng. Và còn những biến thái nhỏ li ti nữa không thể không nghĩ tới. Như là liệu không gắn bó, yêu quý Hà Nội, người ta có chỉ tính tới những giải pháp ngắn hạn, “có tính chất nhiệm kỳ” cho nó? Như là một thành phố không có những dòng họ trí thức lớn như Nguyễn Khoa, Thân Trọng, Hồ Đắc, Hà Thúc ở Huế, hay “Hà Tĩnh họ Phan Nghệ An họ Hồ”, thì liệu có mất mát không? Nói thế thật ra không chính xác lắm, vì Hà Nội chi chít làng xóm, dòng tộc khoa bảng. Nhưng sao đã ngót nghìn năm theo Nho giáo, trí thức đô thị nhiều người huỷ tiết tháo đi, hành xử cứ hay khép lại, không nói ra cái điều họ nghĩ? Có một nỗi ám ảnh thường trực nào chăng?
Thành phố của chúng ta đa sắc thật. Những mảng mầu. Những tập người. Những thời khắc... Hệt như cái kính vạn hoa, chỉ nghiêng đi một tý đã thấy khác.
Trần Chiến
Xem online : Kỳ trước