Trang nhà > Cuộc sống > Nhiếp ảnh > Chất lượng ảnh báo chí VN thực chất thế nào?
Chất lượng ảnh báo chí VN thực chất thế nào?
Thứ Bảy 23, Tháng Mười 2010
Cần thẳng thắn nhìn lại chất lượng ảnh báo chí Việt Nam hiện tại thực chất như thế nào qua cuộc triễn lãm cuộc thi ảnh bảo chí “Khoảnh khắc vàng - 03” vừa qua.
Từ con số, đặt vấn đề ảnh báo chí VN
Có thể nhìn nhận ở hai khía cạnh: Chất lượng ảnh báo chí VN cần xem xét lại, hay do ban giám khảo (nhất là ở vòng sơ khảo) có thật sự công tâm và chính xác khi quyết định loại bỏ số lượng lớn tác phẩm ảnh dự thi.
Không thể nói tác phẩm ảnh dự thi là không có chọn lựa. Bản thân tác giả khi mang tác phẩm đi thi, đã có một sự lựa chọn riêng, mang tác phẩm được xem là thành công nhất của mình. Thế nhưng chỉ qua vòng loại thì gần 80% tác phẩm không vào được vòng trong.
Phải chăng chất lượng ảnh quá kém, dù là ảnh tốt nhất được mang đi dự thi? Và như thế đặt một dấu hỏi về ảnh báo chí VN đang có vấn đề về chất lượng hay bản thân phóng viên ảnh báo chí VN đang "đi xuống" về nghề nghiệp chuyên môn?
Nhưng cũng không thể bỏ qua vai trò của ban giám khảo. Có quyền đặt dấu hỏi về trình độ thẩm định ảnh của các thành viên. Họ có quá khắt khe, như một thành viên trong vòng chung khảo đã nửa đùa nửa thật phát biểu: "Nếu là tôi thì không quá 10 tác phẩm đoạt giải".
Hay họ không thẩm định chính xác tác phẩm theo tiêu chí ảnh báo chí, mà mang những cảm tính bản thân để nhìn và đọc tác phẩm, dẫn đến là loại bỏ trực tiếp một số lượng ảnh lớn?
Đó là chưa kể, nếu tính thời gian thẩm định khối lượng tác phẩm dự thi khổng lồ kia ở vòng sơ khảo, một thời gian quá ngắn, không biết có bị sai vì "tốc độ" thẩm định dành cho một tác phẩm gần như chỉ vài phút.
Ảnh đoạt giải có thật xuất sắc?
Nhìn vào 17 tác phẩm ảnh đoạt giải có thể thấy ảnh báo chí VN rõ ràng chưa thể có tác phẩm lớn, tác phẩm gây ám ảnh, hay tác phẩm mang hiệu ứng xã hội cao.
Giải nhất ảnh đơn "Tự hào Việt Nam" - Đức Tám, là bức ảnh đẹp, hai nụ cười của vị nguyên thủ quốc gia Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo sư Ngô Bảo Châu, người VN vừa được giải thưởng Toán học danh giá Fields, như đồng điệu, như niềm tự hào chung... Nhưng đây là bức ảnh mà những người trong nghề đều có thể hiểu, bởi tác giả có điều kiện (hay được) tiếp cận với nhân vật ở góc tốt nhất. Ảnh đẹp là tất nhiên. Sự kiện lại đang "nóng", là tiêu điểm của truyền thông VN thời điểm này. Nhưng tác phẩm chưa có được cảm xúc mạnh.
Bộ ảnh "Cứu dân trong bão lũ" - Dương Thanh Xuân, giải nhất nhóm ảnh. Có thể thấy sự lăn xả của tác giả khi tác nghiệp ở một thời điểm nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nhìn qua các bức ảnh, thấy rõ tác giả vẫn chưa có điểm nhấn đặc trưng tinh thần "Vì nhân dân quên mình" của bộ đội trong bão lũ sông nước, thiếu ảnh toàn cảnh mà chỉ đặc tả những cảnh rời rạc, mà ảnh cũng chưa phải ở "độ gần". Bão lũ thiên tai ở VN hàng năm là chuyện "thường tình", nên bộ ảnh này chưa đủ sức lay động.
Bộ ảnh đồng giải nhất "Phạm Thế Minh, một tấm gương điển hình" - Vũ Dũng, dù đưa được nhân vật "da cam", dù đưa vào sinh hoạt thời sự tiêu điểm: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng thật sự ảnh vẫn chỉ mang tính chất minh hoạ, ít điểm nhấn về nhân vật điển hình, thậm chí có ảnh còn rất "thô" - ảnh nhận bằng khen.
Ảnh đơn "Nỗi lo lúc vượt sông Pô Kô"- Nguyễn Vinh Hiển, giải ba. Nếu lấy tiêu chí ảnh báo chí thì bức ảnh này thiếu rất nhiều thông tin. Trong ảnh không thấy sông, suối, chỉ mờ mờ rừng cây, cảnh ba người đu trên dây vượt sông cũng không rõ sự căng thẳng - kịch tính của "nỗi lo", ảnh không mang lại điều gì cho người xem về cảm xúc... Thật sự mà nói, ảnh này thua cả ảnh minh hoạ cho mấy bài báo viết về sự việc này trên các báo.
Các tác phẩm đoạt giải khác, phần lớn đều rơi vào khuyết điểm thông tin thiếu, hay hình ảnh không có điểm nhấn, khá chung chung...
Và một đặc trưng hay thói quen của ảnh báo chí VN là sự can thiệp của kỹ thuật photoshop quá nhiều, nhìn đôi khi như ảnh giả, làm tác phẩm thiếu tính chân thực, thiếu thuyết phục cảm xúc của người xem.
Hoài Hương (TVN)