Nhật Bản tăng cường sức mạnh tàu ngầm

Ngày 21/10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố dự định tăng cường tàu ngầm cho hải quân từ 16 chiếc hiện nay lên đến 22 chiếc.

Theo hãng tin Nhật Kyodo, chính quyền Nhật Bản tăng cường lực lượng tàu ngầm vì trong thời gian gần đây Trung Quốc ngày càng tích cực tăng cường hoạt động của hải quân tại biển Hoa Đông, Nam Trung Hoa và các khu ngoài khơi Thái Bình Dương. Tokyo đặc biệt quan ngại trước việc các tàu của Trung Quốc thường xuyên hoạt động gần các hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Hãng tin Nga Itar-Tass cho biết, hiện nay Trung Quốc đang sở hữu 55 tàu ngầm động cơ diezel và 9 tàu ngầm nguyên tử.

Quyết định của Tokyo về việc tăng số lượng tàu ngầm Nhật Bản nằm trong chương trình tăng cường vũ trang giai đoạn 2011 – 2015. Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản gồm hai đội bố trí tại Yokosuka, cửa ngõ vào vịnh Tokio và tại cảng Kure ở quận Hiroshima.

Nhật Bản là một trong những quốc gia sở hữu số lượng tàu ngầm tương đối lớn. Các tàu ngầm loại Yuushio, Harushio và Oyashio của Nhật Bản sở hữu những đặc điểm kỹ-chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại.

Những tàu ngầm loại Yuushio có thời gian vận hành lâu nhất, được thiết kế vào đầu thập niên 70 (Project S122). Chiếc tàu ngầm đầu tiên SS573 Yuushio trong seri 10 chiếc đã được đóng tại nhà máy đóng tàu của công ty Mitsubishi hồi tháng 12/1976 và được đưa vào sử dụng hồi tháng 2/1980.

Những tàu ngầm diesel còn lại trong seri này được đóng tại các xưởng đóng tàu của các công ty Mitsubishi và Kawasaki. Hiện nay, Hải quân Nhật Bản chỉ sử dụng 3 tàu loại này - SS580 "Takeshio", SS581 "Yukishio" và SS582 "Sachishio” vào mục đích chiến đấu, còn 2 chiếc khác dùng để huấn luyện.

Xét từ góc độ giải pháp cấu trúc thiết kế, những tàu ngầm Yuushio là sự phát triển của tàu ngầm loại Uzushio – tàu ngầm hiện đã loại ra khỏi biên chế Hải quân Nhật Bản. Dự án tàu ngầm loại Uzushio được nghiên cứu chế tạo với sự trợ giúp kỹ thuật của Mỹ dựa trên mẫu tàu ngầm Barbel chạy bằng năng lượng điện–diesel của Mỹ.

Tàu ngầm lớp Yuushio là tàu ngầm đại dương hai vỏ một trục có khả năng tiêu diệt tàu nổi và tàu ngầm của kẻ địch trên Thái Bình Dương. Vỏ tàu vững chắc được làm từ loại thép NS-63 (tương tự như loại thép HY-80 của Mỹ). Sau này, để chế tạo thân tàu vững chắc hơn, từ tàu ngầm SS576, Nhật Bản đã sử dụng thép NS-80 với giới hạn chảy cao hơn. Điều này cho phép tăng độ lặn sâu của tàu đến khoảng 390m và kéo theo đó lượng choán nước của tàu tăng thêm 50 tấn.

Thông tin chi tiết về tàu ngầm SS580 (loại Yuushio)

Dài: 76,2m, Rộng: 9,9m, Phần chìm: 7,4m, Lượng choán nước: trên mặt nước 2250 tấn, dưới nước 2500 tấn, thuỷ thủ đoàn: 75 người (10 sĩ quan). Tàu được trang bị động cơ năng lượng điện-diesel là chính. Thành phần của động cơ gồm 2 máy phát điện diesel công suất 1420KW, 2 động cơ điện công suất 3610 mã lực và 2 bộ ắc quy tích điện. Khi chuyển động dưới ngầm, tàu di chuyển với vận tốc mõi giờ 20 hải lý, ở chế độ nổi: 12 hải lý. Căn cứ theo nguồn dự trữ nguyên liệu, lương thực và nước ngọt, tàu có thể hoạt động độc lập trong vòng 60 ngày. Tàu được trang bị vũ khí tên lửa – ngư lôi. Khác với tàu ngầm loại Barbel được trang bị 6 máy phóng ngư lôi cỡ nòng 533mm ở phần mũi tàu, tàu ngầm Yuushio cũng mang 6 bệ phóng HU-603 được lắp đặt ở phần giữa tàu. Ngư lôi dùng để bắn ngư lôi điều khiển chống tàu loại 80 hoặc ngư lôi vạn năng loại 89 do Nhật Bản sản xuất.

Về đặc điểm của vũ khí điện tử, tàu ngầm loại Yuushio tương đương với tàu ngầm Mỹ đóng từ cuối thập niên 80. Tàu được trang bị hệ thống điều khiển tự động ZYQ-1 với màn hình loại S-95 và tổ hợp thuỷ âm học Hughes-Oki ZQQ-5B. Trên tàu còn lắp đặt và sử dụng radar JRC ZPS-6 dẫn đường và phát hiện tàu nổi cũng như radar phát hiện tín hiệu ZLA-6.

Nguyễn Hoàng tổng hợp