Tiếc nuối từ phim Cánh đồng bất tận

Truyện Cánh đồng bất tận nhiều người khen không tiếc lời, thậm chí có người rấm rứt khóc trước những con chữ êm êm mà đau nghe như dao cứa, cũng không ít kẻ buộc tội cho là bôi bẩn hình ảnh phụ nữ, phản ánh sai lệch trực trạng nông thôn, nông dân…

Phim Cánh đồng bất tận cũng vậy, nhiều lời khen, có nước mắt nhưng cũng không thiếu tiếng chì tiếng bấc. Riêng tôi chỉ biết chép miệng: Ước gì…!

Dẫu biết so giữa truyện với phim sẽ khập khiễng vì nó là hai món riêng biệt, hai sản phẩm độc lập. Kẹt một cái phim được dựng từ truyện mà truyện thì đã gây ấn tượng quá sâu trong lòng những ai đã đọc qua. Phim dựng theo ý tưởng của truyện, lại mang cùng tên nên khi xem phim, người ta không thể không nhớ tới truyện.

Cái đẹp lấn át cái nghèo, khổ, hận thù

Xem những khuôn hình đồng năng, khóm tràm, con kênh được nắn nót trau chuốt kỹ lưỡng trong phim, nhất là chỉ mấy giây thoáng qua cái khu lò gạch gần Sa Đéc, đẹp tới nao lòng, người dân miền Tây muốn thốt lên: “Ừ đồng bằng mình đẹp quá hén, xưa giờ mình không để ý”. Nhưng chính cái đẹp đó làm khuất lấp, che lấp đi cái nghèo, cái khổ, cái tù túng tới bế tắc vốn là cái tứ rất đắt trong truyện. Khổ tới mức ở sông mà không có nước uống. Nương thương anh con trai hiếu thảo ao ước: “Ước làm sao trước lúc má tui chết, bà được tắm một bữa đã đời” nhưng không dám nhận lời anh vì “Hai gàu nước ít ỏi của má anh, tôi nỡ nào xẻ nửa”. Chính cái nghèo, cái khổ đó mà má Nương đã bỏ chồng con, đẩy đưa ba cha con vào thân phận chìm nổi, để họ cứ mãi chạy trốn quá khứ, chạy trốn số phận nhưng không thoát được. Theo cách hiểu nào đó, ẩn dụ của Cánh đồng bất tận là cánh đồng cơ cực của nông dân. Người làm phim như quá thương cánh đồng, quá thương nhân vật nên thi vị hoá sự cay nghiệt mà không đẩy nó tới tận cùng như trong truyện.

Trong truyện còn có ẩn dụ cánh đồng khác ở tầng sâu hơn là cái ác, lòng thù hận. Nó bộc lộ rõ ràng sự cay nghiệt qua ông Út Vũ nhưng nó nhẹ nhàng, âm ỉ ngay chính chị em Nương, Điền. Nương kể chuyện nhìn thấy má lăng loàn với người khác nghe nhẹ khô:““Chắc tại nó nhìn thấy chuyện bậy đó, má. Trưa nay, nó ngủ kẹt bồ lúa”. Má chết lặng nhìn tôi, cái nhìn như lịm đi trên khuôn mặt đẹp não nề. Không thể giải thích vì sao tôi lại hể hả”. Nó cay đắng đến mức: “Suốt nhiều năm sau đó, tôi không dám nhớ má, bởi ngay vừa khi nghĩ đến má, ngay lập tức hình ảnh ấy hiện ra”.

Ông Út Vũ chợ hơn trong truyện

Diễn viên Dustin Nguyễn diễn xuất rất tròn vai, thu hút người xem nhưng phong cách, ăn mặc của anh không phải là anh thợ mộc nông dân. Người xem ghét sự thô bạo, cộc cằn, đểu giả của anh mà không thông cảm được anh cũng chỉ là nạn nhân của cánh đồng. Cách anh tặng vợ chiếc nhẫn vàng nó hơi lãng mạn, hiện đại mà thiếu sự chất phác nhưng đậm đà như trong truyện: “Quanh hè, dài theo những lối đi ra vườn, ra bến là những cục đá tảng, những thân dừa chẻ hai, cha tôi đã hì hục lót để suốt một mùa mưa, chân má tôi không bị dính sình bùn”.

Đáng tiếc nhất là cơn giận bùng nổ của anh khi vợ bỏ đi. Sự đập phá đồ đạc điên cuồng ấy là cơn giận lửa rơm, nó sẽ không đủ sức và không làm cho người ta bị chấn thương rồi hận thù đến mức tật nguyền. Trong truyện: “Cha cười cay đắng, khi thấy quần áo má còn treo trong nhà, còn cả cái khăn tắm và đôi dép Lào cũ, như thể má đang chơi bên xóm…”, “Cha đem tất cả đồ đạc của má đem đốt. … Cha nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực lên, ngây ngất vì một ý nghĩ mới lạ”. Phản ứng bên ngoài đó tưởng như nhẹ nhàng nhưng chính nó mới hàm chứa bên trong nỗi đau rạn vỡ làm gãy vụn con người đôn hậu của Út Vũ.

Sao chị Sương nói tiếng Bắc?

Nhiều người xem ngỡ ngàng hỏi vậy. Rõ ràng trong không gian, bối cảnh và những lời thoại rất chắt lọc được Đỗ Hải Yến diễn đạt thật nhuần nhuyễn thì sự trúc trắc chữ Nam giọng Bắc trong những câu “Ba em sộp dễ sợ!” vẫn rất chói tai.

Ở một góc độ khác, chị Sương hay những cô gái điếm khác đi dập dìu trên cánh đồng chính là sự tha hoá, sự nổi loạn của người phụ nữ trong cuộc sống tù quẩn của cánh đồng. Nó chính là hệ quả nội tại của mạch truyện, của tư tưởng chủ đề. Một cô gái điếm từ miền Bắc rơi vô cánh đồng cùng quá giang với cha con Út Vũ làm cho mạch truyện lỏng lẻo. Sự ra đi của chị cũng nhợt nhạt đi.

Có cần phải kết thúc lạc quan?

Nhiều người biết chuyện, thông cảm cho rằng cần, rất cần vì không kết thúc lạc quan thì phim khó mà chiếu được.

Nhưng lạc quan tới mức ngay lập tức người đàn ông thô bạo, căm giận, thù đời biến thành ông đưa đò hồn hậu sau khi chứng kiến cảnh con mình bị cưỡng hiếp thì gấp gáp quá. Người xem bất giác nói sao lẹ dữ vậy ta? Ước gì phim chỉ nói lơi lơi, tưng tưng như truyện. Thiệt ra trong truyện, Nguyễn Ngọc Tư đâu có ác. Ngay trong lúc đau đớn bị cưỡng hiếp, Nương đã nhận ra sự thật về người mẹ: “Rồi ký ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó ngay lúc ấy”. Và người cha cũng đã vỡ nát nỗi hận thù: “Người cha cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời”.

Lành vết thương cũ sâu kín trong tâm can con người đã là một kết thúc lạc quan hồn hậu lắm rồi.

Những truyện đã nêu chỉ là nuối tiếc, minh hoạ cho hai chữ: Ước gì…! Lời cuối cùng vẫn là sự cảm ơn những người làm phim đã nỗ lực làm sống dậy những cảm xúc đẹp trong lòng người xem về con người vùng đất phương Nam.

ANH THƯ (PLTP)

Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ: “Tao không thích học, chừng nào lớn, tao đi chăn vịt. Má tao (hoặc ba tao) dặn, phải đánh chết tụi chăn vịt kia”.

Tôi giễu cợt, không biết mày có kịp lớn không. Và nó nhăn nhở cười trước khi tan mất vào vũng đêm...

(Trích Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)