Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Tránh nhiễm xạ khi chụp X-quang
Tránh nhiễm xạ khi chụp X-quang
Thứ Ba 2, Tháng Mười Một 2010
Nhiều người bệnh không biết rằng chụp X-quang, CT thường xuyên sẽ tiềm ẩn những mối nguy lớn với sức khoẻ.
Nguy cơ nhiễm xạ
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Hạt nhân TP.HCM cho biết, ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 2.500 người bị ung thư do nhiễm xạ từ các máy chụp X-quang. Tổn thương khi bị nhiễm xạ biểu hiện ở nhiều cơ quan như tuỷ xương ngừng hoạt động, niêm mạc ruột dẫn đến tiêu chảy, sụt cân, máu bị nhiễm độc, da với những biểu hiện như ban đỏ, viêm da, sạm da, giảm sức đề kháng cơ thể, vô sinh, ung thư...
Nhiều trường hợp, để thu hồi vốn đầu tư, không ít bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp X-quang nhiều lần trong thời gian ngắn. Cứ vào bệnh viện là được chỉ định chụp X-quang, chưa cần biết bệnh gì. Chụp X-quang đã thành một danh mục sẵn có của việc khám sức khoẻ định kỳ. Một số trường hợp được chỉ định chụp CT, trong khi đây là máy chụp với 64 lớp cắt có liều tia rất cao, nên bệnh nhân chắc chắn bị ảnh hưởng nhất định. Rồi nhiều trường hợp do sơ sểnh, bệnh nhân phải chiếu xạ liều cao mà hiệu quả trị bệnh lại thấp.
Theo Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN), hiện chỉ có khoảng 3.000 bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với nguồn phóng xạ đang được kiểm soát, theo dõi liều chiếu xạ hằng quý theo đúng pháp lệnh. Đối với các bệnh nhân thì hoàn toàn để ngỏ.
Ông Nguyễn Văn Nọi, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, về nguyên tắc, chiếu xạ vào người là có hại, đặc biệt là với liều lượng cao. Dù công tác thanh tra đã được siết chặt song tình trạng chụp X-quang, CT không kiểm soát vẫn tiếp diễn nếu người bệnh không có ý thức tự bảo vệ mình.
Theo các chuyên gia, nguy cơ bị nhiễm xạ từ việc chụp X-quang là có. Bản thân người bệnh phải có ý thức bảo vệ mình bằng cách chọn những phòng chụp có uy tín, được kiểm định và có những chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.
Không chụp X-quang quá 3 - 5 lần một năm
Ông Đặng Thanh Lương, Cục An toàn bức xạ Hạt nhân cho biết, máy X-quang được sử dụng trên nguyên lý tạo và thu nhận tia X. Tia X là một loại bức xạ ion hoá. Khi đâm qua vật chất, tia X bị hấp thụ. Độ hấp thụ tia X phụ thuộc vào vật chất. Trong cơ thể người, xương có độ hấp thụ cao hơn các mô mềm khác... Vì vậy, khi sử dụng máy X-quang phải tuân theo các yêu cầu quy định về thiết bị và phòng ốc để đảm bảo an toàn bức xạ cho người bệnh và y bác sĩ. Mỗi người không nên chụp X-quang quá 3 - 5 lần một năm. Chỉ khi nào có bệnh hoặc nghi ngờ có bệnh hãy chụp X-quang.
Ông Nguyễn Văn Nọi cho biết, tia bức xạ chiếu vào cơ thể sau một thời gian sẽ chuyển hoá và thải ra ngoài qua da, nước tiểu, mồ hôi... Giữ an toàn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân khi chụp X-quang như không để một người giúp bệnh nhân ở lâu trong phòng, tránh việc chụp chiếu không cần thiết. Che chắn các cơ quan nhạy cảm trên cơ thể như ngực phụ nữ, cơ quan sinh dục, thai nhi... Giữ khoảng cách từ ống tia phát đến bệnh nhân là 2m, nếu là thiết bị X-quang di động. Nếu không có bình phong bảo vệ, cần đeo yếm chì khi chụp.
Máy chụp càng cũ thì khả năng chiếu xạ càng không tập trung, nguy cơ bị nhiễm xạ càng lớn. Vì thế nên chọn những nơi chụp có thiết bị mới, đảm bảo chất lượng và có uy tín, đặc biệt là ở các bệnh viện lớn.
Ngày 29/10, Bộ KH&CN sẽ tổ chức công tác tổng kết thanh tra chuyên ngành tại 64 tỉnh thành, trong đó có việc khảo sát công tác an toàn bức xạ từ các nhà máy, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… Theo Cục An toàn bức xạ hạt nhân, mấy năm gần đây, các phòng chụp X-quang đã đi vào quy củ, an toàn, những phòng khám không phép đều bị xử phạt.
Tô Hội (BEE)