Thành tựu mới của công nghệ sinh học

Trồng vi tảo bằng khí thải nhà máy nhiệt điện

Nhu cầu về nhiên liệu ngày một tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hoá thạch đang có nguy cơ cạn kiện trong tương lai (Giá dầu có thời điểm tăng đến hơn 100USD/thùng), vấn đề đặt ra là tìm các nguồn nhiên liệu “xanh” mới để thay thế. Đồng thời nhu cầu về thực phẩm chức năng và axit béo Omega-3 cũng ngày một cao. Các nhà khoa học của Công Ty TNHH Seambiotic (Israel) đã nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ nuôi trồng vi tảo biển bằng khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện.

Nuôi vi tảo biển không cần sử dụng đến nước ngọt do đó có thể tiết kiệm được nguồn nước sạch hiếm có trong tự nhiên. Hơn nữa nuôi vi tảo biển cũng không cần dùng đến đất trồng. So với những giống thực vật được trồng để sản xuất nhiên liệu sinh học thì vi tảo có thể sản xuất lượng dầu lớn gấp 40 lần so với các giống thực vật khác. Mặt khác vi tảo biển được nuôi trồng bằng khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện sẽ làm giảm đáng kể lượng khí CO2 thải ra ngoài không khí, làm giảm tác động hiệu ứng nhà kính và góp phần làm sạch môi trường.

Theo nghiên cứu cho thấy khi được nuôi trong bể hở bằng khí CO2, vi tảo này sẽ sinh trưởng lớn hơn gấp 1 triệu lần so với khi chúng sống dưới đáy biển. Và vi tảo biển phát triển tốt và nhanh hơn khi sử dụng khí CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt điện (CO2 chiếm 13%-14%) so với khí CO2 nguyên chất.

Theo các nhà khoa học của Seambiotic Ltd, năng suất nuôi vi tảo đạt được là 20g tảo trên 1m2 bể nuôi trong 1 ngày. Trong đó, người ta có thể sản xuất ra 1 lít nhiên liệu từ 5kg tảo biển và giá của nhiên liệu sinh học này là khoảng 1000$/tấn. Còn giá của Omega-3 từ tảo biển là khoảng 100,000$/tấn và thực phẩm chức năng từ tảo biển là khoảng 25,000$/tấn.

(http://www.seambiotic.com/)

Tàu sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc từ rong biển

Trong nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của hải quân Mỹ vào dầu khí, các kỹ sư của Mỹ đã thiết kế và chế tạo một loại tàu mới cho phép sử dụng nhiên liệu hỗn hợp trong đó gồm 50% là diesel và 50% nhiên liệu được tinh chế từ rong biển.

Loại tàu mới dài 14,7 m, tốc độ 44,5 hải lý/ giờ, sử dụng đi tuần tra tại các dòng sông, đầm lầy, đã được thử nghiệm tại căn cứ Hải quân Norfolk, bang Virginia. Đây là thiết bị quân sự sử dụng nhiên liệu sinh học đầu tiên của quân đội Mỹ.

Hải quân Mỹ tiêu tốn khoảng 80.000 thùng dầu mỗi ngày để vận hành các cỗ máy trên biển. Sự thành công của phát minh này sẽ giúp hải quân Mỹ có thể giảm được một nửa nhu cầu sử dụng xăng dầu. Hải quân Mỹ dự kiến đưa các phương tiện sử dụng năng lượng sinh học vào hoạt động kể từ năm 2020.

Xu hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu xanh cũng đang được nghiên cứu ứng dụng cho Không quân Mỹ. Các nhà khoa học đã tiến hành các cuộc thử nghiệm động cơ phản lực sử dụng dạng nhiên liệu hỗn hợp giữa dầu mỏ với nhiên liệu sinh học.

Nguyễn Hường (BEE, Theo Telegraph)