Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Cảnh giác khi trẻ kém chú ý, bốc đồng

Cảnh giác khi trẻ kém chú ý, bốc đồng

Thứ Bảy 6, Tháng Mười Một 2010

Nhiều phụ huynh, thầy cô khi thấy trẻ có các biểu hiện như khó tập trung, bốc đồng, luôn trong tình trạng hiếu động quá mức… thì vội nghĩ trẻ quậy, cá biệt, lì lợm… cần dùng hình phạt trừng trị. Họ không biết rằng trẻ có thể đang mắc một chứng bệnh có tên là ADHD!

Những dấu hiệu trẻ mắc bệnh

ADHD (Attention Deficit/Hyperactive Disorder) là một rối loạn hành vi – thần kinh ở trẻ em. ADHD được chia làm ba thể khác nhau: thể biểu hiện nổi trội là tăng động – bốc đồng (hành động không nghĩ đến hậu quả), thể biểu hiện nổi trội là kém chú ý và thể phối hợp với biểu hiện tăng động – bốc đồng và kém chú ý. Bình thường, mọi trẻ đều có thể có một số rắc rối về tập trung hoặc hành vi. Tuy nhiên, với trẻ bị ADHD thì những rắc rối đó không mất đi khi trẻ lớn lên mà vẫn tiếp diễn, gây khó khăn cho trẻ trong học tập, sinh hoạt.

Trẻ kém chú ý: thường đánh mất vật dụng, không chú ý lắng nghe người đang nói chuyện trực tiếp. Trẻ cũng dễ phân tán bởi các yếu tố kích thích bên ngoài nên thường không tập trung, không ghi chép bài, không làm đầy đủ bài tập. Khi chơi đùa tập thể, trẻ dễ mất tập trung và do đó có những hành động khác người, không phù hợp tình huống. Tại nhà, trẻ không thể tự làm bài tập, thường phân tán bởi âm thanh tivi, những cuốn sách hoặc truyện tranh đặt bên cạnh. Thật ra, bản thân trẻ không hề có ác ý hoặc muốn phản kháng những lời nói của cha mẹ và thầy cô.

Trẻ tăng động, bốc đồng: với thể rối loạn này thì lại hiếu động quá mức, có những hành vi bốc đồng không kiềm chế được. Với trẻ bình thường, khi người lớn nhắc nhở thì sẽ vâng lời, còn với trẻ ADHD lời nhắc đó chẳng có tác dụng gì! Lúc còn ở tuổi mẫu giáo, nhiều trẻ ADHD thậm chí còn được khen hoạt bát lanh lợi. Đến tuổi đi học, lẽ ra những biểu hiện này phải giảm dần và mất đi thì trẻ ADHD vẫn vậy. Trẻ hiếu động quá mức nên thường không ngồi yên, hay xoay qua xoay lại hoặc chạy ra khỏi lớp trong giờ học, chạy lung tung trong tiệm ăn… Trẻ thường chen ngang lời nói của người khác hoặc trả lời ngay trong khi người hỏi vẫn chưa kết thúc câu hỏi. Trẻ cũng hay xen ngang vào trò chơi của bạn nên thường bị xem là kẻ phá đám. Vì không kiềm chế được hành vi bản thân nên mỗi khi có tranh cãi với bạn, trẻ ADHD thường ra tay và gây sự. Trong một số trường hợp, trẻ ADHD lại trở thành nạn nhân, bị bạn bè hiếp đáp. Điều này tạo ra một vòng tròn lẩn quẩn bất lợi cho trẻ.

Không phải do cha mẹ không biết dạy con

Do những đặc điểm nêu trên, trẻ ADHD thường có vấn đề trong quan hệ với bạn đồng trang lứa, không tuân thủ các nguyên tắc ứng xử và nội quy nhà trẻ, trường học, lời dặn của thầy cô giáo. Trẻ thường bị gán cho cái nhãn “trẻ quậy”, “trẻ lì” hoặc “học sinh cá biệt”. Thực ra, trẻ ADHD không phải do cha mẹ thiếu quan tâm, cũng không phải do phương pháp dạy con mà đây là một vấn đề sinh học.

Để chẩn đoán trẻ có bị ADHD không, trẻ phải có những biểu hiện thoả “Tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD” của DSM-IV, do hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đưa ra. Trước hết, cần kiểm tra trẻ có các biểu hiện của tăng động – bốc đồng, kém chú ý không. Các biểu hiện này phải kéo dài ít nhất sáu tháng. Sau đó, quan sát xem những hành động đó có gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của trẻ không. Nếu xảy ra từ hai hoàn cảnh (ví dụ ở nhà và ở trường) trở lên thì có thể nghĩ đến khả năng trẻ bị ADHD. Một đứa trẻ không ngồi yên và không tập trung khi viết chữ tại nhà nhưng ở lớp lại tập trung lắng nghe bài giảng, viết tốt thì không phải bị ADHD. Do đó, dù trẻ có thể có một số biểu hiện của ADHD nhưng không gặp khó khăn gì trong sinh hoạt hàng ngày thì không thể coi là bị ADHD.

Chưa có cách trị khỏi hoàn toàn

Điều trị có thể làm giảm nhẹ nhiều triệu chứng nhưng đến nay vẫn chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Nếu được điều trị, phần lớn trẻ có thể thành công trong học tập và hướng đến một cuộc sống hữu ích. Điều trị hiện nay tập trung vào giảm các triệu chứng của rối loạn tăng động, kém chú ý và cải thiện chức năng trong sinh hoạt. Điều trị này bao gồm dùng thuốc, các tâm lý liệu pháp, giáo dục và huấn luyện hoặc kết hợp các phương pháp này. Với những tiến bộ gần đây, các nhà khoa học đang tiếp tục nỗ lực để hiểu rõ hơn nguyên nhân và bản chất của rối loạn ADHD, cũng như làm thế nào để điều trị và ngăn ngừa.

Hiện loại thuốc phổ biến nhất được dùng điều trị ADHD là “thuốc kích thích”. Nghe có vẻ không bình thường nhưng thuốc này thật sự có tác dụng làm trẻ ADHD dịu đi, trầm tính hơn. Cũng có ý kiến lo ngại tính gây nghiện và lạm dụng thuốc. Tuy nhiên, với liều điều trị thông thường và dưới sự giám sát y khoa, các thuốc này rất an toàn. Cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy thuốc này gây nghiện khi dùng điều trị bệnh ADHD. Rất tiếc nước ta vẫn chưa cho phép nhập thuốc này.

Trẻ ADHD là trẻ bị rối loạn về hành vi – thần kinh có tính chất bệnh lý. Do đó, cần có cách tiếp cận và đối xử với trẻ bằng một cách nhìn khác, thể hiện sự quan tâm, đồng cảm, vì chính bản thân trẻ cũng rất phiền lòng với những hành vi và hậu quả mà mình tạo ra.

PGS.TS.BS Trần Diệp Tuấn (SGTT)

Trung bình trong 20 học sinh có một trẻ mắc bệnh

Hai cuộc khảo sát gần đây trên học sinh cấp 1 tiến hành tại Vĩnh Long (năm 2009 của BS Phạm Hoài Dành) và TP.HCM (năm 2010 của BS Cù Tấn Ngoạn) cho thấy, có khoảng 6,5% trẻ có biểu hiện của rối loạn tăng động, kém chú ý (trẻ ADHD). Tuy chưa có cuộc khảo sát nào tiến hành trên phạm vi toàn quốc nhưng hai kết quả trên cho thấy tần suất lưu hành của rối loạn này ở nước ta không khác so với các nước. Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy tần suất lưu hành của ADHD khoảng 5 – 10% (Scahill và cộng sự, 2000). Một nghiên cứu hệ thống hoá lại 102 nghiên cứu thực hiện ở các nước thuộc cả năm châu lục cho thấy tần suất lưu hành trên thế giới của ADHD là 5,29% và nhận xét rằng vùng địa lý có vai trò rất ít trong khác biệt tần suất lưu hành, sự khác biệt chủ yếu do khác nhau về phương pháp nghiên cứu (Polanczyk và cộng sự, 2007). Với tần suất như trên, có thể hình dung trong một lớp học với 20 học sinh, ước chừng có một học sinh bị chứng ADHD.