Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Loại bỏ sẹo bằng Insulin điều trị tiểu đường

Loại bỏ sẹo bằng Insulin điều trị tiểu đường

Thứ Tư 10, Tháng Mười Một 2010

Tiêm insulin là phương pháp điều trị mới nhất để tăng tốc độ liền da, thậm chí loại bỏ sẹo sau phẫu thuật.

Lâu nay, insulin được biết đến với vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, hiện nay, giới y học đã sử dụng insulin trong điều trị bệnh tiểu đường và cũng áp dụng để đẩy nhanh việc làm lành vết thương sau phẫu thuật.

Insulin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tụy và giúp chuyển glucose từ máu vào tế bào để sản sinh ra sức lực. Thông qua một số nghiên cứu, insulin được biết có thể làm giảm thương tích cho cơ thể dù ở liều lượng thấp.

Hầu hết những người đã trải qua những lần phẫu thuật thường than phiền về sự đau đớn, nhức nhối do vết sẹo, và một số người thậm chí còn kết thúc sự chịu đựng đó bằng chứng bệnh trầm cảm, theo một báo cáo đăng trên The Daily Mail.

Khi da chúng ta bị tổn thương, quá trình chữa bệnh để làm lành vết thương nên được thực hiện càng nhanh càng tốt để ngăn chặn việc mất máu quá nhiều, bảo vệ các mô khác, và ngăn ngừa khả năng nhiễm trùng.

Để chứng minh điều đó, một loạt các xét nghiệm đã được tiến hành tại Đại học California, Mỹ. Các nhà khoa học thấy rằng những bệnh nhân mới, những người trải qua phẫu thuật đã có thể chữa lành vết thương nhanh hơn 2, 4 ngày so với điều trị chỉ với dung dịch muối thông thường.

Trong 1 thử nghiệm, một người phụ nữ có một vết thương sâu trên cánh tay được tiêm insulin vào cơ thể. Các nhà nghiên cứu cho biết 82 ngày sau khi tiêm, không thấy sự hiện diện của vết sẹo nhỏ trên cánh tay của người phụ nữ đó nữa. Theo họ đó là vì insulin có thể làm giảm lượng firoblast, gây tổn thương mô, và nâng cao chất lượng collagen do cơ thể sản sinh ra.

Đặng Hoà (BEE, Theo MIOL)

Trứng và rau muống gây sẹo trắng, sẹo lồi?

Khi bị thương chớ nên ăn trứng và rau muống. Lời khuyên này đã có từ lâu và nhiều người làm theo. Khoa học nhận định vấn đề này ra sao?

Khi chẳng may bị một vết thương gây trầy da, chảy máu, chúng ta thường nhận được những lời khuyên như trên. Lý do mà người ta nhắc đến khi đưa ra ý kiến này là do trứng gà làm sẹo trắng và rau muống gây sẹo lồi.

Cũng có người tỏ ý nghi ngờ nhưng vấn đề thẩm mỹ là yếu tố rất quan trọng nên người ta vẫn tẩy chay hai loại thực phẩm quen thuộc này. Theo ThS. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng, đây chỉ là những kinh nghiệm dân gian và chưa thấy một tài liệu khoa học nào nhắc đến.

Cũng có thể người ta cho rằng, điều này không có gì quan trọng đối với sức khoẻ của con người nên các công trình khoa học trong nước không đề cập đến. Th.S Hải cho biết, sẹo lồi nảy sinh do cơ địa. Vì vậy, có thể có sự trùng lặp ngẫu nhiên ở người có cơ địa này với việc ăn rau muống khi bị thương, nên người ta “đổ oan” cho thứ thực phẩm thông dụng này.

Còn theo GS Vũ Văn Chuyên, khi bị thương, cơ thể con người có khả năng tự hàn gắn vết thương bằng cách sinh ra những tế bào mới thay thế cho những tế bào đã chết. Đó là hiện tượng thành sẹo tự nhiên.

Tài liệu “Cây thuốc Việt Nam” của thầy thuốc ưu tú, lương y Lê Trần Đức (NXB Nông nghiệp, 1997) có viết: Rau muống có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải độc, sinh ra da thịt. Ăn nhiều thì da thịt nở nang.

Người có mụn loét miệng lõm sâu, ăn rau muống thì mụn chóng sinh da gom miệng”. Cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (2004) cũng cho biết: “Rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải độc, sinh da thịt, nhuận tràng, lợi tiểu.

Dược liệu được dùng trị táo bón, đái rắt, làm cho mụn nhọt chóng sinh da thịt liền miệng”. Tuy những tài liệu cây thuốc, vị thuốc của GS Đỗ Tất Lợi và GS Võ Văn Chi lại không đề cập đến vấn đề này, nhưng theo GS Chuyên, cũng có cơ sở để nói rằng rau muống gây sẹo lồi.

Xét về khía cạnh dinh dưỡng, trứng gà là một loại thức ăn bổ dưỡng, rất cần thiết cho người bị thương trong việc tổng hợp chất dinh dưỡng để tái tạo tế bào mới. Những tế bào mới được sinh ra thường không có sắc tố di truyền của màu da.

Do vậy, các vết sẹo mới thường có màu trắng khác với màu cũ của da. Điều đó là bình thường và không liên quan gì đến việc ăn trứng gà trong giai đoạn dưỡng thương. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều sự trùng lặp giữa việc ăn trứng và sự biến đổi màu da vết thương khiến người ta lo ngại. Để “chắc ăn”, nếu có đủ thực phẩm thay thế, bạn nên “kiêng” trứng gà trong thời gian vết thương lên da non.

Thu Anh (BEE, KH&ĐS)

Rau muống là cây rau ăn lá, vừa làm thức ăn chăn nuôi quan trọng. Toàn cây được dùng làm thuốc xem như có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, cầm máu. Thường dùng để chữa ngộ độc thức ăn, ngộ độc lá ngón, thạch tín, nấm độc, thuốc độc, tiểu tiện bất lợi, đái ra máu, chảy máu cam, ho ra máu, trĩ xuất huyết, dạ dày xuất huyết, lỵ ra máu.

Rau muống còn dùng chữa phong thũng, đàn bà đẻ khó, huyết vận, mày đay, phong lở ngứa. Thường dùng dạng thuốc sắc hay chiết dịch dùng tươi. Dùng ngoài giã nát đắp.

Võ Văn Chi, Từ điển Thực vật thông dụng