Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Mối lo xung quanh điện hạt nhân
Mối lo xung quanh điện hạt nhân
Thứ Sáu 19, Tháng Mười Một 2010
Ngày 8-11-2010, hơn 3000 người Đức đã biểu tình ngăn cản một tàu chở chất thải hạt nhân và gần 20.000 cảnh sát bị huy động để bảo vệ đoàn tàu. Hôm trước, chỉ vòng 1 giờ đồng hồ, liên tiếp hai nhà máy điện hạt nhân thuộc tập đoàn Entergy (Mỹ) đã phải ngừng hoạt động khẩn cấp vì xảy ra sự cố. Mặc dầu được trấn an rằng những sự cố này không nguy hiểm, nhưng người dân Mỹ đã lập tức biểu tình đòi đóng cửa nhà máy.
Biểu tình ở Đức
Ngày 8-11-2010, 3000 người Đức đã biểu tình ngồi trên đường ray ở gần Dan Berger - điểm tới của đoàn tàu. Cuộc biểu tình bắt đầu từ 1h40 sáng (giờ địa phương). Đến khoảng 7 giờ, cảnh sát mới giải tán được.
Một phát ngôn viên của cảnh sát Lueneburg cho hay, đoàn tàu sẽ khởi hành lại vào 8h20. Theo người này, họ đã dẹp toàn bộ những người biểu tình. Sau khi đoàn tàu tới Dan Berger, những thùng chứa chất thải sẽ được xe tải chở tới khu vực cách đó 20 km. Chính phủ sẽ chôn những thùng chất thải này xuống một mỏ muối bỏ hoang sâu 860 m dưới lòng đất.
Trước đó 3 ngày, đoàn tàu chở 123 tấn chất thải hạt nhân này đã xuất phát từ một nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân của tập đoàn Areva (Pháp). Kể từ lúc đó, những người biểu tình đã nằm trên đường ray, hoặc trói mình trên những cây cầu mà tàu đi qua để chặn đoàn tàu.
Một quan chức cho hay họ đã cử gần 20.000 cảnh sát để bảo vệ cho sự di chuyển của đoàn tàu.
Rò rỉ nước phóng xạ
Ngày 7-11-2010, các kỹ sư của nhà máy điện hạt nhân Vermont Yankee (Mỹ) trong lúc làm việc đã phát hiện đường ống dẫn nước chứa chất phóng xạ bị rò rỉ. Theo người phát ngôn nhà máy, ông Larry Smith, lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động vào lúc 19 giờ tối 7-11 và dự tính sẽ phải mất 13 tiếng để làm nguội lò, đủ cho các kỹ sư có thể vào khu vực này để sửa chữa. Công việc sửa chữa đường ống được bắt đầu vào sáng 8-11.
Hiện nguyên nhân của sự cố rò rỉ này chưa được công bố. Cũng theo ông Larry Smith, nước phóng xạ đã rò rỉ với mức độ khoảng 60 giọt/phút và nó đã được phát hiện kịp thời trong chu kỳ giám sát thường xuyên. Hiện lượng nước rò rỉ đã được máy bơm hút lại và đưa quay vòng lại hệ thống.
Ông Neil Sheehan, người phát ngôn NRC cho biết các thanh tra viên của ủy ban này đã giám sát việc ngừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Vermont Yankee và khẳng định nước bị rò rỉ có chứa các chất ở mức độ phóng xạ thấp, như tritium và các đồng vị khác, là một phần trong quá trình hoạt động thông thường của nhà máy.
“Mức phóng xạ rất thấp, nên chúng sẽ không thể gây tổn hại cho con người. Không có bất kỳ lo lắng nào về sức khoẻ cũng như sự an toàn của con người trong vụ rò rỉ này. Lượng nước rò rỉ đã được thu gom đưa trở lại hệ thống nên không thể gây hại được cho người dân”.
Nổ máy biến thế
Vermont Yankee là nhà máy thứ hai thuộc sở hữu của tập đoàn Entergy có trụ sở ở New Orleans phải đóng cửa vì gặp sự cố trong vòng một giờ đồng hồ. Trước đó, nhà máy điện hạt nhân Indian Point ở phía bắc thành phố New York đã phải ngừng hoạt động khẩn cấp một trong số những lò hạt nhân do sự cố nổ máy biến thế.
Trước những lo lắng của người dân về việc liên tiếp xảy ra những sự cố ở các nhà máy điện hạt nhân, Entergy khẳng định việc 2 nhà máy liên tiếp xảy ra sự cố phải ngừng hoạt động là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên.
Mặc dầu nhà chức trách cố trấn an rằng những sự cố này không nguy hiểm nhưng người dân Mỹ đã lập tức biểu tình đòi đóng cửa nhà máy.
Ông Jerry Nappi, người phát ngôn của Entergy nói rằng, máy biến thế bị nổ nằm ở phía ngoài, không gần lò phản ứng và sự cố trên không gây ra sự rò rỉ phóng xạ nào. Tuy nhiên, lò phản ứng Indian Point 2 đã tự động đóng cửa để đảm bảo an toàn còn lò Indian Point 3 vẫn hoạt động bình thường. Hiện chưa có thông tin về nguyên nhân gây nổ máy biến thế tại nhà máy điện hạt nhân nằm cách thành phố New York 38km về phía bắc này.
Trước đây, nước Mỹ từng chứng kiến sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Three Miles Island, thuộc hạt Dauphin, bang Pennsylvania, ngày 28-3-1979, khi van của hệ thống bị hỏng, làm rò rỉ chất làm lạnh trong lò phản ứng và thoát ra môi trường một lượng phóng xạ khoảng 480 petabecquerels (tương đương 13 triệu curies phóng xạ) dưới dạng khí xenon có chứa phân tử iodine-131 gây ung thư. Lo ngại thảm hoạ nhiễm phóng xạ sẽ xảy ra cho cư dân sinh sống trong vùng nên Thống đốc bang Pennsylvania ra lệnh di tản hơn 100.000 trẻ em cùng phụ nữ mang thai ra khỏi bán kính 20km quanh nhà máy và khuyến cáo người dân sống trong bán kính từ 10 đến 30km quanh nhà máy không được ra ngoài đồng thời phải đóng kín cửa.
“Tuổi thọ” của nhà máy điện hạt nhân?
Việc nhà máy Vermont Yankee phải ngừng hoạt động ngoài dự kiến đã gây ra tình trạng thiếu điện ở New England. Nhà máy điện 38 năm tuổi với công suất 650 MW sản xuất cung cấp điện cho toàn vùng New England. Sự cố xảy ra chỉ 3 ngày sau khi Entergy thông báo sẽ bán lại Vermont Yankee.
Trong vòng 1 năm qua, Vermont Yankee đã gặp phải nhiều sự cố. Ngày 28-5, hơi nước và nước chứa 13 loại chất phóng xạ khác nhau đã được các kỹ sư phát hiện rò rỉ từ một đường ống. Trước đó, hồi tháng 1, trong lúc kiểm tra, các công nhân cũng cho biết chất phóng xạ tritium đã bị rò rỉ tại một giếng kiểm định. Chất phóng xạ tritium khi xâm nhập được vào cơ thể con người sẽ tác động đến ADN, các chất béo, protein và gây hại cho sức khoẻ - cụ thể có thể gây ung thư và gây dị tật cho thai nhi.
Sau sự cố này, Vermont Yankee cũng phải tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng. Sau khi hoạt động trở lại, nhà máy lại tiếp tục gặp sự cố. Tháng 2-2010, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ một dự luật cho phép cơ quan quản lý cấp giấy phép cho gia hạn hoạt động cho nhà máy Vermont Yankee sau năm 2012 khi giấy phép của nhà máy này hết hạn. Tuy nhiên, “số phận” của nhà máy này sẽ được định đoạt chính thức trong năm 2011.
Nguyễn Hà (ANTĐ)