Trung Quốc: cường quốc số 1 về nghiên cứu khoa học ?
Trung HoaNgoài lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc cũng đang nằm trong số các nước dẫn đầu thế giới về khối lượng bào báo khoa học, chỉ thua có Hoa Kỳ. Từ mười năm qua, Trung Quốc là nước duy nhất có được một sự tăng trưởng với hai số về mặt sản xuất khoa học. Nhưng các bài báo khoa học đó có giá trị và có xác đáng hay không ?
Đến nay ai cũng nghe nói đến sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc và khả năng là sang năm tới nền kinh tế của nước này sẽ đứng hàng thứ nhì thế giới, liền sau Hoa Kỳ. Nhưng không có mấy ai biết rằng về mặt lượng bài báo khoa học, Trung Quốc cũng đang nằm trong số các nước dẫn đầu thế giới, và về điểm này, Trung Quốc cũng chỉ thua Hoa Kỳ mà thôi.
Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin là từ năm 2000, số lượng bài báo khoa học của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tăng lên gấp bốn lần. Như vậy là những dữ kiện, đến từ tổ chức Canada, Thomson Reuters, chuyên đo lượng số bài báo khoa học, xác nhận một điều mà một số người đã nghi ngờ từ lâu nay : đó là Trung Quốc đang trở thành một ông khổng lồ trong ngành nghiên cứu khoa học, đứng sau Hoa Kỳ, nhưng đứng trước các quốc gia đến nay vẫn nổi tiếng trong lĩnh vực này, như là Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản.
Nếu đà này tiếp tục, thì đến năm 2020 Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc khoa học số một trên thế giới, ít nhất là về mặt khối lượng.
Bản tổng kết của Thomson Reuters liệt kê những bài báo mà một trong số các tác giả đang làm việc tại một phòng nghiên cứu của Nhà nước hay của tư nhân Trung Quốc, dựa trên Trang khoa học trên mạng, Web of Science. Trang này kê khai tất cả các công trình khoa học nhưng lại không chú ý đến phẩm chất của các bài báo đăng trên các tập san khoa học, nghĩa là không quan tâm đến ý kiến của cộng đồng khoa học đối với mỗi bài báo.
Nghiên cứu khoa học tập trung trên sáu bộ môn « chiến lược »
Có một điều chắc chắn, theo tờ Les Echos : từ mười năm qua, Trung Quốc là nước duy nhất có được một sự tăng trưởng với hai số về mặt sản xuất khoa học.
Hiện nay, sự phát triển vượt bực này tập trung trên những bộ môn được đánh giá là chiến lược vì những lý do liên quan đến tính chất ưu việt về mặt quân sự hay công nghiệp. Đó là các bộ môn vật liệu, hoá học, vật lý, toán học, chuyển giao công nghệ và tin học. Trong sáu lĩnh vực hoạt động này, « thị phần » của ngành nghiên cứu khoa học Trung Quốc chiếm từ 10 đến 20% của tổng số trên thế giới.
Năm ngoái, số bài báo khoa học của Trung Quốc là 112 000, trong khi đó của Đức và Nhật Bản là 80 000 và của Pháp là 60 000.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là các bài báo khoa học đó có giá trị và có xác đáng hay không ?
Dựa trên các bảng xếp hạng có ghi nhận yêu tố tác động của một bài khoa học, nghĩa là phẩm chất của bài báo, thì Trung Quốc đứng hàng thứ 10 trên thế giới.
Ngoài ra, theo tờ Les Echos, các nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng là những người cần cù, tuân lệnh cấp trên nhưng thiếu óc sáng tạo.
Các trường đại học Mỹ có rất nhiều nhà nghiên cứu cấp tiến sĩ đến từ Thượng Hải hay Thành Đô. Họ chấp nhận làm 14 tiếng một ngày và làm những công việc lặp đi lặp lại.
Một yếu tố khác giải thích hiện tượng bùng nổ của ngành nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc là chính phủ nước này khuyến khích, rất mạnh mẽ, các nhà nghiên cứu công bố công trình của mình. Đồng thời Bắc Kinh tung ra chiến dịch chiêu dụ những nhà nghiên cứu Trung Quốc đang tiến hành công trình khoa học ở ngoài nước, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, hãy trở về làm việc tại quê nhà.
Theo ông Manos Perros, một nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer « các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể thực hiện, trong vòng một tháng, những gì mà các nước Tây phương phải thực hiện trong sáu tháng ».
Tờ Les Echos cho biết thêm một dữ kiện, chứng minh nỗ lực của Trung Quốc để hội nhập thế giới kiến thức. Theo các con số chính thức, số sinh viên tại các trường đại học Trung Quốc đã tăng gấp năm lần kể từ năm 2000, và hiện nay tổng số sinh viên ở Trung Quốc là gần 25 triệu người.
Thanh Thủy