Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Khủng hoảng: Phương Tây quay lại học phương Đông

Khủng hoảng: Phương Tây quay lại học phương Đông

Thứ Tư 15, Tháng Mười Hai 2010

Mahbubani là Trưởng khoa Chính sách công của Trường Lý Quang Diệu, Singapore và là tác giả của cuốn The New Asian Hemisphere: The Irresistible Shift of Global Power to the East (tạm dịch: Bán cầu châu Á mới: Sự thay đổi không thể cưỡng lại được của quyền lực toàn cầu sang phương Đông).

Hầu như cả thế kỉ 20, châu Á đã tự hỏi có thể học hỏi được gì từ phương Tây hiện đại. Giờ thì câu hỏi phải ngược lại: Các quốc gia phương Tây ngập trong nợ nần và chậm chạp có thể học hỏi điều gì từ Ccâu Á đang phát triển nở rộ?

Đầu tiên và trước hết, phương Tây có thể học lại tinh thần thực dụng, suy nghĩ và hành động một cách thực tế. Chỉ vài thập kỉ trước, hai nước lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ bị trì trệ dưới hệ tư tưởng kinh tế - chính trị tập trung và quan liêu.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu theo đuổi những cải cách thị trường tự do vào những năm 1980, sau đó là Ấn Độ những năm 1990, cả hai nước đều đạt được tăng trưởng nhanh chóng.

Điều quan trọng là khi đó cả hai nước này đều không bỏ mặc những ngành còn non trẻ chìm nổi trước làn sóng mở cửa thị trường mà họ cân bằng chủ nghĩa tư bản với định hướng của chính phủ. Nhà kinh tế học Ấn Độ Amartya Sen đã rất thông thái khi nói rằng: "bàn tay vô hình của thị trường thường dựa trên bàn tay hữu hình của chính phủ".

Tương phản lại với đường lối dung hoà điềm đạm này là đường lối của Mỹ và châu Âu. Cả hai đều đã rất nhiệt thành đi theo đường lối của riêng mình và sự thiếu thực tế của họ đã khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.

Kể từ những năm 1980, Mỹ càng trở nên mê cuồng với ý tưởng về thị trường tự do không bị trói buộc và coi thường vai trò của chính phủ theo châm ngôn của Ronald Reagan rằng "Chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta. Chính phủ chính là một vấn đề".

Cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan đã đưa ý thức hệ này tới cực điểm bằng cách từ chối điều tiết thị trường tài chính phái sinh ngày một phình đại. Điều đó khiến cho thị trường này tăng lên gấp bội lần trong khoảng thời gian giữa 2002 và 2008, gấp 12 lần quy mô toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Dĩ nhiên, khi thị trường bắt đầu sụp đổ vào năm 2007, chính sự can thiệp quyết đoán của chính phủ đã cứu nền kinh tế.

Bất chấp sự thật này, rất nhiều nước châu Mỹ vẫn tán thành tư tưởng đối lập sâu sắc với "chính phủ lớn" như được minh chứng trong làn sóng chống đánh thuế gần đây của các ứng cử viên đảng Cộng hoà và đảng TEA mới bước vào Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kì.

Nếu người Mỹ có thể giải thoát cho bản thân họ khỏi sự trói buộc của tư tưởng phản đối chính phủ, họ có thể nhận thấy rằng vấn đề của Mỹ không phải là không giải quyết được.

Một số các biện pháp "nhạy cảm" có thể đưa đất nước trở lại đúng hướng. Một mức thuế tiêu thụ đơn giản, ví dụ, là 5% có thể giảm thâm hụt chính phủ một cách đáng kể mà không gây tổn hại đến khả năng sản xuất. Một khoản thuế xăng dầu nhỏ cũng giúp Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và tạo ra động lực để phát triển năng lượng xanh. Cũng như vậy, giảm các khoản trợ cấp nông nghiệp và các khoản chi tiêu lãng phí khác có thể giảm thâm hụt ngân sách.

Nhưng để tận dụng được những giải pháp này, Mỹ sẽ phải gạt sự gắn bó của mình với tư tưởng một chính phủ nhỏ hơn và ít quy tắc hơn sang một bên. Các chính trị gia Mỹ sẽ phải củng cố lòng can đảm để đi theo những gì được giảng dạy tại tất cả các trường công tại Mỹ rằng: có thuế tốt và thuế xấu.

Các nước châu Á đã theo đuổi sự thông thái này và kết quả là đã xây dựng được chính sách tài khoá dài hạn.

Trong khi đó châu Âu lại thất bại khi rơi vào một cái bẫy tư tưởng khác: niềm tin rằng chính phủ châu Âu sẽ luôn có một nguồn lực vô tận và có thể tiếp tục vay như thể không có ngày mai.

Không giống Mỹ luôn cho rằng thị trường hiểu mọi chuyện rõ nhất, châu Âu thất bại trong việc dự đoán thị trường sẽ phản ứng như thế nào với việc vay nợ không ngừng tăng lên của họ.

Ngày nay, châu Âu đang trong tình trạng báo động "hoả hoạn" để ngăn chặn sự sụp đổ. Cùng phối hợp với IMF, châu Âu đã tạo ra một quỹ trị giá 580 tỷ USD để cứu trợ cho các nền kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn. Điều này sẽ khiến châu Âu kéo dài thời gian nhưng cũng không giải quyết được các vấn đề lớn hơn của khối.

Giống như việc Mỹ cần phải học cách làm thế nào để tăng thuế một cách thông minh thì châu Âu cũng cần phải học cách làm thế nào để cắt giảm chi tiêu một cách thông minh - một thách thức mà các nền kinh tế châu Á đã được dạy cách tự khắc phục và vượt qua trong cuộc khủng hoảng vừa qua.

Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên phương Tây cần phải học lại sự thông thái của mình từ phương Đông. Đã có lần, thời kỳ phục hưng của châu Âu bắt đầu từ trí tuệ của Rome và Hy Lạp được cất giữ trong các trường đại học và thư viện của thế giới Ả Rập. Nguồn trí tuệ ấy đã "biến mất" trong suốt Đêm trường Trung cổ.

Hãy hy vọng rằng Đêm trường Trung Cổ của nền tài chính hiện tại đối với phương Tây sẽ ngắn hơn rất nhiều.

Dịch giả: Nguyễn Tuyến (VEF, theo Newsweek)