Khó khăn của Mỹ nếu khởi tố "ông WikiLeaks"

Assange hiện đang bị giam giữ ở Anh để đợi điều trần cho lệnh dẫn độ sang Thụy Điển về các cáo buộc phạm tội liên quan đến tình dục. Nhưng giới chức Mỹ cũng công khai nói rõ rằng họ hi vọng khởi tố ông chủ trang mạng WikiLeaks tại Mỹ vì đã tiết lộ hàng trăm ngàn bức điện tín ngoại giao mật của nước này.

Tổng chưởng lý Mỹ Eric Holder cho biết giới chức trách đang tìm kiếm một “cuộc điều tra hình sự rất nghiêm trọng”.

Các chuyên gia luật cho rằng mặc dù Assange công khai thừa nhận tiết lộ các tài liệu mật trên nhưng các đạo luật, quy định của Mỹ lại không hoàn toàn áp dụng được vào trường hợp của ông.

Luật gián điệp của Mỹ được sử dụng để truy tố các quan chức Mỹ cung cấp thông tin mật cho các chính phủ hoặc điệp viên nước ngoài, những người tìm kiếm các tài liệu mật của Mỹ.

Nhưng ông Assange, là công dân Australia và là cựu “hacker” máy tính và tự xưng là nhà báo, không hề làm việc cho chính phủ Mỹ. Ông cũng không có mối liên hệ với các chính phủ nước ngoài và hoạt động trên mạng internet, với tất cả các tài khoản đều “nghìn trùng xa cách” với đất Mỹ.

Khó chứng minh được Assange gây hại cho Mỹ

Không có một luật định nào của Mỹ quy kết một cách cụ thể đối với tội tiết lộ tài liệu mật của chính phủ, nhưng các chuyên gia luật cho rằng chính phủ rất có thể sẽ khởi tố ông theo Luật Gián điệp năm 1917, mặc dù ông Holder cho biết “chúng tôi có sẵn những công cụ khác”.

Theo Luật Gián điệp, các công tố sẽ phải chứng minh ông Assange biết việc tiết lộ có thể gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ hoặc cho thấy ông có can thiệp vào việc lấy các tài liệu của chính phủ.

“Điều này rất khó, nhất là đối với người được xem là nhà báo, như ông Assange tự nhận”, Gabriel Schoenfeld, một quan chức cấp cao tại Viện Hudson và tác giả của Những bí mật quan trọng: An ninh quốc gia, Báo chí và quy định của Luật.

Có một ví dụ điển hình đối với thất bại của Mỹ khi truy tố cá nhân gián điệp không làm việc cho chính phủ trong nước cũng như nước ngoài nào. Đó là vào năm 2005, khi 2 nhà vận động hành lang ủng hộ Israel có liên hệ với Aipac, một nhóm lợi ích của Israel, bị buộc tội lấy thông tin của chính phủ và phát tán cho các đồng nghiệp, là các nhà báo và nhà ngoại giao Israel. Nhưng các công tố đã phải dỡ bỏ cáo buộc sau khi một thẩm phán yêu cầu họ phải chứng minh hai người trên biết được việc phát tán tài liệu sẽ gây hại tới nước Mỹ.

Với trường hợp của ông Assange, luật sư Baruch Weiss, người đã từng đại diện cho hai nhà vận động hành lang ủng hộ Israel, nhấn mạnh trong một bài báo trên tờ Washington Post rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói các bức điện tín ngoại giao bị rò rỉ là một sự bẽ bàng lớn nhưng sẽ chỉ mang tới hậu quả “khiêm tốn” đối với chính sách ngoại giao của Mỹ.

Thêm vào đó, hồi tháng 11 ông Assange đã liên hệ với đại sứ Mỹ tại London Louis Susman, yêu cầu giúp đỡ biên tập lại thông tin có thể khiến các cá nhân có tên trong tài liệu gặp nguy hiểm. Khi chính phủ Mỹ từ chối, ông Assange vì thế kết luận nguy cơ gây hại là “không có thật”, trong khi tuyên bố ông không hề mong muốn gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ.

“Hiếm khi bị trừng phạt vì tiết lộ thông tin”

Một số chuyên gia luật cho rằng, nếu Assange bị kết tội, trong đơn kháng án ông có thể “phản pháo” rằng ông là một nhà báo, nên có quyền được bảo vệ theo luật tự do ngôn luận được quy định trong hiến pháp Mỹ. Và đây sẽ là một biện hộ mang lại nhiều lợi thế cho Assange.

“Tiết lộ thông tin mật cho báo chí hiếm khi bị trừng phạt như là một tội và chúng ta cũng biết không có trường hợp nào một nhà xuất bản thông tin lấy qua nguồn tiết lộ không được phép của một nhân viên chính phủ lại bị kết án vì việc xuất bản đó”, Jennifer Elsea, một nhà nghiên cứu luật của Quốc hội Mỹ cho biết trong một báo cáo BBC có được.

Ngoài Luật Gián điệp, cũng có đạo luật khác có thể kết tội đối với người lấy thông tin mật của chính phủ bằng cách truy cập vào máy tính mà không được phép. Nhưng các công tố sẽ phải chứng tỏ được Assange có can thiệp vào việc lấy các tài liệu trên của chính phủ Mỹ.

Và luật trừng phạt kẻ đánh cắp tư liệu cũng như tài sản của chính phủ không bao giờ được sử dụng để truy tố những người nhận thông tin đó, Elsea viết.

“Có vẻ như không có đạo luật nào cấm nhận hay xuất bản các bức điện tín ngoại giao”, cô cho biết thêm.

Nhóm luật sư của Assange cũng biện luận trước toà rằng Luật Gián điệp của Mỹ không áp dụng đối với những người nước ngoài hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Nhưng thậm chí ngay cả việc đưa ông Assange tới Mỹ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề, Jacques Semmelman, một luật sư ở New York am hiểu về luật dẫn độ đánh giá.

Tội gián điệp được nhìn nhận như là một tội chính trị và các các cáo buộc chính trị lại không được áp dụng cho việc dẫn độ theo các hiệp ước giữa Mỹ - Anh, Mỹ - Thụy Điển hay Anh – Thụy Điển, ông cho biết.

Phan Anh (DT, theo BBC)