Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Hài hước > Đĩa hài Tết 2011: Phong phú hay thập cẩm?

Đĩa hài Tết 2011: Phong phú hay thập cẩm?

Thứ Hai 24, Tháng Giêng 2011

Số lượng đĩa hài Tết ra mắt dịp Tết Tân Mão chỉ tính riêng khu vực phía Bắc cũng không còn đếm được trên đầu ngón tay. Các danh hài Nam Bắc, thậm chí cả hải ngoại chỉ bận chạy sô thôi cũng mệt bở hơi tai.

Càng gần Tết, các hãng phát hành càng đua nhau tung ra nhiều sản phẩm hài với những nhãn mác được tung hô là độc chiêu, cười nghiêng ngả…Tuy nhiên, phong phú, hài hước hay thập cẩm lại là chuyện khác.

Tràn ngập đĩa hài Tết

Nguyễn Công Vượng (còn gọi là Vượng râu) mở màn với đĩa hài “Bắc Nam cùng cười” với các tiểu phẩm: “Vượng râu in Asian”, “Bí chấm mật”... với một đề tài dân gian như hành nghề bói toán mê tín dị đoan, và một là các đại gia khát con trai và vợ trẻ.

Đĩa hài lần này của Vượng râu cũng tập trung được khá nhiều tên tuổi quen thuộc như: Văn Hiệp, Vượng râu, Minh Vượng, Thúy Nga, Quốc Khánh, Minh Nhí… Đặc biệt, phải kể đến sự tham gia lần đầu của kiện tướng Dance Sport Khánh Thi vào địa hạt hài kịch. Với đĩa hài này, Vượng Râu cũng được cho là chịu chơi khi có thể quay tại Việt Nam nhưng lại kéo cả đoàn sang thực hiện tại Trung Quốc.

Cùng lúc tung hai chiêu, hãng Thăng Long ra mắt “Tết cười” và “Cười xuân Nam Bắc”. Cả hai đĩa hài đều lấy từ những tích truyện dân gian, nội dung xung quanh những câu chuyện về làng quê. “Tết cười” gồm 2 tiểu phẩm “Siêu Nịnh” và “Kẻ cắp gặp bà già”, còn “Cười Xuân Nam Bắc” gồm các tiểu phẩm “Bu thằng Bời” và “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Các danh hài hai miền Nam Bắc như Hoài Linh, Hồng Vân, Quốc Anh, Công Lý, Vân Dung …sẽ cùng xuất hiện trong chùm đĩa hài này.

Xuân Hinh – một trong những nghệ sỹ hài kỳ cựu nhất cũng kịp ra đĩa hài Tết 2011 với tên gọi ““Hài tết Xuân Hinh 2011”, bao gồm hai tiểu phẩm: “Người ngựa - Ngựa người III” và “Bù nhìn rơm”. Đĩa hài do đạo diễn Lê Hùng dàn dựng cùng với sự tham của những danh hài như NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Hồng Vân, nghệ sĩ hài Xuân Hinh, NSƯT Trung Anh…

Mùa hài Tết năm nay, Công Lý cũng tham gia với vai trò đạo diễn của đĩa hài “ Cười cái sự đời” gồm hai tiểu phẩm: “Đường lên thiên đình” và “Cầy tơ bảy món”. Dựa trên sự tích ông Táo, nhưng để gắn với vấn đề thời sự, “Đường lên thiên đình” kể về ông táo thời ô nhiễm môi trường.

Đến hẹn lại lên, Hài Tết Táo quân 2011 cũng kịp ra mắt với tên gọi “Thị sát trần gian” do Cường Pro và New Style Media sản xuất, Hồ Gươm Audio - Video phát hành cũng sẽ chính thức ra mắt vào ngày 24.1 với bộ ba Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu. Đĩa hài có sự tham gia của các nghệ sĩ hài quen thuộc như Quốc Trượng, Hiệp "gà", Tiến Minh và Trung Hiếu.

Trước đó, Hồ Gươm Audio cũng đã phát hành đĩa hài “Đại gia chân đất” với một dàn diễn viên tên tuổi: Trung Hiếu, Quang Tèo, Văn Hiệp, Chiến Thắng, Bình Trọng, Hải Anh… Sắp tới, Hồ Gươm Audio còn tung ra tiếp sản phẩm hài chào Tết Tân Mão 2011 tựa đề “Sĩ diện”, có sự góp mặt của nghệ sĩ Phạm Bằng, Hương tươi, Quốc Anh, Bình Trọng...

Mới nhất là bộ sản phẩm đĩa DVD,VCD hài xuân cuối năm của Hãng Phim DMC với tên gọi “Bệnh trần gian”. “Bệnh trần gian” được dựng từ truyện cùng tên của nhà văn Huy Quyển. Bộ sản phẩm hài này có sự kết hợp giữa các danh hài hải ngoại, miền Nam và miền Bắc như: Hoài Linh (giả nữ) – Trí Tài (giáo sỹ nghệ thuật), Quốc Khánh (Ngọc Hoàng), Hương Tươi, Linh Xinh Thái Mèo (Táo Quân) Trà My, Thu Hà, Hiệp Vịt và Tuấn Dương..

Phong phú hay thập cẩm?

Khó có thể định hình được thị trường hài Tết 2011 với số lượng nhiều, thập cẩm, đủ món, đủ vị như năm nay. Số lượng các đĩa hài nhiều thì khán giả sẽ có nhiều thứ để xem, để lựa chọn. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng của các sản phẩm mà các hãng phát hành cũng như các nghệ sỹ hài tung ra mỗi dịp Tết đến.

Có thể nói, trong số các đĩa hài tết năm nay, “Bắc Nam cùng cười” tập trung được nhiều nhất các ngôi sao trong làng hài ở cả hai miền Nam Bắc. Không những thế, nó còn được dụng công trong việc tìm bối cảnh nhằm đổi mới cách thức làm hài, cũng như thay đổi khẩu vị cho công chúng.

Tuy nhiên, ở đĩa hài này, Vượng râu khai thác quá đậm đặc các câu từ nhạy cảm, thậm chí là tục tĩu. Cảm tưởng như mọi cách diễn đạt đều phải liên quan đến những yếu tố nhạy cảm và cảm tưởng như chỉ có thể gây cười được bằng cách thiếu văn hoá như thế.

Ví dụ như: Buồn đi vệ sinh thì nói "chỗ bóp cổ nhà máy nước ở đâu ấy nhỉ" rồi khi "thầy" phán: "Số em chẳng giàu thì nghèo/Lúc nào cũng có thịt treo trên người" và thày giải thích rằng "thịt treo trên người" là chỗ nhạy cảm, chỗ em vừa nhét tiền ấy...Khiếp đảm nhất là khi thầy còn “bồi” thêm rằng: "Đàn ông thì phải có râu/Đàn bà phải có cái để tay đàn ông bâu vào"...

Đạo diễn Vượng râu nói rằng anh mạnh dạn hơn trong việc khai thác yếu tố "tục" để chiều theo thị hiếu của khán giả và nhờ đó, số lượng đĩa bán ra đắt như tôm tươi. Nếu chỉ dựa vào yếu tố tục để câu khách thì số phận của hài sẽ đi về đâu?

Một nét mới của thị trường hài Tết năm nay là sự tham gia của nhiều gương mặt mới cũng như những gương mặt cũ với vai trò mới. Đạo diễn của “Thị sát trần gian” là đạo diễn trẻ Tạ Huy Cường (người dẫn dắt bộ phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua). Đây là lần đầu tiên anh đến với hài.

Vân Dung lần đầu tiên xuất hiện với vai trò viết kịch bản cho tiểu phẩm hài “Bu thằng Bời”. Bình Trọng cũng không kém cạnh khi là tác giả của “Đại gia chân đất”. Thậm chí, sắp tới anh còn cho ra mắt tiểu phẩm “Sỹ diện” với cả hai vai trò biên kịch và đạo diễn.

Với những gương mặt và những vai trò mới như vậy, không biết chất lượng của các tiểu phẩm có thực sự mang đến cho người xem những tiếng cười lý thú. Trong khi đó, những gương mặt cũ thì phải chật vật để tự đổi mới và làm mới mình với khán giả.

Hài Tết phát hành không thông thường chỉ là mua vui mà còn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Đó không chỉ là tiếng cường bình thường, mà là những tiếng cười ý nhị và đậm chất nhân văn.

Chi Anh (LĐ)


Hài kịch: Tết ở quê ra

Tập một

Tập hai