Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Du lịch > Gia Miêu - nơi phát tích Vương triều Nguyễn

Gia Miêu - nơi phát tích Vương triều Nguyễn

Thứ Hai 14, Tháng Hai 2011

Các nhà văn Huế đã tổ chức chuyến "hành hương" về thăm Gia Miêu ngoại trang, nơi phát tích của Vương triều Nguyễn ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, tỉnh Hà Trung, Thanh Hoá.

Có lẽ người miền Nam, ngay cả dòng họ Nguyễn Phúc cũng không nhiều người đã đến thăm Gia Miêu ngoại trang, quê hương của chúa Nguyễn Hoàng, thắp nén nhang lên mộ tổ Nguyễn Kim, bày tỏ niềm tri ân đối với những người mở cõi để mình được là con dân của một nước Việt Nam hình chữ S như bây giờ… Cho nên chuyến đi Gia Miêu lần này có ý nghĩa như tìm về cội nguồn.

Đi tìm đất quý hương

Vua Gia Long, từ hơn 200 năm trước đã phong cho Gia Miêu là đất quý hương. Theo đường quốc lộ 1A từ Bắc vào, đi qua Bỉm Sơn tìm mãi mới thấy biển đề lấp kín sau bụi cây: Gia Miêu ngoại trang. Cái ngành du lịch Thanh Hoá đến lạ. Gia Miêu ngoại trang đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, thế mà chẳng có cái biển chỉ dẫn đường sá cho đàng hoàng. Ngay cả Thành nhà Hồ từ phía Gia Miêu, Hà Trung đi lên Vĩnh Lộc để vào cửa Đông, không hề có một biển chỉ dẫn nào. Xe chúng tôi cứ vài chục mét lại dừng để hỏi. Nước ta đã làm du lịch trên 25 năm rồi, sao mà nhiều nơi vẫn lạnh nhạt với di tích đến vậy!

Đường lên Gia Miêu, mấy phút chúng tôi lại dừng xe hỏi. Đến Gia Miêu rồi cũng không thấy biển chỉ dẫn nào. Chúng tôi chợt thấy cái biển gỗ nhỏ xíu đề chữ đỏ viết vội bên phải "Nhà thờ họ Nguyễn Hữu". Sao lại là Nguyễn Hữu? Chúng tôi dừng lại hỏi, thì gặp ông Nguyễn Hữu Toại, là một trong những hậu duệ dòng Nguyễn Hữu. Ông Toại giải thích Nguyễn Hữu là một nhánh trong dòng họ 20 đời của Định Quốc Công Nguyễn Bặc (924 - 979) người Hoằng Hóa - Thanh Hóa, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân để lập ra triều Đinh đóng đô ở Hoa Lư mà đoàn nhà văn chúng tôi vừa ghé thăm hôm qua.

Nói rồi ông Nguyễn Hữu Toại cầm bản đồ gia hệ, sách lịch sử họ Nguyễn lên xe dẫn chúng tôi đến thôn Gia Miêu 2, nơi có nhà thờ của dòng họ Nguyễn Hữu có đề 6 chữ quốc ngữ: Bình ngô khai quốc công thần. Cả một chi họ lớn thế mà cái nhà thờ tổ bé bằng ngôi nhà rường nhỏ ở Huế. Ngôi nhà nhỏ nhưng ở trong có bàn thờ ba cấp uy nghiêm lắm. Tượng, bài vị đều sơn son thiếp vàng.

Theo ông Toại thì ở đây là nơi thờ tự ông tổ là Nguyễn Công Duẩn, hậu duệ đời thứ 10 của Nguyễn Bặc, bên dưới thờ Nguyễn Đức Trung và Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Kim (Cam). Theo sử sách thì Nguyễn Công Duẩn, lập nhiều chiến tích trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn , được Lê Lợi giao trách nhiệm lo hậu cần vận lương cho cuộc kháng chiến, ông Duẫn đều lo chu tất. Ông được phong tước Thái Bảo Hoành công, con cháu được đời đời làm công thần nhà Lê. Hậu duệ của Nguyễn Công Duẩn cuối đời Hậu Lê là Nguyễn Kim.

Đền thờ chi Nguyễn Hữu ở thôn Gia Miêu 2

Nguyễn Kim là một tướng giỏi, có nhiều công lao được phong tước An Thành Hầu. Khi nhà Hậu Lê bị nhà Mạc cướp ngôi, năm 1527, con cháu nhà Lê chạy trốn sang Lào. Lúc bấy giờ, hầu hết các cựu thần nhà Lê ngả về họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác, chỉ có Nguyễn Kim là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu vùng Thanh Hoá giáp Lào lập bản doanh phò Lê diệt Mạc. Sau đó ông đã tìm được con vua Lê là Lê Duy Ninh ở Lào và đưa về tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533-1548). Nguyễn Kim về sau được vua Lê phong làm Thái Sư Hưng Quốc Công, nắm giữ tất cả binh quyền.

Năm 1545, hàng tướng nhà Mạc Dương Chấp Nhất đầu độc bằng cách tẩm thuốc độc vào trong quả dưa hấu và dâng lên Nguyễn Kim. Thế là ông trúng độc mất khi 78 tuổi. Vua Lê đã truy tặng cho Nguyễn Kim tước Chiêu Huân Tĩnh Vương. Ông có hai con trai đều là tướng giỏi được phong chức Quận công. Trong đó có Nguyễn Hoàng trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở phía Nam. Nguyễn Hoàng được vua Lê phong tước Thái úy Đoan Quốc Công. Năm 1558, người ta bảo nghe Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gợi ý Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân, ông xin vào trấn thủ Thuận Hoá, đóng đô ở Ái Tử, Quảng Trị thành Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) .

Có nguồn sử liệu ghi: Nguyễn Công Duẩn có 7 người con trai, sau phân thành 7 chi. Chi 4 là Nguyễn Như Trác sinh Nguyễn Văn Lưu. Văn Lưu sinh ra Nguyễn Kim. Hiện nay có tới 7 bộ gia phả họ Nguyễn. Có gia phả chép là Nguyễn Trãi (1380-1442) là hậu duệ thứ 11 của Nguyễn Bặc, Khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc sau vụ án oan khiên Lệ Chi Viên, có 2 người con của Nguyễn Trãi còn sống và được bổ dụng sau này.

Một người con cả là Nguyễn Công Duẩn từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, không có mặt ở nhà khi cả họ bị hình nên thoát nạn. Người con nhỏ là con của một người vợ thứ của Nguyễn Trãi đã có mang cũng trốn thoát khi cả nhà bị hình, sau sinh được Nguyễn Anh Vũ. Gia phả họ Nguyễn còn ghi: sau này 2 chi của Nguyễn Công Duẩn và Anh Vũ trở thành hai ngành nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, một ngành là các Chúa Nguyễn và một ngành là họ Nguyễn Hữu có Nguyễn Hữu Dật (Gia Miêu ) cũng là khai quốc công thần của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà hậu duệ có Nguyễn Hữu Cảnh, ông tổ khai canh của đất Sài Gòn Gia Định. Tướng tài Nguyễn Hữu Cảnh lớn lên ở Quảng Bình có công lớn giúp các chúa Nguyễn mở cõi về phía Nam 300 năm trước (Sách Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1997 của Nguyễn Ngọc Hiên và sách Tông phả kỉ yếu tân biên (2006) của Phạm Côn Sơn).

Tuy nhiên, cũng có nhiều sử gia đã khảo cứu nhiều nguồn tài liệu, gia phả họ Nguyễn khác cũng như các sử sách để lại, thì cho rằng: Nguyễn Trãi không phải ông tổ của các Chúa Nguyễn. Theo một số nhà nghiên cứu, gia phả này chép lẫn gia phả họ Nguyễn Gia Miêu vào họ Nguyễn Nhị Khê (Nguyễn Trãi - ở Hà Tây ) do phải trốn tránh họa tru di. Có lẽ giả thuyết này có lý hơn.

Lăng Trường Nguyên

Sau khi thắp nhang bái lạy tổ Nguyễn Công Duẩn ở Nhà thờ họ Nguyễn Hữu, ông Toại dẫn chúng tôi đi thăm lăng mộ Nguyễn Kim. Rẽ trái khoảng cây số là đến vùng núi Triệu Tường, Thiên Tôn. Đây là Lăng Trường Nguyên, còn gọi là Lăng Triệu Tường, là nơi hợp táng ông bà Nguyễn Kim và Hoàng hậu triều Nguyễn - thân sinh và thân mẫu của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Rừng Thiên Tôn bây giờ đã thưa thớt, nhưng từ lăng Triệu Tổ Nguyễn Kinh nhìn lên núi non cũng uy nghiêm lắm.

Đền thờ Nguyễn Kim ở thôn Gia Miêu 3

Theo ông Toại, còn có Miếu Triệu Tường cách đây hơn cây số. Theo nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Miếu Triệu Tường xây dựng ở cánh đồng tại thung lũng chân núi, cách khu vực lăng trên dưới 1km. Miếu Triệu Tường thờ gốc tổ triều Nguyễn, gồm nhiều kiến trúc bố trí trong một khu vực chu vi đo được 182 trượng, bao quanh có hồ nước và cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc được xây dựng năm 1834 - 1835. Vì thế Miếu Tường còn có tên Thành Thiên Tôn hay Thành Triệu Tường.

Không gian bên trong Thành Triệu Tường chia làm 3 khu vực: Khu vực chính ở giữa xây Miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Khu vực phía đông dựng miếu thờ Trừng Quốc Công (Nguyễn Văn Lưu- thân phụ của Nguyễn Kim), khu vực phía tây dành làm nơi trú ngụ của các quan và gia đình hộ lăng và trại lính canh lăng. Tất cả đều do các vua Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng xây dựng. Từ ngày nhà Nguyễn sụp đổ (9-1945), Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn một thời bị cho là "phản động"… nên các lăng miếu ấy trở nên đổ nát, hoang tàn.

Năm 2007, lăng Triệu Tường được trùng tu khôi phục lại nơi thờ vọng, bia và nhà bia ở chân núi và lăng thờ Nguyễn Kim kinh phí hết 300 triệu do bà con tộc Nguyễn Phúc, Nguyễn Hữu quyên góp. Đường vào lăng Nguyễn Kim đúc bê tông rộng rãi. Làng Gia Miêu xưa bây giờ chia thành 3 làng : Gia Miêu 1, Gia Miêu 2, Gia Miêu 3. Lăng Triệu Tổ Nguyễn Kim thuộc địa phận làng Gia Miêu 3.

Ở lăng bia Nguyễn Kim có tấm bia đá khắc công tích của Đức Triệu Tổ Nguyễn Kim. Có bức tường khắc bản dịch của vua Thiệu Trị dịch bài minh bằng chữ Hán của vua Minh Mạng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Nội dung như sau: "Đất lớn chúa Thiêng sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nên rạng thánh võ/ Nghĩa động quỉ thần công truyền vũ trụ/ Cõi trần rời bỏ lăng ở bái trang/ Non nước bao bọc sấm mắt tùng xanh/ Khí thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh/ Mệnh trời đã giúp con cháu tinh anh/ Võ công dựng nước bèn tìm gốc nguồn/ Tuy tôn dựng miếu lăng gọi Trường Nguyên/ Tân tuy Bắc tuần đến đây dựng lại/ Trông ngắm non sông nhớ đến gốc cõi/ Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài".

Theo ông Nguyễn Hữu Toại, sau khi Di tích Gia Miêu được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, Miếu Triệu Tường, Đình Gia Miêu, những di tích quan trọng của đất thiêng Gia Miêu ngoại trang,chính quyền tỉnh Thanh Hoá đã có kế hoạch đầu tư lớn để phục dựng và bảo tồn. Nghe mà phấn chấn trong lòng.

Về cái chết của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim, ở lăng Trường Nguyên có bài ghi công đức có đoạn: "Năm Ất Tỵ (1545), ngài tiến quân ra Đông Đô, nhưng bị lụt phải trở về đóng quân ở Yên Mô (Ninh Bình). Ngài bị hàng tướng (tướng đã về hàng địch) nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc bằng cách tẩm thuốc độc vào quả dưa dâng lên". Ông mất ngày 20 tháng 5 năm Ất Tỵ (26/6/1545). Linh cữu ngài được đưa về Bái Trang, huyện Tống Sơn (bây giờ là Hà Trung), Thanh Hoá, táng tại núi Thiên Tôn. Để tránh bị các thế lực thù địch quật phá trừ diệt, họ Nguyễn đã giữ bí mật nơi táng ông và sau đó là bà chánh hậu Nguyễn Thị Mai (Triệu Tổ Tĩnh Hoàng hậu).

Ông Toại kể giai thoại về việc thiên táng ông bà Triệu Tổ Nguyễn Kim như sau: để giữ bí mật huyệt mộ của ông bà Nguyễn Kim, người ta đã dựng lên một huyền thoại: Ở vùng núi Triệu Tường vốn đã có một long khẩu (miệng rồng). Đến khi vừa đưa quan tài vua Triệu Tổ Nguyễn Kim vào thì bỗng nhiên trời đổ xuống một trận mưa gió sấm sét dữ dội. Người đi đưa tang hoảng sợ chạy tán loạn. Đến khi gió bão đi qua, cơn mưa cũng tạnh mọi người trở lại thì chỉ còn thấy núi đá chi chít, cây cỏ um tùm, không thể nào nhận ra được nơi có long khẩu chứa quan tài của Triệu Tổ ở đâu nữa cả. Về sau có ai hỏi lăng mộ Triệu Tổ Nguyễn Kim an táng nơi đâu, những người có trách nhiệm trả lời: "Ngài được hổ táng, thiên táng nên không thể biết". Khi có tế lễ, họ tộc và các chức sắc nhà Nguyễn cũng chỉ hướng vào vùng núi Triệu Tường mà vọng bái thôi. Ôi, người tài giỏi thời nào cũng thế, chết không yên thân, không mồ yên mả đẹp!

Phần kết

Rời Gia Miêu ngoại trang, tôi cứ miên man nghĩ về miền địa linh nhân kiệt Thanh Hoá. Quả thực không nơi nào sinh ra lắm người tài làm vua, chúa như mảnh đất "khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào" này. Thanh Hoá là quê hương của vua chúa thời Tiền Lê, Sơ Lê, Lê Trung Hưng, Lê Hoàn, Lê Thái Tổ, Hồ Quý Ly… Xứ Vĩnh Lộc, Thanh Hoá là quê hương của Trịnh Kiểm, người mở đầu cho 12 đời chúa Trịnh 249 năm ròng. Rồi Gia Miêu ngoại trang là quê hương của 9 chúa, 13 vua Vương triều Nguyễn: bắt đầu từ 1558, kết thúc năm 1945, kéo dài 387 năm. Một chặng đường lịch sử dằng dặc .. .

Các chúa, vua Nguyễn có nhiều khiếm khuyết trong lịch sử, nhưng họ chính là triều đại đã mở cõi tạo nên dáng hình Tổ Quốc hôm nay. Công lao đó là vô cùng lớn. Đó là điều không thể phủ nhận. Ngay một ông vua nhiều tai tiếng nhất Nguyễn Phúc Ánh, tức vua Gia Long, năm 1802, lên ngôi Hoàng đế cũng đặt niên hiệu là Gia Long (Gia là Gia định, Long là Thăng Long), thể hiện ý thức quyết liệt của mình. Đó là việc thống nhất toàn vẹn đất nước. Lịch sử Vương triều Nguyễn đã tạo nên nhiều biến cố ở Đại Việt. Tất cả đều phát tích từ một vùng thôn quê rất hẻo lánh: Gia Miêu ngoại trang. Đó là sự lạ lùng của lịch sử

Ghi chép của nhà văn Ngô Minh (CAND)