Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Khổng Tử về Thiên an môn
Khổng Tử về Thiên an môn
Thứ Năm 24, Tháng Hai 2011, bởi
Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Ngô Vi Sơn, Viện trưởng Viện Điêu khắc thuộc Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Trung Quốc, Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc [1]. Ông giới thiệu: Trong thời gian họp Quốc hội và họp Đại hội Chính Hiệp toàn quốc hồi tháng 3 năm ngoái, Giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia đề nghị ông làm bức tượng này.
Tượng đài là một phần của công trình cải tạo mở rộng Bảo tàng Quốc gia chi phí hết 2,5 tỷ Nhân Dân tệ (380 triệu USD) tiến hành trong mấy năm nay. Tượng đúc bằng đồng đen, cao 7,9 m, nặng 17 tấn, bệ cao 1,6m, tổng chiều cao 9,5 m, theo đúng quy cách kiến trúc Cửu Ngũ chi tôn dành cho bậc đế vương. Dòng chữ Khổng Tử và năm sinh, năm mất, đúc bằng vàng gắn trên bệ do một đại gia Quốc học viết. Tượng đài hoàn thành trong 8 tháng, hơi vội cho nên khá thô, thoạt trông như một tảng đá, một hòn núi. Có thể đấy là dụng ý của tác giả.
“Vị thánh nhân vĩ đại ấy tiên tri tiên giác, tựa hồ dự kiến được 2500 năm sau mảnh đất Trung Hoa này sẽ trời yên biển lặng, quốc thái dân an” – Ngô Vi Sơn phát biểu trong lễ khánh thành tượng đài.
Chắc là ông Ngô muốn nhắc tới thời Chiến quốc đại loạn quần hùng tranh bá xa xưa và cái thời hết “Chỉnh phong”, “Tam phản ngũ phản” lại đến “Cách mạng văn hoá” không lúc nào yên ổn hồi thập niên 40-70 thế kỷ XX.
Lịch sử Trung Quốc cho thấy, đạo Khổng chỉ được tôn vinh khi đất nước này thái bình. Sau ngày Chủ tịch Mao qua đời, Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế, không say mê đấu tranh nội bộ như trước. Hơn ba chục năm trôi qua, trời đã yên biển đã lặng, thánh nhân được rước về nơi linh thiêng nhất trong lòng người Trung Quốc – quảng trường Thiên An Môn.
Cụ Khổng trong tượng y phục giản dị, hông bên trái đeo bảo kiếm, hai tay chắp vào nhau, mắt đau đáu nhìn về phương xa, nét mặt đôn hậu hiền từ, vẻ cam chịu – chứ không mỉm cười như quy định về tượng Khổng Tử do Hội Khổng Tử đặt ra trước đây dăm năm.
Cụ cam chịu là phải. Số phận cay đắng đến với Khổng Tử ngay từ hồi sinh thời, cụ bỏ ra 16 năm đi khắp thiên hạ du thuyết kêu gọi vua chúa các nước chấp nhận đường lối “Nhân trị” (Nhân: thương người), nhưng chẳng ai nghe. Chẳng ai biết tới học thuyết của cụ. Sau khi cụ qua đời, các môn đệ của cụ chép lại lời thầy thành cuốn Luận Ngữ, từ đó thiên hạ mới biết đến học thuyết của Khổng Tử, nay ta gọi là Nho giáo (còn gọi là Nho gia, Nho học, Nho thuật) ...
Hơn 300 năm sau khi cụ chết, Hán Vũ Đế ra lệnh “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật”. Từ đó trở đi tên tuổi cụ mới được vinh danh suốt hai nghìn năm. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX khi nhà Thanh hèn nhát khuất phục trước các đế quốc phương Tây, giới tân trí thức Trung Quốc tố cáo học thuyết của cụ là nguồn gốc làm dân tộc này hèn yếu, từ đó cụ bị phê phán suốt một thế kỷ. Cách mạng Văn hoá 1966-1976 vùi cụ xuống đất đen. Cụ chỉ được tôn vinh trong quần thể người Hoa ở ngoài đại lục.
Từ ngày Trung Quốc cải cách mở cửa, Khổng Tử được dần dần ngẩng mặt, nay lại được rước về Thiên An Môn thực quá vinh hiển; nhưng nghĩ lại chuyện cũ, cụ chẳng tin lần này mình sẽ được tôn vinh mãi mãi, cho nên cụ chưa thể vui cười. Xem ra Ngô Vi Sơn rất hiểu tâm trạng Khổng Tử.
Quả vậy, tượng vừa dựng lên đã có vô số dân mạng đòi dỡ bỏ hoặc doạ dỡ bỏ. Lý do: Khổng Tử là đại diện cho tư tưởng phong kiến lạc hậu, trái với chủ nghĩa xã hội, trái với dân chủ. Người ta chưa quên lời Chủ tịch Mao: Học thuyết Khổng Tử danh cao, thực ra là rác rưởi.
Tượng Đức Khổng nhìn sang thành lầu Thiên An Môn, nơi treo ảnh ông Mao; bức ảnh lớn nhất Trung Quốc này cao 6 m, rộng 4,6 m, kể cả khung ảnh nặng tất cả 1,5 tấn, từng được 4 đời hoạ sĩ nổi tiếng tạo tác.
Hai thần tượng Mao-Khổng nhìn nhau qua khoảng cách chiều rộng một đại lộ, khiến du khách có cảm giác họ đang đối thoại với nhau vượt qua thời gian và không gian.
Một nhà báo bình luận: họ Khổng điềm đạm khuyên họ Mao nên thương người, dĩ đức trị quốc; họ Mao thì luôn tràn ngập trong niềm vui đấu tranh với trời với đất với người.
Việc dựng tượng do Bộ Văn hoá chủ trì, người ta đã trù tính chu đáo mọi chuyện để vong hồn ông Mao nếu có thức dậy cũng chỉ thấy đây là một việc không có mưu mô chính trị gì: địa điểm Nhà Bảo tàng Quốc gia vốn là nơi đặt trụ sở Bộ Lễ triều nhà Thanh, thuần túy thuộc về văn hoá. Việc xuất hiện tượng kẻ từng bị mình ra sức hạ bệ cũng không làm ông Mao lo ngại, bởi lẽ trên quảng trường này còn có Nhà Tưởng niệm Mao Trạch Đông đồ sộ, suốt ngày dân chúng xếp hàng vào xem, bên trong có bức tượng rất lớn của ông – nhà báo nói.
Lễ khánh thành tượng đài được tổ chức một cách khôn ngoan: do Viện Bảo tàng Quốc gia tổ chức, khách mời cao nhất có Phó Chủ tịch Quốc Hội Tưởng Thụ Thanh và Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc Tôn Gia Chính, hai nhân vật không có thực quyền, và một Thứ trưởng Bộ Văn hoá. Điều đó cho thấy người ta chỉ muốn nhấn mạnh ý nghĩa văn hoá của chuyện này.
Thực ra ai cũng biết dựng tượng Khổng Tử tại Thiên An Môn là chuyện rất nhạy cảm, không chỉ có ý nghĩa văn hoá mà có ý nghĩa chính trị, và phải được cấp rất cao duyệt y. Dư luận đang hỏi ai là người đưa ra chủ trương ấy, ý đồ sâu xa của nó là gì – chủ nghĩa dân tộc hay CNXH đặc sắc Trung Quốc? CNXH liệu có bị thay bằng Nho giáo hay không?
Sự kiện nói trên làm bùng lên một cuộc tranh cãi ầm ĩ, kẻ tán thành người phản đối. Dù ai nói gì, dù ai yêu hay ghét thì Khổng Tử vẫn là một nhân vật lịch sử không ai có thể bỏ qua.
Nhiều người cho sự kiện đó là một tín hiệu rất quan trọng chứng tỏ quốc gia vĩ đại này đang tìm về cội nguồn văn hoá của mình, Nhà nước muốn dùng văn hoá truyền thống để hội tụ niềm tin của toàn dân tộc. Người khổng lồ Trung Quốc đã trỗi dậy, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rồi, nay cần tìm chỗ dựa văn hoá, tư tưởng. Lâu nay văn hoá phương Tây lấn át phương Đông, Trung Quốc chưa tận dụng được nền văn hoá lâu đời 5000 năm của mình để rèn được một tính thần dân tộc riêng, như thế sao có thể ngẩng cao đầu.
Có người nói sự kiện trên đánh dấu thời đại hệ tư tưởng phương Tây thống trị Trung Quốc đã trở thành quá khứ. Bao năm nay người Trung Quốc chỉ biết tiếp thu các tư tưởng đến từ phương Tây (Lenin đã bị quên từ lâu, còn Marx cũng bị coi là người phương Tây?). Đất nước chiếm 1/4 nhân loại này đã đến lúc cần xây dựng hệ tư tưởng riêng của mình cho xứng với tầm vóc một quốc gia đang sắp sửa dẫn đầu thế giới về quốc lực tổng hợp. Phục hồi học thuyết của Khổng Tử là hướng đi được lựa chọn.
Từ thập niên 90 thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dần dần phục hồi Quốc học, tức học thuật Trung Hoa. Đa số học giả Quốc học muốn phục hồi Nho giáo mà họ cho là quan trọng nhất. Chính quyền ngầm ủng hộ quan điểm đó. Học thuyết Khổng Tử từng trụ vững mấy nghìn năm trong xã hội nước này, rễ bén rất sâu, lấn át tất cả các học thuyết Đạo gia, Pháp gia v.v...
Có điều, vua chúa phong kiến đề cao Khổng Tử nhưng lại không thực thi phần tốt đẹp nhất trong Khổng học là “Nhân trị”, vì thế làm mất thanh danh của cụ. Các học giả nói: xưa nay xã hội Trung Quốc có hai cụ Khổng. Một Khổng Tử đích thực, nhà hiền triết mà tư tưởng của cụ thể hiện trong sách Luận Ngữ có thể tóm gọn trong một từ Lương tâm xã hội – Khổng Tử ấy bị chế độ phong kiến lờ đi. Chúng lợi dụng một Khổng Tử “nhân tạo” được tô vẽ tâng bốc tới mức có người nói “Trời không sinh Trọng Ni, muôn đời như đêm tối”.
Nhưng việc phục hồi Nho giáo tiến hành rất trầy trật, dù có sự hậu thuẫn không ra mặt của chính quyền. Giới học giả phái Mác-xít cũng như phái tự do đều ra sức phản đối. Có điều, phong trào phục hồi Quốc học, tức phục hồi Khổng học, vẫn cứ lan rộng ra. Phái ủng hộ Quốc học hoạt động ngày một sôi nổi và họ gắn việc này với sự nghiệp thống nhất đất nước – thống nhất bằng văn hoá. Đài Loan xưa nay ủng hộ đề cao Khổng Tử..
Học giả phái tự do Lý Linh viết “Chó không nhà – Tôi đọc Luận Ngữ”, được bình chọn là sách hay nhất Trung Quốc năm 2007. Sách phê phán Nho giáo một cách hệ thống, lý lẽ sâu sắc khó có thể phản bác. Nhưng tên sách bị nhiều người phản đối. Tác giả thanh minh: Đây chính là lời Khổng Tử tự nói về cụ; bất cứ nhà trí thức nào hoài bão lý tưởng mà bất mãn với thế giới hiện thực thì đều là Chó không nhà...
Cùng thời gian ấy bà giáo sư Vu Đan lên Đài Truyền hình trung ương thuyết giảng ca ngợi Khổng Tử hết lời, được bàn dân thiên hạ (chủ yếu phụ nữ) khen hay. Các bài giảng ấy tập hợp thành sách “Vu Đan Luận Ngữ Tâm đắc” bán được mấy triệu bản, tác giả được bình chọn là một trong mấy người đẹp nhất Trung Quốc và được mời sang Đài Loan diễn thuyết.
Hai cuốn sách viết về đức Khổng, một phê phán tơi bời, một ca ngợi quá đáng, đều cùng là sách bán chạy nhất. Chuyện ấy có lẽ chỉ có ở Trung Quốc.
Vì sao Khổng Tử lại long đong lận đận như vậy?
Có thể kết luận: tất cả là do bàn tay các nhà chính trị quê hương cụ. Khi cần cụ thì người ta dựng cụ lên, khi không cần thì đạp đổ. Cũng con người ấy, học thuyết ấy, lúc thì ca ngợi lên mây, lúc thì vùi giập không thương tiếc. Tất cả chỉ để phục vụ mục đích sâu xa của tầng lớp cầm quyền.
Nho giáo trọng lễ giáo, đề xướng “Quân quân thần thần”, tức ai nấy nên tôn ti trật tự vua là cao nhất, rồi đến quan, chớ có “vượt rào”. Hán Vũ Đế phát hiện Nho giáo có thể củng cố vương triều mình, vì thế đưa học thuyết ấy lên làm hệ tư tưởng của chế độ phong kiến.
Mao Trạch Đông muốn lật đổ sự lãnh đạo của Lưu Thiếu Kỳ và “Phái đương quyền” chống Mao, vì thế ông phải đánh đổ Nho giáo, khuyến khích Hồng Vệ Binh “Tạo phản”. Khi Giang Thanh muốn hạ bệ Thủ tướng Chu Ân Lai có cốt cách nhà Nho trung dung đang chặn con đường thăng tiến của mình, bà ta phát động phong trào “Phê Lâm phê Khổng”.
Giờ đây, hơn ba chục năm sau khi Mao qua đời, tượng Khổng Tử chễm chệ ngự ngay tại Thiên An Môn. Rõ ràng, ngài lại được dùng để phục vụ nhu cầu chính trị trong thời kỳ mới, khi Trung Quốc đang tiến lên ngôi vị siêu cường thế giới.
Trước
hết là nhu cầu làm cho nội bộ xã hội được hài hoà, yên ổn. Sau 30 năm cải cách mở cửa, kinh tế phát triển thần tốc, đất nước giàu lên chưa từng thấy, cái bánh ga-tô thành quả kinh tế ấy nên phân chia thế nào cho được lòng tất cả mọi người, chuyện ấy đã trở thành vấn đề lớn nhất bên trong xã hội Trung Quốc. Do tác động của các nhóm lợi ích, của cái gọi là chủ nghĩa tư bản thân quen (cronycapitalism), sự phân phối thành quả kinh tế ngày càng bất công, lắm nơi dân nghèo tức giận biểu tình phá phách, giữ ổn định xã hội trở thành vấn đề gay cấn nhất hiện nay. Ban lãnh đạo nước này đề xuất phải thực hiện ý tưởng xã hội hài hoà. Liên kết ý tưởng ấy với vị Chí thánh tiên sư cách đây 2500 năm sẽ thể hiện ý tưởng cai trị xã hội hiện nay là có nguồn gốc lịch sử và trí tuệ sâu xa, như thế sẽ dễ giành được sự đồng thuận xã hội. Truyền thống bao giờ cũng là nguồn sức mạnh vô biên, không nhà lãnh đạo nào không tận dụng. Giờ đây người ta giải thích chữ “Hoà” (hoà bình, hài hoà ...) như sau: bộ Hoà bên trái nghĩa là thóc gạo, chữ Khẩu bên phải nghĩa là ăn; dân có thóc gạo ăn thì dĩ nhiên là hoà bình, hài hoà rồi. Chữ “Hài”: bộ Ngôn bên trái nghĩa là nói, chữ Giai bên phải nghĩa là “tất cả đều”; khi mọi người đều được quyền nói tức là dân chủ, là hài hoà với nhau.
Thứ hai là nhu cầu đối ngoại. Trên thế giới, Khổng Tử là người Trung Quốc nổi tiếng nhất xưa nay, được gọi là “Tấm danh thiếp” của Trung Quốc; Nho giáo của cụ gắn liền với lịch sử đất nước này, chả thế nhà chính trị học người Mỹ Huntington xếp văn hoá Trung Quốc vào loại hình văn hoá Nho giáo. Mao Trạch Đông từng nói Khổng Tử chỉ là thánh nhân của Trung Quốc phong kiến, Lỗ Tấn mới là thánh nhân của Trung Quốc hiện đại. Nhưng thời nay lời ông Mao đã mất thiêng. Khổng Tử dường như đã trở thành đại diện duy nhất của văn hoá Trung Hoa xưa và nay. Lỗ Tấn bắt đầu bị hạ bệ dần. Chính phủ Trung Quốc bỏ tiền tỷ ra xây dựng Học viện Khổng Tử khắp thế giới để quảng bá nền văn hoá của nước họ.
Có một chuyện liên quan đến Khổng Tử: sau khi biết tin Lưu Hiểu Ba được tặng giải Nobel hoà bình, một số học giả Trung Quốc phản đối sự trao giải này đã đặt ra Giải hoà bình Khổng Tử (Confucius Peace Prize) để đối chọi lại giải Nobel [2]. Rõ ràng Trung Quốc muốn dùng văn hoá Khổng học để chống lại “sự xâm lăng của văn hoá phương Tây”. Họ ra sức tuyên truyền ý tưởng văn hoá phương Đông đang thay thế văn hoá phương Tây dẫn đầu thế giới. Tư tưởng Khổng Tử sẽ là thứ sức mạnh mềm mà Trung Quốc đang thiếu, khi sức mạnh cứng của họ đã khá đủ để chọi lại phương Tây.
Có thể thấy quá trình phục hồi Nho giáo chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Sau cả thế kỷ bị vùi giập, Nho giáo gần như đã chết trong lòng người Trung Quốc, nay khó có thể trở lại vị trí như trước; nhất là vì nó đi ngược với chủ nghĩa cộng sản, với trào lưu hiện đại hoá, dân chủ hoá. Gần đây không ít nhân vật có máu mặt ở Trung Quốc vẫn lên tiếng phê phán nó. Trung tướng Lưu Á Châu Chính ủy ĐH Quốc phòng Trung Quốc nói Nho giáo là triết học của xã hội quan trường hoá, chủ trương ngu dân; Nho giáo có tội với người Trung Quốc ...
Thế nhưng giờ đây tượng Khổng Tử đã được dựng tại nơi ảnh Mao Trạch Đông độc chiếm từ năm 1949 tới nay. Việc này rõ ràng có ý nghĩa chính trị chứ không đơn thuần chỉ để thu hút khách du lịch. Một tượng đài đồ sộ lạ mắt có lẽ được du khách chú ý hơn một bức ảnh. Phải chăng họ Khổng đang lấn lướt họ Mao, học thuyết của hai vĩ nhân đang đổi vị trí cho nhau?
Sự kiện trên khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi về định hướng phát triển chính trị của Trung Quốc trong tương lai. Song có lẽ chẳng ai có thể đưa ra kết luận gì, bởi lẽ Trung Quốc xưa nay bao giờ cũng là một đất nước thần bí, khó hiểu.
Ghi chú
[1] Tương đương Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
[2] Hôm 9/12/2010 Ban Bình chọn giải Hoà bình Khổng Tử (gồm 6 giáo sư ĐH Bắc Kinh, ĐH Sư phạm Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa) đã làm lễ trao giải này đầu tiên tại Bắc Kinh, người được tặng là ông Liên Chiến, Chủ tịch danh dự Trung Quốc Quốc Dân Đảng (ở Đài Loan) “do có đóng góp cho việc bắc cầu hoà bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan”; nhưng ông này nói không biết có giải này và không sang Trung Quốc nhận giải. Kết quả một bé gái 6 tuổi được bảo là “đại diện cho Liên Chiến” lên nhận giải trị giá 15000 USD. Có dân mạng TQ nói giải này cũng như tượng Khổng Tử tại Thiên An Môn, chỉ là trò hề.
Nguyên Hải