Thầy tôi – những điều chưa nói

Mười năm trước, khi thầy bảy mươi, tôi đã viết tiểu khúc thứ nhất. Chúng tôi nói với thầy:
Cuộc vui nhớ buổi hôm nay,
Chén mừng xin hẹn ngày thầy tám mươi.

Rồi cái ngày ấy đã đến rất nhanh. Nhanh như thời gian tăng tốc. Thầy tôi nay đã tuổi tám mươi tròn. Nhìn thầy vóc dáng vẫn nhanh nhẹn tuy lưng thầy có còng hơn, tóc thầy có bạc hơn:
Mười năm thầy có già thêm,
Quê hương, thế sự, lắm đêm nghĩ nhiều.

Nhưng trong khoa học thì tư duy thầy vẫn trẻ trung, say mê sáng tạo và công trình của thầy thật hoành tráng. Giữa đường thầy đã nhận Giải thưởng Khoa học Hồ Chí Minh, thầy bước lên đài vinh dự cùng với các tên tuổi tiền nhiệm: Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu,…

“Bính Dần lòng đạo chẳng pha phôi” là bản lĩnh của thầy.

Được bắt đầu từ một gợi ý văn chương của học giả Hoàng Xuân Hãn trước đó hơn mười năm là phải chăng có thể dựa vào các chữ kỵ húy trong văn bản truyện Kiều mà tìm hiểu lai lịch của bản Kiều gốc qua các diễn tiến, thầy tôi đã trăn trở, lao tâm khổ tứ và quyết định đi vào một vấn đề đến nay chưa ai làm: đem phương pháp của Ngôn ngữ học lịch sử nghiên cứu văn bản.

Thầy khởi đầu với bản Kiều Duy Minh Thị (1872). Một nghiên cứu tư liệu đồ sộ đã được công bố. Rồi sau đó là sách lớn nghiên cứu về các văn bản Kiều Nôm thế kỷ XIX. Thầy, bằng cách tiếp tục nghiên cứu các chữ húy kỵ trong truyện, đã mạnh dạn là người thứ nhất đưa ra đề xuất mới về thời điểm Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều khi nhà thơ vừa ngoài ba mươi tuổi (1787 – 1790).

Những bài viết gần đây của thầy mang tính khai phá đã gây xôn xao dư luận giới nghiên cứu cổ học về những ý tưởng mới, rất mạnh bạo mà có cơ sở khoa học.

Khi thầy 70 tuổi, tôi đã kính thầy mấy vần thơ viết thư nơi xa (1), nay thầy 80, lại cũng từ nơi xa, tôi xin gửi đến thầy mấy vần hoạ tiếp:
Mới đó thầy ta đã tám mươi,
Tháng ngày tâm lực có đâu ngơi.
Mười năm sáu sách nên danh phận,
Mấy chốc ngàn trang phải chuyện chơi.
Thầy nêu gương sáng cho đời trẻ,
Trò học đạo thầy đến bở hơi,
Thầy khỏe, thầy vui, thầy sướng thế,
Bạn bè, đồ đệ khắp nơi nơi.

— Seoul, 5.2005

Thành công liên tục trong học thuật của thầy tôi chính là ở chỗ ông có một phương pháp tư duy rất hiện đại và đúng đắn. Thầy nắm rất vững các nguồn lý luận ngôn ngữ học ở các bối cảnh lịch sử khác nhau. Mạnh dạn nhưng cẩn trọng, thầy đã ứng dụng có kết quả các lý thuyết ngữ học vào tư liệu bản ngữ, cả hiện đại và lịch sử, mở ra những ý tưởng rất mới.

Tôi nhớ lại những sự kiện từ hơn bốn mươi năm trước.

Năm 1961 thầy về nước sau những năm tháng giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt ở Khoa Hán học Trường Đại học Tổng hợp Leningrad. Thầy đã tham gia tích cực vào sự khởi đầu của bộ môn Việt Nam học ở đây và nhà trường đã coi thầy là một trong những sáng lập viên của ngành Việt ngữ khi treo ảnh thầy ở Khoa.

Thầy tôi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ Ngữ Văn đầu tiên của nước ta ở Liên Xô (1960). “Từ loại Danh từ tiếng Việt” là chuyên luận ngữ học được viết ra vào lúc Cấu trúc luận thịnh thời nhưng không được khuyến khích vì đang có chiến tranh lạnh. Tuy viết ở châu Âu nhưng thầy đã không bị cuốn vào cách nhìn “Dĩ Âu vi trung” của tư duy “hình thái học cổ điển” vốn rất phù hợp với truyền thống của các ngôn ngữ biến tố. Thầy đã tìm cách xuất phát từ bản ngữ kết hợp khéo léo với phương pháp Phân bố của Miêu tả luận và cả truyền thống Hán ngữ học để mà đề xuất khái niệm Danh ngữ và một mô hình cấu trúc của nó như đã đi vào sách giáo khoa suốt mấy chục năm nay.

Thầy chỉ cho xuất bản chuyên luận này (1975) khi tư tưởng của nó đã được xác lập qua thực tế thăng trầm. GS A.Xapchenko, thầy hướng dẫn luận án của tôi, trong một lần hướng dẫn Xêmina về Từ loại (1976), đã nói với các NCS: “Vào thời điểm đầu sáu mươi mà Nguyễn Tài Cẩn viết Ngữ pháp tiếng Việt dưới ảnh hưởng của Cấu trúc luận là mới lắm và rất mạnh dạn trong Đông Phương học”.

Trở về với giảng đường đại học trong nước (1961), thầy tôi, trong khi nhận ra những khó khăn thực tế của việc nghiên cứu, đã kiên trì từng bước phổ biến những tư tưởng tiên tiến của Đông phương học.

Lớp sinh viên chúng tôi ngày ấy lần đầu tiên được biết đến tên tuổi của Meillet, Bodouin De Courtenay, Sherba, Polivanov, Dragunov, Kholodovich, Jakhontov,… qua bài giảng Ngữ pháp của thầy. Thầy gợi ý và truyền bá những tư tưởng học thuật rất quan trọng liên quan đến tiếng Việt nhưng không theo lối cổ điển là giảng thuần lý thuyết mà thầy làm những việc rất cụ thể.

Tôi nhớ lại một thuở:

Mùa thu năm 62, lớp tôi lẽ ra học môn Lý luận về Ngữ pháp tiếng Việt, nhưng thầy đã không lên lớp ngay, không giới thiệu những gì thầy đã nghiên cứu được, kể cả trong luận án của thầy. Là Chủ nhiệm bộ môn, thầy yêu cầu chúng tôi học môn Ngữ Âm tiếng Việt trước. Thầy giao cho thầy Nguyễn Phan Cảnh, một thầy trẻ, nhanh nhẹn và có phương pháp sư phạm tốt, lên lớp cho chúng tôi một loạt bài giảng, sau đó chúng tôi mới biết là được giới thiệu nội dung công trình nghiên cứu của Gordina, một môn đệ của Đông Phương học Xô Viết.

Chúng tôi đã hiểu được rằng âm tiết có cương vị quan trọng như thế nào trong tiếng Việt, cấu trúc của nó, sự đối lập giữa thanh mẫu và vận mẫu, giải thuyết về thanh điệu,… thầy còn giới thiệu các giải pháp khác nữa chẳng hạn như của Andreev, Haudricourt, Lê Văn Lý,… Học đi đôi với hành, thầy rèn chúng tôi kỹ năng ghi âm âm vị học và ngữ âm học. Cái thứ hai khó lắm vì phải có cái tai thính, nghe tốt mà tôi thì không có.

Học xong môn này, một hôm thầy Cẩn gọi mấy đứa chúng tôi lên giao trách nhiệm. Bộ Giáo dục vừa nhờ Thầy cùng thầy Hoàng Tuệ soạn xong một bộ sách Ngữ pháp tiếng Việt cho trường phổ thông dạy thử ở Hà Nội và sẽ cho dạy ở Trường Trưng Vương và một vài trường. Chúng tôi phải về đọc kỹ bộ sách này, sau đó sẽ theo các thầy đi kiến tập. Trường này đông con gái, thầy dặn dò thêm chúng tôi: “Xuống đó gắng kiến tập cho tốt mà dạy thử, đông con gái đừng có mà láng cháng nhá!”. Chúng tôi sợ nghiêm lệnh của thầy nên nhiều buổi đi theo thầy Đoàn Thiện Thuật đến lớp mà cứ ngồi nem nép ở cuối lớp.

Bộ sách đó thật là tốt. Đến nay tôi chưa thấy bộ nào tốt hơn thế vì lẽ quan niệm của sách này rất mới, rất Việt Nam, có tính sư phạm cao, nhất là có nhiều bài tập hay và thiết thực. Tiếc thay, ngày ấy, Bộ Giáo dục, qua Viện Phương pháp và Chương trình, đã từ chối nhân rộng sách và không cho dạy đại trà.

Bước vào chiến tranh và cho đến tận gần đây, các trường phổ thông ta lại quay về và duy trì một lối dạy ngữ pháp truyền thống vừa khô khan, cổ lỗ vừa giáo điều.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, theo thời thượng, người ta lại bất chợt nhồi nhét cho học sinh những kiến thức “tân kỳ” mà ngay cả thầy cô của các em cũng khó lòng tiếp nhận một cách có bài bản để mà hiểu, huống hồ nói là dạy. Cách đây không lâu, tôi đã thử lấy một cuốn sách ngữ học cuối cấp phổ thông để làm tài liệu tham khảo cho một lớp cao học (!), lúc đầu nghe thế các học viên đã cười ồ. Thế nhưng sau đó ít lâu thì họ thi nhau kêu khó.

Thời đó, việc in ấn rất khó, thầy thường đưa những tài liệu quý cho chúng tôi chép tay. Tôi nhớ thầy đưa cho tôi chép một bản sách đánh máy tiếng Nga cuốn Ngữ pháp tiếng Hán của A. Dragunov (1941). Thầy đã bỏ một khoản tiền lớn thuê đánh máy mang về nước vì sách này có những ý tưởng rất quan trọng về Đông phương học, trong đó có việc đánh giá “hình tiết” (Morphosyllabema) chính là một loại “đơn vị chất lượng” của ngữ pháp một ngôn ngữ đơn lập. Chép tay xong rồi thì tập dịch sang tiếng Việt, vừa học kiến thức vừa học ngoại ngữ. Nhờ đó mà tôi còn nhớ nó đến ngày hôm nay.

Thầy tôi tiếp tục cải tiến và nâng cấp những suy nghĩ chung quanh cấu trúc Danh ngữ. Một buổi tối đầu năm 64, nhân chữa khoá luận và phê tôi chưa biết lối viết cho chặt chẽ, tôi đến căn phòng thầy mới tạm dọn về khu tập thể Kim Liên, thầy đã đưa cho tôi xem hai bài mới viết, một bài là về nghiên cứu Loại từ mới công bố ở Liên Xô năm trước.

Thầy bắt đầu nghi Loại từ là cái trung tâm ngữ pháp của Danh ngữ. Rồi một bài nữa mới vừa viết xong về xử lý chức năng các thành tố phụ trong Đoản ngữ để gửi tham dự hội nghị Khoa học sắp họp ở Bắc Kinh. Trong bài đó, lần đầu tiên tôi thấy thầy dùng các thuật ngữ: định tố, bổ tố, trạng tố,…

Trong những tháng năm chiến tranh gian khổ, khi trường sơ tán ở huyện Đại Từ (miền núi Thái Nguyên), thầy tôi bước vào tuổi bốn mươi. Nay ai bốn mươi thì thấy còn trẻ lắm, nhưng thuở ấy trông thầy già và khắc khổ. Thầy đã có nhiều nếp nhăn trên trán vì suy nghĩ.

Ở Đại Từ thầy tôi tiếp tục phát triển các tư tưởng đã hình thành: Một bài viết về “từ tiết” (Slovomorphema) đã được công bố, khẳng định tính trung gian của âm tiết tiếng Việt trong mối quan hệ giữa từ và hình vị truyền thống. Một bài thứ hai dành cho việc dùng Đoản ngữ, như một tiêu chuẩn phân bố, để “cải tiến công tác” phân định từ loại tiếng Việt. Tôi vẫn nhớ hai bản báo cáo ấy lần lượt được thầy trình bày trong cái lán nứa của lớp vỡ lòng ở xóm Hưng Đạo, xã Vạn Thọ trong cuộc hội nghị khoa học của Khoa tôi, mùa hè năm 1966.

Cuốn sách Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng – từ ghép – đoản ngữ) nổi tiếng (1975) được thầy khởi thảo từ năm 1967 ở Đại Từ, đến lúc hết sơ tán trở về Hà Nội (1969) thì vừa xong. Nhưng thầy trăn trở mãi, đưa bản viết tay cho anh em chúng tôi đọc, làm xêmina cho sinh viên nhiều khoá, thầy thận trọng từng chi tiết, câu chữ. Nhớ nhất là thầy trăn trở khi đề xuất giải pháp “một trung tâm, hai vị trí (T1-T2)” cho cấu trúc danh ngữ. Chỉ đến lúc thật an tâm thầy mới cho in. GS V. Xônxev, có lần đã nói: “Nguyễn Tài Cẩn, ông ấy thật sự đã tạo ra một trường phái của Việt ngữ học”.

Chúng tôi mong muốn thầy tiếp tục viết về cú pháp tiếng Việt, nhưng thầy nói: “Dạy thì được thôi, tôi vẫn dạy đấy chứ, nhưng nghiên cứu thì phải có thời gian, mà lý luận quốc tế thì đang thay đổi nhanh chóng lắm. Ngay N.Chomsky mới đó (1957, 1965) mà đã thay đổi rồi. Có lẽ phải để cho lớp sau nhạy bén hơn!”.

Trong thực tế, thầy tôi đã tìm đến một sở trường mạnh hơn và khó ai làm được trong những người cùng thời và cả sau thầy nếu không có vốn: Nghiên cứu Việt ngữ học lịch sử.

Ba mũi nghiên cứu thầy cho triển khai cùng một lúc: Hán – Nôm, Ngữ âm lịch sử tiếng Việt và Ngữ pháp lịch sử tiếng Việt. Thầy chủ trương kéo cả học trò và đồng nghiệp cùng làm. Một nửa giải thưởng Khoa học Hồ Chí Minh của thầy thuộc lãnh vực này. Và sau đó là thầy tiếp tục trong mấy bộ sách gần đây.

Mùa hè nóng bỏng của chiến tranh năm 1972, thầy trò chúng tôi lại chạy tản cư tranh bom Mỹ. Đầu hè, chúng tôi theo thầy đi dạy một lớp đại học Thông tin – Văn hoá sơ tán ở Đan Phượng, Hà Tây. Buổi trưa, mọi người hay đánh cờ hoặc ngủ trưa dưỡng sức ở nhà dân, còn thầy thì tranh thủ mang sách bút lân la ra quán nước đầu làng để làm việc.

Quán nước kề vào ngôi miếu xưa, thấy có chữ Hán, thầy liền kiếm thang trèo lên sát nóc coi thì thấy có những tấm ván có chữ cổ. Là nhà học thuật dày dạn, thầy tôi đã nhanh chóng phát hiện ra một kho quý ván khắc đời Lê sơ mà lịch sử in ấn mới chỉ biết đến thời điểm muộn hơn. Đó là bản khắc ván bản “Cao thượng Ngọc hoàng Bổn hạnh Tập kinh” rất quý. Thầy tôi đã dành công sức khảo luận bản này và viết một loạt bài đóng góp khiến cho giới sử học và cổ học chú ý.

Tôi biết thầy đã chuyển sự chú ý sang lĩnh vực Hán học.

Cuối thập kỷ bảy mươi là thời kỳ khó khăn của nước ta trong đối ngoại. Với bản lĩnh và am hiểu tình hình, thầy tôi đã quyết định cho xuất bản: Nguồn gốc sự hình thành cách đọc Hán – Việt (1979). Ai cũng cảm thấy ngại ngần trong bối cảnh nhạy cảm và rất phức tạp lúc ấy. Cuốn sách có nội dung rất phong phú và khoa học này đã nhanh chóng nhận được sự đánh giá rất cao ở trong và ngoài nước. Đến nay, đây vẫn là cuốn sách tốt nhất trong địa hạt này. Thầy tôi đã đến Nhật Bản thảo luận vấn đề này với các nhà khoa học trong một hội thảo lớn về “Tiếng Hán trong khu vực” (1986) do tập đoàn Asahi tổ chức, có cả bàn tròn trên truyền hình với Hashimoto chủ thảo.

Cuốn sách Một số vấn đề về chữ Nôm (1983) đã cho thấy một lối tiếp cận mới của thầy tôi so với lối phân tích truyền thống hiện hữu. Bằng vào ngữ âm lịch sử và các so sánh lịch đại thầy đã làm sáng tỏ thêm nguồn gốc, các lối viết chữ Nôm cũng như việc xác định tâm và giới hạn của các đường biên của chữ Nôm. Thầy còn đối chiếu Nôm và Quốc ngữ sau khi cùng cô chép tay cả bản từ điển của Alexandre De Rhodes.

Mười năm sau thầy lại cho ra đời cuốn Hán văn Lý – Trần (qua thơ Nguyễn Trung Ngạn), giới thiệu một lối nghiên cứu văn học Việt Nam Cổ – Trung đại theo cách tiếp cận văn bản của Ngôn ngữ học. Cuốn sách đã được giới ngữ Văn học tiếp nhận nồng nhiệt.

Cuối thập kỷ tám mươi, đầu thập kỷ chín mươi thầy tôi đã bắt đầu chuẩn bị viết giáo trình Ngữ âm Lịch sử tiếng Việt sau một thời gian dài tích lũy tư liệu cho địa hạt này. Thầy đã có những cuộc trao đổi khoa học rất bổ ích với các nhà khoa học danh tiếng như Haudricourt, Diffloth, Ferlus,… về Tiền Việt – Mường, Môn – Khơme, Nam Á, Mèo – Dao, trong các chuyến đi dạy và nghiên cứu ở Pháp và Mỹ. Thầy cũng đã có một nhóm học trò quan tâm và theo học: Sokolovskaja, Nguyễn Văn Lợi, Trần Trí Dõi, Barbara,… Ngữ âm lịch sử tiếng Việt (1995) là cuốn Giáo trình Lịch sử tiếng Việt mở đầu rất sâu sắc và nghiêm túc cho môn học này ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thầy tôi nghỉ hưu năm 1992, nay đã hơn một giáp, nhưng thầy đâu có ngơi nghỉ. Số trang thầy viết ra mười năm qua còn dài hơn lúc đi làm.

Thầy vẫn cần mẫn, sáng tạo và triệt để trong học thuật nhưng rất mềm mỏng trong xử thế. Thầy vẫn khuyên giải chúng tôi phải thật thà và khiêm tốn. Thầy không vui khi nghe học trò chủ quan, nói to khi chưa chịu học đến nơi đến chốn.

Tôi nhớ lời thầy:
“Phải luôn luôn đổi mới nhưng cần thật sự cầu thị.
Tranh luận là để học nhau mà phát triển.
Đừng có hiếu thắng và hư danh.
Người ta có nói khác ý mình thì vẫn luôn học được một cái gì đấy”.

Thưa thầy, chúng tôi hiểu rằng nhiều lúc vẫn chưa làm thầy ưng ý, nhưng chúng tôi luôn an tâm có thầy ở bên chỉ bảo.

Chúng tôi vẫn nói với nhau thầy là người Quân tử, cả đời thầy khi xếp hàng thì luôn luôn đứng sau, nhưng chính là đứng trước vậy.

Nay thầy Bát tuần, nhìn thầy còn mạnh và minh mẫn. Chúng tôi thấy ấm lòng.

Đinh Văn Đức
Hán Thành, Hè năm Ất Dậu, 2005


(1) Bài thơ này kính thầy, 2005, viết ở Seoul, tôi gửi thầy vào dịp sinh nhật thầy. Mấy hôm sau tôi nhận được một bức thư rất cảm động của thầy, kèm theo là một bài thầy đáp lại:
“Tám mươi đâu đã chẵn là trăm,
Chúc thọ còn nhiều, năm lại năm.
Vẫn gắng Yoga: theo Đạo thuật,
Vẫn thường thư giãn: định Thiền tâm.
Vẫn như Trang Tử: vui đời bướm,
Vẫn học Ngu Công: rút ruột tằm
Sống: ở, thác: về, tùy phận, phúc
Ấy lời đáp tạ khách tri âm.”

— 20/5/2005, từ Maxcơva