Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Văn chương > Nước ngoài > Khi Chúa… không đủ lớn

Khi Chúa… không đủ lớn

Thứ Tư 16, Tháng Ba 2011

Chúng ta đang ở vào thời điểm trong năm phải ngó ngàng đến các cửa hàng và chợ búa: trước lễ Giáng sinh hàng tháng, các cửa hàng với đủ loại sản phẩm được tung ra ào ạt. Đối với trẻ em, dịp lễ này chỉ có một ý nghĩa, đó là quà tặng. Đức Chúa chẳng liên quan gì đến thánh Nicholas khởi thủy, người đã thực hiện một phép màu nhiệm khi cấp của hồi môn cho ba cô em gái, mà nhờ đó họ kiếm được chồng và thoát khỏi cảnh phải làm đĩ.

Con người là một loài sinh vật có đức tin. Về mặt tâm lý, thật khó đi qua cuộc đời mà không cần đến đức vị tha và niềm hy vọng, những thứ được cấp bởi tôn giáo. Bạn có thể hiểu điều này qua câu chuyện về các nhà khoa học tích cực của thế kỷ XIX.

Họ khăng khăng rằng, họ muốn miêu tả vũ trụ bằng những khái niệm vật chất khắt khe nhất, ngay cả trong đêm trường giá lạnh hoang vu, và họ muốn bao hàm cả những linh hồn sau khi chết. Nhưng đến ngày hôm nay, tôi vẫn thường gặp những nhà khoa học, những người mà ngoài chuyên môn rất hẹp của mình, thì họ lại là những người mê tín nhất, và như vậy tôi muốn khái quát rằng, đôi khi tôi có cảm giác: nếu muốn trở thành một nhà vô thần thực sự, bạn dứt khoát phải là một nhà triết học. Hay có lẽ bạn phải là một thày tu.

Và chúng ta cần phải phán xử cuộc đời ta với chính ta và với những người khác. Tiền là một loại công cụ. Nó chẳng có giá trị gì, nhưng chúng ta cần chấm dứt huyền thoại về các giá trị, cũng như khi cần phải biết vứt bỏ công cụ. Đó chính là khi ta đã sắp hoàn thành cuộc đời. Cái vấn đề rất lớn mà loài người phải đối mặt, thì luôn là: phải tìm được cách để chấp nhận một thực tế là mỗi chúng ta rồi sẽ chết.

Tiền có thể làm được hàng lô chuyện, nhưng nó không thể giúp hoà giải bạn với cái chết của chính bạn. Nó có thể, đôi khi, giúp bạn trì hoãn lại cái chết chưa thích đáng. Một người dám chi hàng triệu bảng cho bác sĩ riêng thì nói chung sẽ sống lâu hơn các đồng bào không thể mở miệng túi của ông ta. Nhưng ông ta cũng không thể tự biến mình thành muôn năm bất tử so với nhân loại nói chung, chứ đừng nói đến người dân ở những quốc gia văn minh thịnh vượng.

Và nếu bạn tin chỉ duy nhất vào tiền, thì dù sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải phát hiện ra rằng, kẻ tri kỷ sột soạt leng keng kia của mình có một hạn chế rất lớn: nó không thể tuyên phán một lời đơn giản rằng bạn là một con thú bất tử. Trên thực tế, bạn càng cố gắng lẩn trốn chân lý ấy, thì bạn sẽ càng bị bắt buộc phải mở mắt ra mà công nhận rằng, tài sản của bạn không nghĩa lý gì trước cái chết.

Đến đây xuất hiện vai trò của tôn giáo để đưa ra lời phán quyết đó. Tôn giáo nói chung là hệ thống của những niềm xác tín, mà nó cho phép con người phán định sự tồn tại của chính bản thân mình, và điều đó hoà giải con người với kẻ tha nhân xa lạ là cái chết. Người dân châu Âu hiện nay hình như đang nhìn thấy sự tàn tạ đi của các hình thức tôn giáo có tổ chức. Ví dụ niềm tin vào các nhà thờ Thiên chúa đang ngày một nghèo nàn, suy giảm.

Những hệ tư tưởng cực đoan hứa hẹn vai trò thay thế cho các tôn giáo cũng trượt chân và thất bại dài dài trước con mắt của công chúng và toàn xã hội. Do vậy chúng ta tất cả vẫn ngóng tìm một cái gì đó đặng có thể hoà giải số phận mỗi cá nhân chúng ta với cái kẻ tha nhân lỳ lợm là cái chết kia.

Danh nhân G.K. Chesterton thường vẫn âm thầm tự nhủ: "Khi một người không tin vào Chúa, anh ta sẽ không tin cả vào cái hư vô. Và như thế tức anh ta sẽ tin vào bất cứ điều gì". Dù ai nói đầu tiên câu đó thì ông ta cũng vẫn luôn luôn đúng. Chúng ta được bảo rằng thời đại này là thời đại hoài nghi. Trong thực tế, chính là chúng ta đang sống trong một thời đại nhẹ dạ mãnh liệt, nhẹ dạ đến hết chỗ để bàn.

Nhà dương cầm đại tài Arthur Rubinstein một lần đã được hỏi rằng ông có tin vào Chúa không? Ông bảo: "Không. Tôi không tin vào Chúa. Tôi tin vào một cái gì lớn hơn Chúa". Văn hoá của chúng ta hiện đang phải chịu đựng chính cái khuynh hướng lạm phát tương tự. Chỉ là bởi vì các thể chế tôn giáo hiện hành không đủ lớn: chúng ta đòi hỏi một cái gì đó nhiều hơn Chúa, hình ảnh hiện đang tồn tại mà Nhà thờ có thể trưng ra. Do vậy chúng ta chuyển hướng đến cái huyền bí. Cái được gọi là khoa học huyền bí ngày nay thì chưa từng hiển lộ bất kỳ điều bí mật thực sự nào: người ta chỉ hứa hẹn rằng có một cái gì đó bí mật để giải thích và phán định mọi điều. Ưu thế lớn của thứ khoa học đó là ở chỗ, nó cho phép mỗi người tự điền đầy cái thùng rỗng bí mật của riêng mình, bằng nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của riêng mình.

Như một đứa trẻ của thời đại ánh sáng, và như một kẻ tin vào các giá trị chân lý được khai sáng, tin vào nhu cầu mở mắt, nhu cầu tự do, tôi thực sự bị nhấn chìm bởi cái khuynh hướng tồi tệ hiện nay. Không chỉ bởi vì có sự liên kết giữa cái huyền bí bạc nhạc kia với chủ nghĩa phát xít và các tệ nạn phân biệt, mặc dầu sự liên kết đó có thể nói là rất chặt chẽ. Himmler và nhiều tay chân của Hitler là những kẻ say mê những huyền thoại huyền bí trẻ con nhất.

Điều tương tự cũng đúng với một số đầu lĩnh trong đám phát xít ở Italia, ví dụ như Julius Evola, những kẻ tiếp tục buộc chặt chủ nghĩa phát xít mới vào đất nước thân yêu của tôi. Và hôm nay, nếu bạn vào bất kỳ hiệu sách nào, tìm đến quầy huyền bí, bạn sẽ nhận ra không chỉ những bộ sách thông thường về Templars, Rosicrucians, Kabbalists giả, và tất nhiên cả Da Vinci Code, mà cả những luận văn chống Do thái kiểu như "Những dự thảo về Tổ tiên Do thái".

Tôi lớn lên là người thuộc dòng dõi Nhà thờ, và mặc dù hiện nay tôi đã bỏ đi lễ, thì tháng 12 này, như lệ thường, tôi vẫn sẽ bỏ vào cái giường nhỏ của cháu tôi một món quà Giáng sinh. Chúng tôi sẽ vui vẻ cùng nhau, giống như cha tôi đã làm thế với tôi ngày xưa, khi tôi còn bé. Tôi đã tìm thấy niềm kính trọng đối với truyền thống Thiên chúa giáo, những nghi lễ trang nghiêm để đối diện với cái chết mà chúng vốn vẫn hàm nhiều nghĩa lý hơn so với những gì thuần túy là thương mại hiện nay.

Tôi nghĩ tôi đồng ý với chàng anh hùng Thiên chúa lầm lạc trong tác phẩm Một bức chân dung người nghệ sĩ như một chàng trai trẻ của James Joyce: "Kiểu giải phóng nào để chúng ta có thể từ bỏ cái ngu xuẩn lôgic và chặt chẽ, để ôm ấp lấy cái không lôgic và cái không chặt chẽ.

Lã Thanh Tùng (VN)_dịch từ Independent.com