Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản và phản ứng của thế giới

Nhật

Châu Á

Vụ khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản hiện nay đang đặt ra một bài toán khó đối với chính phủ các nước châu Á đang đẩy mạnh ngành năng lượng hạt nhân. Các nước này hiện phải đối mặt với sức ép lớn buộc phải cắt giảm các chương trình. Tuy nhiên, hàng chục lò phản ứng sẽ vẫn được xây dựng trong tương lai gần.

Chỉ riêng tại Trung Quốc, nơi có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và dự kiến hơn 50 lò phản ứng nữa sẽ được xây dựng trong tương lai, nhà chức trách nói rằng họ sẽ đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm năng lượng nguyên tử bất chấp thảm hoạ phóng xạ tiềm tàng ở Nhật Bản. Cuối tuần trước, Thứ trưởng phụ trách vấn đề bảo vệ môi trường của Trung Quốc Zhang Lijun nói: "Kế hoạch và quyết tâm phát triển năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc sẽ không thay đổi".

Trong những năm gần đây, châu Á dẫn đầu thế giới trong tiến trình khôi phục hạt nhân khi các nước trong khu vực tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế đang bùng nổ ở nước họ, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, trong số 62 lò phản ứng đang được xây dựng trên toàn thế giới, 40 lò phản ứng nằm ở châu Á. Hiệp hội này cho biết ngoài Trung Quốc, các nước có nhiều lò phản ứng hạt nhân là Ấn Độ và Hàn Quốc, mỗi nước có 5 lò phản ứng đang được xây dựng.

Tuần này, Hàn Quốc tuyên bố nước này vẫn quyết tâm theo đuổi các tham vọng nguyên tử của mình, đồng thời cũng tăng cường nỗ lực nhập khẩu công nghệ. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói hôm 14/3 khi ông đang ở thăm Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất: "Hàn Quốc có các nhà máy điện hạt nhân hàng đầu xét về mức độ an toàn và hiệu quả, và các nhà máy này sẽ trở thành mô hình tốt ở Trung Đông".

Nhà chức trách Việt Nam, nước có kế hoạch đưa 8 nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động trong vòng 20 năm tới, cho biết họ cũng không lo ngại trước các sự cố ở Nhật Bản. Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam,Vương Hữu Tấn, cho biết: "Tôi không nghĩ sự cố ở Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam".

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Nhật Bản - nơi các nhà chức trách đang phải vật lộn để ngăn chặn sự rò rỉ hạt nhân tại các lò phản ứng bị tác động của thảm hoạ động đất và sóng thần hồi tuần trước - chắc chắn sẽ hạn chế phần nào nỗ lực tìm kiếm hạt nhân mang tính lịch sử của châu Á.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 14/3 đã ra lệnh kiểm tra độ an toàn của 20 lò phản ứng đang hoạt động tại nước này, trong khi Thứ trưởng phụ trách vấn đề bảo vệ môi trường Trung Quốc Zhang Lijun cho biết Trung Quốc có thể "rút ra bài học" từ cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Malaysia, nước có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, nhà chức trách đã nêu bật thực tế rằng việc xây dựng các cơ sở hạt nhân này sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ. Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ Xanh và Nước của Malaysia, ông Peter Chin Fah Kui, nói: "Chúng tôi phải tiến hành nghiên cứu sâu rộng và việc nghiên cứu như vậy sẽ rất mất thời gian. Chính phủ sẽ không bí mật làm việc này mà không thông báo cho dân chúng biết".

Tại Banglades, nước đã ký một thoả thuận với Nga về việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, giới chức cho biết họ đang theo dõi sát sao tình hình tại Nhật Bản và sẽ theo đuổi kế hoạch của mình. Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Băngla Đét, ông Farid Uddin Ahmed, nói: "Các lò phản ứng của chúng tôi sẽ là lò phản ứng thế hệ thứ ba và chúng có thể đứng vững được kể cả trong các trận động đất mạnh nhất".

Bích Thủy (theo AFP)

Châu Âu

Có 150 lò phản ứng hạt nhân phân bố rải rác trên gần 80 nhà máy ở khắp châu Âu. Trước những vụ nổ liên tiếp và nguy cơ rò rỉ phóng xạ cao tại Nhật Bản, các quốc gia Châu Âu cũng bắt đầu chuẩn bị "lo làm chuồng".

Cụ thể, hôm nay 15.3, Liên minh Châu Âu (EU) triệu tập cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng năng lượng, các quan chức an toàn hạt nhân và một số tập đoàn hạt nhân đầu ngành.

Tại Đức, 10 nghìn nhà hoạt động xã hội chống phát triển hạt nhân đã biểu tình hồi cuối tuần qua. Trước sức ép trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố tạm dừng chương trình phát triển hạt nhân trong 3 tháng.

"Chúng tôi không thể hoạt động làm việc như bình thường. Những bài học ở Nhật Bản dạy chúng tôi rằng, những nguy hiểm đe doạ mà chúng ta tưởng như không bao giờ thành sự thật vẫn có thể xảy ra", bà Merkel nói.

Trong khi Đức, Thụy Sĩ cho dừng việc phát triển hạt nhân thì Italia và Ba Lan cũng quyết định sẽ cân nhắc lại việc có đầu tư vào dự án phát triển năng lượng hạt nhân hay không.

"Ba Lan đang triển khai dự án phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, sự kiện vừa qua tại Nhật Bản một lần nữa khuấy động lên những tranh cãi xung quanh dự án này", Bộ trưởng Môi trường Janusz Zaleski nói về những băn khoăn xung quanh việc đầu tư phát triển hạt nhân tại cuộc họp với các bộ trưởng trong khối EU.

Italia, nước đã từ bỏ theo đuổi năng lượng hạt nhân từ năm 1987, cho rằng, "thảm hoạ ở Nhật Bản đã nảy sinh những mối lo ngại lớn". Bà Stefania Prestigiacomo, Bộ trưởng Môi trường Italia cho biết: "Trước khi quyết định cùng Liên minh Châu Âu tham gia chương trình phát triển năng lượng hạt nhân, chúng tôi sẽ phải chờ đợi những báo cáo và thông tin thêm về tình hình tại các nhà máy hạt nhân hiện nay".

Ngược lại, Áo, một quốc gia tuyên bố không cần tới hạt nhân, yêu cầu Liên minh Châu Âu tiến hành kiểm tra nghiêm túc tình hình tại các cơ sở hạt nhân. "Những nước hàng xóm của tôi đang dự trữ hạt nhân. Chúng tôi yêu cầu phải đảm bảo an ninh tuyệt đối cho người dân Áo và tất cả các nước láng giếng này đều phải xem sự an toàn của công dân Áo như công dân nước họ", Bộ trưởng Môi trường Áo Nikolaus Berlakovich tuyên bố.

"Liệu họ có thể đương đầu với động đất không? Hệ thống chức năng làm mát lò phản ứng của họ đang hoạt động như thế nào?", ông Berlakovich đưa ra một loạt câu hỏi bày tỏ sự quan ngại về an toàn của các lò phản ứng hạt nhân tại Châu Âu.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trong khối EU đều sử dụng năng lượng hạt nhân, trong đó dẫn đầu là Pháp với 19 nhà máy và 58 lò phản ứng. Nathalie Kosciusko-Morizet, Bộ trưởng Môi trường Pháp tuyên bố: "Thảm hoạ tại Nhật Bản, không thể phủ nhận, là một trong những sự cố hạt nhân vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chúng ta từ bỏ phát triển hạt nhân".

Anh cũng có 9 nhà máy hạt nhân và 19 lò phản ứng, số nhà máy và lò phản ứng của Đức lần lượt là 12 và 17.

Thanh Lan (LĐ, theo AFP)