Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Cần làm gì khi xuất hiện ô nhiễm phóng xạ?

Cần làm gì khi xuất hiện ô nhiễm phóng xạ?

Thứ Năm 17, Tháng Ba 2011

Thảm hoạ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima do động đất và sóng thần ở Nhật Bản tuy hiện nay chưa có ảnh hưởng tới Việt Nam, nhưng chẳng ai dám quả quyết đám bụi phóng xạ thoát ra từ nhà máy vào bầu trời nước Nhật lại không có thể lan tới nước ta, một khi trời trở gió? Nhất là khi nhà máy đó đang tiếp tục xảy ra các sự cố chưa thể lường hết hậu quả. Người Mỹ đang bàn chuyện đề phòng chất phóng xạ theo gió bay qua Đại Tây Dương tới miền Tây nước họ. So với Hà Nội, Singapore cách Nhật Bản xa hơn 2 giờ bay, thế mà Zaobao.com ngày 15/3 đã phổ biến cho dân chúng nước này lời khuyên của các chuyên gia y học phóng xạ như sau, thiết tưởng người Việt Nam cũng cần biết để đỡ lúng túng khi lâm sự:

Trong trường hợp không khí bị ô nhiễm bởi chất phóng xạ, mọi người hãy cố hết sức rút ngắn thời gian bị nhiễm xạ, tránh thật xa nguồn phóng xạ, nhất là phải chú ý che chắn kín cơ thể mình; nếu cần ra vào khu vực có ô nhiễm phóng xạ thì phải mặc quần áo bảo hộ và sau đó kịp thời tắm rửa, tẩy sạch ô nhiễm phóng xạ.

Bảo vệ bên ngoài cơ thể:

1. Cố hết sức rút ngắn thời gian bị phơi nhiễm;
2. Cố tránh thật xa nguồn phóng xạ;
3. Chú ý che chắn cơ thể mình, như dùng tấm chì, tấm tôn hoặc tường vách để che chắn phóng xạ hoặc giảm cường độ phóng xạ.

Biện pháp cụ thể: Khi chất phóng xạ trở thành bụi trong không khí, mọi người phải kịp thời vào ngay trong nhà, đóng kín hết các cửa và cửa sổ, các hệ thống thông gió, tránh xa nơi có cửa hoặc nơi không được che chắn kín với bên ngoài.

Bảo vệ bên trong cơ thể:

Tránh ăn uống, giảm lượng đồ ăn thức uống đi vào cơ thể, tăng bài tiết, tránh có mặt lâu ở chỗ có ô nhiễm phóng xạ. Tẩy sạch ô nhiễm, giảm cơ hội ô nhiễm bên trong cơ thể.

Biện pháp cụ thể: Nếu trong không khí có chất i-ốt phóng xạ thì phải uống ngay viên i-ốt có tính ổn định [1] dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc; người lớn có thể dùng 100 mg, trẻ em dùng ít hơn, người dị ứng với i-ốt hoặc người có bệnh tuyến giáp nên thận trọng khi dùng thuốc này.

Hướng dẫn phòng tránh phóng xạ hạt nhân:

1. Khi đi vào khu vực có ô nhiễm nặng chất phóng xạ phải hết sức chú ý bảo vệ cơ thể, như dùng khăn tay, khăn mặt, miếng vải bịt mũi, miệng để giảm lượng chất phóng xạ hít vào;
2. Đội mũ, bịt khăn chùm đầu, đeo kính, mặc áo mưa, đeo găng tay, đi giày cao cổ (ủng), nhằm giảm lượng phóng xạ bám vào da;
3. Đặc biệt chú ý không được ăn uống thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm phóng xạ;
4. Nếu xảy ra tai nạn hạt nhân nghiêm trọng cần sơ tán dân đi khỏi vùng bị ô nhiễm, mọi người phải tuân theo sự hướng dẫn của cơ quan hữu trách, sơ tán có tổ chức, có trật tự tới nơi an toàn. Sau khi ra khỏi vùng ô nhiễm, phải kịp thời thay quần áo, giày dép, mũ ... rồi đem các thứ đó giám định mức ô nhiễm và xử lý;
5. Người bị nhiễm phóng xạ hoặc bị nghi nhiễm phóng xạ phải được khử hết ô nhiễm, cách tốt nhất là tắm rửa bằng vòi hoa sen.

Nguyên Hải

(chú thích là của người dịch)

Nguồn:

(2011-03-15) http://www.zaobao.com


[1iodine pills, có tác dụng giúp cơ thể tránh hấp thu phóng xạ