Kiril Hristov (1875-1944)

Bulgaria

Tiểu sử

Kiril Hristov (Кирил Христов) là nhà thơ Bungari. Ông sinh ngày 23 tháng 6 năm 1875 ở Stara Zagora và mất ngày 7 tháng 11 năm 1944 tại Sofia.

Thuở nhỏ học ở thành phố quê nhà (ở Samokov, Turnovo, Sofia). Năm 1985, ông vào học trường hải quân ở Trieste, Italia nơi ông tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà thơ cổ điển và hiện đại Ý như Dante, G. Leopardi, J. Carducci, L. Steketi, D’Anuntsio. Sau một năm học tập ở Ý, ông về nước. Từ năm 1897-1989, ông sống ở Naples (Italia) và Leipzig (Đức).

Năm 1900, ông làm giáo viên ở Shumen (thành phố nằm ở phía đông bắc Bungari). Năm 1901, ông chuyển đến Sofia và được nhận vào làm ở thư viện trường (nay là Đại học Sofia). Cùng với Anton Strashimirov, ông làm chủ bút tạp chí "Đời chúng ta". Trong Thế chiến thứ nhất, ông làm phóng viên quân sự. Năm 1922, ông rời Bungari và đến định cư tại Leipzig như người đứng đầu khoá ngôn ngữ và văn học Bungari. Ông chuyển đến Praha, nơi ông tổ chức các khoá học miễn phí ngôn ngữ và văn học Bungari tại Đại học Praha (1930). Năm 1938, ông trở về Bungari.

Kiril Hristov bắt đầu hoạt động văn học bằng việc dịch các tác giả thơ Nga (Nadson, Pleshcheev, Lermontov, Pushkin, Polonski). Tập thơ đầu tay được xuất bản năm 1895.

Tác phẩm

— Rung cảm (thơ, 1897)
— Bóng chiều (thơ, 1899)
— Ngã tư đường (thơ, 1901)
— Thơ chọn lọc (1903, với lời tựa của Ivan Vazov)
— Tháp Babel (1905, kịch thơ)

Buổi sáng ở bờ biển

Ngọc xanh tuôn, các vì sao lặn
Mặt trời chậm chậm mọc đằng đông
Sóng vắng vẻ, thuyền ra xa tắp
Sắc long lanh như bướm dập dờn

Ngày nằm chưa dậy, hãy đung đưa
Như chống lại giấc ngủ đang tan biến
Nước thân thương tâm sự với bờ
Những nỗi đêm qua thầm kể chuyện

Kỳ diệu xiết bao

Ồ! Chóng lành vết đau
Sáng vực thẳm trời cao
Nếu núi Bancăng hiện
Dù trước cửa ngục tù

Nếu em vẫn yêu ta
Và từ quê hương gửi
Cho anh một nhành hoa
Đánh dấu giữa trang sách

Gửi bạn

(Gửi bác sĩ Kretstov)

Bạn đã từng thấy số phận khắt khe
Bắt tôi mất tình yêu, hạnh phúc của tôi duy nhất
Bạn đã từng thấy trí tôi bị lạc
Trong tim mình tôi thả nỗi kinh hoàng

Nỗi lo âu đau đáu, nỗi chết chóc tàn hoang
Bạn đã đọc trong mắt tôi bao nỗi ấy
Và đưa bàn tay cho tôi nắm lấy
Bàn tay hiên ngang, bổ dưỡng, bạn bầu

Có ngày nào, trời hỡi, tôi có thể, than ôi!
Trả được món nợ thân thương, êm ái?
Và người thi sĩ vừa sống lại
Biết nói chi, cảm ơn bạn thế nào?

Tôi, người được bạn cương quyết, ngọt ngào
Giật ra khỏi cái mồ giam nhốt
Bằng một lời khuyên bên tai như rót:
"Tuổi thanh niên nắm phần thắng, hãy bình tâm!"

Một mình, tôi ôm lấy bão được không
Bóp nó tắt mà không ai giúp đỡ
Và cứ tốt hiền theo lề giáo
Để cho cuộc đời cứ vậy mà trôi

Nếu đôi mắt bạn không bảo cùng tôi:
"Anh phải chịu khổ đau, thì nhận lấy
Hãy để trong anh nỗi đau phấn đấu
Mỗi niềm đau là bổ dưỡng cho mình"

Không! Chỉ có niềm tự giác cao
Rằng sự đau khổ là lớn lao
Mới cứu tôi và khiến tôi tự hào trong đau đớn
Đến hôm nay tôi có thể nói với đời:

"Từ đây, trái tim tôi đòi đoạn tơi bời
Biết vui thích với nỗi đau của nó"
Tôi ơn đời, và cũng van xin khuyên nhủ:
Dù phải khổ đau, nhưng vẫn yêu thương

(Xuân Diệu dịch)
Nguồn: Những nhà thơ Bungari, NXB Sviat, 1985