Người Nhật bình tĩnh, người Trung Quốc tranh mua trữ muối
Trung HoaDân Trung Quốc đang tranh nhau mua muối dự trữ, tới mức nhiều cửa hàng không còn muối để bán. Trước tình trạng đó, báo mạng nước này nhận xét: người Trung Quốc không thiếu muối mà thiếu hiểu biết, thiếu phẩm chất và thiếu năng lực tự phán đoán.
“Nhà bác mua muối chưa?” đã trở thành câu nói đầu tiên khi người Trung Quốc gặp nhau vào sáng sớm ngày 16/3.
Dù các cấp chính quyền Trung Quốc lập tức đứng ra bác bỏ tin đồn, nói là họ bảo đảm cung cấp đủ muối ăn, nhưng những tin đồn “Ăn muối chứa i-ốt có thể ngăn nhiễm phóng xạ” và “Nước biển bị ô nhiễm sẽ làm cho muối ăn không an toàn nữa” vẫn như một trận gió quét suốt Trung Quốc từ Bắc đến Nam, từ Triết Giang tới Trùng Khánh, thậm chí cả ở Lhasa thủ phủ Tây Tạng ... dân chúng nhiều đô thị tranh nhau mua muối dự trữ khiến các cửa hàng không còn muối bán. Có người mua liền dăm chục bao muối. Nhiều kẻ đầu cơ nhân dịp này tăng giá bán muối lên cả chục lần. Dân Hà Khẩu còn tràn sang Lào Cai mua vét nhiều tấn muối i-ốt của Việt Nam.
Kể cũng lạ, Trung Quốc hàng năm sản xuất hơn 80 triệu tấn muối, trong khi tiêu thụ của cả nước họ chỉ khoảng hơn 8 triệu tấn/năm, thế mà dân họ vẫn lo thiếu muối! Hơn nữa muối Trung Quốc sản xuất chủ yếu là muối mỏ chứ không phải muối làm từ nước biển, nghĩa là tuyệt đối không bị nhiễm xạ, thế thì việc gì phải lo?
Đối chiếu tình trạng hoảng loạn ấy với thái độ điềm tĩnh ung dung của người Nhật tại khu vực bị động đất và sóng thần, nhiều dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng phê bình sự kém hiểu biết và mù quáng của đồng bào mình còn đáng sợ hơn cả động đất và sóng thần. Họ viết: người Trung Quốc không thiếu muối mà thiếu hiểu biết, thiếu phẩm chất và thiếu năng lực tự phán đoán.
Nhưng đa số dân mạng cho rằng nguồn gốc của việc tranh mua muối thực ra là ở chỗ người Trung Quốc thiếu cảm giác an toàn và không tin vào các tin tức bên ngoài cũng như không tin vào chính quyền. Một blogger viết: “Không phải do nhẹ dạ cả tin mà là do bắt nguồn từ không tín nhiệm; và trước mấy chữ không tín nhiệm phải viết thêm thường xuyên bị lừa gạt, sau đó phải viết không có cảm giác an toàn.”
Thời báo Tài chính (London, Anh) viết: cuộc khủng hoảng tranh mua vét hàng hoá thể hiện mọi người không tin lẫn nhau, cũng thể hiện dân chúng thiếu lòng tin vào chính quyền. “Trong một nước văn minh, khi gặp tình trạng lo sợ thiếu muối, trước hết người ta sẽ nghiêm chỉnh độc lập suy nghĩ một cách có lý trí, sau đó lắng nghe ý kiến các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành và cơ quan chính quyền hữu trách. Nhưng ở Trung Quốc thì mọi người chỉ mù quáng tín vào tình hình thực tại mình nắm được mà không thể hy vọng dựa dẫm gì vào dự đoán của hệ thống quản lý xã hội. Người ta chỉ tin vào lượng muối đã mua được và đã mang về nhà mình rồi chứ không tin vào sự an toàn và ổn định trong tương lai.”
Tình trạng hoang mang, tâm lý chao đảo của người Trung Quốc sau khi xảy ra động đất ở Nhật cũng có phần do một số kẻ đã lợi dụng các hình thức blog, diễn đàn, tin nhắn .. tung tin thất thiệt. Thí dụ trên mạng có tin vì lo sợ bị nhiễm bức xạ hạt nhân đến từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima mà một người ở thị trấn Từ Khê tỉnh Triết Giang hôm 16/3 ăn muối quá nhiều [muối ăn bán ở Trung Quốc đều có pha i-ốt], khi người nhà phát hiện đưa vào bệnh viện cấp cứu không kịp đã chết.
Tại Quảng Châu, mấy hôm vừa rồi trời mưa, ngoài đường vắng tanh vì ai cũng sợ bị dính mưa phóng xạ. Muối ở các cửa hàng bị mua hết sạch. Lưu học sinh Trung Quốc Trần Tâm đang học tại Tokyo nhận được điện thoại từ gia đình gọi sang, ngoài việc yêu cầu anh phải về nước còn than phiền khó mua được muối và xì dầu, và dặn anh sau khi có vé máy bay nhớ mua vài thùng muối i-ốt mang về nước.
Trong khi đó tại Nhật, tình hình mua muối i-ốt vẫn bình thường như cũ, chỉ có một số mặt hàng nhu yếu phẩm bị mua hết, như bánh mỳ, nước uống, pin, dù lượng hàng nhập vào các cửa hàng đã tăng gấp 2-3 lần mức bình thường. Người Nhật không thể hiểu tại sao họ đang chịu ảnh hưởng của phóng xạ mà lại không lo sợ, còn người Trung Quốc ở cách xa bên kia biển cả nghìn km lại tranh nhau mua muối.
Nguyên Hải
Nguồn:
Hoàn cầu Thời báo (TQ), Tảo báo (Singapore), Vitinfo (Việt Nam)