Trang nhà > Văn chương > Nước ngoài > "Nhà văn TQ tự tin mù quáng"
"Nhà văn TQ tự tin mù quáng"
Thứ Ba 17, Tháng Tư 2007, bởi
Nhà Hán học nổi tiếng nước Đức Wolfgang Kubin vừa mới có buổi trả lời phỏng vấn một cách thẳng thắn với phóng viên Tân Kinh báo (TQ) về văn hóa và văn học đương đại TQ.
Wolfgang Kubin tỏ ra “thông tỏ ngọn ngành” văn hóa TQ, đặc biệt là văn học đương đại. Ông không ngần ngại khi cho rằng, nhà văn TQ tự tin một cách mù quáng và điều mà người TQ hiện nay xem thường nhất lại là nền văn học của họ. Đồng thời ông cũng chỉ ra yếu điểm phổ biến của nhà văn đương đại TQ là nền tảng ngoại văn, và chính điều đấy đã dẫn đến sự xa cách với văn học thế giới. TT trích lược bài phỏng vấn ông của Tân Kinh báo:
- PV Tân Kinh báo: Ông nghĩ gì về văn học đương đại và hiện đại của TQ?
— Wolfgang Kubin: Nhà Hán học chúng tôi, nếu không biết Hán ngữ cổ đại, cũng phải hiểu Khổng Tử, không phải hiểu Khổng Tử thông qua giáo sư Vu Đan (1) đâu (cười). Vu Đan của TQ thì quá nhiều rồi. Còn học giả TQ hiểu chúng tôi thông qua “Vu Đan” của nước chúng tôi. Sự hiểu biết của học giả TQ về đất nước mình rất hữu hạn, họ thường không thể dùng một ngôn ngữ khác, hay đứng từ một góc độ khác để đưa ra nhận định.
Điều mà học giả TQ hiện nay xem thường nhất chính là nền văn học của họ. Hiện rất nhiều học giả TQ khi bình luận văn học truyền thống, lại dùng từ “đen tối”, nếu đen tối, tại sao người nước ngoài lại thích Khổng Tử, tản văn nhà Tống hay tiểu thuyết nhà Minh nhiều đến thế.
- Ông có thích thơ ca, tản văn, tiểu thuyết TQ hôm nay?
— Tôi chỉ xem được một bộ phận thơ mới, đã dịch tác phẩm của 20 mấy nhà thơ, tôi đánh giá họ rất cao. Tôi không đứng ở góc độ là độc giả hay học giả đương đại TQ, tôi nhìn thơ ca TQ ở góc độ mang tính hiện sinh. Học giả TQ cho rằng, họ có thể không học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha mà hiểu Đới Vọng Thư và Bắc Đảo (2) là nói xằng. Nếu một học giả nghiên cứu nhà thơ Đới Vọng Thư, liệu có thể không xem thơ tiếng Pháp của ông ta được không? Học giả đương đại TQ nếu nghiên cứu văn học hiện đại, họ nên học ngoại ngữ. Tiếng Trung của Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng tiếng Đức và tiếng Nhật, nếu một người không hiểu tiếng Đức và tiếng Nhật, liệu có thể hiểu hết Lỗ Tấn không?
TQ đương đại không có tản văn, kịch nói, cũng không có tiểu thuyết chân chính. Có một vài tiểu thuyết gia là tài giỏi. Những gì họ phát biểu vào những năm 80, 90 có ý nghĩa lịch sử và văn học nhất định. Một số nhà văn TQ rất có tiếng ở nước ngoài, nhưng bạn hãy xem kỹ, mỗi câu nói của họ, từ ngữ pháp, ý nghĩa đến mỹ học, không cách nào sánh với tiểu thuyết bậc trung của châu Âu. Tôi cũng là nhà văn, tôi xem những tác phẩm của nhà văn TQ phát hành ở nước ngoài, cảm thấy họ không thể sánh với một số tiểu thuyết gia của chúng tôi. Iceland chỉ có 5 vạn người, đã có người nhận giải Nobel văn học, nhưng TQ thì không, tại sao cơ chứ?
- Ông cho rằng nhà văn TQ có khả năng nhận giải Nobel không?
— Hiện tại thì không, hơn nữa, việc nhận hay không nhận được giải Nobel văn học cũng không phải là một tiêu chuẩn.
- Không nhận được giải Nobel, có phải ông muốn nói hiện văn học TQ không hay?
— Cũng có thể nói như thế.
- Ông cho rằng một Lỗ Tấn đọc được nguyên văn văn học nước ngoài có điểm khác biệt gì với nhà văn đương đại TQ đang đọc bản dịch tiếng Trung?
— Nếu nói nhà văn đương đại TQ có cái nền dịch thuật, thì đấy chỉ là cái nền giả tạo mà thôi. Lỗ Tấn hiểu tiếng Đức, tiếng Anh, bạn có thể nhận thấy ngay cái nền của ông ấy là nguyên văn. Nếu không có Franz Kafka, không có văn học châu Mỹ Latin, tức sẽ không có Hàn Thiếu Công. Nhưng đó cũng chỉ là hoài nghi, tôi hy vọng không phải như thế. Ở Đức, một nhà văn giỏi nhất định là một nhà dịch thuật giỏi.
Nhưng nói thật, nhà văn TQ hiện nay xem nhẹ việc dịch thuật. Có nhà văn Đức tự mình đảm nhận công việc dịch thuật là vì muốn tìm thấy ngôn ngữ của mình thông qua một ngôn ngữ khác. Nếu đối chiếu câu này với câu nói của Cố Thành và Trác Vĩnh Minh, chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên. Cố Thành và Trác Vĩnh Minh nói rất rõ ràng: “Nếu học ngoại ngữ, chúng ta sẽ phá tiếng mẹ đẻ của mình”. Tại sao Lỗ Tấn không cảm thấy mình phá hoại tiếng mẹ đẻ? Tại sao Lâm Ngữ Đường, Trương Ái Linh không nói như thế?
- Thế ông cho rằng ý nghĩa của việc dịch thuật văn học nằm ở đâu?
— Dịch thuật văn học vô cùng quan trọng, nếu một học giả chỉ xem văn học dịch, không xem nguyên văn, họ sẽ không nắm bắt được cái thật giả của văn học này. Học giả trước năm 1949 hầu như có thể xem nguyên văn tác phẩm và họ có thể cảm nhận bản chất văn học là như thế nào. Học giả TQ hiện nay do trình độ ngoại ngữ thấp, họ không cảm thấy được trong bản dịch này có còn giữ lại cái hồn của nguyên văn không.
- Theo ông, văn hóa TQ hiện nay có điểm gì không hoàn hảo?
— Tôi đồng ý câu nói của Vương Gia Tân, nhà văn TQ tự tin một cách mù quáng. Nếu bạn hỏi một ngàn nhà văn TQ, rằng nhà văn TQ ai sẽ nhận được giải Nobel văn học, một ngàn nhà văn TQ sẽ nói là chính mình. Nếu bạn hỏi câu này với một ngàn nhà văn Đức, họ sẽ nói là người khác, chứ không phải họ.
- Trước khi ông bắt đầu tìm hiểu về đất nước TQ, hình tượng TQ trong mắt ông như thế nào?
— Trước khi tôi đọc được thơ Lý Bạch bản tiếng Anh, cơ bản đối với tôi mà nói, TQ không tồn tại. Giống như hiện tại Ấn Độ cũng không tồn tại trong tôi. Tôi không có khả năng nghiên cứu tất cả nền văn hóa, tôi phải hạn chế mình, tập trung vào một nơi nào đó. Nếu đột nhiên Ấn Độ trở nên hấp dẫn đối với tôi, tôi cũng sẽ nghiên cứu.
- Ngày nay, hình tượng TQ trong mắt nhà Hán học phương Tây ra sao?
— Không nên nói người phương Tây, người TQ. Phương Tây bao gồm người Mỹ, người Nhật không? Chúng tôi không giống với người Mỹ, người Nhật. Hơn nữa, giữa những người châu Âu cũng đã có sự khác biệt. Người châu Âu nghiên cứu thơ ca đương đại TQ cực kỳ ít. Cũng có thể mỗi nước có một, hai người, bởi sức hấp dẫn trong văn học TQ đã là quá khứ rồi.
LAN NHÃ (theo cul.book.sina.com)
(1) Giáo sư Vu Đan: tác giả tác phẩm "Tâm đắc khi đọc Luận Ngữ" ghi chép lời nói của Khổng Tử, được học trò của ngài ghi lại cách nay hơn 2.000 năm.
(2) Đới Vọng Thư và Bắc Đảo - hai nhà thơ đương đại nổi tiếng của TQ.