The US Presidential Election Campaign Begins with Black PR

Bầu cử Mỹ: Bắt đầu "chiến dịch bôi nhọ"

TTO - Tuy đến ngày 4-11-2008 mới diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng mùa vận động tranh cử đã bắt đầu với việc xuất hiện những thông tin xấu đầu tiên về các ứng viên hoặc họ hàng của họ.

Không phải tự nhiên mà tờ New York Post (ngày 2-4) đưa tin về công việc bà Judith Giuliani từng làm trước đây tại US Surgical Corp.: bà là vợ của ứng viên tổng thống Cộng hòa Rudolph Giuliani!

Theo tờ báo này, US Surgical Corp. là một công ty chuyên cung cấp các thiết bị phẫu thuật. Để giới thiệu hiệu quả sản phẩm của mình, công ty này thuê bắt chó hoang, mổ bụng chúng rồi may lại để giới thiệu các thiết bị khâu da của họ hiệu quả thế nào. Sau các đợt quảng bá kiểu này, những chú chó nào không qua khỏi sẽ bị giết chết. Để thêm "épphê", bản tin dẫn lời của Chủ tịch Hội Những người bạn thú vật Priscilla Feral: "Tôi không muốn khái quát làm gì, nhưng tôi hi vọng giờ đây bà ta hối tiếc vì những gì bà ta làm chỉ vì tiền... Lương tâm bà ta hiện nay ra sao?".

Mùa "tuyên truyền đen"

Mùa vận động tranh cử hiện nay ở Mỹ hứa hẹn là một trong những mùa vận động khắc nghiệt và cũng có thể là bẩn thỉu nhất. Xìcăngđan đầu tiên đã xuất hiện trong Đảng Dân chủ trước thời điểm bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng viên tổng thống cho đảng này. Nhân viên một công ty truyền thông làm việc cho ứng viên Barack Obama đã đưa lên Internet một đoạn video về bà Hillary Clinton với một dáng điệu khó coi. Kết quả là ủng hộ viên "quá nhiệt tình" này đã bị Obama sa thải (hay nói theo nhân viên này là ông ta “tự xin nghỉ việc”).

Mục tiêu của tất cả các ứng viên tổng thống là làm sao lôi kéo được những cử tri còn đang dao động về phía mình. Muốn thế, các chính khách làm mọi cách, kể cả “PR đen” (tạo dư luận xấu) và cái mà ở Mỹ gọi là “chiến dịch bôi nhọ” (smear campaign). Căn cứ trên tâm lý dân Mỹ: quan tâm trước nhất tới bản thân, thứ hai, "trò chơi" phải trung thực, tức cử tri phải xác tín rằng chính khách của họ đã làm mọi cách để không tạo tiền đề cho những nhóm kia bôi nhọ; mùa bầu cử ở Mỹ thường đi kèm chiến dịch “vạch lá tìm sâu” ở các ứng viên.

Để “tìm sâu”, các bộ tham mưu vận động tranh cử Mỹ thường thuê các đội “thợ săn video” bám sát các ứng viên để ghi hình những khoảnh khắc bất tiện nhất. Các phương pháp này được áp dụng rộng rãi thời cựu tổng thống Clinton. Suốt tám năm làm tổng thống, ông Clinton không chỉ bị cáo buộc là phản bội vợ, mà còn nào là bịp bợm, biển thủ công quỹ, thậm chí giết người có tổ chức. B.Clinton từng gọi các phương pháp này là “hủy diệt cá nhân”.

Để chuẩn bị tư liệu cho việc bôi bẩn, các bộ tham mưu tranh cử sử dụng các tình nguyện viên, thường là sinh viên. Các tình nguyện viên phải rà soát lại toàn bộ quá khứ của ứng viên đối thủ, tìm xem nhân vật này có bao giờ nói ra những điều mâu thuẫn với cương lĩnh hiện đang tranh cử hay không, hoặc tìm xem có bao giờ ứng viên phải xin lỗi vì phạm luật (cho dù là những lỗi nhỏ nhặt, như vi phạm luật giao thông hoặc nói năng thô tục), nếu ứng viên từng hoạt động chính trị, thì người điều tra còn phải tìm các bằng chứng về sự thiếu nhất quán của ứng viên đó.

Chuyên nghiệp hơn!

Thời gian gần đây, thay cho đội ngũ sinh viên, bộ tham mưu vận động tranh cử của tổng thống G. Bush (con) đã mời những luật gia kinh nghiệm. Thông tin bôi nhọ ứng viên không đơn giản được “rò rỉ”, mà được giới thiệu sao cho hình ảnh của đối thủ trở nên tiêu cực. Những chi tiết tiêu cực trong hình ảnh ứng viên liên tục được sửa đổi, hiệu chỉnh liên quan tới tâm trạng của cử tri căn cứ vào các cuộc thăm dò.

Nhóm vận động của tổng thống Bush không hiếm khi sử dụng chiêu thức “PR đen”, kể từ các cuộc bầu cử sơ bộ cho đến khi G. Bush trở thành ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử sơ bộ trước, họ đã tấn công ứng viên John Mc.Cain (nay là một trong các ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa) bằng cách điện thoại tới các cử tri tự giới thiệu là nhân viên của một tổ chức chuyên nghiên cứu dư luận xã hội.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, họ đã đặt những câu hỏi đại loại: “Ông có bỏ phiếu cho McCain không nếu biết là ông ta từng phản bội vợ và có con ngoài giá thú với một phụ nữ da đen?”. Mặc dù McCain không hề phạm những sai lầm này, nhưng loại câu hỏi trên cũng không phạm luật Mỹ, bởi chúng được đặt ra dưới hình thức giả định! Không biết là chúng có mang tới hiệu quả gì không, chỉ biết G. Bush đã thắng McCain!

Tiếp theo đó là cuộc đấu của G. Bush với ứng viên dân chủ Al Gore. Đầu cuộc vận động năm 2000, các cố vấn của Bush thường xuyên giới thiệu Al Gore như một kẻ quan liêu bất tài. Nhưng khi cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng chẳng mấy tin vào những “sàm tấu” này, các nhà vận động của Bush bắt đầu chuyển sang giới thiệu Al Gore như một người thích phóng đại những thành tích cá nhân. Thí dụ, phát biểu của Al Gore rằng nhờ ông mà xuất hiện bộ luật quốc tế cho phép biến Internet thành một trong những hiện tượng văn hóa thế giới, đã được diễn giải là “Al Gore từng nói ông ta phát minh ra Internet”. Điều này đã trở thành đề tài chế giễu ông suốt cuộc vận động tranh cử.

Những câu chuyện tương tự đã diễn ra trong mùa tranh cử 2004, khi Bush chống lại John Kerry. Theo Campaign Media Analysis Group, 75% các tuyên bố quảng cáo của Bush có chứa đựng thông tin chỉ trích Kerry (trong khi Kerry chỉ phê bình Bush trong 27% trường hợp). Bộ tham mưu của G. Bush cũng sử dụng “PR đen” chống Kerry, chẳng hạn khi ông Kerry đề nghị giảm ngân sách tình báo 1,5 tỉ, đã được diễn giải thành “Kerry muốn phá hoại nỗ lực chống khủng bố của tình báo Mỹ”. Thực tế trong một phát biểu năm 1995, Kerry có đề nghị giảm ngân sách tình báo 1%. Thú vị là sau đó, Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát dưới thời G. Bush làm tổng thống đã giảm ngân sách tình báo tới 3,8 tỉ!

TRẦN ĐỨC THÀNH (theo WP, NY Post, AP)