Mustai Karim (1919-2005)

Nga

Mustai Karim (Мостай Кәрим) tên thật là Mustafa Safich Karimov, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1919 và mất ngày 21 tháng 9 năm 2005. Ông là nhà thơ nhân dân, nhà văn và nhà viết kịch của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Bashkir (Liên Xô cũ).

Karim chào đời tại làng Klyashevo Chishminskaya (một khu tự trị thuộc Bashkir) trong một gia đình nông dân. Năm 1941, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bashkir, khoa Ngôn ngữ và Văn học. Từ những ngày đầu Chiến tranh Thế giới II đến trước chiến thắng, Mustai Karim ở mặt trận, làm tham mưu trưởng pháo binh. Sau chiến tranh ông dành toàn bộ cho sáng tác và các hoạt động xã hội.

Mustai Karim bắt đầu viết từ giữa những năm 30. Năm 1938, ông xuất bản tập thơ đầu "Các đội di chuyển". Năm 1941, ông cho ra mắt tập thơ thứ hai "Tiếng xuân". Kể từ đó, ông cho xuất bản hơn 100 tác phẩm thơ văn và hơn 10 tác phẩm sân khấu. Ông được trao danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội năm 1979 và giải thưởng văn học mang tên Solokhov.

Tác phẩm

Mẹ tôi xưa hát bài này
Mẹ tôi xưa hát bài này
Ru tôi vẫn ẵm trong tay những giờ
Bài này mẹ hát ngày xưa
Cho con khi mẹ tiễn đưa lên đường
Mẹ tôi xưa hát bài này
Cho con. Từ ấy bao ngày cách xa
Càng xa, tha thiết lời ca
Lại càng vang động thiết tha bên lòng
Một tia lửa sẽ bừng sáng cháy
Con ơi con, điều ấy biết rồi
Nếu mà tia lửa kia rơi
Sẽ là một chút tro thôi, chẳng còn
Giọt nước chảy vào muôn giọt khác
Sẽ biến thành biển nước mênh mông
Nếu chỉ là một giọt trong
Sẽ tan thành chút hơi không còn gì
Chân con mà chẳng bước đi
Thì đường sẽ rộng thêm vì người đông
Chân con mà bước đi cong
Thì đường rậm cỏ vì không chân người
Nếu trên đường ấy, con ơi
Nở đầy hoa thắm, bao lời ngợi ca
Nếu đường chỉ nở một hoa
Người đi sẽ dẫm chân qua hững hờ
Một cành hoa đẹp bơ vơ
Đứng ra giữa lối, dại khờ khoe tươi
Một tia lửa trước gió trời
Đừng khoe mình sáng trên trời bay cao
Giọt nước nhỏ hoà vào biển rộng
Mãi mãi là sức sống thanh xuân
Con đi, mẹ những mong thầm
Cỏ không mọc lấp bước chân, dấu giày
Mẹ tôi xưa hát bài này
Ru tôi khi ẵm trong tay những giờ
Bài này mẹ hát ngày xưa
Cho con khi mẹ tiễn đưa lên đường

(Tố Hữu dịch)
Nguồn: Đợi anh về (thơ dịch của Tố Hữu), NXB Văn học, 2010