Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Tháp Chàm ở Ninh Thuận
Tháp Chàm ở Ninh Thuận
Thứ Năm 19, Tháng Tư 2007
Ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với tháp Hoà Lai và tháp Pô Klông Garai ở Ninh Thuận.
Tháp Chàm ở Ninh Thuận có hai phong cách thuộc hai thời kỳ, được gọi là phong cách sớm (Hoà Lai) và phong cách muộn (Pô Klông Garai).
Cùng với tháp Pô Klông Garai và tháp Pô Rômê trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tháp Hoà Lai là những gì còn sót lại từ thời kỳ vàng son rực rỡ của vương quốc Champa vùng Panduranga. Một công trình kiến trúc nghệ thuật đến nay chưa có lời giải rõ ràng về phương cách xây dựng, ai là người xây và xây vì mục đích gì.
Tháp Hoà Lai
Nằm về hướng Bắc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 15km và thuộc địa phận xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tháp Hòa Lai là cụm di tích đã hơn ngàn năm tuổi của vùng Panduranga. Đặc biệt, đây là công trình cổ kính còn tương đối nguyên vẹn trên dải đất miền Trung. Năm 1986, Bảo tàng Ninh Thuận trong khi khảo sát đã phát hiện một linga bằng đá sa thạch ở khu vực tháp Hòa Lai. Còn có khá nhiều cổ vật Champa hiện đang nằm trong các sưu tập tư nhân.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu phương Tây, khu tháp Hoà Lai hay còn gọi là Tam Tháp là một trong những cụm di tích Champa cổ nhất và đẹp nhất còn sót lại. Tháp được xây dựng vào đầu thế kỷ IX, trước đây gồm 3 tháp trên một diện tích 200m2, rộng 125m; phong cách kiến trúc này nổi bật với vòm cửa nhiều mũi tròn, các trụ bổ tường hình bát giác cùng lối trang trí hình lá uốn cong.
Nguyên khởi, tháp là một tổng thể kiến trúc gồm tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam. Hiện diện bên cạnh các công trình tháp còn là tường thành bao quanh và một lò gạch. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ XIX, người Pháp và quan chức địa phương đã cho phá phần trên của tháp Giữa để phục vụ nghiên cứu, cho nên hiện nay chỉ còn lại phần nền.
- Tháp Hòa Lai
Nhìn tổng thể, mỗi công trình tháp mang một nét riêng biệt, tuy nhiên các công trình đều được xây dựng rất hòa hợp với nhau. Tháp Bắc được chạm khắc hình người, mặt chim Garuda và hoa lá rất tinh xảo. Ở hướng Đông tháp có một cửa vào, 3 hướng còn lại chỉ là cửa giả. Vào trong tháp xây dựng gạch nhỏ dần lên, có các ô hình tam giác để gắn đèn khi cúng tế.
Tháp Nam cao hơn, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đơn giản gần như phác thảo. Toàn bộ thân tháp là một khối lập phương khỏe nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn.
Nét đặc sắc nổi bật tại các công trình thuộc cụm tháp Hoà Lai này chính là lối trang trí hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, ở các trụ ốp, ở bộ diềm mái. Lối trang trí này vừa mang tính chức năng nhấn mạnh ấn tượng cho các thành phần cấu trúc vừa phô bày vẻ đẹp của các hoa văn.
Những vòm cửa tò vò trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giả và các ô khám của các tầng. Vành của cửa vòm được phủ kín bằng những hoa văn hình cuộn vọt ra từ miệng của quái vật Kala trên đỉnh là một điểm nhấn hấp dẫn. Hình ảnh của khoảng tường giữa hai trụ ốp được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá; bộ diềm mái là nơi hiện diện những hoa văn tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda đang xòe cánh.
- Tháp Pô Klông Garai
Tháp Pô Klông Garai
Đại diện cho phong cách muộn (đầu thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII) là tháp Pô Klông Garai và tháp Pô Rômê. Tháp Pô Klông Garai nay thuộc địa bàn phường Đô Vinh (Phan Rang- Tháp Chàm) là quần thể kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ XIII. Garai (1151-1205) là vị vua Champa có công lớn trong việc dẫn thuỷ nhập điền, khi qua đời được nhân dân xây tháp để tôn thờ.
Tháp Pô Klông Garai gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ khác nhau, nhưng hiện chỉ còn lại 3 ngôi xây bằng gạch. Đó là tháp Cổng (cao 8,56m), tháp Lửa (cao 9,31m) và tháp Chính (cao 21,59m, mỗi cạnh rộng hơn 10m). Bố cục và cấu trúc của mỗi tháp là cả một công trình kiến trúc nghệ thuật. Mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các hoạ tiết gốm, đá với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần.
Bên trong tháp Chính có thờ tượng vua Pô Klông Garai bằng đá dưới hình thể Mukhalinga và một tượng bò thần Nadin bằng đá ở lối ra vào. Công trình có trình độ kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Tại đây diễn ra lễ hội Katê hàng năm với các nghi thức rước y trang, mở cửa tháp, tắm tượng thần mang đậm sắc thái tâm linh thu hút đông đảo đồng bào Chăm và du khách đến tham quan.
- Trang trí trên đỉnh tháp
Tháp Pô Rômê
Tháp Pô Rômê được coi là phiên bản chưa hoàn hảo của tháp Pô Klông Garai. Có thể thấy sự thừa hưởng có tính sáng tạo rất rõ nét ở công trình kiến trúc nghệ thuật này. Linga tám tay với khuôn mặt của vị vua được thần hoá Pô Rômê là một ví dụ. Hình bà Thu Chí (bà Trinh Nữ), vợ của vua ở miếu thờ với bộ ngực tròn, đầy đặn, nở nang và đôi mắt vô cùng sống động của một cô gái Chăm cũng nói lên điều đó.
BTV: Đông Tỉnh NCCong