Công tác giáo dục truyền thống ở Mỹ
USANói ra có lẽ bạn khó tin: tại các trường tiểu học và trung học, thậm chí vườn trẻ ở nước Mỹ giầu có hiện nay, người ta vẫn tiếp tục dạy con em họ “ôn nghèo nhớ khổ”, không quên truyền thống từ nghèo khổ đi lên của ông cha, nhằm trau dồi cho lũ trẻ biết tự giác quý trọng lương thực thực phẩm và biết đồng tình với những người nghèo trên thế giới.
Toàn thể học sinh trường tiểu học Vendon bang Maryland gần đây đều tham gia một hoạt động ngoại khóa kéo dài 3 ngày có tên là khóa học “xin ăn”. Trong sinh hoạt này, nhà trường quy định một số em đóng vai “cán bộ cơ quan từ thiện”, phụ trách việc phát chẩn, còn lại đa số các em thì đóng vai “người lang thang cơ nhỡ, người ăn xin hoặc người nghèo”.
Trong suốt 3 ngày đó, cứ đến giờ ăn trưa là ai vào vai nấy. Các “cán bộ cơ quan từ thiện” chuyên lo việc phát từng suất ăn tới mỗi “kẻ cơ nhỡ vô gia cư”; các em đóng vai “người xin ăn” thì xếp hàng chờ phát chẩn rồi ngồi xuống xì xụp ăn uống. Dù hình thức hoạt động này rất sôi động nhộn nhịp, nhưng tất cả các em đều tỏ ra khá nghiêm chỉnh, thật sự trịnh trọng coi đây là một dịp quý giá để “thể nghiệm cuộc sống”, không ai coi là trò đùa nhí nhố.
Suất ăn của những “người cơ nhỡ” về lượng đều không đủ no, về chất cũng vậy – bánh mì là loại bánh bột thô rẻ tiền, thức ăn chỉ có khoai tây luộc nghiền thành bột kèm hai miếng thịt mỡ, là thứ thịt hạng bét ngoài chợ chẳng mấy ai mua. Trong khi các em ăn, một thầy giáo đứng bên cạnh nhắc nhở : 100 năm trước, tổng số người cơ nhỡ lang thang vô gia cư ở nước Mỹ đông gấp đôi hiện nay, mặc dù dân số ngày ấy ít hơn; hiện nay nước Mỹ vẫn còn khoảng 1 triệu người khốn khó như vậy; còn trên toàn thế giới thì hiện nay có tới 200 triệu người sống bằng “nghề” ăn xin – bữa ăn của họ kém xa suất cơm các em đang ăn.
Lời nói của thầy giáo khiến các em học sinh suy nghĩ. Có một chuyện đáng kể là hầu hết các em đều không thích đóng vai “cán bộ cơ quan từ thiện” mà chỉ muốn nhận vai “kẻ xin ăn”; cho nên các thầy cô phải chỉ định người làm “cán bộ cơ quan từ thiện”.
Bạn sẽ dễ dàng tưởng tượng được là sinh hoạt “xin ăn” kéo dài ba ngày ấy thật sự không dễ chịu đối với các em học sinh. Có em kêu mệt mỏi, nhức đầu hoa mắt, tư tưởng không tập trung; có em nói rất nhớ các bữa ăn ngon miệng no nê ở nhà; có em tâm sự bây giờ mới hiểu thế nào là đói ăn khát uống.
Trường trung học Steve ở San Francisco tổ chức hoạt động “thể nghiệm cảm giác đói” thu hút được 75 em học sinh từ 11 tới 14 tuổi hăng hái tham gia. Sau khi tan giờ học buổi sáng, các em học sinh rút thăm để nhận một vé ăn. Vé nào in con số “15” có nghĩa là em ấy thuộc vào loại người giàu chiếm 15% tổng số dân trên thế giới, em đó sẽ được hưởng một suất ăn ngon miệng, no nê, hơn nữa lại được phục vụ chu đáo. Vé nào in con số “25” nghĩa là em đó thuộc vào tầng lớp trung lưu chiếm 25% số dân thế giới, suất ăn của em sẽ có cơm đủ no, cá rán và đậu hầm. Nếu rút được vé in con số “60” thì nghĩa là em đó sẽ đại diện cho tầng lớp người nghèo chiếm 60% số dân toàn thế giới; suất ăn chỉ có một ít cơm, một ít khoai tây luộc nghiền không có dầu mỡ gì hết, hơn nữa phải đứng xếp hàng khá lâu để lĩnh suất ăn chứ không được ngồi vào bàn ung dung chờ người phục vụ bưng đến như mấy cô cậu “nhà giàu” kia.
Thầy Welkinson hiệu trưởng giới thiệu: các em học sinh qua rút thăm chia làm 3 nhóm theo tỷ lệ tương đương với tình hình thực tế trên thế giới. Mặc dù hoạt động “thể nghiệm cảm giác đói” này chỉ có tính chất tượng trưng, song qua đó các em nhỏ đã hiểu được trên thế giới còn rất nhiều người đói ăn, tình trạng bất bình đẳng đầy rẫy khắp mọi nơi. Sau hoạt động ấy, chúng tôi thấy quả nhiên các em không còn phí phạm thức ăn như trước, ngược lại còn quyên tặng cho “Ngân hàng lương thực” của nhà trường khá nhiều thức ăn tiết kiệm được hoặc tiền ăn quà cha mẹ cho. Các thứ các em học sinh quyên góp được, chúng tôi đều chuyển ngay tới các cơ quan từ thiện hoặc gửi tới tận châu Phi xa xôi đang thiếu lương thực.
Ngoài các hoạt động “ôn nghèo nhớ khổ” do nhà trường tổ chức ra, dưới sự gợi ý của phụ huynh, các em học sinh tại nhiều TP lớn như New York, Los Angeles, Philadelphia v.v.. đều phổ biến tự phát tổ chức hình thức hoạt động “kỷ niệm sinh nhật theo kiểu đơn giản thời ông bà”. Em Madi ở New York tỏ ra thích thú khi nghe bố mẹ kể ngày xưa ông bà tổ chức mừng sinh nhật rất đơn giản. Thế là hôm kỷ niệm ngày sinh của mình, em mời ông nội đến dự, đề nghị ông già kể lại lớp trẻ ngày xưa tổ chức mừng sinh nhật ra sao. Madi thu xếp buổi liên hoan mừng sinh nhật của mình đúng như lời ông kể, đơn giản, tiết kiệm mà vẫn vui nhộn thú vị. Hôm sau, cậu bé đem toàn bộ số tiền tiết kiệm được quyên góp vào “Quỹ ủng hộ người thiếu đói ở châu Phi”.
Phần lớn phụ huynh ở Mỹ đều giơ cả hai tay tán thành hình thức hoạt động “thể nghiệm cuộc sống” nói trên. Song cũng có một số ít cho rằng hoạt động ấy có thể có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe các em nhỏ. Những người tổ chức hoạt động “thể nghiệm cuộc sống” thì kiên trì nói cảm giác khó chịu do “đói” gây ra chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn cho nên không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe các em nhỏ, mặt khác, chính là trong quá trình vượt qua nỗi khó chịu ấy mà lũ trẻ mới có được sự “thể nghiệm cuộc sống” như thật, bản thân việc khắc phục cảm giác khó chịu đó cũng là quá trình trau dồi phẩm chất con người. Nói cách khác, đó là phần “học phí” phải trả cho sự giáo dục phẩm chất của trẻ em – dĩ nhiên là giáo dục kiểu Mỹ.
Theo Oversea Digest