Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Thiền tự > Chùa Hàm Long

Pagoda Ham Long

Chùa Hàm Long

Cập nhật: Đông Tỉnh

Chủ Nhật 15, Tháng Năm 2011, bởi Cong_Chi_Nguyen

Chùa Hàm Long tên chữ là Hàm Long Tự. Xếp hạng: Di tích lịch sử nghệ thuật thành phố (riêng 2 tấm bia là di tích quốc gia). Địa chỉ: ngõ 18 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 21°01’11"N 105°51’16"E, cách Hồ Gươm hơn 1km về hướng nam. Điểm dừng bus lân cận: số 25 phố Huế (xe 08, 09, 31, 35A), 13 Trần Hưng Đạo (xe 03, 23, 43), đối diện 29 Hàn Thuyên (xe 23).

Bản đồ trực tuyến

Giới thiệu

Chùa Hàm Long thờ Phật và thờ thành hoàng làng là thần Ngô Long. Làng này x­ưa kia tên là thôn Hàm Châu, thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long, sau đổi là thôn Hàm Khánh, thuộc tổng Thanh Nhàn. Chùa hiện nay toạ lạc ở cuối con ngõ nhỏ mở cạnh số nhà 18 phố Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Theo truyền thuyết thì thần Ngô Long là vị phụ đạo chính quốc thời Hùng Duệ V­ương, có công dẹp giặc Hồ Lư­ ở Châu Hoan. Ngô Long từng sống ở quán Long Đầu. Sau khi Ngài mất, dân chúng sửa quán đó thành đền Hội Khánh để thờ phụng. Đức vua Lý Thái Tổ, khi dời đô về Thăng Long đã chú ý ngay đến ngôi đền này và chính thức phong cho Ngô Long danh hiệu Long thần. Thế đất đền Hội Khánh tựa như rồng ngậm ngọc (Hàm Châu Long), nhà vua bèn cho đổi tên thành chùa Hàm Long.

Đến thời Lê Trung hưng, có bà thái phi họ Trương, vợ Tấn Quang vương Trịnh Bính và một số người trong Trịnh tộc đã sửa lại ngôi chùa với quy mô lớn, thành một nơi "danh thắng trong 36 cõi thiền". Công việc tiến hành trong 11 năm từ Chính Hoà 23 (1702) đến Vĩnh Thịnh 9 (1713) mới hoàn thành.

Sau khi ngư­ời Pháp chiếm được Hà Nội, họ cho dựng một nhà thờ công giáo to lớn ở gần sát phía nam chùa Hàm Long. Tuy vậy, ngôi chùa cổ vẫn luôn luôn có đông Phật tử đến chiêm bái. Đến năm 1947, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị bom đạn tàn phá nặng nề nhưng rồi được trùng tu ngay. Vào năm 1950 lại có hai vị hòa thượng Tố Liên và Tứ Hải đứng ra tổ chức trùng tu lần nữa, mở thêm trường giảng Phật pháp cho tăng ni Phật tử.

Kiến trúc

Phần còn lại của chùa Hàm Long được xây dựng vào cuối thập niên 1940, bao gồm khu thờ tự và trường Phật học. Đó là một dãy nhà 2 tầng có kiến trúc kiểu mới với sàn mái bằng bê tông, trường chiếm một gian nền và toàn bộ tầng trệt của chùa. Còn khu thờ Phật thì ở trên tầng hai. Chùa chính được xây gạch, phần trên làm 2 tầng mái với các góc đao cong. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Cổ diêm giữa 2 mái xếp chấn song bằng sứ, hình con tiện. Mặt ngoài đắp tên chùa bằng 3 chữ Hán "Hàm Long Tự”.

Chùa vốn có quy mô lớn, nhưng đến nay bị lấn chiếm chỉ còn phần chủ yếu ở trên gác hai của trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Trong chùa, trên vị trí cao nhất có đặt bộ tượng Tam Thế, tiếp đến thấp dần là bộ A Di Đà tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, toà Cửu Long, Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Đức Ông, Thánh Tăng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng thần Ngô Long cũng được thờ chung ở đây cùng với Thập điện Diêm Vương và Bồ Tát. Các pho tượng đều có kích thước nhỏ và mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Cũng trên sân tầng 2 chếch về phía bên phải chùa chính còn có hai kiến trúc nhỏ là Điện Mẫu và miếu thờ thành hoàng. Điện Mẫu gồm 2 gian xây gạch, 4 mái, gian giữa thờ Tứ phủ, Tam phủ, Đức Thánh Trần và Mẫu Thượng Ngàn; gian bên thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma và 2 vị sư Tổ của chùa đã viên tịch. Miếu thờ thành hoàng Ngô Long nằm sát tường hồi tầng 2, mặt trước treo bức cửa võng chạm rồng chầu, tứ linh, bên trong đặt long ngai, bài vị thành hoàng.

Lưu ý

Dấu tích cổ nhất của chùa Hàm Long là 2 tấm bia đá, giếng ngọc và 2 ngôi tháp 3 tầng, nơi lưu giữ xá lị của các nhà sư đã viên tịch. Bia nằm trên khu đất cũ của chùa, cách trường khoảng 30m. Văn bia khắc năm Giáp Ngọ Vĩnh Thịnh 10 (1714), đến thời thuộc Pháp đã được xếp hạng bởi Viện Viễn đông Bác cổ. Hai bài ký do 2 danh thần thời Lê Trung hưng là Đặng Đình Tướng và Nguyễn Quý Đức soạn thảo, một bia ghi công đức của vợ chúa Trịnh Cương góp tiền góp ruộng cúng và bia kia ghi lại việc trùng tu chùa.

Sáng ngày 19-5-2013 tức ngày 10 tháng Tư Quý Tỵ theo âm lịch, nhân dân phường Phan Chu Trinh đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật đi kèm các quyết định liên quan. Theo đó, các tấm bia của chùa Hàm Long được xếp hạng di tích quốc gia và chùa Hàm Long được xếp hạng di tích cấp thành phố.

Di tích lân cận

Tham khảo: Hà Nội - di tích lịch sử văn hoá và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr239-241.


Xem online : http://hanoipanorama.blogspot.com/