Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Lý Quang Diệu phát biểu tại Hội thảo Tương lai châu Á

Lý Quang Diệu phát biểu tại Hội thảo Tương lai châu Á

Thứ Năm 2, Tháng Sáu 2011, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

Tại Hội thảo quốc tế “Tương lai châu Á” lần thứ 17 đang họp tại Tokyo, Nhật Bản, nguyên Bộ trưởng cấp cao của Singapore Lý Quang Diệu nhận định rằng tới cuối thế kỷ này GDP Trung Quốc mới có thể vượt Mỹ. Ông cũng tin tưởng sâu sắc là trong 20-30 năm tới Trung Quốc sẽ giữ mối quan hệ tốt với Mỹ và Nhật, nhằm để có môi trường hoà bình và ổn định phát triển kinh tế. Về mối quan hệ lâu dài giữa Trung Quốc với Mỹ, ông nói: “Điều đó phải xem Mỹ đối xử với Trung Quốc như thế nào.” Ông cho rằng nếu Mỹ làm Trung Quốc thất vọng thì sẽ gây ra ý đồ đối địch và phản cảm. Ngược lại, nếu Mỹ hoan nghênh Trung Quốc trở thành một quốc gia quản lý công việc của thế giới, hỗ trợ giải quyết các vấn đề quốc tế, thì (Mỹ) có thể giúp Trung Quốc trở thành một nước lớn có trách nhiệm.

Hội thảo quốc tế Tương lai châu Á do báo Kinh tế Nhật Bản (Nihon Keizai) tổ chức hàng năm; lần nào ông Lý Quang Diệu cũng tham dự và đối thoại với khách dự hội
thảo.

Trong buổi đối thoại hôm 26/5/2011, ông Shunji Yanai cựu đại sứ Nhật tại Mỹ nêu ra một số câu hỏi với nguyên Bộ trưởng cấp cao Lý Quang Diệu.

Trong 30 phút đối thoại, hai ông đã trao đổi ý kiến, phát biểu quan điểm về các lĩnh vực hoà bình, phát triển kinh tế. Buổi đối thoại này được hơn 800 đại biểu dự Hội thảo vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh.

Vùng Đông Bắc nước Nhật vừa trải qua trận động đất-sóng thần và rò rỉ phóng xạ hạt nhân của nhà máy điện Fukushima ngày 11/3/2011. Khi bắt đầu đối thoại, ông Lý
Quang Diệu trước hết đã ca ngợi tinh thần chống thiên tai của người Nhật.

“Khi xảy ra tai hoạ, người Nhật tỏ ra trật tự kỷ luật, không hoảng sợ, cũng không xảy ra bạo loạn, điều đó thể hiện phẩm chất quốc dân ưu tú của người Nhật. Ngoài ra,
công tác sửa chữa khôi phục sau tai hoạ đã tiến hành nhanh chóng. Sân bay Sendai ngập nước, thế mà sau một tháng đã sử dụng lại được, điều đó cho thấy nước Nhật có khả năng ứng phó tai hoạ này.”

Ngoài ra, ông cho rằng Nhật là một nước có nhiều trận động đất nhưng người Nhật có tinh thần chống thiên tai tổng thể, dưới gầm bàn mỗi người bao giờ cũng có sẵn những vật dụng ứng cứu thiên tai, khi tai hoạ xảy ra có thể sống còn nhờ các thứ trữ sẵn trong ba lô.

Cuộc hội thảo hôm nay có chủ đề “Vượt qua thách thức, tìm kiếm cầu nối châu Á”, trong đó vấn đề hoà nhập kinh tế khu vực luôn luôn được những người dự họp quan
tâm.

Trả lời câu hỏi của cựu đại sứ Shunji Yanai về quan điểm đối với đề xuất thành lập Khối Đông Á, ông Lý Quang Diệu nói:

“Khu vực này có tình hình khác với châu Âu, có nhiều tình hình đa nguyên hoá hơn, song dù thế nào thì một hiệp định buôn bán tự do sẽ là ý nguyện chung. Trung Quốc
quan tâm đến ‘ASEAN cộng 3 (Trung Quốc-Nhật-Hàn Quốc)’, nhưng một lựa chọn khác là hoà nhập với Ấn Độ, New Zealand và Australia. Tôi tin rằng tổ hợp này có một
đối tác quan trọng là Mỹ. Bởi lẽ nước Mỹ có kỹ thuật, có năng lực tiêu dùng. Muốn tổ chức khu vực thương mại tự do thì ắt phải bao gồm Mỹ.”

Khi được hỏi về vấn đề sự trỗi dậy của Trung Quốc và vấn đề cân bằng sức mạnh quân sự ở châu Á, ông Lý Quang Diệu cho rằng Mỹ có vai trò rất quan trọng tại khu
vực Thái Bình Dương.

“Tôi tin rằng Giải phóng quân (Trung Quốc) sẽ lớn mạnh cùng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tôi không cho rằng có lý do nào có thể ngăn cản Trung Quốc có hải quân, lục quân và không quân hàng đầu thế giới. Họ lập kế hoạch có máy bay tàng hình và tàu sân bay, đây là điều không thể tránh được. Song le, tôi vẫn tin rằng để vượt Mỹ về khoa học kỹ thuật, Trung Quốc cần có một thời gian dài nữa.”

Ông nói: “Mỹ duy trì sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương là có lợi cho việc giữ cân bằng. Khu vực này không có bất cứ tổ hợp quân sự nào có thể cân bằng được thế lực của Trung Quốc sau khi tăng trưởng. Cứ cho là kết hợp Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, thậm chí cả Đài Loan, Ấn Độ, đều không thể cân bằng được Trung Quốc. Trung Quốc quá to lớn, chỉ có khoa học kỹ thuật Mỹ mới có thể làm được điều đó (cân bằng Trung Quốc).”

Trong buối đối thoại nói trên, Lý Quang Diệu đánh giá tốt triển vọng kinh tế của cả hai nước Trung Quốc và Mỹ.

Ông nói: “Trong thế kỷ này Trung Quốc có khả năng luôn luôn giữ được tăng trưởng kinh tế hai con số.”

Đồng thời ông nói, tuy hiện nay Mỹ đang đứng trước các vấn đề như thâm hụt tài chính, nhưng nước này có thể dựa vào tiềm năng độc đáo của mình để thoát ra khỏi khó khăn.

“Nước Mỹ có tiềm lực sáng tạo nền kinh tế kiểu mới, như họ có công ty Microsoft, họ cũng sáng tạo ra mạng Internet. Ngoài ra họ còn có một ưu thế mà Trung Quốc không có, đó là khả năng vận dụng tiếng Anh. Thế mạnh ấy làm cho họ có thể thu hút nhiều hơn nữa các tinh hoa thế giới đến nước Mỹ. Hiện nay ở Mỹ có 2 triệu người Ấn Độ, 1 triệu nhân tài người châu Á gồm người Nhật, người Hàn Quốc, và người Đông Nam Á. Có càng nhiều nhân tài đến Mỹ, điều đó cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ càng nhanh.”

Tiếp đó ông Shunji Yanai hỏi: “Nói như vậy, Singapore có được thành tựu như hiện nay là do dùng tiếng Anh?”

Ông Lý Quang Diệu đáp: “Vâng. Tôi nghĩ, nếu chúng tôi chọn tiếng Hoa thì chúng tôi không phát triển được (như vậy). Cho dù mới đầu chúng tôi chọn tiếng Hoa thì Trung Quốc chưa chắc đã có thể giúp chúng tôi tăng trưởng, huống chi chúng tôi là một quốc gia đa nguyên chủng tộc. Nhiều quốc gia phát triển đều lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ nhất hoặc thứ hai; tiếng Anh giúp chúng tôi có thể làm ăn với nhiều quốc gia hơn, hoặc thu nhận được nhiều tri thức.”

Ông Lý Quang Diệu vừa mới thôi giữ chức Bộ trưởng cấp cao trong chính phủ Singapore, hoàn toàn trao chiếc gậy (chạy tiếp sức) cho thế hệ tiếp sau.

Ông Shunji Yanai cũng hỏi về vấn đề này như sau: “Thưa Ngài, Ngài là Khai quốc nguyên lão của Singapore, là một nhà lãnh đạo thành công. Tôi rất muốn biết Singapore đào tạo ê-kíp có năng lực lãnh đạo như thế nào?”

Ông Lý Quang Diệu khiêm tốn đáp: “Vấn đề năng lực lãnh đạo có khác nhau tùy theo mỗi nước. Ông có thể lãnh đạo nước Đức, người Đức bằng lòng nghe theo ông; nhưng sang nước Pháp thì chưa chắc có tác dụng. Nếu đã có những người tài giỏi mạnh mẽ, có tố chất, (thì) chỉ cần mách cho họ một số kỹ sảo là được thôi.”

“Hồi sang thăm Australia, tôi có hỏi một người chăn cừu là vì sao chỉ một tiếng huýt sáo miệng mà ông có thể sai một chú chó dẫn dắt cả đàn hàng trăm con cừu? Người ấy trả lời: ông phải chọn được một chú chó sinh ra đã có năng lực nhận biết rất tốt, nó có thể giúp ông trông coi tốt đàn cừu. Loài chó ấy được phối giống chuyên để đẻ ra loài chó chăn súc vật, là chó béc-giê. Nói cách khác, nếu chọn một chú chó thường thì dù có dành bao nhiêu thời gian huấn luyện, nó cũng chẳng thể chăn súc vật được.”

NGUYÊN HẢI

1) zaobao.com 27/5/2011

2) future-of-asia.nikkei.jp The Future of Asia 2011