Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Khu di tích trung tâm Hoàng thành Hà Nội

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Hà Nội

Thứ Sáu 3, Tháng Sáu 2011

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long có tổng diện tích 18.395 m2 nằm giữa các phố: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn (trừ khu sẽ xây dựng Nhà Quốc hội), Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương. Cửa vào di tích khảo cổ học ở số 18 Hoàng Diệu, cửa vào di tích Cấm thành ở 19c Hoàng Diệu. Bắc Môn ở phố Phan Đình Phùng. Tất cả thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Di tích khu Cấm thành

Đoan Môn

Đoan Môn là cổng thành phía Nam của Cấm thành, là nơi qua lại của Hoàng gia, và các quan binh thân cận nhà vua... Trục địa lý gần trùng với đường “thần đạo” nối giữa công trình này với điện Kính Thiên và Kỳ Đài, là đường thẳng chia Hoàng thành làm hai mảng kiến trúc cân đối theo lối xây dựng điển hình thời phong kiến.

Đoan Môn có ba tầng. Tầng một gồm năm cửa - trong đó có một cửa chính, hai cửa phụ, hai cửa ngách. Cửa chính giữa dành cho vua, các cửa bên dành cho các quan. Phía trên cổng chính gắn một bảng đá ghi hai chữ Hán “Đoan Môn”. Các cửa đều được xây cuốn vòm. Ngoài cùng là cầu thang rộng xây lộ thiên dẫn lên lầu hai.

Tầng lầu thứ hai có khuôn viên rất rộng hai bên, được trang trí bằng những ô đất trồng cỏ và những cây hoa đại lâu năm... Hệ thống cửa trong tầng lầu thứ hai được thiết kế theo hình lục giác, khác biệt hoàn toàn với lối cửa cuốn tò vò phía trước và hai bên cánh gà. Phía trên cửa chính giữa tầng lầu thứ hai được đắp nổi ba chữ Hán “Ngũ Môn Lâu” (Lầu năm cửa).

Tầng lầu thứ ba trổ cửa vòm ba hướng, mái lợp hai tầng tám mái, bốn góc mái tầng hai được trang trí rồng cuốn. Trong lầu có đặt một ban thờ nhỏ trước cửa tò vò.

Điện Kính Thiên

Từ Đoan Môn có con đường dài lát gạch đi thẳng đến thềm điện Kính Thiên. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, điện được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Vị trí điện ở núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần.

Sau khi bị Pháp phá huỷ vào cuối thế kỷ 19, điện Kính Thiên chỉ còn lại nền và hai thềm bậc đá trước sau. Phía trước điện là đôi rồng đá dài 5.3m uốn mình mềm mại, phía sau điện là một đôi rồng đá khác dài 3.4m, hai bờ thềm tạc mây lửa và hoa lá cách điệu kiếu Hậu Lê (năm 1467).

Hậu Lâu

Hậu Lâu hay Tĩnh Bắc Lâu được xây từ sau đời Hậu Lê, là nơi ở và sinh hoạt của các hoàng hậu, công chúa. Toà lầu có ba tầng, được dựng trên một dải đất cao, xung quanh có nhiều cây xanh, hoa đẹp. Hai lối vào được thiết kế đối xứng tả hữu theo trục Bắc – Nam. Phòng và hành lang không có tường vách, có lẽ xưa kia chỉ được ngăn cách bằng rèm lụa. Hành lang dài phía sau nối hai bên tả hữu, ở giữa là lối vào phòng kín nhất.

Tầng một và tầng hai Hậu Lâu đều có ba phòng. Cầu thang dẫn lên tầng hai khá hẹp. Phòng giữa có bốn mái hiên cách điệu. Hai phòng bên được xây theo lối hai tầng tám mái. Cầu thang dẫn lên tầng ba thậm chí chỉ vừa đủ cho một người đi. Tầng ba chỉ có một phòng, được thiết kế theo lối hai tầng tám mái. Các mái được lợp ngói ống, vuốt cong các góc bằng hình tượng đầu phượng duyên dáng.

Di tích Thành Hà Nội

Phần lớn di tích trước thời Nguyễn không còn vì những biến động chính trị cuối thế kỷ 18 và sự phá huỷ Cấm thành để xây dựng Trấn Bắc thành vào đầu thế kỷ 19. Tên Thành Hà Nội xuất hiện năm 1831, khi Minh Mạng lập các tỉnh trên cả nước. Thành Hà Nội là trụ sở của tỉnh Hà Nội và hành cung phía Bắc của các vị vua nhà Nguyễn mỗi khi có việc từ Huế ra Bắc Hà.

Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương và thành Hà Nội là khu vực quân sự. Người Pháp đã phá điện Kính Thiên làm Sở chỉ huy pháo binh và xây dựng một số kiến trúc xung quanh. Từ năm 1954 khu vực này là Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 2004 bàn giao lại cho UBND Hà Nội một số phần trong Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Bắc Môn

Đoạn giữa phố Phan Đình Phùng là Bắc Môn, cổng duy nhất trong 5 cổng ngoài của thành Hà Nội còn sót lại với 2 vết đạn pháo do quân Pháp bắn ngày 25-4-1882 khi chúng đánh Hà Nội lần thứ hai.

Bắc Môn được nhà Nguyễn xây năm 1805 trên nền Cửa Bắc thời Lê theo lối vọng lâu: phần lầu ở trên, phần thành ở dưới. Trước cổng là chiếc cầu gạch bắc qua con hào rộng bao quanh thành, sau bị Pháp lấp. Phần lầu được dựng theo lối chồng diêm tám mái, lợp ngói ta, trổ cửa ra bốn hướng. Đứng trên lầu có thể quan sát khắp trong ngoài thành, do đó quân đội Pháp vẫn sử dụng làm chòi canh gác.

Bắc Môn cao 8,71 m, rộng 17,08 m, tường dày 2,48 m. Phía ngoài bên trên cổng thành còn ba chữ Hán “Chính Bắc Môn” khắc trên đá, diềm biển trang trí hoa dây. Hiện nay, lầu trên cổng thành mới được phục dựng một phần và dành làm nơi thờ hai vị Tổng đốc thành Hà Nội đã tuẫn tiết là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

Kỳ Đài

Kỳ Đài (Cột Cờ) xây dựng năm 1812, dưới triều vua Gia Long, hiện nằm trong khuôn viên Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ca dao có câu:

“Kỳ đài năm thước vút trời cao
Thông đạt trong tâm có đường vào
Trong sáng muôn nơi dồn cả lại
Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao!”

Kỳ Đài cao hơn 40m, hình tám cạnh, đứng trên ba cấp hình vuông. Cấp dưới cùng rộng 42x42m, cấp trên cùng rộng 13x13m. Cấp giữa mở 4 cửa, chỉ 3 cửa có tên là Nghênh Húc (đón ánh nắng mai) ở phía đông, cửa Hướng Minh (hướng về ánh sáng) ở phía Nam và cửa Hồi Quang (ánh sáng phản chiếu) phía tây. Cầu thang xoáy ốc, có 51 bậc. Đỉnh cột cờ hình khối bát giác có trụ để cắm cờ.

Kỳ Đài đã được trùng tu hai lần vào tháng 12/1959 và tháng 11/1989.

Ý nghĩa:

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (bao gồm cả bộ phận di tích khảo cổ học phát lộ trong lòng đất và bộ phận di tích trên mặt đất trong thành Hà Nội) đã minh chứng lịch sử 13 thế kỷ của các chính quyền kế tiếp, trong đó có gần 10 thế kỷ phát triển văn hóa độc lập ở Cấm thành Thăng Long và Trấn thành Hà Nội.

Đánh giá:

Ngày 1-8-2010, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Di tích gần nhất:

Đền Trấn Vũ, Văn Miếu, chùa Một Cột.

Tham khảo:

Nghiên cứu lịch sử, 387-392, Viện Sử học, 2008

Niên giám thông tin khoa học xã hội, tập 2, Viện thông tin khoa học xã hội, 2007


Xem online : Khu di tích khảo cổ học thành Thăng Long