Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Âm nhạc > Nguyễn Thiện Đạo: Dựng vở opera–ballet về Kiều

Nguyễn Thiện Đạo: Dựng vở opera–ballet về Kiều

Thứ Ba 7, Tháng Sáu 2011, bởi CTV

Nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo chia sẻ, ông đang thực hiện một vở opera –ballet Kiều, tương tự vở Mỵ Châu - Trọng Thuỷ trước đây. Dự kiến tháng 1 sang năm sẽ hoàn tất.

"Ngày nay, điện ảnh và chân dài đi trước, âm nhạc vẫn đứng sau. Xã hội vốn tồn tại những bất công", nhạc sĩ Việt kiều Pháp Nguyễn Thiện Đạo cho biết.

Trong cuộc giao lưu ngắn ngủi với sinh viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, người hâm mộ đã hiểu thêm về một nhà soạn nhạc gốc Việt có tên trong Từ điển Danh nhân CH Pháp và là 1 trong số vài ba người được Chính phủ Pháp mua tác phẩm trọn đời. Vội vàng về Việt Nam, vội vàng quay lại Paris, “khổ tâm” với dự án được đặt hàng, người nghệ sĩ ở tuổi 73 nhưng vẫn sáng tác như đang thời thanh tân sung sức nhất.

- Thưa nhạc sĩ, sinh thời các nhà soạn nhạc nổi tiếng đi theo một con đường mới thường ít khi được ghi nhận khi họ còn trên dương thế. Việc theo đuổi âm nhạc hiện đại hay âm nhạc mới – dòng nhạc chưa có tại Việt Nam và cũng chưa có đông công chúng trên thế giới và đạt được thành công ngay ở giai đoạn sáng tác đỉnh cao của cái tên Nguyễn Thiện Đạo liệu có phải sự riêng biệt?

- Thực ra mà nói, tới bây giờ, tôi cũng không biết là mình có thành công hay không. Với âm nhạc thì không có cũ mới, chỉ có hay hoặc không hay, công chúng đón nhận hay không đón nhận. Mỗi người đều có một con đường đi đến mặt trời. Có thể đúng, có thể sai. Nhưng sai hay đúng thì trước hết là họ dám dấn thân.

- Là một trong số rất ít nhạc sĩ được Chính phủ Pháp mua tác phẩm trọn đời, ông có cho rằng đó là may mắn lớn khiến Nguyễn Thiện Đạo được toàn tâm với sáng tác và cho ra đời các tác phẩm có chất lượng cao?

- Người ta vẫn nói: ông trời không cho ai tất cả và không lấy đi của ai tất cả. Sự đãi ngộ của chính quyền là một động lực lớn để tôi sáng tác nhưng nếu không có nó, tôi vẫn phải lao động và lao động hết mình. Không phải lo lắng về tiền bạc, nhưng tôi lại có những nỗi khổ nội tâm mà không ai có thể chia sẻ và gánh vác hộ mình được.

- Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các nhạc sĩ Việt Nam chưa có được các tác phẩm tầm thế giới là vì những đãi ngộ mà họ được hưởng chưa tương xứng. Ông có đồng quan điểm đó không?

- Tôi nghĩ rằng, đã dấn thân vào âm nhạc tức là dấn thân vào muôn trùng khó khăn. Vì thế để thành công, mình phải gạt bỏ đi tất cả các yếu tố khác, và đặc biệt là không được chán nản, bi quan, hay phẫn uất. Ngày trước văn học - hội hoạ đi trước, âm nhạc chỉ đứng hàng hai. Ngày nay, điện ảnh và chân dài đi trước, âm nhạc vẫn đứng sau. Xã hội vốn tồn tại những bất công. Như Đức Phật nói: “cuộc đời là một thung lũng tràn đầy lệ”. Trong khi chờ những sự công bằng, hợp lý thì người nhạc sỹ vẫn phải lao động hết mình đã. Lòng thành cảm kích trời đất, tôi tin vào điều đó. Còn đúng là nghệ thuật hàn lâm ở Việt Nam chưa có những chính sách thực sự hợp lý để nó phát triển.

- Được mua tác phẩm trọn đời và luôn phải sáng tác theo đơn đặt hàng, có khi nào nhạc sĩ nghĩ rằng lao động tự do sẽ thoải mái và thăng hoa hơn?

- Ở nước ngoài, một nhạc sĩ chuyên nghiệp là một nhạc sỹ được đặt hàng. Nên việc sáng tác theo đơn đặt hàng là điều hiển nhiên và tôi không cho đấy là sức ép. Với mỗi tác phẩm được ra đời, ở đó không chỉ là tâm huyết lao động mà còn là sự thăng hoa cảm xúc.

- Gần đây trên diễn đàn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam có nảy sinh cuộc tranh luận về nhạc và lời trong ca khúc với đa số ý kiến cho rằng: sở dĩ khí nhạc của Việt Nam không phát triển được là do truyền thống trọng lời hơn nhạc. Quan điểm của nhạc sĩ về vấn đề này?

- Ý kiến đó đúng đấy. Nhưng truyền thống này không chỉ ở Việt Nam mà ở Á Đông và Trung Đông nói chung. Người Việt Nam yêu chuộng văn thơ, coi văn thơ là hàng đầu nên trọng lời hơn nhạc cũng là điều dễ hiểu. Trong khi ở phương Tây, cách đây mấy thế kỷ, họ đã phân biệt khí nhạc bác học thành hai loại: nhạc thuần khiết (nhạc không lời) và nhạc có lời như opera chẳng hạn. Còn Việt Nam sau 1 thế kỷ du nhập âm nhạc phương Tây, vẫn chưa có sự phân biệt rạch ròi đó. Hơn nữa, dòng nhạc nhẹ đang chiếm lĩnh quá nhiều trên các phương tiện truyền thông, giải trí cũng khiến cho khí nhạc bị lép vế trong đời sống tinh thần của công chúng.

- Khí nhạc Việt Nam hiện nay không có âm nhạc đương đại, thậm chí không có cận đại hay hậu cận đại, theo ông phải đến bao giờ Việt Nam mới có?

- Nhận định đó có thể đúng. Vì nếu muốn có âm nhạc đương đại, tôi nghĩ phải 1, 2 thế kỷ nữa. Âm nhạc phương Tây tại Việt Nam còn quá non trẻ so với thế giới nên không thể nóng vội được.

- Kế hoạch sắp tới của ông tại Việt Nam là gì?

- Tôi đang thực hiện một dự án - lại là đặt hàng - về truyện Kiều. Một vở opera – ballet Kiều, tương tự vở Mỵ Châu - Trọng Thuỷ trước đây. Dự kiến tháng 1 sang năm sẽ hoàn tất.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thái Vân (Tổ Quốc)